Home / Chia Sẻ / VUÔNG TRÒN NGÀY XUÂN

VUÔNG TRÒN NGÀY XUÂN

VUÔNG TRÒN NGÀY XUÂNTết đến, Xuân về, không dưng nói chuyện “hình Vuông và hình Tròn”, xem chừng “việt vị” vì có vẻ chẳng “ăn nhập” gì. Thế nhưng lại không phải như vậy đâu, thưa quý vị!

Hình vuông và hình tròn được coi là hai hình hoàn hảo nhất trong các hình. Thời xưa, những đồng tiền kẽm lưu hành trong triều Nguyễn có hình dáng mang ý nghĩa của Càn Khôn. Đồng tiền kẽm hình tròn, chính giữa có cái lỗ hình vuông, bốn góc có bốn chữ nho nằm bên mỗi cạnh hình vuông, còn tiện để xỏ dây xâu vào cho tiện.

Đồng tiền xưa có hình tròn, bên trong có lỗ hình vuông, có vẻ không “khớp” nhau nhưng vẫn lô-gích. Người ta cũng chúc các thai phụ được “mẹ tròn, con vuông”, ý nói được an toàn khi sinh nở, mẹ con đều khỏe mạnh. Thai hình tròn tức là “mẹ tròn”, con ra đời khỏe mạnh tức là “con vuông”. Khi nói về điều gì tốt lành, xuôi xắn, trung thành,… người ta cũng dùng hình vuông và hình tròn để nói. Ví dụ: “Sống sao cho vuông tròn trước sau”.

Khi nói về chuyện trăm năm, cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” (câu 1331-1332). “Cuộc vuông tròn” ở đây là chuyện hôn nhân, chuyện cả đời, phải suy hơn tính thiệt, không thể “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu đem cách nói “vuông, tròn” của người Việt mà dịch nguyên văn ra ngoại ngữ, nhất là các ngôn ngữ Tây phương, hẳn là rất khó truyền đạt đầy đủ ý nghĩa “tốt lành” của nó đến người nghe. Đơn giản là người Tây phương không có chung khái niệm về văn hóa và triết lý với Việt Nam. Đối với họ, khái niệm “vuông tròn” không mang một ý nghĩa hòa hợp, thậm chí còn không thể dung nạp nhau. Về phương diện kỷ hà học, đó là những hình thể khác hẳn nhau. Nếu đặt cạnh nhau chỉ gợi ra ý tương phản, không “khớp” với nhau.

Nghịch lý đó vẫn có ý nghĩa tích cực khả dĩ giải thích. Hẳn là điều đó bắt nguồn từ khái niệm cơ bản xuất phát từ dân gian, được người đời chấp nhận như các yếu tố cấu thành tốt đẹp. Văn hóa Việt ảnh hưởng sâu đậm từ “tam giáo” (Phật, Lão, Khổng) hiện hữu lâu đời trong đời sống dân chúng. Ảnh hưởng tiềm ẩn trong nền nếp sinh hoạt, trong ngôn ngữ dân gian, thấm vào da thịt, và lưu chuyển trong huyết quản người Việt. Luật “nhân quả” theo Phật thuyết được chấp nhận như một tiền đề của nhiều quan niệm sống trong dân gian. Do đó, từ những nhân tố được thừa nhận là tốt đẹp dẫn đến yếu tố tốt lành theo luật nhân quả như lẽ tất nhiên: “Cây nào quả nấy”, “rau nào sâu nấy”, “cha nào con nấy”, hoặc “thầy nào trò nấy”.

Nhưng trong văn hóa Việt Nam, hình vuông và tròn đi đôi trong nhiều trường hợp, chúng gắn liền với nhau để biểu thị cho sự kết hợp thuận lẽ trời, và tạo kết quả tốt lành. Khái niệm vuông tròn dựa trên chứng cứ đầu tiên từ sự tích bánh chưng và bánh giầy (1).

SỰ TÍCH

Chuyện xưa kể rằng…

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại và bảo: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, ta sẽ truyền ngôi vua cho”. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng được ngự trên ngai vàng.

Khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu (2) bản tính hiền hậu, đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Hoàng tử nghĩ rằng chẳng thà không được làm Thái tử, chứ bỏ cha mẹ không người thần hôn định tỉnh, lòng Hoàng tử không đành. Không rời cha mẹ, nhưng Hoàng tử cũng không dám trái lời Vua cha, vẫn nghĩ tìm của ngon vật lạ để dâng tiến Vua cha và Hoàng hậu khi kỳ hạn tới. Và lòng hiếu của Hoàng tử đã động tới thần linh.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tượng trưng Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng trưng Cha Mẹ sinh thành”.

Tiết Liêu tỉnh dậy và vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng Đất, bỏ vào chõ chưng chín, gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, tượng trưng Trời, gọi là Bánh Giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng trưng cha mẹ luôn yêu thương và đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các Hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm. Có đủ sơn hào hải vị, nhiều món ngon. Hoàng tử Tiết Liêu chỉ có bánh giầy và bánh chưng. Vua Hùng lấy làm lạ nên hỏi, Tiết Liêu thuật lại chuyện Thần linh báo mộng, đồng thời giải thích cho Vua cha về ý nghĩa của bánh giầy và bánh chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon và khen ngợi về ý nghĩa.

Vua cha rất hài lòng bảo Hoàng hậu: “Các sơn hào hải vị của các Hoàng tử khác, tuy ngon nhưng duy chỉ một mình ta được hưởng, còn hai thứ bánh chưng và bánh giầy, làm bằng gạo của Trời Đất sinh ra, ta chỉ việc phổ biến cách làm là toàn dân đều được thưởng thức cái ngon có ý nghĩa của bánh”. Thế là Vua cha bèn truyền ngôi cho Tiết Liêu.

Tết năm đó, nhà Vua dùng ngay bánh chưng bánh giầy làm đồ lễ cúng Trời Đất, và cũng truyền dạy cho nhân dân cách làm bánh để dùng trong việc cúng tế. Từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, dân chúng đều làm bánh chưng và bánh giầy để tế Trời Đất và cúng Tổ tiên.

Ý NGHĨA

Bánh giầy và bánh chưng tượng trưng Trời Đất, mang ý nghĩa nguồn gốc sự sống. Trời là Cha, Đất là Mẹ – song thân tạo nên chúng ta. Khi gặp nguy biến hoặc đau khổ, người ta nghĩ ngay đến song thân Phụ Mẫu. Có khi chúng ta gọi Trời: “Trời ơi!”, có khi gọi cả Trời và Đất: “Trời Đất ơi!”, có khi gọi Cha Mẹ: “Cha Mẹ ơi!”, có khi gọi cả Trời đất và Cha Mẹ: “Trời Đất, Cha Mẹ ơi!”.

Trong vũ trụ quan của người Á Đông, khái niệm vuông tròn chính là khái niệm về Trời Đất, về Càn Khôn, về Âm Dương. Trong kiến trúc Đông phương, bao giờ cũng là những đường nét pha trộn Âm và Dương. Ngoài những đường thẳng cần thiết phải có, bao giờ người ta cũng đưa vào thêm những đường cong và vòng tròn, tạo nên một tổng-thể-hài-hòa-Âm-Dương. Mái ngói cong, cửa sổ tròn, đó là cách kết hợp tạo sự hài hòa Âm Dương. Trong kiến trúc Tây phương ít khi có những đường nét như vậy.

Hình tròn còn tượng trưng Âm tính, hình vuông tượng trưng Dương tính. Sự kết hợp hài hòa Âm Dương được xem là một kết hợp thuận tự nhiên. Sự kết hợp đó luôn luôn mang lại kết quả tốt đẹp. Đó là một “khái niệm thiện”. Người Việt có câu tục ngữ: “Đầu tròn, gót vuông”. Theo Đông y, cơ thể con người nửa phần trên, tận cùng là cái đầu mang tính Âm (đầu tròn). Phần dưới tận cùng là đôi chân mang tính Dương (gót vuông). Khi khám bệnh, thầy thuốc sờ đầu và sờ chân, thấy đầu mát (Âm) và chân ấm (Dương) là tốt vì thuận Âm Dương, không đáng lo. Ngược lại (đầu ấm, chân mát) là bất ổn. Nên giữ đầu mát và đôi chân ấm thì sẽ khỏe mạnh. Triết lý của người Á Đông hay thật!

Nếu hình vuông đứng một mình thì chỉ là vuông, nếu hình tròn đứng một mình thì chỉ là tròn. Nhưng kết hợp hình vuông và hình tròn sẽ tạo khái niệm về Trời Đất, Âm Dương hài hòa, mang tính thiện, luôn trường cửu.

Bánh chưng và bánh giầy là các loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tiền nhân và Đất Trời. Bánh chưng hình vuông và màu xanh, tượng trưng cho Đất; bánh giầy hình tròn và màu trắng, tượng trưng cho Trời. Điều đó thể hiện triết lý Âm Dương, biện chứng Đông phương (nói chung), và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam (nói riêng). Bánh giầy là Dương dành cho Cha, bánh chưng là Âm dành cho Mẹ. Bánh chưng và bánh giầy thể hiện nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục bao la như Trời Đất của Cha Mẹ.

Sự tích bánh chưng và bánh giầy cho thấy lòng hiếu thảo (một trong những tính thiện của con người) của Hoàng tử thứ tư đã làm Thần inh cảm kích mà chỉ dạy cách sử dụng hạt gạo quý giá như ngọc để làm món ăn ngon dâng Vua cha. Lòng yêu dân thương nước của Vua Hùng đã làm cho món ăn quý giá này được đời đời lưu truyền. Điều đó cho thấy rằng những gì thuận ý Trời, theo “tính bổn thiện” mà Trời ban cho con người, thì trường tồn bất biến – dù hoàn cảnh có biến đổi. Chắc chắn điều gì không thuận ý Trời như gian tà, độc ác, ích kỷ, đố kỵ,… thì sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử thế giới đã và đang chứng minh chân lý bất biến: “Thiện luôn thắng ác”.

TƯ DUY TÂM LINH

Hoàng tử Tiết Liêu chẳng thà không được làm Thái tử, chứ không đành bỏ mặc cha mẹ. Con người này quả là người nhân đức, đủ bản lĩnh nội tâm. Những con người biết sống vì người khác, không tham quyền cố vị, không kèn cựa tranh giành, không ích kỷ, không tham lam, không chuộng bề ngoài, chỉ một mực thể hiện đức yêu thương, chắc chắn cuộc sống luôn thanh thản và bình an. Một tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.

Kinh thánh xác định: “Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2), và biết chắc khi chết thì ai cũng “buông xuôi tay trắng”, thế mà người ta và giành giật nhau từng chút, ngay cả miếng ăn cũng vậy, kém một chút là “khó chịu ra mặt”. Khốn nạn thật!

Về quyền hành, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Thế nhưng thực tế khác hẳn, thậm chí là trái ngược, ngay cả trong tôn giáo cũng chẳng hơn gì!

Và còn bao chuyện đời khác nữa mà Đức Kitô đã mạnh mẽ lên án gắt gao!

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng Trời và Đất, Ngài có quyền trên tất cả mọi sự. Khi nói về chuyện thề thốt, Chúa Giêsu có nhắc tới Trời và Đất, đồng thời khuyến cáo: “Đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả” (Mt 5:34-35).

Chúa Giêsu cũng nhắc tới Đầu: “Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:34-37). Quá minh nhiên!

Chúa Giêsu còn nói thẳng thừng hơn: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời” (Mt 18:8). Cách nói chân thật của Ngài luôn khiến chúng ta cảm thấy “nghịch nhĩ”. Nhưng sự thật mãi mãi là sự thật, chúng ta học mãi mà chưa thông, chưa khôn, chưa can đảm!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống vuông tròn với Ngài và với tha nhân. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(1) Chưa thống nhất cách viết, có khi viết là bánh Giầy hoặc bánh Dầy. Bánh này không dầy nên chắc không là bánh Dầy. Ngày xưa, khi giã bột làm bánh, người ta thường đi ủng (giầy) để giã, thế nên rất có thể đúng là bánh Giầy.

(2) Còn gọi là Lang Liêu, Lang Lèo.

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …