Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02/07 – 08/07/2015: ĐTC tông du Ecuador, Bolivia và Paraguay

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02/07 – 08/07/2015: ĐTC tông du Ecuador, Bolivia và Paraguay

 

1. Đức Thánh Cha làm phép dây Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

Sáng ngày 29 tháng Sáu, lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để làm phép dây Pallium cho 46 vị Tổng Giám Mục chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Dây Pallium màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh đeo ở cổ khi cử hành thánh lễ, biểu hiệu tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, và phẩm giá của vị Tổng Giám Mục chính tòa. Dây làm bằng lông chiên tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai.

Như thông báo được Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha, đưa ra ngày 12 tháng Giêng, từ nay Đức Thánh Cha không choàng dây này cho vị Tổng Giám Mục trong thánh lễ, nhưng lễ trao giây Pallium sẽ được cử hành tại giáo phận địa phương do vị đại diện Tòa Thánh chủ sự, và với sự tham dự của các Giám Mục trong giáo tỉnh và các tín hữu.

Trong số 46 vị Tổng Giám Mục chính tòa thuộc 34 quốc gia nhận dây Pallium có 6 vị từ Á châu, trong số này có 2 vị người Ấn độ, và 4 vị còn lại đến từ Nhật bản, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ Hoa Kỳ có hai vị Tổng Giám Mục giáo phận Chicago và Sante Fe.

Đầu thánh lễ, 4 thầy Phó tế mang các dây Pallium từ mộ thánh Phêrô lên bàn thờ, rồi Đức Hồng Y trưởng đẳng Phó tế Renato Martino xướng danh 46 vị Tổng Giám Mục chính tòa, trước khi các vị cùng tuyên xưng đức tin. Rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong thánh lễ sáng thứ Hai 29 tháng Sáu, đặc biệt có phái đoàn 3 vị thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở vị trí danh dự trước bàn thờ chính do Đức Tổng Giám Mục Ioannis Zizioulas Adamakis làm trưởng đoàn.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, ngoài 46 vị Tổng Giám Mục Chính tòa, còn có 40 Hồng Y, 50 Giám Mục và 400 Linh mục. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và Ca đoàn “Mẹ Giáo Hội” còn có ca đoàn Tân Đại Học Oxford của Anh giáo gồm 30 ca viên đảm trách.

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi diễn giải các bài đọc của ngày lễ và rút ra những bài học về lòng can đảm của các Tông đồ và cộng đồng Kitô tiên khởi đương đầu với những bách hại, sự chuyên chăm cầu nguyện, xác tín về sự gần gũi và nâng đỡ của Chúa trước những nghịch cảnh khó khăn, dấn thân làm chứng tá cho đến độ sẵn sàng đổ máu, Đức Thánh Cha nhắc nhở các vị Tổng Giám Mục chính tòa về ý nghĩa dây Pallium mà các vị lãnh nhận: đó là hình ảnh con chiên mà vị mục tử vác trên vai như Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã làm, đó là biểu hiệu sự hiệp thông giữa Tòa Thánh Phêrô, và người Kế Nhiệm với các vị TGM chính tòa, và qua các vị với các Giám Mục khác trên thế giới. Đức Thánh Cha nói:

“Ngày hôm nay, với dây Pallium, tôi muốn ủy thác cho anh em lời kêu gọi cầu nguyện, tin tưởng và làm chứng tá”:

“Giáo Hội muốn anh em là những người cầu nguyện, thầy dậy về sự cầu nguyện; dạy cho dân được Chúa ủy thác cho anh em rằng sự giải thoát khỏi mọi tù ngục chỉ là công trình của Thiên Chúa và là kết quả của việc cầu nguyện, Thiên Chúa trong lúc thuận tiện gửi sứ thần của Ngài đến cứu chúng ta khỏi bao nhiêu sự nô lệ và vô số những xiềng xích trần tục. Cả anh em cũng hãy trở thành những thiên thần và sứ giả bác ái đối với những người túng quẫn nhất”.

Giáo Hội muốn anh em là những con người của đức tin, thầy dậy đức tin: dạy cho các tín hữu đừng sợ bao thiêu thứ Hêrôđê đang bách hại, với những thập giá đủ loại. Không Hêrôđê nào có thể dập tắt ánh sáng hy vọng, tin yêu của người tin nơi Chúa Kitô”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vị Tổng Giám Mục chính tòa hãy trở thành những người làm chứng tá. “Thánh Phanxicô đã nói với các tu sĩ của mình: Hãy luôn giảng Tin Mừng, và nếu cần anh em cũng hãy giảng bằng lời nói nữa! (Xc Fonti Francescane, 43). Không có chứng tá nếu không có cuộc sống hợp với niềm tin và lời dạy! Ngày nay không cần các thầy dạy cho bằng cần những chứng nhân can đảm, xác tín và sống thực điều mình tin và dạy; cần những chứng nhân không hổ thẹn vì danh Chúa Kitô và thập giá của Chúa, hoặc đứng trước những sư tử gầm vang, hay trước những quyền lực của trần thế này”..

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh em hãy dạy cầu nguyện bằng cách cầu nguyện; hãy loan báo niềm tin bằng cách tin tưởng; hãy làm chứng tá bằng cách sống thực!”

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã trao các dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa.

Đến 12 giờ trưa, ngài đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài gợi lại ý nghĩa của ngày lễ và mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho thành Roma nhân lễ bổn mạng, để dân thành này được an sinh tinh thần và vật chất, xin ơn thánh Chúa nâng đỡ toàn dân Roma để họ sống trọn vẹn đức tin Kitô, can đảm làm chứng tá với lòng nhiệt thành kiên cường của thánh Phêrô và Phaolô”

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ 30 ngàn thành viên Canh tân trong Thánh Linh

Chiều thứ Sáu 3-7, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 30 ngàn thành viên Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, nhân dịp khai mạc Đại hội lần thứ 38 của Phong trào này.

Chủ đề cuộc gặp gỡ và đại hội là “Những con đường hiệp nhất và hòa bình. Những tiếng nói trong kinh nguyện cho những người tử đạo ngày nay, và cho Phong trào đại kết tinh thần”.

Hiện diện tại cuộc gặp gỡ còn có hơn 10 GM và chức sắc và tín hữu Kitô thuộc các hệ phái Kitô khác, như Đức TGM Policarpo Eugenio Aydin, Đại diện Đức Thượng phụ Chính Thống Syriac ở Hòa Lan, Đức TGM David Moxon, Đại diện Đức TGM Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo cạnh Tòa Thánh, và một Mục sư thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther Thụy Điển.

Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến Quảng trường thánh Phêrô, các tham dự viên đã hát thánh ca, cầu nguyện, nghe trình bày chứng từ, xoay quanh chủ đề “đại kết bằng máu”, tức là các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, đã chịu chết vì niềm tin nơi Chúa Kitô.

Khi Đức Thánh Cha đến quảng trường, có 2 chứng từ đã được trình bày với Đức Thánh Cha: trước tiên của Ông Vittorio Aliquò, người thành Palermo trên đảo Sicilia, đã làm Ủy viên công tố trong 48 năm trời và đã điều tra về những hoạt động của các tổ chức bất lương mafia: trong 20 năm trời ông luôn phải sống trong sự hộ tống, kể cả khi đi nghỉ hè, và đi lễ Chúa Nhật thì luôn phải thay đổi nhà thờ, và ông lấy làm tiếc vì không thể tham dự các buổi cầu nguyện Thánh Linh. Ông đã thấy bao nhiêu đồng nghiệp, nhân viên công lực, chủ xí nghiệp và cả linh mục chân phước Pino Puglisi bị mafia giết chết. Ông Aliquò nói:

“Con đã thấy bao nhiêu máu vô tội đổ ra trước mắt con. Khi nhìn các vị tử đạo ngày nay và trước đây, và nghĩ đến các thế hệ trẻ, con muốn nói rằng việc nhớ đến máu đổ ra như thế trên các đường phố của chúng ta không thể bị xóa bỏ”.

Chứng từ thứ hai của anh Ugo Esposto, 17 tuổi, sau một thời niên thiếu với bao nhiêu xáo trộn, bị gia đình bỏ rơi khiến anh ta không còn tin tưởng và sống trong cô đơn, sau cùng Ugo đã tìm lại niềm tín thác nhờ được biết đại gia đình Canh tân trong Thánh Linh. Anh nói: “Với lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh đổ ơn thiêng xuống, cuộc sống của con đã được hoàn toàn biến đổi. Bây giờ con cũng như điều để nói và để đóng góp với thế giới. Lời Chúa đã đốt lên một ngọn lửa mà con không thể cầm giữ. Lời Chúa đã tỏ cho con thấy con được yêu mến và không bị bỏ rơi, con quí giá, và cuộc sống của con có ý nghĩa và có một mục đích. Nếu Chúa Giêsu có thể tái ban hy vọng này cho cuộc sống của con, Ngài cũng có thể ban cho mọi thiếu niên như con”.

Huấn từ

Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao phong trào đại kết bằng máu và ngài khích lệ các thành viên Phong trào canh tân trong Thánh Linh nỗ lực cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất. Ngài ứng khẩu nói:

“Hoạt động cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện với nhau. Hiệp nhất vì máu các vị tử đạo ngày nay làm cho chúng ta hiệp nhất. Có một phong trào đại kết bằng máu. Chúng ta biết rằng khi những người oán ghét Chúa Kitô giết hại một Kitô hữu, trước khi giết họ không hỏi tín hữu: “Ngươi là tin lành Luther, là tín hữu Chính Thống hay tin Lành, Baptist hay Methodist?” Ngươi là Kitô hữu, và họ chém đầu người ấy.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến các vị tử đạo ở Uganda được phong thánh cách đây 50 năm, các vị ấy là tín hữu Công Giáo và Anh giáo.

Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong Thánh Linh, tức là hiệp nhất trong sự khác biệt, chứ không phải sự đồng nhất. Sự hiệp nhất ấy là công trình của Chúa Thánh Linh chứ không phải của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói đến việc phục vụ quan trọng của các vị lãnh đạo, các thủ lãnh giáo dân, là làm tăng trưởng về tinh thần và mục vụ những người sẽ thay thế khi họ mãn nhiệm. Và ngài nói: “Điều thích hợp là mọi việc phục vụ trong Giáo Hội có một thời hạn, đừng có những thủ lãnh trọn đời trong Giáo Hội. Điều này xảy ra tại vài nước có chế độ độc tài… Người duy nhất không thể thay thế được trong Giáo Hội là Chúa Thánh Linh và Chúa duy nhất chính là Đức Giêsu Kitô”.

Trước khi ban phép lành kết thúc, Đức Thánh Cha đã ủy thác cho các thành viên Phong trào Thánh Linh sứ vụ: “Với Kinh Thánh, với Lời Chúa, anh chị hay ra đi, rao giảng sự mới mẻ mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Hãy rao giảng cho người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề, người mù, các bệnh nhân, tù nhân và mọi người nam nữ. Nơi mỗi người có tinh thần bên trong muốn được giúp đỡ để mở toang cánh cửa để làm cho họ được sống”.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Đại hội của Phong trào Canh tân trong Thánh Linh đã tiếp tục vào thứ bẩy 4-7-2015, tại Sân vận động Olimpic ở Roma.

3. Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Ecuador

Chiều Chúa Nhật 5-7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Quito, khởi sự chuyến viếng thăm dài 8 ngày tại 3 nước Ecuador, Bolivia và Paraguay.

Việc ngài chọn 3 nước này để thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tại Mỹ châu la tinh theo đúng nghĩa không phải là tình cờ: 3 nước này thuộc hàng nhỏ nhất, nghèo nhất, ít được để ý tới trong chính trị đại lục và quốc tế. Cả trong trường hợp này, Đức Thánh Cha muốn khởi hành từ “ngoại ô”, nhưng cũng là nơi người ta cảm nghiệm một năng động mạnh mẽ về chính trị và xã hội. Đây cũng là những nơi đang có những thách đố lớn về mặt xã hội: nghèo đói, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, mong ước hòa bình, đấu tranh cho công bằng xã hội.

Trên chuyến bay dài 13 tiếng đồng hồ, Đức Thánh Cha đã chào thăm 75 ký giả Italia và quốc tế tháp tùng và cầu chúc họ làm việc tốt đẹp trong 8 ngày viếng thăm. Trong lời giới thiệu giới báo chí lên Đức Thánh Cha, cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cũng nhắc đến hơn 1 ngàn ký giả quốc tế khác đăng ký tại các phòng báo chí 3 nước để theo dõi và tường thuật về các hoạt động của Đức Giáo Hoàng. Cha Lombardi cho biết có 100 ký giả làm đơn xin tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến máy bay, nhưng chỉ có 75 chỗ thôi. Rồi Đức Thánh Cha chào từng ký giả và cám ơn họ.

Tiếp đón tại phi trường Quito

Sau khi vượt qua 10.100 cây số, tức là hơn 1 phần tư vòng trái đất, Đức Thánh Cha đã đến phi trường quốc tế Thống Chế Sucre ở Quito, thủ đô nước Ecuador vào lúc gần 3 giờ chiều giờ địa phương.

Tổng thống Rafael Correa cùng với các quan chức chính quyền, các GM và đông đảo dân chúng đã dành cho Đức Thánh Cha một sự tiếp đón rất nồng nhiệt tại sân bay, cùng với ban nhạc và một nhóm các trẻ em trong y phục truyền thống.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong bài diễn văn đầu tiên, ngài đã kêu gọi các thành phần xã hội tại Ecuador đối thoại và hòa giải với nhau:

“Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được trở lại Mỹ Châu la tinh và hôm nay được ở đây với quí vị và anh em, tại đất nước Ecuador xinh đẹp này. Tôi cảm thấy vui mừng và biết ơn khi thấy sự tiếp đón nồng nhiệt quí vị và anh chị em dành cho tôi: điều này thêm một bằng chứng về đặc tính hiếu khách của dân chúng tại Quốc gia cao quí này.

Sau khi cám ơn tổng thống và chào thăm và cám ơn chính quyền, các GM và các tín hữu, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đã viếng thăm Ecuador nhiều lần vì lý do mục vụ; cũng vậy ngày hôm nay, tôi đến đây như chứng nhân về lòng thương xót của Thiên Chúa và về niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Cũng niềm tin ấy qua bao thế kỷ đã hình thành căn tính của dân tộc này và đã mang lại bao nhiêu hoa trái tốt đẹp, trong đó có những nhân vật sáng ngời như thánh nữ Marianna Chúa Giêsu, thánh tu huynh Micae Febres, thánh nữ Narcisa Chúa Giêsu hoặc chân phước Mercedes di Gesù Molina được phong chân phước tại Guayquil này cách đây 30 năm trong cuộc viếng thăm của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Các vị đã sống đức tin nồng nhiệt và hăng say, và thực thi lòng thương xót bằng cách góp phần trong nhiều lãnh vực vào việc cải tiến xã hội Ecuador thời các ngài.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Ngày hôm nay, cả chúng ta cũng có thể tìm thấy trong Tin Mừng những chìa khóa giúp chúng ta đương đầu với những thách đố hiện nay, quí chuộng những khác biệt, thăng tiến đối thoại và sự tham gia không loại trừ ai, để những bước tiến bộ và phát triển hiện nay đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt chú ý đến các anh chị em mong manh nhất của chúng ta và các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương nhất. Thưa tổng thống, để đạt tới mục đích ấy, tổng thống luôn có thể kỳ vọng nơi sự dấn thân và cộng tác của Giáo Hội.

“Tất cả các bạn thân mến, trong niềm mong đợi và hy vọng, tôi bắt đầu những ngày này. Tại Ecuador, điểm gần nhất với không gian bên ngoài là Chimborazo, được gọi như thế vì đó là nơi “gần mặt trời nhất”, gần mặt trăng và các tinh tú. Các Kitô hữu chúng ta ví Chúa Giêsu với mặt trời, và ví mặt trăng với Giáo Hội, cộng đoàn; ngoại trừ Chúa Giêsu, không ai chiếu tỏa bằng ánh sáng của riêng mình. Ước gì trong những ngày này, tất cả chúng ta càng thấy rõ sự gần gũi với “mặt trời từ trên cao” (Xc Lc 1,78) và chúng ta là ánh phản chiếu ánh sáng và tình thương của Chúa.

Từ nơi đây, tôi muốn chào thăm toàn thể Ecuador. Từ đỉnh núi Chimborazo cho đến bờ biển Thái Bình Dương; từ vùng rừng Amazonia cho đến các đảo Galapagos; anh chị em đừng bao giờ đánh mất khả năng cảm tạ Chúa vì những gì Ngài đã và đang làm cho anh chị em; khả năng bảo vệ người bé nhỏ và đơn sơ, chăm sóc các trẻ em và người già của anh chị em, tín nhiệm nơi giới trẻ, cảm thấy ngưỡng mộ vì sự cao quí của dân tộc anh chị em và vẻ đẹp đặc biệt của đất nước anh chị em.

Giã từ phi trường Sucre, sau bài diễn văn và hội kiến riêng với Tổng thống Correa, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 40 cây số. Chiếc xe ngài đi là xe Fiat Idea, bé nhỏ nhất trong số các xe trong đoàn, kể cả các xe hộ tống, giống như chiếc xe ngài đã đi khi tới Rio de Janeiro cách đây 2 năm. Rồi chuyển sang chiếc xe dip màu trắng có mái che bằng kiếng.

Dọc đường có rất đông dân chúng đứng hai bên đường để chào Đức Thánh Cha, nhất là trên quãng đường 8 cây số trước tòa Sứ Thần tòa Thánh. Quang cảnh thật là cảm động.

4. Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ hơn một triệu người tại thành phố Guayaquil.

Hôm thứ Hai mùng 6 tháng 7, Đức Thánh Cha đã rời thủ đô Quito để bay tới thành phố Guayaquil cử hành thánh lễ lúc 11:15 tại quảng trường trước Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Trong bài giảng đầu tiên của chuyến Tông du tới Nam Mỹ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tập trung vào Đức Maria như là một mô hình cho các gia đình khi ngài đề cập đến trình thuật Tin Mừng về tiệc cưới tại Cana. Hơn một triệu người đã tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha cử hành tại thành phố Guayaquil.

Đức Thánh Cha nói: “Phép lạ của Chúa Kitô ở Cana – biến nước thành rượu – đã được thực hiện, chính vì Đức Trinh Nữ Maria rất chu đáo, đặt mối quan tâm của mình trong tay Chúa, và đã hành động nhạy cảm và can đảm.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét là Đức Mẹ lo lắng cho các nhu cầu của cặp mới cưới, chú ý tới những người khác, và không đóng kín trong chinh mình. Có rất nhiều trường hợp ngày hôm nay chúng ta có thể thấy rằng “rượu” – một dấu hiệu của “hạnh phúc, tình yêu, và sự dư dật” – đã hết: “Có bao nhiêu thanh thiếu niên của chúng ta và những người trẻ tuổi cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của họ? Có bao nhiêu phụ nữ, buồn bã và cô đơn, tự hỏi khi nào tình yêu ra đi, khi nào nó trượt ra khỏi cuộc sống của họ? Làm thế nào nhiều người già cảm thấy bi gạt ra khỏi các lễ kỷ niệm trong gia đình, gạt sang một bên và khao khát mỗi ngày cho một chút tình yêu? “

Đức Mẹ đáp lại sự thiếu rượu bằng cách đến gần Chúa Giêsu với sự tự tin, bằng cách cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đức Mẹ dạy chúng ta phải đặt các gia đình minh trong bàn tay của Thiên Chúa, để cầu nguyện, để khơi dậy niềm hy vọng trong chúng ta rằng mối quan tâm của chúng ta cũng là mối quan tâm của Thiên Chúa. Cầu nguyện luôn luôn nâng chúng ta ra khỏi những lo lắng và quan tâm của chúng ta . “

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói, Đức Mẹ đã hoạt động. Lời nói của Mẹ tại tiệc cưới là – “Hãy làm bất cứ điều gì Ngài nói với bạn” – cũng là “một lời mời để chúng ta mở lòng mình ra cho Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không để được phục vụ.” , chúng ta hiểu điều này đặc biệt trong bối canh gia đình , nơi mà chúng ta học được sự phục vụ người khác, và là nơi không ai bị từ chối. Các gia đình “hình thành nên vốn qúy nhất của xã hội “ và “không thể bị thay thế bởi các tổ chức khác.” Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ kêu gọi mọi người bảo vệ gia đình, ngài nói rằng gia đình phải được “giúp đỡ và tăng cường.”

Các gia đình, ngài nói, cũng là “một Giáo Hội thu nhỏ, một “Giáo Hội tại gia” mà, cùng với cuộc sống, cũng là trung gian dịu dàng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. “Mặc dù gia đình của chúng ta đôi khi không đúng như những gì chúng ta mong đợi, không hoàn toàn là lý tưởng mà chúng ta hình dung cho chính mình, dù thế đi nữa, mỗi ngày trong gia đình “phép lạ đều được thực hiện” với nhung gì ít ỏi chúng ta có. “Trong gia đình nhỏ của chúng ta và trong gia đình lớn mà tất cả chúng ta thuộc về, không có gì bị bỏ đi, không có gì là vô dụng.” Đức Thánh Cha cũng đã xin anh chi em cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về gia đình “, để Chúa Kitô có thể nhận lấy ngay cả những cái chúng ta nghĩ là không trong sạch, tai tiếng hay đang bị đe dọa, và biến nó thành … một phép lạ. “

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của mình bằng cách chỉ ra một thực tế rằng, trong đám cưới Cana, rượu ngon nhất vẫn chưa đến “. Đối với các gia đình, những gì là phong phú nhất, sâu đậm nhất, và những điều đẹp nhất vẫn chưa đến” Thiên Chúa, “luôn luôn tìm kiếm những người trong các vùng ngoại vi, những người đã hết rượu, những người chỉ đang uống sự chán nản. Chúa Giêsu cảm nhận được sự yếu đuối của họ, ngõ hầu đổ ra các loại rượu vang tốt nhất cho những ai, vì bất cứ lý do gì, cảm thấy rằng tất cả các bình của họ đã bị vỡ tan. “

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa lúc 2 giờ chiều với cộng đoàn dòng Tên và đoàn tùy tùng, trước khi đáp máy bay lúc 5 giờ 10 phút chiều để trở về thủ đô Quito khoảng 6 giờ chiều, rồi đến viếng thăm Tổng thống Ecuador tại dinh Carondelet. Sau đó ngài đến viếng nhà thờ chính tòa Quito.

5. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ra tuyên bố: Phán quyết của Tối cao Pháp viện là một lỗi lầm bi thảm

Người Công Giáo được mời gọi để làm chứng cho sự thật của hôn nhân bất chấp phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công nhận hôn nhân đồng tính. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra lời kêu gọi trên hôm thứ Sáu 26 tháng Sáu, sau khi Tối cao Pháp viện Mỹ ra phán quyết buộc tất cả các tiểu bang trên toàn lãnh thổ phải công nhận hôn nhân đồng tính.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ trong vụ Obergefell v. Hodges đã được thông qua với tỷ lệ khít khao 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống trong đó 5 thẩm phán tòa án tối cao này đưa ra một định nghĩa pháp lý mới về hôn nhân, và đảo ngược luật pháp của tất cả các tiểu bang hiện vẫn không cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đồng tính.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khẳng định rằng:

“Bất kể những gì một đa số sít sao tại Tòa án Tối cao có thể tuyên bố tại thời điểm này trong lịch sử, bản chất của con người và hôn nhân vẫn không thay đổi và không thể thay đổi,” Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như trên trong tuyên bố thay mặt các Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức Cha cho biết: “Chúa Giêsu Kitô, với tình yêu bao la của Ngài, dạy rõ ràng rằng từ thuở ban đầu hôn nhân là một kết hiệp suốt đời giữa một người nam và một phụ nữ. Trong tư cách là các giám mục Công Giáo, chúng tôi bước theo Chúa chúng ta và sẽ tiếp tục giảng dạy và hành động theo sự thật này.”

Phán quyết của tòa án tối cao Mỹ đã lật ngược những quyết định ủng hộ hôn nhân truyền thống được đưa ra vào tháng Mười Một năm ngoái tại các tiểu bang Michigan, Ohio, Kentucky và Tennessee. Với phán quyết này, “hôn nhân đồng tính” được công nhận ở tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.

Các Giám Mục Hoa Kỳ khẳng định rằng mặc dù tòa án công nhận “hôn nhân đồng tính”, người Công Giáo phải dạy và làm chứng cho hôn nhân thật sự.

Đức Tổng Giám mục Kurtz nói:

“Ý nghĩa độc đáo của hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đã được ghi khắc trong cơ thể chúng ta, nơi sự khác biệt về giới tính của chúng ta như những người nam và người nữ”.

“Việc bắt buộc định nghĩa lại hôn nhân trên khắp đất nước là một lỗi lầm bi thảm làm tổn hại đến lợi ích chung và những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Luật pháp có nhiệm vụ hỗ trợ các quyền cơ bản của mọi đứa trẻ được lớn lên, nếu có thể, bởi cha mẹ trong một gia đình ổn định. “

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục khích lệ người Công Giáo nên tiếp tục rao giảng sự thật về bản chất của hôn nhân với “đức tin, hy vọng và tình yêu” dành cho tất cả mọi người, và kêu gọi “tất cả mọi người thiện chí” tham gia với người Công Giáo trong việc công bố sự thật này.

6. Tông thư dưới dạng Tự Sắc thành lập Bộ Thông Tin Tòa Thánh

Ngày thứ Bẩy 27 tháng Sáu năm 2015, Tòa Thánh đã công bố một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Thánh Cha thành lập Bộ Thông Tin Tòa Thánh.

Vị tân Tổng Trưởng Bộ Thông Tin là Đức Ông Dario Edoardo Viganò, một linh mục người Ý, nhà văn và là giáo sư Đại Học về công nghệ thông tin. 

Sau khi hoàn thành các môn triết học và thần học tại Đại học Milan, ngài được Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, tổng giám mục giáo phận Milan, truyền chức linh mục vào ngày 13 tháng 6 năm 1987. 

Trong luận văn tiến sĩ của mình, cha Dario Edoardo Viganò đã nghiên cứu về lịch sử của điện ảnh. Luận văn của ngài gây một tiếng vang lớn và đã được nhà xuất bản Castoro phát hành năm 1997. Ngay sau đó, ngài làm việc tại Văn phòng Truyền thông Xã hội của Giáo phận Ambrosiô và tham gia tích cực vào các hoạt động điện ảnh.

Từ giữa năm 1990, ngài bắt đầu dạy môn “Đạo đức và nghĩa vụ học của Truyền Thông” tại Đại học Công Giáo Thánh Tâm ở Milan. Năm 1998, ngài bắt đầu giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Truyền thông của Đại học Lumsa.

Từ năm 2000 trở đi, ngài bắt đầu giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng Lateranô ở Rôma về công nghệ truyền thông. 

Ngày 22 tháng 1 năm 2013, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cử làm giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican.

Dưới đây là toàn văn tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bối cảnh truyền thông hiện nay, đặc trưng bởi sự hiện diện và sự phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bởi các yếu tố của sự hội tụ và tương tác, đòi hỏi phải có một sự tái xét hệ thống thông tin của Tòa Thánh và đưa ra một sự tái tổ chức, trong đó vừa công nhận lịch sử phát triển nội bộ tài nguyên thông tin Tòa Thánh, vừa phải quyết liệt tiến hành theo hướng hội nhập và thống nhất quản lý.

Vì những lý do này, tôi mong rằng tất cả các tổ chức cho đến nay liên quan đến việc thông tin liên lạc cách này cách khác, được nhập lại với nhau trong một Thánh Bộ mới của Giáo Triều Rôma, được gọi là Bộ Thông Tin. Như thế, hệ thống truyền thông của Tòa Thánh sẽ đáp ứng hiệu quả hơn bao giờ những nhu cầu của sứ vụ Giáo Hội.

Do đó, sau khi xem xét các báo cáo và nghiên cứu, và sau khi nhận được gần đây báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của điều này và đã nghe các ý kiến đồng thanh nhất trí của Hội đồng các Hồng Y, tôi thiết lập Bộ Thông Tin và truyền rằng:

Điều 1:

Các tổ chức dưới đây, như đã được giới thiệu bởi Ủy ban của Truyền Thông Tòa Thánh vào ngày 30 Tháng 4 năm 2015, sẽ được nhập vào Bộ Thông Tin: Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Phòng Báo chí Tòa Thánh, Dịch vụ Internet Vatican, Radio Vatican, Trung Tâm Truyền Hình Vatican (CTV), báo Quan Sát Viên Rôma, Nhà In Vatican, Dịch vụ Chụp hình, và nhà xuất bản Vatican (Libreria Editrice Vaticana).

Điều 2:

Các tổ chức trên, từ ngày công bố Tự Sắc này, phải tiếp tục các hoạt động riêng của mình, , tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ Thông Tin.

Điều 3:

Bộ mới, theo thỏa thuận với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ đảm trách trang web của Tòa Thánh: www.vatican.va và tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha: @Pontifex

Điều 4:

Bộ Thông Tin sẽ bắt đầu nhiệm vụ của mình vào ngày 29 tháng Sáu năm 2015, và đặt trụ sở tạm tại địa chỉ Palazzo Pio, Piazza Pia, 3, 00.120 Vatican.

Tất cả những điều tôi đã trình bày trong Tông Thư dưới dạng Tự Sắc này, tôi thiết định phải được chấp hành đầy đủ, bất kể những quy định ngược lại, dù là đáng lưu ý đi chăng nữa, và tôi truyền cho công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma và, sau đó, trong Công Báo Tòa Thánh.

Ban hành tại Rôma ngày 27 tháng 6 năm 2015, năm thứ ba triều đại giáo hoàng của tôi.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

7. Đức Giáo Hoàng phê chuẩn án tuyên thánh cho song thân Thánh Têrêsa thành Lisieux

Hôm thứ Bảy 27 tháng Sáu, tại Điện Tông Tòa Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các nghị định tuyên thánh cho hai Chân Phước Louis và Zélie Martin, là song thân của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh cho biết cha mẹ của vị thánh tiến sĩ Hội Thánh sẽ là cặp vợ chồng đầu tiên được tuyên thánh cùng nhau như hai vợ chồng, làm chứng cho “chứng tá ngoại thường của linh đạo vợ chồng và gia đình”.

Như Đức Hồng Y Amato trình bày với Đức Thánh Cha cuộc đời hai vị tân thánh đã “ảnh hưởng tích cực đến bối cảnh lịch sử của các ngài thông qua chứng tá Tin Mừng của họ trong sự canh tân bộ mặt trái đất”.

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh “đời sống đức tin gương mẫu, sự cống hiến cho những giá trị lý tưởng kết hợp với hiện thực cuộc sống, và sự chú ý liên tục đến người nghèo” của các ngài.

Louis Martin (1823-1894) và Zélie Guerin (1831-1877) đã may mắn có chín người con. Tuy nhiên bốn người đã chết trong thời niên thiếu. Năm cô gái còn lại tất cả đều gia nhập đời sống thánh hiến, một trong những người con đó là Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Nghị định cũng phê chuẩn lễ phong thánh cho Chân Phước Vincenzo Grossi, là một linh mục triều người Ý và Chân Phước Maria của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, là một nữ tu Tây Ban Nha.

8. Vatican ký hiệp ước với Palestine, chính thức công nhận Palestine là một quốc gia

Tòa Thánh Vatican đã ký một hiệp ước với nhà nước Palestine vào ngày thứ Sáu 26/6/2015. Điều đó có nghiã là Tòa Thánh đã chính thức công nhận Palestine là một quốc gia. Tòa Thánh nói rằng việc thừa nhận nhà nước Palestine về mặt pháp lý sẽ giúp kích thích tiến trình hòa bình với Israel đồng thời hiệp ước này sẽ là một mô hình cho các nước khác ở Trung Đông.

Buổi lễ ký kết đã được diễn ra tại Vatican. Đại diện cho Tòa Thánh là Đức TGM Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao và người đồng cấp đại diện cho Palestine là ông Riad al-Malki.

Chính quyền Israel đã tỏ ra không hài lòng khi Vatican loan báo vào tháng trước rằng Vatican đã đạt được thoả thuận chung cuộc với nhà nước Palestine về việc quy định sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo tại lãnh thổ nước Palestine.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Israel trong một bản tuyên cáo nói rằng Vatican thừa nhận Palestine chỉ làm hại cho viễn tượng hòa bình, không khuyến khích người Palestine trở lại hoà đàm. Bộ Trưởng Ngoại Giao Israel còn doạ sẽ nghiên cứu hiệp ước này và xét lại sự hợp tác trong tương lai giữa Israel và Vatican.

Trong khi đó Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói việc thừa nhận Palestine sẽ kết thúc sự xung đột giữa Israel và Palestine mà đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho cả hai phía.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói thêm hiệp ước này còn được coi như là một khuôn mẫu cho Giáo Hội tại các nước vùng Trung Đông là nơi các tín hữu Kitô Giáo bị áp bức.

Tưởng cũng nên nói thêm là Liên Hiệp Quốc gồm có 190 nước thành viên trong đó 135 nước công nhận Palestine và 160 nước công nhận Israel là một quốc gia.

Hầu hết các nước trong Liên Hiệp Âu Châu, cũng giống như Mỹ không thừa nhận Palestine là một quốc gia. Duy nhất có Thụy Điển trong tháng Mười vừa qua là quốc gia đầu tiên của Âu Châu thừa nhận Palestine là một quốc gia và đã làm cho Israel rất khó chịu

Các hãng thông tấn lớn như AFP, Reuters và nhiều báo chí ở Hoa Kỳ khi phải nhắc tới nhà nước Palestine, họ viết Nhà Nước Palestine trong ngoặc kép “State of Palestine”Ví dụ hãng AP đặt tựa đề cho bản tin “The Vatican signed its first treaty with the “State of Palestine”. Điều này có nghiã là ngầm bảo độc giả Palestine không chính thức là một quốc gia.

9. Đức Thánh Cha tiếp đoàn đại biểu Chính Thống Giáo sang Rôma tham dự lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

Hôm thứ Bảy 27 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn của Đức Thượng Phụ Barthôlômêô là Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo thành Constantinople sang Rôma tham dự lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô sẽ được cử hành vào ngày thứ Hai 29 tháng Sáu.

Đức Thánh Cha nói:

“Sự hiện diện của anh em tại ngày lễ này của chúng tôi đã chứng minh một lần nữa mối quan hệ sâu sắc giữa các Giáo Hội chị em Rôma và Constantinople, là điềm báo trước của mối dây liên kết giữa hai vị thánh bổn mạng tương ứng của các Giáo Hội chúng ta là các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê, vừa là anh em ruột thịt vừa là anh em trong đức tin, hiệp nhất trong sứ vụ tông đồ và trong tử đạo”.

Đức Thánh Cha cũng nhân dịp này bày tỏ sự hỗ trợ của ngài với công việc của Ủy ban Quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống.

Ngài nói:

“Những vấn đề chúng ta có thể gặp phải trong quá trình đối thoại thần học không được dẫn chúng ta đến chỗ chán nản hoặc rút lui. Việc tự vấn cẩn thận cách thế quy định các nguyên tắc của tính đồng đoàn và sứ vụ của người lãnh đạo, sẽ có những đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ trong các mối quan hệ giữa hai Giáo Hội chúng ta.”

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

EUCHARIST

Suy niệm Tin Mừng THÁNH LỄ TIỆC LY, THỨ NĂM TUẦN THÁNH, của Lm Minh Anh

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO “Ngài yêu thương họ đến cùng!”. “Người khôn ngoan không …