Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23-29/06/2017: Kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Đức Thánh Cha Phanxicô

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23-29/06/2017: Kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Đức Thánh Cha Phanxicô

1. Hồng Y Đoàn sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư 28 tháng Sáu, 2017

Hiện nay, chỉ có 116 Hồng Y có quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng. Theo luật số Hồng Y cử tri có thể lên đến 120 vị. Sau công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày thứ Tư này, số Hồng Y cử tri sẽ là 121 vị. Dù có dư ra một vị như vậy, về mặt lịch sử cũng không phải là vấn đề, bởi vì nhiều Hồng Y đã ngấp nghé tuổi 80. Trong triều đại Đức Gioan Phaolô II, có lúc số Hồng Y cử tri vượt quá con số giới hạn đến 10 vị.

Sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư này, Giáo Hội sẽ có tổng cộng 225 vị Hồng Y. Trong số này, 121 vị còn dưới 80 tuổi và có thể tham gia vào một cuộc bầu cử Giáo Hoàng.

Trong số các Hồng Y cử tri, 19 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong, 53 vị do Đức Bênêđictô XVI và 49 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đây là công nghị tấn phong Hồng Y lần thứ tư trong triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ba lần trước là vào ngày 19 tháng 11 năm ngoái 2016, trong đó ngài nâng lên hàng Hồng Y 17 vị, ngày 14 Tháng Hai 2015 20 vị, và lần trước nữa là vào ngày 22 tháng Hai năm 2014, 19 vị Hồng Y.

Tổng cộng, trong ba lần nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y 56 vị thuộc 39 quốc gia trong đó có 11 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Nếu tính chung lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y 61 vị.

Đức Thánh Cha đã có ý chọn các Hồng Y từ nhiều miền khác nhau trên thế giới. Điều này có nghĩa là có ít Hồng Y từ Châu Âu và Bắc Mỹ và có nhiều hơn các Hồng Y từ Châu Mỹ La tinh, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương.

Trong mật nghị bầu Giáo Hoàng vào tháng 3 năm 2013, Châu Âu có 60 Hồng Y, châu Phi 11 và châu Á 10. Châu Đại Dương chỉ có một; Bắc Mỹ 20 và Châu Mỹ Latinh 13.

Hiện nay, chỉ tính số Hồng Y cử tri thì Châu Âu, có 53 Hồng Y, châu Phi và châu Á 15 mỗi, Châu Đại Dương bốn; Bắc Mỹ 17 và Châu Mỹ Latinh 16.

Ý vẫn là nước có đông Hồng Y cử tri nhất với 24 vị. Sau đó đến Hoa Kỳ 10; Pháp 5, Brazil, Mexico, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ấn Độ, mỗi nước có bốn vị.

2. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi các tín hữu tham gia hai tuần cầu nguyện cho tự do tôn giáo

Mỗi năm các giáo phận trên toàn cõi Hoa Kỳ đều tổ chức các sự kiện đặc biệt để làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chọn hai tuần từ ngày 21 tháng 6 – lễ vọng kính hai Thánh John Fisher và Thomas – cho đến ngày 4 tháng 7, Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, làm hai tuần cầu nguyện chung cho tự do tôn giáo.

Trong thông báo trên website của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các Giám Mục Mỹ than thở rằng tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới đang bị chà đạp trắng trợn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các quốc gia khác có thâm niên bách hại tôn giáo như Trung Quốc, Ả rập Saudi, Việt Nam, Bắc Hàn và thậm chí ngay cả ở các nước phương Tây dưới các hình thức tinh vi. 

Các ngài viết rằng “trong thời kỳ đang có sự phân cực ngày càng gia tăng trong nền văn hoá của chúng ta, chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về tự do tôn giáo trong tinh thần tôn trọng mọi người.”

Bên cạnh các hình thức cầu nguyện, các Giám Mục Hoa Kỳ cũng đưa những hướng dẫn ngắn gọn nhằm giúp các Kitô hữu nói chuyện với bạn bè và người lân cận về tự do tôn giáo và làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về quyền tự do này.

Các Giám Mục nhắc nhở rằng “Chúng ta được kêu gọi đi theo Chúa Kitô như những môn đệ truyền giáo bằng cách tìm kiếm sự thật, phục vụ người khác và sống đức tin của chúng ta trong tất cả những gì chúng ta làm. Chúng ta hãy dành vài phút mỗi ngày từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 để cầu nguyện, suy ngẫm, và hành động về tự do tôn giáo, cả ở Hoa Kỳ này cũng như ở nước ngoài.”

3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ mừng 25 năm Giám Mục

Sáng thứ Ba 27 tháng 06 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Ngài. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha, có các Đức Hồng Y đang hiện diện tại Roma, đặc biệt là các Hồng Y đến từ các nước để tham dự công nghị tấn phong Hồng Y và lễ trao dây Pallium nhân ngày lễ hia thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. 

Thánh lễ được cử hành trọng thể tại nhà nguyện Paolina trong Dinh Tông Tòa. 

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các nhận xét về cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Abraham trong bài đọc trích sách Sáng Thế. 

Thiên Chúa đã kêu gọi tổ phụ Abraham: Hãy đi, đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (St 12:1). Cuộc đối thoại tiếp diễn với ba mệnh lệnh: Hãy đứng dậy! Hãy nhìn xem! Hãy hy vọng! Ba mệnh lệnh ấy đánh dấu bước đường mà Abraham phải đi, cung cách Apraham phải làm, và thái độ nội tâm ông phải có, đó là đứng dậy, nhìn xem, hy vọng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi Abraham được kêu gọi, ông ít nhiều cũng ở độ tuổi của chúng ta: ông sắp nghỉ hưu, nghỉ hưu để nghỉ ngơi… Ông lớn tuổi với sức nặng của tuổi già, của bệnh tật, của đau buồn… 

Nhưng cũng như Abraham, chúng ta hãy làm như thể chúng ta còn trẻ, hãy đứng dậy, hãy tiến bước! Hãy nhìn xem và hy vọng! Đó là Lời Chúa đang nói với chính chúng ta trong thời đại này, một thời đại cũng tựa như thời Abraham.

4. Hội Đồng Giám Mục Áo bàn thảo về an ninh tại các nhà thờ

Trong cuộc họp tại nhà thờ Mariaz Maria ở thủ đô Vienna kéo dài từ thứ Hai 12 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng Sáu, các Giám Mục của 12 giáo phận và tổng giáo phận tại Áo đã lắng nghe các chuyên gia quân sự và các chuyên viên chống khủng bố đề xuất các biện pháp để đối phó với trào lưu khủng bố hiện nay.

Sau đó, các giám mục Áo đã thảo luận về việc áp dụng các biện pháp an ninh và sự phối hợp với chính quyền trong việc bảo đảm an toàn cho anh chị em giáo dân và các nơi thờ tự. 

Đức Hồng Y Christoph Schönborn cám ơn sự quan tâm của chính quyền và nhận xét rằng rằng các thám tử mặc thường phục luôn có mặt khi ngài cử hành Thánh lễ . Đức Hồng Y nói: “tất cả chúng ta đều được kêu gọi để đối phó với mối đe dọa khủng bố hiện tại với sự khôn ngoan và đức tin nơi Thiên Chúa”.

5. Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân công bố thư Mục Vụ về việc chống lại “tin giả”

Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân nói rằng người Công Giáo có một nghĩa vụ đạo đức để chống lại “tin giả” và các “sự kiện được thêm thắt”.

Trong một lá thư mục vụ gởi cho người Công Giáo, có thể nói là chưa từng có trên thế giới, các giám mục gọi tin giả là một “tội lỗi chống lại đức bác ái” và gây ra “các quyết định sai lầm”.

Bức thư có tiêu đề “Hãy thánh hoá chúng trong sự thật: một lời khuyên mục vụ chống lại tin ngụy tạo”, các giám mục nói rằng Kitô hữu “không thể là một phần của sự sai lầm, lừa gạt và dối trá”.

Các giám mục cảnh cáo rằng: “Các quyết định quan trọng – cá nhân và xã hội – phụ thuộc vào sự hiểu biết chính xác sự thật. ‘Các sự kiện được thêm thắt’ và các ‘tin giả’ nhiều lần đã gây ra những quyết định sai lầm với những hậu quả thảm khốc về lâu dài cho cá nhân và cộng đồng.”

Các ngài than thở rằng các phương tiện truyền thông xã hội, ban đầu hứa hẹn được “tự do” lan truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông chính mạch, nhưng trong thực tế đã bị lèo lái tới chỗ lan truyền những câu chuyện sai lệch.

“Đó không chỉ là hành vi phạm tội đối với nghĩa vụ hướng trí tuệ con người đến với sự thật. Nhưng về cơ bản, đó còn là tội lỗi chống lại đức bác ái vì nó cản trở mọi người đưa ra những quyết định đúng đắn và phù hợp và khiến họ rơi vào chỗ lầm lạc!” 

Do đó, người Công Giáo có nghĩa vụ “không được hỗ trợ, phổ biến và xa hơn phải giúp xác định các nguồn tung ra các tin tức ngụy tạo để anh chị em chúng ta có thể được thông tin đúng đắn và có thể tránh được các phương tiện truyền thông dối trá.”

Trong những ngày này, tại Phi Luật Tân xảy ra đủ thứ các loại tin giả, tiêu biểu là các loại tin nhằm tô son trét phấn cho chế độ của tổng thống Roberto Duterte, và gần đây nhất là các tin có tính chất kích động hận thù tôn giáo xảy ra sau vụ bọn khủng bố Hồi Giáo IS đập phá tượng Chúa và Đức Mẹ tại nhà thờ chính tòa thành phố Marawi. 

Một thượng nghị sĩ Phi Luật Tân đề xuất một dự luật tố cáo những người phát tán tin giả, trừng phạt họ với thời hạn tù lên tới năm năm.

Thượng nghị sĩ Joel Villanueva nói: “Không nên coi nhẹ ảnh hưởng của tin giả. Tin giả tạo ra các ấn tượng rất mạnh đến mức hình thành các niềm tin dựa trên cơ sở những sự kiện ngụy tạo dẫn đến những chia rẽ, hiểu lầm và làm trầm trọng thêm các mối quan hệ đã rất khó khăn”.

6. Các linh mục Indonesia kêu gọi Tòa Thánh giải quyết cuộc khủng hoảng tại giáo phận Ruteng

Một nhóm các linh mục thuộc giáo phận Ruteng, Indonesia đã lên tiếng kêu gọi Tòa Thánh can thiệp và giải quyết các tranh chấp giữa các linh mục với Đức Cha Hubertus Leteng, là đấng bản quyền của các ngài.

Những đại diện của các linh mục, cùng với một viên chức của Hội Đồng Giám Mục Indonesia, đã gặp Đức Tổng Giám mục Antonio Filipazzi, là sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia vào ngày 16 tháng 6 để đặt vấn đề về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại giáo phận Ruteng sau khi 69 linh mục đồng loạt từ chức khiến cho công việc tại giáo phận này rơi vào tình trạng ngưng trệ.

Đức Cha Antonio Filipazzi sắp hết thời gian phục vụ tại Indonesia. Tuy nhiên, cha Alfonsius Segar, một trong những linh mục đã gặp sứ thần Tòa Thánh, nói với UCANEWS rằng Đức Tổng Giám Mục đã hứa sẽ giúp giải quyết tranh chấp. 

“Ngài sẽ ngay lập tức đưa vấn đề này lên Vatican”, cha Segar nói.

Cha Segar cũng trấn an mọi người rằng vị sứ thần sẽ gửi một người đến giáo phận để thẩm định tình hình.

“Chúng ta sắp có một quyết định nhanh chóng của Vatican,” cha Segar nói thêm.

Một nguồn tin thân cận với ông Antonius Agus Sriyono, là đại sứ Indonesia cạnh Tòa Thánh, nói với UCANEWS rằng chính phủ Indonesia cũng đã đặt vấn đề về cuộc khủng hoảng tại giáo phận Ruteng với Vatican.

Theo UCANEWS, một năm trước 112 linh mục trong tổng số 167 linh mục của giáo phận Ruteng đã ký một lá thư “bất tín nhiệm” Đức Cha Leteng vì có quan hệ với phụ nữ. Đức Cha Leteng đã phủ nhận cáo buộc này và cho đó là một sự vu cáo. Trong một diễn biến bi đát, một linh mục đã quyết định từ bỏ chức thánh, huyền tục và họp báo tố cáo Đức Cha Leteng trong suốt một năm qua.

Cha Martin Chen, người phát ngôn của nhóm 69 linh mục vừa từ chức tập thể cáo buộc Đức Giám Mục Hubertus Leteng đã bí mật mượn của Hội Đồng Giám Mục Indonesia 94,000 Mỹ Kim và 30,000 Mỹ Kim của chính giáo phận Ruteng mà không biện minh được việc chi tiêu số tiền này.

7. Khủng bố Hồi Giáo IS nổ sập đền thờ Hồi Giáo al-Nuri để kích động hận thù tôn giáo

Trong khi quân Iraq tiến vào khu vực Cổ Thành để hoàn thành giai đoạn sau cùng của chiến dịch giải phóng Mosul, chiều tối ngày thứ Tư 21 tháng Sáu, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã cho nổ bom đánh sập tan tành đền thờ Hồi Giáo al-Nuri.

Ngay lập tức, Amaq, cơ quan thông tin của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên truyền rằng máy bay Mỹ và Iraq đã đánh sập ngôi đền thờ này. Đây là cố gắng cuối cùng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS trước giờ chết nhằm kích động hận thù tôn giáo, đe doạ tương lai của nhân loại.

Trung tướng Stephen Townsend, tư lệnh quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq, cho thông tấn xã CNN biết: 

“Chuyện này xạo 1000%. Tôi mới ở Mosul chiều thứ Tư, rất gần ngôi đền thờ này, có thể nhìn thấy cả đền thờ Hồi giáo này và ngọn tháp nghiêng nổi tiếng của nó. Tôi không hề có chút cảm nhận nào đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó. Đây chỉ là một ví dụ nữa cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một bọn chất chứa đầy những tư tưởng độc ác, nhẫn tâm và vô thần. Không thể để chúng tồn tại trong thế giới này.”

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng thứ Năm 22 tháng Sáu, thủ tướng Haider al-Abadi của Iraq khẳng định chính bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã đánh bom làm sập ngôi đền thờ này.

Đền thờ Hồi Giáo này được xây dựng cách nay 800 năm và nổi tiếng với ngọn tháp nghiêng của nó. Gần 3 năm trước, tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi Giáo tại ngôi đền thờ này.

Đây không phải là lần đầu bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy các nơi thờ tự và các di tích lịch sử. 

Tháng 3 năm 2015, bọn khủng bố phá hủy hoàn toàn thành phố cổ Nimrud của các Kitô hữu Assyriô. Cả thành phố Khorsabad của người Assyriô cũng bị phá hủy sau đó.

Cũng vào đầu năm 2015, khủng bố Hồi Giáo cũng đập nát những bức tượng tại Bảo tàng viện Mosul và những hiện vật khác.

Trước đó, vào tháng Bảy năm 2014, lăng mộ của tiên tri Giôna tại Mosul cũng bị chúng phá hủy.

Đầu năm nay bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy các di tích lịch sử Rôma tại thành phố cổ Palmyra, bên Syria.

Thành phố Raqqa là tiêu biểu nhất cho sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chúng phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, trừ ra nhà thờ Các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia bị chúng sử dụng làm bộ chỉ huy cảnh sát Hồi Giáo. Các đền thờ Hồi Giáo Shiite cũng chung một số phận.

8. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite thánh hiến Trung Đông cho Đức Mẹ Fatima

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Maronite đã thánh hiến Li Băng và toàn thể Trung Đông cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ trong một cuộc hành hương đến Fatima.

Hành động dâng hiến của Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai đã diễn ra trong một buổi phụng vụ Thánh Thể vào hôm Chúa Nhật 25 tháng 6 nhân dịp kết thúc “Ngày Li Băng” tại đền thờ này. Buổi Phụng Vụ đã được bắt đầu vào chiều ngày thứ bảy với việc đọc Kinh Mân Côi và rước kiệu kính Đức Mẹ.

Theo thông tấn xã Fides, trước đây, Đức Thượng Phụ Rai đã dâng Li Băng và Trung Đông cho Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ tại một đền thờ Thánh Mẫu ở Harissa, Li Băng

Đền thờ Fatima tại Bồ Đào Nha đang mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại địa điểm này. Thánh trước Đức Thánh Cha đã phong thánh cho hai trẻ là Jacinta và Francisco Marto tại đây .

Tháng Hai vừa qua, đối diện với những vụ khủng bố kinh hoàng tại Anh, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, cũng đã tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Việc thánh hiến nước Anh cho Đức Mẹ được Đức Hồng Y Bernard Griffin thực hiện lần đầu tiên vào năm 1948, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cống hiến toàn bộ thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm trong vòng vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, theo gương Đức Giáo Hoàng Piô XII và Thánh Gioan Phaolô II.

9. Tòa án Tối cao San Francisco bác bỏ các cáo buộc chống lại hai người đã thu âm lén tổ chức phá thai Planned Parenthood

Hai nhân vật đã từng tung ra các videos tố cáo tổ chức phá thai Planned Parenthood đã bị thưa ra toà với 15 tội danh.

Tòa án Tối cao San Francisco trong tuần qua đã bác bỏ 14 trong số 15 tội hình sự chống lại hai nhà điều tra bí mật của Trung tâm Y Khoa Tiến Bộ (Centre for Medical Progress) gọi tắt là CMP.

David Daleiden, người sáng lập CMP và Sandra Merritt đã bị tổ chức phá thai Planned Parenthood – là cơ quan cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất nước Mỹ – thưa ra tòa về tội thu âm mà không có sự chấp thuận của họ. Các cáo buộc này đã bị hủy bỏ vì Tòa án Tối cao San Francisco cho rằng “không đủ bằng chứng pháp lý”.

Cáo buộc cuối cùng chống lại Sandra Merritt về việc xâm phạm quyền tư ẩn vẫn chưa được hủy bỏ.

Giả làm các nhân viên của một công ty nghiên cứu sinh học, Daleiden và Merritt đã lén quay phim các cuộc thảo luận với các giám đốc điều hành của Planned Parenthood về kỹ thuật thu hoạch các bào thai rất là dã man. Các cuộn băng ghi âm cũng cho thấy Planned Parenthood buôn lậu mô bào thai bất hợp pháp như thế nào.

Planned Parenthood bao gồm 159 cơ quan y khoa và cả những cơ quan không có dính líu gì đến y khoa. Nó điều hành 650 cơ sở phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ và tại 12 quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo thường niên vào năm 2014, Planned Parenthood cho biết đã thực hiện 324,000 vụ phá thai với doanh thu là 1.3 tỷ Mỹ Kim. Bên cạnh số doanh thu khổng lồ này, tổng thống Obama còn ưu ái tặng thêm 530 triệu Mỹ Kim hàng năm và miễn thuế hoàn toàn cho tổ chức này. 

Năm ngoái 2016, Tòa án Tối cao tại Houston đã hủy bỏ các cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, Planned Parenthood lại sang San Francisco thưa tiếp. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao tại SanFrancisco, David Daleiden nói: “Tôi không mong họ thưa kiện tiếp. Nhưng tôi không ngại chuyện đó, chúng tôi có nhiều video chưa được công bố và còn nhiều trận chưa đánh.”

10. Chính phủ Tây Ban Nha trao tặng huân chương cao qúy cho anh Ignacio Echeverria

Bộ trưởng Nội Vụ Tây Ban Nha là Juan Ignacio Zoido đã chủ tọa buổi lễ trao tặng Huân Chương Công Dân Anh Hùng của Tây Ban Nha cho một người Công Giáo anh hùng đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn.

Anh Ignacio Echeverria, 39 tuổi, bị đâm chết tại khu chợ Borough khi cố gắng giúp một phụ nữ đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố. Thay vì bỏ chạy như những người khác, Ignacio Echeverria dùng một miếng ván trượt làm vũ khí chống trả lại ba tên khủng bố đang đâm túi bụi vào người phụ nữ này.

Trong buổi lễ diễn ra tại Madrid hôm thứ Tư, Bộ trưởng Juan Ignacio Zoido đã trao tặng cho gia đình anh Ignacio Echeverria huân chương Đại Thập Bội Tinh là huân chương cao quý nhất của Tây Ban Nha dành cho một công dân.

Báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết anh Ignacio Echeverria không bao giờ bỏ một Thánh Lễ Chúa Nhật nào. Một người bạn nói với một tờ báo rằng trước khi sang Anh làm việc Ignacio thuộc về một nhóm thanh niên Công Giáo gặp nhau hàng tuần ở Madrid cho các công tác xã hội.

Tờ El Mundo cũng lưu ý độc giả rằng chú của Ignacio từng là một giám mục truyền giáo lâu năm ở Peru. Đó là Đức Giám Mục Antonio Hornedo của giáo phận Chachapoyas, một tu sĩ dòng Tên, đã qua đời vào năm 2006.

Tại Luân Đôn, Echeverria làm việc cho nhóm chống rửa tiền của HSBC.

11. Giáo Hội tại Cộng hòa Dân chủ Congo đang trong cơn đại nạn

Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dân chủ Congo bày tỏ âu lo rằng Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này đang trong cơn đại nạn. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết như trên trong bản tin ngày 20 tháng Sáu.

Đức Tổng Giám Mục Luis Mariano Montemayo, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết 3,383 người đã bị giết vì các hành vi bạo lực tại miền Kasai ở Cộng hòa Dân chủ Congo, từ tháng 10 năm 2016 đến nay. 

Những vụ đụng độ giữa quân đội Congo và nhóm phiến quân Kamuina Nsapu đã bùng phát sau khi một lãnh đạo địa phương của nhóm này đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với cảnh sát vào tháng 8 năm 2016.

Đến nay ít nhất 30 ngôi mộ tập thể đã được phát hiện; 20 làng mạc bị phá hủy hoàn toàn; 3,698 ngôi nhà bị phá hủy.

Giáo Hội chịu thiệt hại rất nặng với 5 chủng viện, 60 giáo xứ, 34 nhà thờ và 141 trường Công Giáo đã bị đóng cửa hoặc hư hỏng.

Trong tổng số 6 giáo phận của Cộng hòa Dân chủ Congo có hai giáo phận trong đó các vị chủ chăn đã phải bỏ Toà Giám Mục lánh nạn. Tình hình vẫn còn đang rất nghiêm trọng.

12. Giám Mục Illinois cấm các linh mục không được cho rước lễ và không được cử hành thánh lễ an táng cho những ai sống trong các kết hiệp đồng tính

Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield, Illinois, đã chỉ thị cho các linh mục không được ban các phép bí tích cho những người Công Giáo tham gia vào các kết hiệp đồng tính.

Trong một văn bản chính thức được lưu truyền cho các linh mục của giáo phận – nhưng đã nhanh chóng bị lọt ra ngoài cho giới truyền thông thế giới – Đức Cha Paprocki nói rằng vì chính phủ giờ đây công nhận “hôn nhân đồng tính”, nên Giáo Hội “không chỉ có thẩm quyền mà còn có nghĩa vụ nghiêm trọng, là phải khẳng định giáo huấn đích thực về hôn nhân, bảo vệ và nuôi dưỡng những giá trị thánh thiêng của bí tích hôn phối.”

Cụ thể, Đức Cha cho biết, người Công Giáo không nên tham dự vào các “nghi lễ hôn nhân đồng giới”, và các sự kiện như thế không được phép xảy ra trong các nhà thờ hay trên các tài sản của giáo xứ. Những người Công Giáo sống trong các kết hiệp đồng tính không được đọc sách Thánh trong các buổi lễ trong nhà thờ, không được là các thừa tác viên đặc biệt của Bí Tích Thánh Thể; không được đảm nhận các lớp khai tâm Kitô Giáo hoặc các chương trình chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức. Họ cũng không được là cha mẹ đỡ đầu.

Đức Cha Thomas cũng hướng dẫn các linh mục trong giáo phận không được cho những người có liên quan đến các kết hiệp đồng tính được rước lễ, cũng như không được cử hành thánh lễ an táng cho họ, trừ khi có những dấu hiệu cụ thể cho thấy các cá nhân này đã ăn năn và chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội trước khi chết. Đức Cha Paprocki chỉ dẫn các linh mục của mình rằng nếu được thông báo một giáo dân trong giáo xứ tham dự vào một kết hiệp đồng tính, các linh mục có nghĩa vụ “giải quyết một cách riêng tư với những người trong hoàn cảnh như vậy, và kêu gọi họ hoán cải.”

Liên quan đến các trẻ em sống chung với những cặp đồng tính, Đức Cha Thomas hướng dẫn rằng các em có thể được rửa tội nếu có một kỳ vọng hợp lý rằng chúng sẽ được nuôi nấng trong đức tin Công Giáo. Tương tự như vậy, trẻ em sống chung với các cặp đồng tính có thể được ghi danh trong các trường Công Giáo, nhưng các bậc phụ huynh phải được hướng dẫn nuôi dạy con trẻ theo những giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.

13. Kế hoạch viện trợ của Tòa Thánh cho Nam Sudan

Toà Thánh đã công bố một chương trình viện trợ đặc biệt cho người dân Nam Sudan.

Trong cuộc họp báo ngày 21 tháng 6, Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng của Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, đã trình bày các kế hoạch đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn nhằm giải quyết thảm hoạ nhân đạo ở Nam Sudan. 

Theo Đức Hồng Y Turkson tình hình tại quốc gia Châu Phi bị chiến tranh tàn phá này rất bi thảm, “hơn một nửa dân số, khoảng 7,3 triệu người, bị đói hàng ngày.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên kế hoạch thăm Nam Sudan trong năm nay, nhưng tình hình an ninh đang xấu đi khiến chuyến Tòa Thánh phải hủy bỏ chuyến đi của Đức Thánh Cha. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã quyết định tài trợ một loạt các dự án nhằm giúp đỡ người dân nước này.

Trước hết là hai bệnh viện do các nữ tu dòng Comboni điều hành, nhằm hỗ trợ y tế cho các giáo phận Wau và Tombora-Yambio.

Sau đó là một chương trình nông nghiệp, do Caritas thế giới và Caritas Nam Sudan quản lý, nhằm cung cấp trang thiết bị cho các nông trại trong một số giáo phận và hỗ trợ 2,500 gia đình sống bằng nông nghiệp

Cuối cùng là hai năm học bổng cho việc đào tạo giáo viên trong giáo phận Yambio.

14. Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite có tân Thượng Phụ

Đức Cha Youssef Absi đã được Thượng Hội đồng Giám mục Công Giáo nghi lễ Melkite bầu để trở thành Thượng Phụ thành Antioch và là nhà lãnh đạo của 1.6 triệu người Công Giáo Melkite trên thế giới.

Đức Cha Youssef Absi là người gốc Damascus, Syria. Ngài đã là Giám Mục phụ tá trong Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Melkite tại Damascus, và đồng thời là giám quản của thủ đô Syria. Ngài đã thay thế Đức Thượng Phụ Gregory III Laham, nghỉ hưu ở tuổi 83.

Hôm 22 tháng Sáu, một ngày sau cuộc bầu cử tại thành phố Ain Traz, bên Li Băng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận cuộc bầu cử này.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

15. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ông Joachim von Braun, một nhà kinh tế nông nghiệp người Đức, làm chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Ông Braun là giáo sư về kinh tế và công nghệ, và là giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển của Đại học Bonn. Ông đã từng dạy tại các trường đại học Göttingen và Kiel, và từng là giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế tại Washington, DC. Ông được coi là một chuyên gia hàng đầu về tình trạng suy dinh dưỡng, và đã phát biểu tại các hội nghị của Liên Hiệp Quốc và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ông là thành viên của Học viện Giáo hoàng về Khoa học kể từ năm 2012.

Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo vẫn là hiệu trưởng của cả Viện hàn lâm khoa học Giáo Hoàng và Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.

16. Thánh lễ mừng kính Thánh Antôn thành Padua 

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là Thánh Lễ và sau đó là cuộc rước kiệu trọng thể kính thánh Antôn thành Padua của hàng chục ngàn người tại thành phố Padua ở miền Bắc nước Ý hôm thứ Ba 13 tháng Sáu vừa qua.

Thánh Antôn thành Padua tên thật là Fernando. Ngài sinh năm 1195 tại Lisbon thủ đô nước Bồ Ðào Nha. Tròn 15 tuổi, Ngài gia nhập dòng Thánh Augustinô và chịu chức linh mục ở đây. Ở tuổi 25, ngài đổi sang dòng Thánh Phanxicô. Ngài được sai đi truyền giáo ở Marốc và ước ao được phúc tử đạo. Sau này, ngài đi rao giảng khắp miền Tây nước Ý và miền Nam nước Pháp. Ngài qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, tại thành phố Padua, lúc mới tròn 36 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X phong thánh vào tháng 5 năm 1232. Vào năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 14 tháng Sáu, khi chào các bạn trẻ, những người đau yếu và các đôi tân hôn Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng một ngày trước đó, Giáo Hội mừng kính thánh Antôn thành Padua, “vị giảng thuyết tài ba bổn mạng dân nghèo và người đau khổ.” Ngài khích lệ giới trẻ đừng mệt mỏi noi gương sống của thánh nhân; và khích lệ người đau yếu xin thánh nhân bầu cử cho họ trong tật bệnh; và các cặp vợ chồng mới cưới thi đua học hỏi và sống Lời Chúa trong đời hôn nhân.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

KHUÔN MẶT CON NGƯỜI

KHUÔN MẶT CON NGƯỜI

Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với một cô gái trẻ, cô xác định rằng …