Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 32 TN, A của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 32 TN, A của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A

Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-18; Mt 25,1-13

 

KHÔN NGOAN CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 25,1-13

(1) Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể. (2) Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. (3) Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. (4) Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. (5) Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.(6) Nửa đêm có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi !” (7) Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. (8) Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi !” (9) Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn. (10) Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. (11) Sau cùng, mấy trinh nữa kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài ! Mở cửa cho chúng tôi với !”. (12) Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô !”. (13) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế để phán xét và mở Tiệc cưới Nước Trời. Chỉ những người khôn biết luôn tỉnh thức và trong tư thế sẵn sàng mới được vào dự. Còn những người dại không thực hành tình mến Chúa yêu người, sẽ bị lọai ra bên ngòai. Đức Ki-tô sẽ đến bất ngờ vào giờ chết của mỗi người hay trong ngày tận thế chung cả nhân lọai. Do đó, mọi tín hữu cần luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn dầu đèn là ơn thánh để bất cứ khi nào Chúa đến, họ cũng được vào tham dự bữa tiệc vui với Người

3. CHÚ THÍCH:

– C 1-2: + Mười cô trinh nữ: Trinh nữ là các thiếu nữ chưa chồng. + Cầm đèn của mình ra đón chú rể: Dụ ngôn dựa theo phong tục cưới xin của dân Do thái thời Đức Giê-su. Việc cưới xin thường diễn ra vào ban đêm. Mấy hôm trước ngày cưới, hai bên đàng trai đàng gái đặt tiệc riêng đãi bà con bạn bè của mình. Rồi đến chính ngày cưới, hai họ nhập lại chung để ăn uống tại bên họ nhà trai. Nghi thức quan trọng nhất trong đêm rước dâu như sau: khoảng 6 giờ chiều bắt đầu ngày mới, chàng rể cùng các phù rể cầm đuốc lên đường đến nhà đàng gái. Khi đó cô dâu và các cô phù dâu sẽ sửa soạn cây đèn để chờ đón họ đàng trai. Khi chàng rể đến đón dâu, đám rước sẽ khởi hành đi về nhà trai và nhập bàn tiệc. Các cô phù dâu phải mang theo bình dầu và cầm đèn cháy sáng đứng chung quanh cô dâu chú rể trong nghi thức khai mạc tiệc cưới. Ở đây Đức Giê-su mượn phong tục lễ rước dâu này để dạy môn đệ “Phải luôn canh thức và sẵn sàng”. Người tự ví mình giống như chàng rể. Người sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế để phán xét và mở tiệc cưới Nước Thiên Đàng cho nhân loại. Chỉ những người nào khôn ngoan, thể hiện qua thái độ luôn tỉnh thức và trong tư thế sẵn sàng mới có đủ điều kiện được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời. Còn những người dại biểu hiệu qua thái độ thiếu chuẩn bị, không sống tình mến Chúa yêu người, sẽ không được vào tham dự bữa tiệc cưới Nước Trời. Đồng thời dụ ngôn cũng nhấn mạnh việc “Chàng rể Giê-su sẽ đến bất ngờ” trong giờ chết của mỗi người hay vào ngày tận thế chung của nhân loại. Do đó, mọi tín hữu phải luôn canh thức chờ đợi Đức Giê-su sẽ  đến lần thứ hai bất cứ vào lúc nào.

– C 3-4: + Năm cô dại: Dại vì không biết tiên liệu nên đã không đem bình dầu theo, hoặc có đem mà không đủ dùng, nên khi chàng rể đến thì đèn đã bị tắt. Thái độ khờ dại thể hiện qua hành vi tắc trách: có nhiệm vụ đi đón chú rể, nhưng lại không quan tâm chuẩn bị dầu cho cây đèn của mình. Đây là những kẻ cố chấp không tin Đức Giê-su hay là những người tuy có đức tin nhưng lại lười biếng cầu nguyện dâng lễ và không thực hành Lời Chúa, nên không đủ điều kiện để được Chúa tiếp nhận vào dự bàn tiệc Nước Trời đời sau. + Năm cô khôn: Khôn vì biết tiên liệu nhìn xa, nên đã mang đền có đủ dầu để chờ đón chàng rể đến vào giữa đêm khuya. Đây là những tín hữu đã xây tòa nhà đức tin trên nền đá vững chắc là nghe và thực hành Lời Chúa (x. Mt 7,24). Họ có nếp sống đạo đức và được dồi dào ân sủng của Chúa, luôn sống đức tin bằng việc thực hành đức cây và đức mến. Họ xứng đáng được Chúa cho vào thiên đàng trong giờ chết của họ và trong ngày tận thế chung của toàn thể nhân lọai.

– C 5-6: + Vì chàng rể đến chậm: Chàng rể là Đức Ki-tô sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người hay trong ngày tận thế để phán xét chung nhân loại. + Nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả: Thiếp đi và ngủ diễn tả sự “thức lâu chầu mỏi !”. Tuy vậy các cô khôn vẫn có thể ra đón Chúa đến bất ngờ vì luôn mang theo đèn chứa dầu đầy bình. Cũng vậy, những người công chính sẽ luôn có thái độ sẵn sàng do thường xuyên lãnh nhận các phép bí tích và thực hành giới răn mến Chúa yêu người. + Nửa đêm: Là thời gian nối tiếp giữa ngày hôm trước với ngày hôm sau, tượng trưng cho giờ chết là sự chuyển tiếp từ cuộc sống trần gian sang cuộc sống đời sau. Ngòai ra nửa đêm còn là lúc người ta dễ ngủ say và mất cảnh giác nhất. + Kìa chú rể, hãy ra đón đi: Chú rể ám chỉ Chúa Ki-tô sẽ đến trong giờ chết của mỗi chúng ta hoặc đến với cả nhân loại vào ngày tận thế.

– C 7-9: + Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị: Tới giờ chết các cô dại mới ý thức về sự thiếu dầu trong đèn thì đã quá muộn. + Các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn: Vì trong giờ chết họ sẽ không thể cậy nhờ được người khác giúp đỡ.

– C 10-11: + Chính khi họ đi mua dầu là lúc chú rể đến: Câu này cho thấy: Đừng đợi tới giờ chết mới sám hối thì đã trễ. Chúng ta cần ý thức và luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa ngay lúc còn đang sống. + Những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới: Những người luôn kết hiệp với Chúa sẽ có thể ra đón Đức Ki-tô đến vào bất cứ khi nào. + Và cửa đóng lại: Giờ chết là lúc chấm dứt số phận mỗi người. Những ai được vào dự tiệc cưới sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Còn những kẻ đang từ chối gia nhập Hội thánh sẽ không được hưởng ơn cứu độ. + Thưa Ngài xin mở cửa cho chúng tôi: Lời cầu xin này nhắc lại lời Đức Giê-su: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa ! Là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Cũng như trong dụ ngôn “Tiệc cưới”, Những ai cố tình chống lại Thiên Chúa, hoặc không tin và không chịu sống giới răn yêu thương sẽ bị loại khỏi thiên đàng đời sau (x. Mt 22,13).

– C 12: + Tôi không biết các cô: Giờ chết là giờ phán xét công thẳng và những ai cố tình không tin sẽ không thể được hưởng ơn tha thứ nữa. + Vậy anh em hãy canh thức: Đây là chủ đích của Đức Giê-su khi dạy dụ ngôn này. + Vì anh em không biết ngày nào, giờ nào: Không biết giờ Chúa sẽ kêu gọi là giờ chết. Chính thái độ tỉnh thức sẵn sàng sẽ giúp người ta luôn sống trong ơn nghĩa Chúa và quyết tâm làm các việc lành.

4. CÂU HỎI:

1) Hãy cho biết phong tục lễ rước dâu của người Do thái diễn ra thế nào ? 2) Mười cô trinh nữ được phân thành hai lọai khôn dại là do đâu ? 3) Chi tiết các cô trinh nữ không được vào dự tiệc cưới Nước Trời nhằm dạy chúng ta bài học gì về đức tin ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).

2. CÂU CHUYỆN: ĐÓN CHÚA ĐẾN THĂM

Một buổi sáng nọ, người ta thấy bác thợ đóng giày thức dậy từ sáng sớm. Sau khi dọn dẹp cửa hàng ngăn nắp, bác vào phòng khách ngồi đợi đón vị khách quý là Chúa Giê-su, mà đêm hôm ấy bác đã nằm mơ gặp mặt Người và Người hứa sẽ ghé nhà thăm bác vào lúc ban ngày. Đột nhiên có tiếng gõ cửa gấp. Bác thợ giày vui sướng vì không ngờ Chúa lại đến thăm bác vào lúc sáng sớm. Nhưng khi cửa mở thì người đứng ngòai không phải là Chúa Giê-su, mà là ông lão phát thư quen thuộc. Mặt ông ta bị tím tái do thời tiết ngoài trời băng giá. Bác liền mở rộng cửa đón ông vào ngồi bên lò sưởi ấm áp. Rồi bác đi pha bình trà nóng mời khách. Sau khi tiễn người đưa thư, bác thợ giày lại ngồi chờ. Nhìn qua khung kính cửa sổ, bác thấy một bé gái đang đứng khóc ngoài hiên. Bác ra mở cửa đón em vào nhà hỏi chuyện. Em cho biết đã đi vào rừng từ sáng sớm để kiếm củi khô về nấu nước xông giải cảm cho mẹ em. Do trời mưa tuyết trắng xóa khiến em bị lạc không tìm ra đường về nhà. Nghe vậy, bác thợ giày vội viết vài chữ dán ngòai cửa thông báo cho vị khách quý là Chúa Giê-su biết mình sẽ vắng nhà đến chiều, để đưa cô bé về nhà của cô. Khi tìm thấy ngôi nhà của em và thấy mẹ em đang bị sốt run rẩy nằm trên giường, bác vội đi mời ông bác sĩ gần đó đến thăm bệnh và cho toa, rồi bác đi mua thuốc mang về cho người bệnh uống. Khi bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe bác mới vội về nhà thì trời đã khuya. Bác thợ đóng giầy chẳng còn thiết gì đến ăn uống, nằm vật ra giường nhắm mắt ngủ say như chết. Trong giấc ngủ, một lần nữa bác lại nằm mơ gặp được Chúa Giê-su. Người vui vẻ nói với bác: “Ta cám ơn con hôm nay đã đón Ta vào nhà để sưởi ấm khi Ta đang lạnh cóng. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà, đã chăm sóc giúp ta đang đau được sớm bình phục. Vì mỗi khi con phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật, là con đã phục vụ cho chính Ta đó” (x. Mt 25,40-42).

3. SUY NIỆM:

1) Cần khôn ngoan chuẩn bị đón chàng rể đến bất ngờ:

Dụ ngôn diễn tả khung cảnh một cuộc rước cô dâu về nhà chồng. Chú rể bắt đầu rời nhà vào lúc chập tối để đến nhà cô dâu. Khi đến nơi thì đã khuya, có mười cô trinh nữ cầm đèn cùng cô dâu ra đón chú rể. Rồi bỗng nhiên năm chiếc đèn của năm cô khờ tự nhiên bị tắt ngúm vì hết dầu. Bấy giờ chỉ còn năm cô khôn các cô dại nên các cô dại phải đi mua thì đã trễ. Khi các cô trở về đã bị chú rể từ chối tiếp nhận. Dụ ngôn ám chỉ Đức Giê-su ví như chàng rể sẽ bất ngờ đến với mỗi người chúng ta vào giờ chết. Để được tham dự vào bàn tiệc cưới là thiên đàng đời sau, chúng ta cần luôn tỉnh thức giống như năm cô trinh nữ khôn ngoan luôn chuẩn bị đèn chứa dầu đầy bình. Phải tránh thái độ như năm cô trinh nữ khờ dại mang đèn mà không chuẩn bị có dầu sắn trong đèn. Số phận của hạng người này là sẽ bị Vua Thẩm Phán Giê-su từ chối: “Tôi bảo thật các cô: Tôi không biết các cô !”.

2) Bài học về sự khôn ngoan:

– Cần thực hành Lời Chúa: Nếu người tín hữu chỉ tuyên xưng đức Tin thì chưa đủ, nhưng cây đèn đức tin phải chứa đầy dầu ân sủng là đức Cậy, để có thể tỏa chiếu ánh sáng đức mến qua các việc lành thực thi Lời Chúa. Chúa sẽ đến bất ngờ với mỗi người chúng ta. Người muốn chúng ta phải luôn tỉnh thức nhờ việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa, để nhận ra ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng noi gương Mẹ Ma-ri-a xưa: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51b).

– “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào !”: Canh thức không phải là không ngủ. Trong dụ ngôn hôm nay, tất cả các cô trinh nữ đều đã ngủ. Thế nhưng các cô khôn ngoan vẫn có thể sẵn sàng ra đón chàng rể đến bất ngờ nhờ biết canh thức. Qua đó Chúa muốn dạy chúng ta: Phàm làm bất cứ việc gì, nếu muốn thành công cũng cần phải biết tiên liệu, nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời ứng phó với mọi hoàn cảnh bất ngờ. Một học sinh muốn thi đậu phải biết chăm chỉ học hành ngay từ đầu năm học. Một doanh nhân muốn làm ăn phát đạt cần có tầm nhìn xa để chuẩn bị trước các yếu tố cần cho việc kinh doanh, hầu kịp thời nắm bắt cơ hội làm ăn. Bác nông dân muốn có một mùa gặt bội thu cũng phải chuẩn bị trước giống lúa tốt ngay từ vụ mùa trước… Nói chung, trong bất cứ ngành nghề nào, nếu không biết tiên liệu thì sẽ khó đạt được thành công. Riêng về sự sống đời sau, chúng ta cần ý thức về cái chết và chuẩn đón Chúa đến bằng viếc xét mình sám hối trước khi đi ngủ. Nỗi ngày ngay từ khi thức dậy cần tập thành thói quen dâng ngày mới cho Chúa. Rồi trong ngày năng dâng lên Chúa những lời nguyện tắt kèm theo một việc làm cụ thể để chu toàn các bổn phận đối với bản thân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.

– Cần chuẩn bị loại dầu nào cho đèn đức tin của mình ? Lời Chúa hôm nay cho ta biết điều cần thiết để được hưởng hạnh phúc đời đời là thực hành mến Chúa yêu người, yêu người cụ thể từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm. Vì chúng ta không thể sống trong «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1 Ga 4,8.16), nếu chúng ta không có tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn. Tông đồ Phao-lô đã dạy các tín hữu điều cần để được vào Nước Trời đời sau là phải sống đức Tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mên. Trong ba nhân đức ấy, đức Mến là cao trọng nhất (x. 1 Cr 13,13).

4. THẢO LUẬN: 1) Dầu chúng ta cần chuẩn bị cho cây đèn đức tin là gì ? Ánh sáng phát ra từ cây đèn đức tin là lọai ánh sáng nào ? 2) Hôm nay tôi phải làm gì để chứng tỏ mình là người khôn luôn chuẩn bị để sẵn sàng chờ đón Chúa đến bất cứ lúc nào ?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nếu ngày mai Chúa đến gọi con về thì chắc con sẽ vô cùng lúng túng. Con lúng túng vì đến giờ này con vẫn chưa chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng được Chúa trao qua phép rửa tội và thêm sức ! Cây đèn đức tin của con hiện vẫn đang thiếu dầu ân sủng, nên chưa thể chiếu tỏa ánh sáng tình thương của Chúa, chưa chiếu soi cho anh em lương dân nhận biết ánh sáng Tin mừng để giúp họ nhận biết tin thờ và yêu mến Chúa.

– LẠY CHÚA. Xin cho con mỗi tối quyết tâm dành ra ít phút để kiểm điểm cây đèn đức tin của mình để kịp thời khắc phục sửa chữa. Xin cho con mỗi ngày làm ít nhất một việc tốt để giúp anh em lương dân nhận biết Chúa là Tình Yêu đang hiện diện trong lòng con, hầu sau này họ cũng được tham dự bàn tiệc Nước Trời với con. Xin cho con thực hành theo lời của một người cha đã khuyên đứa con trai thân yêu của ông như sau: “Con ơi, ngày con sinh ra, đôi mắt con vừa nhìn thấy ánh sáng, mọi người đều vui cười với con mà con lại khóc. Con hãy sống thế nào, để một ngày kia, đến giờ sau hết, mọi người đều tràn lệ mà con lại có thể mỉm cười” (Guy de Larigandie).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN