Home / Giáo Dục Kito Giáo / 10 Điều Nên Rạch Ròi Trước Hôn Nhân

10 Điều Nên Rạch Ròi Trước Hôn Nhân

 

Cụ Nguyễn Du đã căn dặn rạch ròi: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho tới ngọn nguồn lạch, sông”. Một lần là trăm năm. Chắc hẳn lời khuyên của tiền nhân không bao giờ thừa! Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình êm ấm thì xã hội cũng có thể nhờ đó mà tốt đẹp.

10 _i_u N_n R_ch R_i Tr__c H_n Nh_nTình yêu và lãng mạn là những điều quan trọng trong mối quan hệ tình cảm đôi lứa, nhưng khi muốn kết hôn, người ta vẫn cần thực tế. Trước khi quyết định sống chung mãn đời suốt kiếp, bạn cần “giải thoát” mọi nỗi hoài nghi và nói chuyện nghiêm túc về sự hy vọng của mình. Trang iDiva.com đưa ra vài điều khuyên những người yêu nhau nên thảo luận rạch ròi trước khi tự nguyện ký “ăn đời, ở kiếp” với nhau.

1. Tiền bạc. Xung đột dễ xảy ra từ chuyện tiền bạc. Cách xử lý tiền bạc không đơn giản. Sau khi kết hôn, bạn sẽ xử lý tài chính ra sao? Ai giữ tiền, ai lo phần việc nào? Nếu người này kiếm được nhiều tiền hơn người kia, tài khoản chung hay riêng? Có vẻ “trắng trợn”? Không phải vậy. Thà mất lòng trước mà được lòng sau!

2. Con cái. Cả hai đều muốn có con? Nếu muốn, khi nào sẽ cưới? Lúc nào có con và sẽ có mấy con? Làm cha mẹ và giáo dục con cái thế nào? Cả hai cần hợp tác khi trở nên cha mẹ và cũng nên có kế hoạch dưỡng dục con cái. Đừng bao giờ “trống đánh xuôi” mà “kèn thổi ngược”!

3. Tương đồng. Có tương đồng về những điều trong một “mối quan hệ tốt”? Bạn hy vọng gì trong cuộc hôn nhân này và bạn có nghĩ mình sẽ có thể cho người bạn đời những gì cần thiết? Bạn cần biết những thú tiêu khiển, điều thích và không thích, xem có tương đồng hay không. Cả hai cần biết linh động và nhường nhịn lẫn nhau.

4. Giao tế. Sống trong xã hội luôn cần giao tế. Đó là điều quan trọng vì ai cũng cần duy trì đời sống xã hội. Hãy thảo luận trước về mức độ thời gian dành cho bạn bè và người quen. Không ai được rời xa gia đình quá lâu so với khoảng thời gian cho phép. Hãy điều hòa “tổ ấm” kẻo nó thành “tổ lạnh”!

5. Sự nghiệp. Bạn dự định nói về công việc thế nào? Công việc có là ưu tiên số một hay gia đình là quan trọng? Thời gia làm việc sẽ là bao nhiêu? Nếu một trong hai người có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và phải đi xa một thời gian, bạn định liệu thế nào, chấp nhận hay không? Mức độ hoài bão có tương đồng? Chồng muốn vợ nghỉ làm để chăm sóc con thì sao? Không thể hoàn toàn giống nhau, nhưng thực sự cần thiết phải hiểu nhau ở mức tương đồng, khả dĩ cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Tục ngữ nói: “Liệu cơm mà gắp mắm”.

6. Sự hưng phấn. Khi kết hôn, cô dâu vui mừng đến nỗi quên rằng tuần trăng mật sẽ mau qua, bổn phận và trách nhiệm bắt đầu đè nặng. Hãy lập kế hoạch để duy trì hạnh phúc trong hôn nhân, dự định dành cho nhau khoảng thời gian nhất định nào đó cùng đi dạo hoặc đi đâu đó riêng hai người, để vừa duy trì vừa hâm nóng hạnh phúc. Những điều nhỏ mà hiệu quả to.

7. Sự thân mật và tình dục. Đây là chuyện khó nói nhưng phải nói. Khi cảm thấy tương đồng với nhau về mọi thứ khác, cũng vẫn cần nói chuyện về sự thân mật phu thê. Mong chờ gì ở nhau? Nhu cầu ân ái có tương đồng? Mức độ thân mật thế nào? Có thể tâm sự mọi điều khi chỉ có hai người? Cần tăng hay giảm điều gì? Quan tâm chăm sóc nhau ra sao?

8. Tôn giáo và các giá trị. Vấn đề tôn giáo là vấn đề rất quan trọng, cần phải rạch ròi. Nó còn liên quan vấn đề luân lý và các giá trị sống. Các vấn đề này càng rõ nét hơn khi có con. Bạn cần hoạch định trước cách giáo dục con cái, để không chỉ không bị lúng túng mà còn không bị xung đột giáo dục, như kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”.

9. Việc nhà. Rất nhiều việc không tên cần được làm trong đời sống gia đình thường nhật. Tùy cơ ứng biến. Nếu vợ bận việc, chồng nên làm việc nhà để chia sẻ, mà việc nhà mình chứ nhà ai? Em nấu cơm, anh rửa chén; em lau nhà, anh xách nước; em dỗ con, anh giặt đồ. Chuyện nhỏ chứ có gì đâu! Hãy thảo luận về những điều “dị ứng” để “hai năm rõ mười”, đừng có đổ lỗi cho nhau. Nếu có tại ả hay tại anh thì cũng là vợ chồng chứ có ai xa lạ chứ?

10. Khoảng riêng. Dù là vợ chồng, nhưng ai cũng cần có những “khoảng riêng”. Hãy tôn trọng “khoảng riêng” của nhau. Khi còn độc thân, bạn có thể làm điều gì đó theo sở thích riêng, nhưng khi có vợ/chồng, bạn phải thay đổi một số điều, thậm chí còn phải hy sinh. Tất cả vì hạnh phúc chung. Thế mới là gia đình, là tổ ấm!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …