Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 30 TN, A của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 30 TN, A của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN A

Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40

 

MẾN CHÚA THỂ HIỆN QUA ĐỨC YÊU NGƯỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 22,34-40

(34) Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: (36) “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?”. (37) Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

2. Ý CHÍNH:

Câu hỏi của người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu nêu ra với Đức Giê-su để thử Người vốn là một trong những vấn đề mà các Rá-bi Do Thái luôn bất đồng ý kiến và không ngừng tranh cãi nhau: “Trong sách Luật Mô-sê thì điều răn nào là điều răn lớn nhất ?” Nhưng điều họ cho là khó thì Đức Giê-su lại dễ dàng giải đáp. Theo Đức Giê-su thì toàn bộ sách Luật và các Ngôn sứ đều tóm gọn trong hai điều răn lớn nhất là mến Chúa và yêu Người.

3. CHÚ THÍCH:

– C 34-35: + Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng: Trong dân Do Thái có nhiều phe nhóm khác nhau. Phái Xa-đốc vì chỉ dựa trên Luật thành văn là bộ sách Ngũ Thư, nên nghĩ rằng không có chuyện kẻ chết sống lại (x. Mt 22,23). Họ đã dựa trên luật “thế huynh” (x. Đnl 25,5-10) để đặt vấn đề với Đức Giê-su. Người đã trả lời bằng hai điểm: Một là khi sống lại, người ta sẽ sống như các thiên thần (x. Mt 22,30). Hai là Người nhắc lại lời Thiên Chúa phán với Mô-sê rằng: Người là Thiên Chúa của các tổ phụ, ngầm ám chỉ các tổ phụ ấy vẫn đang sống với Người (x. Xh 3,6). Trước những bằng chứng rút từ Thánh Kinh ấy, họ đuối lý và đành câm miệng. + Thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại: Họp nhau ở đây nhằm đối phó với Đức Giê-su. Sau này các đầu mục Do Thái cũng họp nhau để tìm cách giết hại Người (x. Mt 26,3-4). + Một người thông luật trong nhóm: Đây là một kinh sư trong nhóm Pha-ri-sêu. Thời Đức Giê-su có khoảng sáu ngàn người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay Biệt Phái. Cũng như nhóm Ét-sê-ni, nhóm Pha-ri-sêu thường kết nạp những người có lòng đạo đức muốn chống lại ảnh hưởng ngoại giáo. Nhóm gồm các kinh sư, các tiến sĩ Luật và cả tư tế nữa. Họ tổ chức thành hội, nhằm giúp nhau giữ đạo của cha ông và trung thành với Luật Mô-sê. + để thử Người: Ở đây nhóm Pha-ri-sêu nêu câu hỏi nhằm đưa Đức Giê-su vào thế bí, để xem Người sẽ giải quyết thế nào đối với một vấn đề nan giải, thường gây tranh cãi giữa các ráp-bi với nhau.

– C 36-37: + Luật Mô-sê: Luật hay “Tô-ra” trong tiếng Do Thái, ám chỉ giáo huấn mặc khải của Thiên Chúa nhằm hướng dẫn cách sống của dân Chúa về nhiều lãnh vực như: Luân lý, tổ chức gia đình và xã hội, nghi thức phụng tự, các thừa tác viên và các điều kiện cử hành… Đây là toàn bộ những điều luật ghi trong Ngũ Thư và chi phối đời sống tôn giáo và trần thế của dân It-ra-en. Luật Mô-sê gồm 613 điều khoản khác nhau, trong đó có 246 điều truyền buộc và 365 điều luật cấm đoán. + Điều răn nào là điều răn lớn nhất: Lớn nhất tức là quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Đức Giê-su, phần vì họ không nhất trí được với nhau, phần vì muốn thử Đức Giê-su để mong đặt người vào thế bí không thể giải đáp được. + Ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan đến trái tim, linh hồn và cả khối óc của con người. Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác. + Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu: Đây là điều răn thứ nhất trong Thập Giới (x. Đnl 6,5). Tầm mức quan trọng của điều luật này không phải vì được xếp đầu tiên, nhưng vì việc mến Chúa là điều quan trọng bậc nhất. Vì thế mỗi người Ít-ra-en đều phải đọc đi đọc lại Luật này mỗi ngày hai lần: lúc vừa thức giấc cũng như trước khi nghỉ đêm.

– C 38-40: + Điều răn thứ hai cũng giống điều thứ nhất: Điều răn thứ hai tuy nói về đức yêu người, nhưng cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất nói về lòng mến Chúa. Vì đức yêu người bắt nguồn từ lòng mến Chúa và cần thiết ngang với lòng mến Chúa vậy. + Yêu người thân cận: Đối với dân Ít-ra-en: người thân cận là những người cùng chủng tộc, cùng huyết thống. Nhưng Đức Giê-su đã mở rộng tình yêu tha nhân đến hết mọi người: Dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do… và yêu cả kẻ thù của mình nữa (x. Mt 5,43-48). + như chính mình: Yêu kẻ khác giống như yêu bản thân mình, là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Nói cách khác yêu người bằng mình là: “Muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy” (x. Mt 7,12), và ngược lại “Điều gì con không thích thì đừng làm cho ai” (Tb 4,15). + Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ: Luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ là cách nói chỉ toàn bộ Cựu Ước. Luật Mô-sê gồm có năm cuốn sách trong bộ Ngũ Thư. Còn sách các Ngôn sứ gồm hai loại: sách các Ngôn sứ lớn như I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en và sách các Ngôn sứ nhỏ như Ba-rúc, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. + đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy: Thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua các giới răn, và qui về hai giới răn là “Mến Chúa” và “Yêu người”. Như vậy, Đức Giê-su đã gắn liền điều răn yêu người với điều răn mến Chúa, bằng cách cho cả hai cùng quan trọng như nhau, và tập trung tất cả lề luật vào hai điều răn này. Từ nay, người ta không cần phải lo lắng chu toàn tất cả 613 điều khoản, với các chi tiết khó nhớ và khó áp dụng. Nhưng họ chỉ cần giữ hai điều then chốt là “Mến Chúa hết lòng hết sức” và “Yêu thương tha nhân như chính mình”. Giữ hai điều này là đã giữ trọn Lề Luật và đã làm theo thánh ý Thiên Chúa rồi. Sau này, Đức Giê-su còn thêm một điều răn mới là: “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

4. HỎI ĐÁP:

HỎI 1: Thái độ của nhóm Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su thế nào?

ĐÁP:

Trong nhóm Pha-ri-sêu, một số người có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà (x. Lc 7,36;11,37), trong số đó cũng có người có chức vị thủ lãnh (x. Lc 14,1). Có người đã bảo vệ Người tránh khỏi bị Hê-rô-đê bắt (x. Lc 13,31). Ông Ni-cô-đê-mô một thành viên của nhóm Pha-ri-sêu cũng đã bí mật gặp Đức Giê-su vào ban đêm (x. Ga 3,1-2), và sau đó đã công khai bênh vực Người (x. Ga 7,50), và góp phần vào việc mai táng Người như một môn đệ (x. Ga 19,39-40). Ông Ga-ma-li-ên, một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong Thượng Hội Đồng có lần đã lên tiếng bênh vực các Tông đồ (x. Cv 5,34-39). Tông đồ Phao-lô trước khi theo Chúa đã từng là một thành viên nhiệt thành nhất trong nhóm Pha-ri-sêu (x. Cv 26,4-5). Tuy nhiên, đại đa số người Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên kịch liệt chống lại Người và giáo lý của Người.

HỎI 2: Thái độ của Đức Giê-su đối với nhóm Pha-ri-sêu ra sao?

ĐÁP:

Về phần Đức Giê-su, tuy nhiều lần nặng lời quở trách nhóm Pha-ri-sêu về lối sống vụ Lề Luật, giả đạo đức, vụ lợi, nói mà không làm, kiêu căng, ưa xu nịnh, khinh thường các tội nhân và dạy giáo lý sai lạc (x. Mt 9,10-11;23,1-7;16,5.12)… Nhưng Người công nhận họ siêng năng cầu nguyện, bố thí và ăn chay (x. Mt 6,1-18); nhiệt tâm truyền giáo (x. Mt 23,15), phần nào ăn ở công chính (x. Mt 5,20), gắn bó với truyền thống của cha ông (x. Mt 6,16), giữ Luật cách nghiêm nhặt (x. Mt 23,23). Đức Giê-su cho biết Người đến không nhằm bãi bỏ nhưng kiện toàn luật Mô-sê hay các ngôn sứ (x. Mt 5,17-19), và nhất là Người kiện toàn luật về ngày hưu lễ Sa-bát và truyền thống rửa tay trước khi dùng bữa (x Mt 12,2; 15,1-2).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 2,37-39).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU.

Có một cậu bé 7 tuổi bị mồ côi cha mẹ, nên được ông nội đón về nhà nuôi. Ông nội cậu bé đang làm chủ một xí nghiệp lớn có hằng trăm công nhân, sản xuất quy mô theo dây chuyền. Ông vốn là một người tham lam và độc ác, thường tỏ ra hống hách và bớt xén tiền lương ít ỏi của công nhân. Nhưng mỗi khi có mặt cậu bé, ông lại tỏ thái độ nhân hậu và biết quan tâm đến những người nghèo khổ. Nhất là ông rất yêu thương chăm sóc cậu bé, khiến cậu coi ông như một thần tượng. Cậu luôn miệng khen những việc tốt ông đã làm, và cả những việc xấu nhưng đã được cậu bào chữa do động cơ tốt. Cậu thường nói với ông: “Nội ơi, nội được nhiều người yêu quý lắm phải không ? Cháu dám cá là họ phải yêu ông nội thật nhiều, giống như cháu yêu nội vậy !” Chính tình yêu thương của cậu bé khiến trái tim sơ cứng của người ông dần dần trở nên mềm mại, và cuối cùng đã biến ông trở thành một người tốt lúc nào không hay, theo những đức tính mà cậu bé thường hay ca ngợi người ông thân thương của mình.

2) LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO.

Một hôm một người khách đến thăm một tu viện thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta sáng lập. Ông ta nhìn thấy các sơ vừa đem về tu viện một bệnh nhân sắp chết, được tìm thấy đang nằm trên vỉa hè cạnh một lỗ cống xông lên hôi thối. Trên mình người này  đầy những chí rận. Ông khách thấy các sơ vui vẻ giúp người này tắm rửa, diệt trừ chí rận với thái độ ân cần đầy cảm thông. Sau đó, ông đến gặp Mẹ Tê-rê-sa và nói: “Thưa mẹ, khi đến đây con vẫn đang có ác cảm và thù ghét đối với hội thánh công giáo. Con nghĩ rằng các linh mục và nữ tu chỉ là bọn người đạo đức giả ! Nhưng giờ đây, con đã loại bỏ tất cả những hiểu lầm và thành kiến lâu nay. Vì tại tu viện này, con đã chứng kiến tình yêu Chúa được diễn tả cụ thể qua hành động và thái độ của các sơ, khi các sơ săn sóc cho người bệnh sắp chết kia. Bây giờ thì con đã xác tín “Thiên Chúa là tình yêu”. Vì nếu không có Thiên Chúa trong tâm hồn, thì chắc các sơ đã không thể đủ nghị lực để quên mình xả thân phục vụ cách vô vụ lợi những người bệnh tật bất hạnh như vậy !”

3. SUY NIỆM:

1) MẾN CHÚA ĐI ĐÔI VỚI YÊU NGƯỜI: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trả lời cho một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu biết hai giới răn quan trọng nhất là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Người phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40). Lời tuyên bố này giống như lời của một vị tôn sư tối cao, chấm dứt được sự tranh luận lâu nay của các hệ phái Do Thái về điều răn nào trọng nhất trong bộ Luật Mô-sê.

2) BA BẬC MẾN CHÚA:

Có ba bậc mến Chúa là mến Chúa hình thức, mến Chúa thông thường và mến Chúa hết lòng như sau:

+ Mến Chúa hình thức: Một số người chỉ giữ những việc đạo như mười điều răn, đi lễ Chúa Nhật, xưng tội rước lễ… vì sợ bị mắc tội nặng phải sa hỏa ngục. Còn những tội nhẹ như: chửi nhau, tục tĩu, ăn cắp vặt, gian dối, tham lam… thì họ không quan tâm chừa cải. Những người này giống như những đứa trẻ chỉ học hành hay làm các việc nhà vì sợ cha mẹ rầy la trừng phạt, nên dễ dàng đi chơi khi cha mẹ vắng nhà. Đó là những người “chỉ mến Chúa ngoài môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Chúa” mà người Pha-ri-sêu trong Tin mừng hôm nay là bằng chứng.

+ Mến Chúa thông thường: Một số người khác cố gắng sống đạo nghĩa là giữ các giới răn để sau này được lên thiên đàng. Nhưng vì tình mến Chúa không nhiều, nên đến khi buộc phải hy sinh bản thân thì họ lại làm như các môn đệ trong cuộc khổ nạn của Chúa: Kẻ thì “hèn nhát chối không biết Thầy là ai” (Si-mon Phê-rô); Kẻ thì “bỏ Thầy để chạy thoát thân” (các môn đệ khác); Thậm chí có kẻ còn “liên kết với các đầu mục Do thái để bán nộp Thầy” (Giu-đa Ít-ca-ri-ốt)…

+ Mến Chúa hết lòng: Chúng ta phải liệu sao để có đức “Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi người và mọi sự khác trên đời. Chúa Giê-su cũng đòi môn đệ phải yêu Thầy hơn yêu cha mẹ và con cái (x. Mt 10,37-39), và nếu cần còn phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chứng tỏ tình yêu Thầy (x. Ga 15,13). Tông đồ Gio-an mến Thầy nên đã can đảm bán sát khi Thầy bị xét xử tại dinh Thượng Tế và bị hành hình trên đồi Can-va-ri-ô. Thánh Phao-lô thể hiện lòng yêu Chúa tột đỉnh khi nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8,35). Đúng như lời Chúa Giê-su: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúng ta cần xin ơn Thánh Thần giúp chúng ta đạt tới lòng mến Chúa hết lòng như vậy.

3) HAI BẬC YÊU NGƯỜI:

a) Yêu người như yêu bản thân mình: Đây là tình yêu nhân bản vị tha của Do thái giáo: Như Tô-bi-a cha đã khuyên Tô-bi-a con: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,16), và “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Ngoài ra còn phải yêu thương hết mọi người, dù là người thân hay người xa lạ, dù là bạn hay thù như lời Chúa dạy: ”Thầy nói với anh emlaf những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho. Ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,27-31). Mỗi tín hữu chúng ta cần phải xin Chúa giúp thực tập đức ái theo từng bước như vậy.

b) Yêu người như Chúa đã yêu : Đây là tỉnh yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa do Chúa Giê-su đề ra, nêu gương và mời gọi môn đệ học tập làm theo:

– Một tình yêu rộng mở: Khác với tình yêu bình thường của loài người là chỉ yêu những ai yêu mình và ghét bỏ những ai ghét mình; Chỉ yêu những người nào đáng yêu, ghét những kẻ dễ ghét; Chỉ giới hạn tình thương nơi những người thân quen với mình… Còn tình yêu của Thiên Chúa lại rộng mở: Yêu hết mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ bất cứ ai, kể cả những kè thù ghét làm hại mình, như lời Đức Giê-su đã dạy: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt. Và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,44b-45). Tình yêu của Thiên Chúa còn thể hiện tới mọi loài mọi vật khác nữa như các thú vật cỏ cây: “Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo không gặt, cũng không có kho có lẫm. Thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao!… Hãy nhìn hoa huệ mà suy: Làm sao chúng không kéo sợi, không dệt vải. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.” (Lc 12,24.27).

– Một tình yêu quên mình phục vụ: Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên loài người, thừa nhận loài người làm con cái để chia sẻ hạnh phúc với Người. Nhưng loài người đã đáp lại tình yêu ấy bằng thái độ tệ bạc là nghe lời cám dỗ của ma quỷ phạm tội chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người phải bị phạt là chịu đau khổ bệnh tật và cuối cùng là bị chết. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc loài người, đã đề ra chương trình cứu độ: Ngài hứa ban ban dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu con rắn hỏa ngục là ma quỷ, còn ma quỷ sẽ tìm cách chống lại (x. St 3,15b). Dòng giống người nữ ấy là Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa sẽ xuống thế làm người, vâng lời Chúa Cha, bằng lòng chịu chết thập giá để đền tội thay cho loài người, và sống lại để mở ra một con đường cứu độ là đạo công giáo, hầu ai tin Chúa Giê-su và đi con đường mến Chúa yêu người của Người sẽ được hưởng ơn cứu độ (x Pl 2,5-11).  

– Một tình yêu tha thứ vô điều kiện. Tha thứ là dấu hiệu của một tình thương thực sự. Khi yêu ai, người ta sẽ dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người đó. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đề cập nhiều đến tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, như trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Người Cha này đã sẵn sàng tha thứ cho đứa con bỏ nhà đi hoang, luôn chờ mong đứa con hư sớm trở về, vui mừng ra tận cổng đón nó, và lập tức tha thứ lỗi lầm cho nó, trả lại quyền làm con và mở tiệc ăn mừng. Ông đã trả lời anh con cả biết lý do vui mừng như sau: “…Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống. Đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Đức Giê-su cũng muốn các tín hữu chúng ta noi gương yêu thương của Chúa Cha: Đối xử bao dung với nhau như Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chứng con” (Kinh Lạy Cha). Chúa muốn chúng ta yêu thương hết mọi người. Nhất là yêu thương những người nghèo hèn, bất hạnh, bệnh tật và bị bỏ rơi… Chúa muốn chúng ta luôn tha thứ cho tha nhân đã xúc phạm đến mình cách vô điều kiện (x. Mt 18,21). Chúa muốn chúng ta có tình yêu thương quảng đại hy sinh, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt. Đó mới chính là tình yêu đích thực bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chỉ tình thương như thế mới bền vững và mang lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

4. THẢO LUẬN:

1) Làm thế nào để phân biệt một tình yêu thật sự với tình yêu vụ lợi ngoài môi miệng ? 2) Mỗi tín hữu cần thực hành Lời Chúa để đi bước trước trong tình yêu tha nhân: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12)?

5. LỜI CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU.  Ngày nay Chúa cũng muốn chúng con mở rộng vòng tay đến với hết mọi người. Chúng con chỉ có thể “nối vòng tay lớn” nếu biết gắn bó với Chúa. Ước gì khi nhìn lên cây thánh giá, chúng con thấy mẫu gương một tình thương tột đỉnh của Chúa là hy sinh quên mình chịu chết để cho chúng con được sống. Tình thương của Chúa mời gọi chúng con giang tay cầu nguyện, rồi nắm tay nhau để hợp tác xây dựng một thế giới mới ngày một công bình, yêu thương và an bình thịnh vượng hơn.

– LẠY CHÚA. Ước chi chúng con biết làm mọi việc vì lòng mến Chúa và sẵn sàng hiến thân phụng sự Chúa như lời thánh Phao-lô: “Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21); Từ nay “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20); Tôi “Không còn được sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì tôi” (2 Cr 5,15).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …