Niềm tin của thánh Giuse
Trong Mùa Vọng, có ba nhân vật nổi bật luôn được nhắc đến, đó là ngôn sứ I-sai-a, loan báo Đấng Thiên Sai sẽ đến, đó là Gioan Tiền Hô, là người mở đường và dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến, nhân vật quan trọng thứ ba là Đức Maria, qua mẹ, Đấng Thiên Sai đến trần gian, và nhờ mẹ, ơn cứu chuộc bắt đầu được thực hiện. Ngoài ra, một nhân vật nữa, cũng rất quan trọng, không thể thiếu trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, đó là thánh Giuse. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến ngài. Thiên Chúa muốn ngài thay Cha trên trời đặt tên cho trẻ Giê-su sẽ là Đấng cứu chuộc muôn dân. Thánh Giuse đã chấp nhận ý Thiên Chúa để kết hôn với Đức Maria. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể và chi tiết hơn.
Khi ấy trinh nữ Maria đã đính hôn với thánh Giuse, nhưng hai người chưa về chung sống với nhau. Chúng ta nên biết, theo phong tục Do Thái thời ấy, hôn lễ được cử hành thành hai giai đoạn : giai đoạn một là lễ đính hôn, tức là khi hai người thanh niên nam nữ ưng thuận hứa hôn với nhau. Giai đoạn hai là lễ thành hôn, khi người thanh niên đón vị hôn thê về chung sống với mình. Cũng giống như tục lệ của chúng ta, cử hành lễ hỏi trước, rồi một thời gian sau mới làm lễ cưới.
Nhưng luật pháp Do Thái về hôn lễ có khác với luật lệ của chúng ta. Trong xã hội của chúng ta, hai người mới làm lễ hỏi chưa được coi như vợ chồng, nên chưa có những quyền lợi cũng như chưa có những trách nhiệm của vợ chồng. Vì thế, đứa con sinh ra trong thời kỳ đính hôn chưa được thừa nhận là con chính thức, nhưng phải kể là con ngoại hôn.
Còn ở Do Thái thì khác, khi hai người đã đính hôn với nhau thì được pháp luật coi như vợ chồng, với đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng. Vì thế, đứa con sinh ra trong thời kỳ đính hôn được coi là con chính thức; người thiếu nữ đã đính hôn mà ngoại tình phải bị ném đá chết như người vợ ngoại tình; người hôn phu muốn rẫy bỏ người hôn thê của mình cũng phải trao tờ ly hôn cho nàng. Chúng ta cần biết những điều về luật lệ hôn phối ở Do Thái như vậy, thì chúng ta mới hiểu được những tình tiết của câu chuyện về thánh Giuse và Đức Maria.
Khi trinh nữ Maria đã đính hôn với Giuse, nhưng chưa về chung sống với nhau, tức là chưa làm lễ thành hôn, thì Maria đã có thai. Đối với mọi người thì đó là chuyện bình thường, vì Maria đã đính hôn với Giuse, và tuy chưa về chung sống với nhau, hai người có quyền ăn ở với nhau như vợ chồng, nên việc Maria có thai là hoàn toàn hợp pháp, không ai có quyền nghi ngờ nàng và tố cáo nàng là đã phạm tội ngoại tình.
Nhưng đối với thánh Giuse là người trong cuộc thì lại khác, ngài biết rõ cái bào thai kia không phải là của mình, và ngài cũng chưa được biết về mầu nhiệm Chúa đã thực hiện nơi vị hôn thê của mình. Điều này đặt thánh Giuse vào một hoàn cảnh hết sức khó xử, ngài không thể nhận bào thai kia là của mình, nhưng ngài cũng không có đủ bằng chứng để tố cáo và buộc tội Maria, ngài biết nàng là một thiếu nữ rất đoan chính.
Vậy phải xử trí thế nào bây giờ ? Ngài tìm cách để giải quyết sao cho ổn thỏa đôi đàng. Ngài không thể đón Maria về chung sống với mình, vì như vậy là đương nhiên công nhận bào thai kia là của mình. Nhưng đàng khác, ngài cũng không có quyền tố cáo Maria, vì lương tâm ngay chính của ngài không cho phép. Vì thế, thánh Giuse đã đi đến quyết định là trao tờ ly hôn cho Maria trước mặt chỉ hai người làm chứng, để rẫy bỏ nàng cách kín đáo. Như vậy vừa giải tỏa được nỗi thắc mắc của ngài không phải công nhận bào thai kia là của mình, vừa không làm tổn hại đến danh dự của Maria, để nàng khỏi bị người ta tố cáo và ném đá.
Nhưng nếu vậy thì chương trình của Chúa không thực hiện được, cho nên Chúa đã can thiệp để dàn xếp câu chuyện. Trong khi thánh Giuse còn đang suy tính thì Chúa sai một sứ thần đến bảo cho Giuse biết việc Maria thụ thai là bởi phép Chúa Thánh Thần chứ không phải theo thói thường nhân loại, Maria sẽ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội. Nghe thiên sứ báo cho biết như vậy, Giuse hiểu con trẻ mà Maria sinh ra chính là Đấng Cứu Thế đã hứa cho nhân loại. Thế là bao nhiêu lo âu thắc mắc của thánh Giuse được giải tỏa và ngài đã thi hành như thiên sứ nói, cử hành hôn lễ để đón Maria về nhà mình.
Khi sai sứ thần đến trấn an và báo tin vui mừng cho thánh Giuse, Thiên Chúa cũng bày tỏ cho thánh Giuse và cho chúng ta biết sứ mạng của Chúa Giê-su. Thực vậy, lời sứ thần giải thích tên gọi của Chúa Giê-su chính là lời công bố sứ mạng của Ngài. Trong Sách Thánh, những tên gọi đều có ý nghĩa riêng, như chúng ta thường nói : tên là người. Vậy Giê-su có nghĩa là cứu chữa : “Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội”. Lời giải thích này hàm chứa nhiều điều. Người Do Thái trông đợi một Đấng Mê-si-a sẽ nối nghiệp Đa-vít, giải phóng họ khỏi mọi kẻ thù, và đưa họ lên địa vị bá chủ muôn dân. Đó không phải là sứ mạng của Chúa Giê-su, sứ mạng của Ngài là cứu mọi người khỏi tội lỗi, Ngài cứu khỏi tội lỗi chứ không cứu khỏi ách thống trị của Rô-ma. Dân của Ngài không phải chỉ là dân Do Thái, nhưng là tất cả những ai đón nhận ơn giải thoát của Ngài để được khỏi tội lỗi.
Quả thật, Chúa Giê-su giải thoát chúng ta khỏi cái mệnh bạc của con người. Ngài giải thoát chúng ta khỏi những ngộ nhận để chúng ta mở mắt với chân lý, Ngài giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, đưa chúng ta từ chỗ sa lầy đến nơi vinh quang, từ hạng tôi đòi tội nhân đến địa vị con cái Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, được Người sống trong tâm hồn, và sau cùng, lúc nhắm mắt xuôi tay, được sống thật, sống mãi với Cha mình là Thiên Chúa trong nơi hoan lạc. Đó là tất cả ý nghĩa sứ mạng của Chúa Giê-su.
Đọc lại bài Tin Mừng hôm nay vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh. Thánh Giuse đã đón nhận mầu nhiệm này vì lòng tin, chúng ta cũng hãy đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh với lòng tin, với sự xác tín : Hài Nhi bé nhỏ sinh ra trong hang đá bò lừa chính là con Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn tốt đẹp để đón Chúa.
Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op