Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / ĐẠI LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT 2018, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn

ĐẠI LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT 2018, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn

 

 

Ngày 22 tháng 2 năm 1931, tại tu viện Plock (Ba Lan), Chúa Giêsu đã hiện ra với nữ tu HELENE FAUSTINA KOWASKA và trao cho chị một Thông điệp quan trọng về Lòng Chúa Thương Xót để truyền bá cho toàn thể nhân loại. Người đã phán với Chị: “Ta sai con đem TÌNH THƯƠNG của Ta đến cho toàn thể thế giới. Ta KHÔNG muốn đoán phạt, nhưng muốn CHỮA LÀNH và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Ta” (NK số 1588), “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Ta dành cho họ, và kêu họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Ta” (NK số 1567).

Năm 1980, Thánh GH Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” (Dives in Misericordia) minh chứng sự phê chuẩn của Giáo hội. Và đến ngày 30.4.2000, trong dịp lễ phong thánh cho nữ tu Faustina, ngài đã thiết lập lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới: “Từ nay về sau, trong khắp Giáo hội, Chúa nhật thứ hai mùa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Ngày nay, một trong những lòng sùng kính phát triển nhanh nhất là việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) mà đỉnh cao phải hướng tới là Đại lễ Kính LCTX. Đây là Lễ được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính LCTX.

Giáo hội chọn ngày lễ này để mời gọi mọi người, trước hết là tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, qua đó thực hiện lòng thương xót với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh. Tham dự Đại lễ kính LCTX cũng là cơ hội để mọi người thúc giục nhau tín thác vào Đức Kitô, Đấng chịu chết để cứu độ nhân loại.

Theo thông lệ, Chúa nhật II Phục Sinh, 8.4.2018, Đại lễ Kính LCTX được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Đây là Đại lễ hết sức quan trọng của Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót và là lần thứ 11 được tổ chức tại TGP Sài Gòn.

14g20, trời nắng nhẹ nhưng không có gió, không khí rất oi bức và khó chịu. Mở đầu cho ngày hội LCTX là bài thánh ca “Bao La Tình Chúa” do đội kèn tây giáo xứ Gò Mây tấu lên. Tiếp nối là hồi trống vang dội, với sự biểu diễn rất “chuyên nghiệp” của quý Sœur Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục. Các tiết mục khai mạc chương trình đã tạo ra bầu khí hết sức sôi nổi, đầy ấn tượng, và sự thoải mái, nhẹ nhàng cho mọi người trong tâm tình ngày hội hướng về LCTX.

Năm nay, ban tổ chức đã cố gắng thực hiện mái che nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tham dự đại lễ. Ban tổ chức cũng bố trí 11 tòa Hòa giải dành cho những ai có nhu cầu xưng tội, để có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong Đại lễ theo quy định của Giáo hội.

Tiếp theo, người dẫn chương trình – LM Giuse Nguyễn Phát Tài, Chánh xứ Gx Tân Thông, và anh Hiệp – giúp Cộng đoàn tìm hiểu lịch sử Phong trào Sùng kính LCTX.

Phong trào Sùng kính LCTX khởi đầu từ đất nước Ba Lan, quê hương của hai Tông đồ mẫu mực của LCTX (Chị Thánh Faustina và Thánh GH Gioan Phaolô II). Đến nay, phong trào (PT) đã lan rộng khắp thế giới. Tại Việt Nam, PT Sùng kính LCTX xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21. Ban đầu chỉ là những nhóm nhỏ tự phát từ giáo dân. Họ quy tụ lại chủ yếu chỉ là đọc kinh, cầu nguyện, truyền bá những kinh, sách và hình ảnh về LCTX.

Có thể nói rằng TGP Sài Gòn là cái nôi của PT Sùng kính LCTX tại Việt Nam. Từ đây, các CĐLCTX đã được hình thành và phát triển khắp các Giáo phận cả nước. Một cột mốc đặc biệt, đó là cuộc gặp mặt của quý Cha linh hướng tám Giáo phận: Sài Gòn, Xuân Lộc, Phan Thiết, Bà Rịa, Vĩnh Long, Ban Mê Thuột, Kon Tum và Thanh Hóa trong hai ngày 24 và 25 tháng 7 năm 2017, tại nhà thờ xứ Rạng, GP Phan Thiết, để tìm cách thống nhất về các hoạt động của PT Sùng kính LCTX tại Việt Nam theo đúng hướng của Giáo quyền.

Chương trình được nối tiếp với ca sĩ Trường Nguyên và nhóm múa giáo xứ Tân Thông, GP Phú Cường, qua bài thánh ca “Đến Với Lòng Chúa Thương Xót”. Tiếp theo là nhóm hợp xướng Lumen, với hai nhạc bản: “Phúc Cho Ai Xót Thương” và “Where Love Is Found” (Nơi Tình Yêu Được Tìm Thấy). Tất cả những ca khúc đều làm nổi bật tình yêu Thiên Chúa và kêu gọi mọi người hãy mau sám hối, quay về với LTX của Chúa.

Đúng 15g00, giờ cao điểm của LTX, giờ ân sủng cho toàn thế giới, Cộng đoàn bắt đầu đọc chuỗi kinh LTX – một trong các phương thế cầu nguyện hữu hiệu nhất và là cách chu toàn động thái của LTX.

Chuỗi kinh LCTX đã được Chúa Giêsu truyền cho Thánh nữ Faustina tại Vilnius ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa: “Ta vui lòng ban mọi điều họ nài xin Ta bằng việc lần chuỗi kinh ấy. Khi những tội nhân cứng lòng đọc chuỗi kinh, Ta sẽ đổ đầy bình an cho linh hồn họ, và giờ chết của họ sẽ là một giờ hạnh phúc”  (x. NK số 1541). Với điệp nguyện tha thiết:

“VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ, XIN CHA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI”.

Chắc hẳn Đức Giêsu cũng hết sức mủi lòng khi nghe lời kêu cầu, van nài của hàng chục ngàn người thốt ra từ buổi trưa hè với cái nắng nóng oi bức. Ơn tha thứ của Chúa sẽ tuôn đổ xuống những ai thành tâm chạy đến với LTX của Ngài.

Kết thúc phần cầu nguyện là lời tuyên tín của Cộng đoàn bằng bài thánh ca “Chúa Giàu Lòng Xót Thương”.

Chương trình được tiếp nối với tiểu phẩm “Tình yêu Tha thứ”, do Quý Sœur và Đệ tử Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi trình diễn.

Vở diễn nguyện vận dụng câu chuyện tình của tiên tri Hô-sê, để minh họa Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Tiên tri Hô-sê đã vâng lời Đức Chúa mà cưới Gô-me (con gái ông Đíp-la-gim), một cô gái điếm làm vợ. Nhưng rồi Gô-me phản bội ông khi nàng lại quay về nghề cũ. Đau khổ tột cùng vì bị phản bội, nhưng Hô-sê một lần nữa đã vâng lời Đức Chúa, tha thứ và yêu thương đón nhận lại người vợ lỗi lầm. LTX của Chúa đối với con người cũng vậy, dù con người luôn lỗi phạm với Chúa, nhưng tình yêu Ngài dành cho con người luôn bất biến, một tình yêu tha thứ, kiên nhẫn.

Đại lễ năm nay hân hoan được đón tiếp Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá GP Hưng Hóa. Đức Cha đến với Đại lễ qua huấn từ “Đức Tin trong việc Tôn sùng LCTX” (xem toàn văn bài chia sẻ của Đức Cha tại mục Lá Thư Linh Hướng). Bài chia sẻ nhấn mạnh sự khác nhau về ý nghĩa của hai cụm từ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

– Trong cụm từ Lòng Chúa Thương Xót, Chúa là chủ của lòng thương xót.

Đức Cha nêu vấn đề: Để được hưởng lòng thương xót của Chúa, ta phải làm gì? Hãy đến với Chúa, nhưng cần phải tránh một thái cực khác, là vụ lợi để được hưởng lòng thương xót của Chúa. Nếu đến với Lòng Chúa Thương Xót chỉ để xin ơn thì không đúng rồi đó.

– Cụm từ Lòng Thương Xót Chúa nói lên con người là chủ của hành động thương xót, và có hai nghĩa: thương xót Chúa, tức yêu mến Chúa, và yêu như Chúa yêu.

Không phải chỉ Chúa yêu thương con người mà thôi, Ngài còn muốn con người yêu mến, đáp lại, làm nên tình yêu song phương. Tình yêu đúng nghĩa phải có hai chiều. Khi đã yêu mến Chúa rồi, ta sẽ có lòng thương xót như Chúa, trở nên hình ảnh sống động của Chúa, lòng ta trở nên lòng Chúa, ta thể hiện lòng thương xót đó cho người chung quanh.

Đức Cha kết thúc phần chia sẻ bằng lời nhắn nhủ: “Khi sùng kính lòng Chúa thương xót, anh chị em cũng phải thương xót tha nhân, nhất là với những người đau khổ, bé mọn…

Chúng ta không yêu thương tha nhân theo cách của chúng ta, vì con người thường so đo, tính toán, cân-đong-đo-đếm! Tình thương của con người thường có giới hạn, trong khi tình yêu của Chúa lại không bến không bờ. Trong tư cách Chủ tịch UB Loan Báo Tin Mừng trực thuộc HĐGMVN, tôi xin anh chị em ý thức rằng khi tôn sùng và thực hành LCTX là chúng ta đang thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng”.

Chương trình được tiếp nối với thánh ca “Thương Con Chúa Ơi”, sáng tác mới nhất do chính tác giả, Linh mục Nhạc sỹ Giuse Trần Cao Thăng, Chánh xứ Gx Bắc Dũng, hạt Xóm Mới, trình diễn.

Tiếp theo là phần chia sẻ của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Tổng linh hướng CĐLCTX TGP Sài Gòn, với chủ đề: “Tâm tình tín thác trong việc sùng kính LCTX”.

Khi bệnh tật, hoặc gặp những điều khó khăn ngoài khả năng giải quyết, con người thường hay đến với Chúa, tín thác vào Chúa, để Chúa ban ơn, vì Chúa giàu lòng xót thương. Khi nhận được ơn, chúng ta cảm tạ Chúa, còn không được ơn, chúng ta không còn tín thác vào Chúa nữa. Chúng ta đã đi ngược lại quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Như vậy, chữ tín thác phải hiểu như thế nào?

Cha Ernest lấy hình ảnh của một em bé, luôn cảm nhận được sự an toàn khi ở bên cha mẹ, để minh họa cho sự tín thác vào Chúa.

Tín thác đòi hỏi điều kiện đầu tiên là đức tin. Khi tín thác, không nên đặt điều kiện với Chúa. Chúng ta như một trẻ nhỏ, tự bản chất, thấy mình không xứng đáng. Nép mình bên Chúa, phải được hiểu là chúng ta không có công trạng gì, tất cả đều được ban phát từ Chúa. Người khôn ngoan là người đặt niềm tin vào sự vững bền. Trong cuộc lữ hành ở trần thế, người Công giáo phải biết hướng về những điều vững bền. Tín thác vào LCTX, chúng ta không bao giờ thất vọng. Điều quan trọng là ở bên Chúa, chúng ta luôn được bình an, một sự bình an xuyên suốt trong cuộc sống.

Tín thác vào LCTX, giúp chúng ta có con tim giống Chúa, biết yêu mến tha nhân. Đó chính là thước đo lòng tín thác vào Chúa của mỗi người: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).

17g05, anh Gioan B. M. Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng BCH CĐLCTX TGP, thay mặt Cộng đoàn dâng lên Chúa những ý nguyện xin khấn.

17g15, Đoàn rước Linh tượng LCTX và Đoàn đồng tế bắt đầu tiến lên lễ đài. Thánh lễ mừng kính LCTX do Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục TGP Sài Gòn chủ tế. Đồng tế có Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ tá GP Hưng Hóa, LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng – Tổng Linh hướng CĐLCTX TGP Sài Gòn và 12 Linh mục. Có khoảng 8.000 người đến tham dự Đại lễ.

Trong bài giảng, Đức Cha Luy chia sẻ: Niềm tin của chúng ta dựa vào đức tin của tập thể các Tông đồ. Niềm tin này còn được củng cố thêm nhờ lời chứng của chính Tôma. Có thể nói, lời tuyên xưng của Tôma là đỉnh cao của việc loan báo Phúc Âm. Đức tin không mâu thuẫn với khoa học, nhưng đức tin không phải là khoa học. Vì đức tin liên hệ tới một thực tại ở bên kia thế giới. Và đức tin vén mở cho những ai chịu mở lòng, mở trí để nhận những điều mà khoa học không thể chứng minh được.

Các môn đệ được ban Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, đã được biến đổi, và đó chính là những dấu chứng đầu tiên cho những tín hữu của những thế hệ kế tiếp các Thánh tông đồ.

Qua đoạn sách Công vụ Tông đồ, Đức Cha chủ tế nêu bật sự hiệp thông của Hội Thánh tiên khởi. Chính sự toàn tâm toàn ý này mà hơn 2000 năm qua, Giáo hội không ngừng phát triển, mặc dù có những lúc chia rẽ, có những lúc bị những thế lực thù địch chống phá nhưng Giáo hội vẫn tồn tại.

Sau lời cám ơn của Ban tổ chức, Đức Cha chủ tế ban phép lành toàn xá theo quy chế Giáo hội dành cho Đại lễ này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, tha thứ và ban bình an cho mỗi người chúng con.

Giuse Phạm Đình Vinh

 

Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP Sài Gòn chân thành cám ơn:

– Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông Tòa Sài Gòn.

– Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, GM TGP TP. HCM.

– Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, GM PT Gp Hưng Hóa.

– Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn.

– Cha Tổng Đại diện Inagtiô Hồ Văn Xuân.

– Cha Tổng Linh Hướng Ernest Nguyễn Văn Hưởng.

– Cha Giuse Lê Đoài Túc, Đặc trách CĐLCTX GP Hưng Hóa.

– Cha Giám đốc và Quý Cha TTMV Tgp TP. HCM.

– Cha Giám đốc, Quý Cha và Quý Thầy ĐCV T.Giuse Sàigòn.

– Cha Giuse, Thư ký UB Di Dân – HĐGM VN – LM Thừa sai LTX.

– Cha Fx. Bảo Lộc, Giám học TTMV TGP TP. HCM.

– Cha Giuse, Hạt trưởng hạt Phú thọ.

– Cha Tổng Phục vụ và Quý Cha Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.

– Quý Cha đồng tế.

– Cha Trưởng ban, Sr Têrêsa và Ban MV Truyền thông Tgp.

– Cha Giuse Nguyễn Phát Tài, Chánh xứ Gx Tân Thông và anh Hiệp

– Cha Giuse Trần Cao Thăng, Chánh xứ Gx Bắc Dũng và Ban nhạc

– Sr Tổng Phụ trách Anna, Quý Sr và Đệ tử Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục.

– Quý Sr và Đệ Tử Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi.

– Quý Sr Dòng T.Phaolô thành Chartres.  

– Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM, Ban Tôn Giáo Thành Phố, Ủy Ban Nhân Dân Quận I, Ủy Ban và Công An Phường Bến Nghé.

– Tổng C.Ty Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Adora Đông Phương, C.Ty Âm Thanh Việt Thương, C.Ty Âm thanh/Ánh sáng Xuân Đức, C.Ty Văn Hoa Việt, C.Ty Tín Thành, C.Ty Tân Sinh Nghĩa và Cty Thiên Gia Bảo Maia Club.

– Hướng Đạo Công Giáo TGP – Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể TGP – Gia đình Khôi Bình TGP – Ca đoàn Tổng hợp – Đội kèn tây Giáo Xứ Gò Mây – Phòng khám Đa khoa Thánh Mẫu, Ca đoàn Lumen, ca sĩ Trường Nguyên và nhóm múa Gx Tân Thông.

– Quý Ông-Bà-Anh-Chị-Em tham dự Đại lễ.

Tất cả đã góp phần vào thành công của Đại lễ. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên Quý Đức cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và mọi người.

Hẹn gặp lại ở Đại lễ 2019.

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …