Hạnh phúc là thành viên trong gia đình Chúa
Suy Niệm Chúa Nhật X Thường Niên – B
(Mc 3, 20-35)
Thiên Chúa là Cha nhân từ
Thiên Chúa khôn ngoan và nhân từ, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có ? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ?
Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ” Evà trả lời: “Con rắn đã cám dỗ tôi” (x. St 3, 11-13).
Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).
Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa: “ Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).
Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là “Tiền Tin Mừng” vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).
Mẹ và anh em Chúa
Lòng nhân từ của Thiên Chúa là lòng nhân từ cứu độ, chẳn nhữn nâng con người lên mà còn cho con người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta” (x. Mc 3, 32-35).
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Với lời khẳng định : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi” (Mc 3, 33). Chúa Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Sống tình gia đình với Chúa
Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người : “Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi” (Mc 3, 35). Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình Chúa, có Đức Maria làm Mẹ suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã mở rộng gia đình Chúa để cho chúng con được dự phần, xin cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, hầu xứng đáng là thành viên trong gia đình Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ