NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ
(NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM)
(Ga 18, 1-19.42)
Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.
- Nghịch lý của Thánh Giá
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và chai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.
Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bỉu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “kích động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!
Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết chóc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để xử tử tội nhân mà thôi.
Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.
Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.
Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.
Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước cây trái cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.
Như vậy, từ cây trái cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và trái cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do nguyên tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh.
Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).
Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).
- Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi
Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? “ (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).
Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.
Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương.
Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.
Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “ Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” (Gl 2,19-20).
Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.
BUỔI CHIỀU THINH LẶNG THÁNH
(Is 52, 13-53, 12; Dt 4, 14-16; 5, 7-9; Ga 18, 1 – 19, 42)
“Hỡi không gian rủ sương mù ngàn mây hỡi hãy che khắp trời cao. Ánh kim ô vụt lu mờ. Vì thương Chúa gánh muôn nỗi khổ đau” (Giờ tử nạn, Lm. Hoài Đức).
Với những lời hát rất sâu lắng ấy, tác giả đã dẫn đưa chúng ta đi vào tâm tình của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong thinh lặng.
Thinh lặng để thấy, hiểu, để cảm nghiệm và để thay đổi lối sống cho phù hợp với những gì tốt lành mà mình đã thấy, hiểu và cảm nghiệm.
Thinh lặng còn làm cho chúng ta đi vào tâm tư của người khác để cùng họ sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
- Thinh lặng để thấy
Cũng vậy, trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta rất cần sự thinh lặng để sống những tâm tình vừa nêu ở trên!
Trước tiên, thinh lặng để thấy: thấy Đức Giêsu là Đấng rất thương những người nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, người ốm đau bệnh tật. Từ đó, Ngài không thể lặng im khi những điều đó xảy ra với con người dưới những chiêu bài “đánh lận con đen” khi nhân danh tôn giáo, đạo đức, người nghèo để làm khổ nhau.
Ngài không chỉ lên tiếng gián tiếp, nhưng Ngài đã “chỉ mặt đặt tên” nơi những con người có tâm đen tối. Ngài không chỉ nói mà còn hành động. Ngài không sợ chết mà ngược lại, sẵn sàng lấy mạng sống của mình bảo vệ những người bị ngược đãi để đổi lấy sự công bằng.
Chính vì thái độ và lựa chọn của Đức Giêsu như vậy, nên chúng ta thấy Ngài đã bị những người Pharisêu, Kinh Sư, Thượng Tế ghét bỏ và tìm mọi cách để hạ sát. Với họ, Đức Giêsu chính là cái gai trong mắt, cái đó ngáng đường. Họ luôn coi Ngài là thành phần nguy hiểm, cần phải loại trừ ra khỏi xã hội.
Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy phản ứng chống lại Đức Giêsu của những nhà lãnh đạo Dothái thời bấy giờ rất gắt gao do những nguyên nhân như: ghen tương, thù hận, gian dối, kiêu ngạo.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhìn thấy thái độ hoang tưởng và vụ lợi của Giuđa; sợ hãi của Phêrô cũng như các môn đệ khác; sự thay trắng đổi đen của dân chúng; sự hèn nhát, nhập nhằng của Philatô….
Trên đây là những điều chúng ta thấy được qua cuộc thương khó của Đức Giêsu.
- Thinh lặng để hiểu
Khi đã thấy được nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đấng Cứu Thế, giờ đây, chúng ta cùng nhau thinh lặng để hiểu về cuộc thương khó này dưới cái nhìn cứu độ.
Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta thấy có hai tên trộm: một người được gọi là thánh trộm lành; một người phải gọi là kẻ trộm dữ. Tại sao vậy? Thưa, đơn giản là người trộm lành đã biết lắng nghe và hiểu được Đức Giêsu là ai! Đặc biệt, trong thinh lặng, anh ta còn nhận ra tội lỗi của mình để xin Chúa tha thứ. Còn tên trộm dữ đã không biết lắng nghe, ngược lại, hắn không ngớt chửi rủa và trách móc Đức Giêsu cũng như những kẻ đóng đinh hắn. Hắn không hiểu được ý nghĩa của cái chết nơi Đức Giêsu, vì thế, hắn đã tự mình đánh mất “phao cứu sinh” cuối cùng của cuộc đời đầy tội lỗi. Và như một lẽ tất yếu, hắn đã phải chết như một kẻ xa lạ với ơn cứu chuộc mà Đức Giêsu mang lại qua cái chết của Ngài.
Cũng như người trộm lành, qua cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta hiểu được rằng: tình yêu của Thiên Chúa là vô hạn. Tình yêu ấy đã đi bước trước để đến với nhân loại qua việc trao ban chính Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì được sống và sống dồi dào.
Đến lượt Đức Giêsu, tình yêu ấy được nở hoa cứu độ ngay trên thập giá, bởi vì: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”.
Như vậy, chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể nhận ra và cảm nghiệm sâu xa về cái chết của Đức Giêsu là vì tình yêu, đồng thời, qua đó, chúng ta sẽ nhìn thấu tội lỗi của chính mình và của nhân loại, ngõ hầu ăn năn, sám hối, để được đón nhận ơn tha thứ từ mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giêsu.
- Thinh lặng để đổi thay
Từ những gì đã thấy, đã hiểu, đã cảm nghiệm, có lẽ mỗi người chúng ta đều có với nhau một mẫu số chung, đó là: bất bình, lên án những người đương thời với Đức Giêsu vì sự ác tâm, thất đức của họ, khiến Đức Giêsu phải chết một cách đau thương tức tưởi như vậy!
Tuy nhiên, trong thinh lặng sâu lắng, chúng ta cũng nên làm một cuộc cật vấn lương tâm tận đáy lòng mình, để xem thử mình có liên quan gì đến cuộc thương khó của Đức Giêsu không?
Xét về mặt khách quan bên ngoài như địa lý, thời gian và đối tượng, có lẽ chẳng thể nào tìm ra được một ai có những hành động trực tiếp với Đức Giêsu như những người Pharisêu, Kinh Sư và Thượng Tế khi xưa. Nhưng, xét về sự liên đới tâm linh, chắc chắn chúng ta không thể vô can nếu không muốn nói là tàn ác chẳng thua kém những kẻ gây nên cái chết của Đức Giêsu, thậm chí còn nặng hơn nữa!
Thật vậy, nhiều khi chúng ta sống thực dụng, ham tiền, hám lợi và chuộng danh vọng, những lúc như vậy, chúng ta đâu khác gì các môn đệ của Đức Giêsu khi các ông tranh giành chỗ nhất – nhì trong vương quốc mà họ tưởng chừng Đức Giêsu sẽ lập chốn trần gian!
Lại nữa, sự phản bội, vô ơn và sống hai mặt, nhiều khi lại là lựa chọn chủ đạo của chúng ta trong đời sống. Khi lựa chọn những thứ đó làm nền tảng cho đời sống của mình, chúng ta đâu khác gì Giuđa!
Rồi có lúc vì sợ mất chức, mất quyền, hay nhát đảm, nên đã không dám tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa, nhiều khi chúng ta cũng từ chối thuộc về Chúa khi không dám đứng về phía sự thật để làm chứng cho chân lý. Những lúc như thế, hình ảnh, thái độ và lựa chọn của Philatô và Phêrô lại hiện lên thật rõ nét trong từng hành vi và lời nói của chúng ta!
Cuối cùng, đám đông dân chúng khi xưa do thiếu hiểu biết, nên đã bị giới lãnh đạo tôn giáo “giật dây”, vì thế, họ đã phản bội Đức Giêsu. Mới ngày nào họ muốn tôn Ngài làm Vua. Sự kiện đó chỉ cách hôm nay có mấy ngày, họ đã long trọng đón Vị Vua ấy vào thành với tư cách là Đấng Thiên Sai, là Vua Israel. Miệng họ cũng đã từng tung hô vang trời lở đất để đón Chúa vào thành. Tuy nhiên, ngày hôm nay, họ đã thay đổi hoàn toàn!
Nhiều khi chúng ta cũng vì cái bụng mà sẵn sàng gian lận, đổi trắng thay đen, hay đã có những lần ta tìm mọi cách kéo Chúa về với phe ta, mặc dù biết những việc ta làm là sai trái…. Hoặc nhiều khi chúng ta cũng sống theo kiểu a dua với đám đông: “Ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi cũng làm theo!”.
Đôi khi chúng ta cũng nhân danh Chúa để làm những điều khuất tất, hoặc lấy Chúa làm bình phong cho những trái khuấy của mình! Lúc không được như ý muốn, chúng ta cũng phản bội Chúa bằng việc quay lưng lại với Ngài khi sẵn sàng tôn thờ một ngẫu tượng nào đó thay cho Chúa. Không còn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình, ngược lại, chúng ta đã lấy lời của những thày bói, thày mo và cô đồng….
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết noi gương trung thành, yêu mến và can đảm của Đức Mẹ; người “môn đệ được Đức Giêsu yêu mến”; những phụ nữ Giêrusalem; bà Verônica; ông Simong và những người đạo đức khác…. Đồng thời, khi suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta hãy học bài học vâng phục và yêu mến của Đức Giêsu với Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự. Từ đó, mỗi người sẽ tiếp bước trên con đường tình yêu ấy cách trung thành để đến với tha nhân như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khai trí mở lòng, để chúng con hiểu thấu được tình yêu mà Chúa dành cho chúng con qua mầu nhiệm thập giá. Xin cho chúng con dám cam đảm nói lên lời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì?” Từ đó, chúng con biết trung thành, can đảm để thuộc trọn về Chúa và sẵn sàng làm chứng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.