Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 12–18/07/2016: Tại sao người ta bỏ đạo để theo đạo Hồi?

Video: Giáo Hội Năm Châu 12–18/07/2016: Tại sao người ta bỏ đạo để theo đạo Hồi?

1. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chiến dịch của Caritas cho hòa bình tại Syria đồng thời lên án sự tài trợ võ khí nuôi chiến tranh tại đây.

Trong sứ điệp Video phổ biến hôm 5-7-2016, Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn vì chiến tranh tại Syria nay đã bước sang năm thứ 5. “Đó là một tình trạng đau khổ khôn tả, nạn nhân là những người dân Syria phải sống dưới bom đạn hoặc tìm đường trốn chạy ra nước ngoài: bỏ lại nhà cửa và mọi sự..” Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng nghĩ đến các cộng đoàn Kitô mà tôi hoàn toàn hỗ trợ vì những kỳ thị mà họ đang phải chịu”.

“Tôi muốn ngỏ lời với tất cả các tín hữu và những người, cùng với Caritas, đang dấn thân trong việc xây dựng một xã hội công chính hơn. Trong khi dân chúng chịu đau khổ, thì số lượng tiền bạc không thể tưởng tượng nổi được chi phí cho việc cung cấp võ khí cho những người đang đánh nhau. Và một số nước cung cấp các võ khí ấy, cũng thuộc vào số những nước nói về hòa bình. Làm sao ta có thể tin những người tay phải thì vuốt ve bạn, còn tay trái thì đánh bạn”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi khuyến khích tất cả mọi người, người lớn và người trẻ, hãy hăng hãi sống Năm Lòng Thương Xót này để khắc phục sự dửng dưng lãnh đạo và mạnh mẽ tuyên bố rằng hòa bình ở Syria là điều có thể!”

“Tôi mời gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và cho nhân dân nước này nhân dịp những buổi canh thức cầu nguyện, các sáng kiến gây ý thức nơi các nhóm, trong các giáo xứ và các cộng đoàn, để phổ biến một sứ điệp hòa bình, hiệp nhất và hy vọng”.

“Kèm theo lời cầu nguyện là những hoạt động cho hòa bình – Đức Thánh Cha nói – Tôi mời gọi anh chị em hãy ngỏ lời với những người can dự vào các cuộc hòa đàm để họ coi trọng các hiệp định và dấn thân làm sao để các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân một cách dễ dàng.

“Tất cả phải nhìn nhận rằng không có một giải pháp quân sự cho Syria, nhưng chỉ có một giải pháp chính trị. Vì thế cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các cuộc hòa đàm, tiến tới việc thiết lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy liên kết mọi nỗ lực, trên mọi cấp độ, để hòa bình trở thanh điều có thể trên đất nước Syria yêu quí. Đây sẽ là một ví dụ hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được sống thực sể mưu ích cho toàn thể cộng đồng quốc tế”

2. Báo Quan Sát Viên Rôma: Tại sao người ta bỏ đạo để theo đạo Hồi?

Hồi Giáo thường được gắn liền với tai ương khủng bố đang gây âu lo trên thế giới. Quan điểm của Hồi Giáo về phẩm giá thứ cấp của phụ nữ trong gia đình và xã hội thường bị phê phán tại phương Tây. Bất chấp những điều đó, số người tự nguyện bỏ đạo để theo Hồi Giáo đã tăng đáng kể đến mức Báo Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh đã đăng một bài ngay trên trang nhất trình bày những lý do khiến người ta bỏ đạo để theo Hồi Giáo.

Trong số báo ra ngày thứ Sáu 8 tháng Bẩy, sử gia Lucetta Scaraffia đã tóm lược một nghiên cứu gần đây của nhà báo Virginie Riva về trường hợp theo đạo Hồi của 11 phụ nữ Pháp trong độ tuổi từ 25 đến 35, tốt nghiệp đại học, và không hề bị thu hút bởi chủ nghĩa khủng bố.

Trong bài “L’attrazione della testimonianza”, nghĩa là “Hấp lực của chứng tá”, Lucetta Scaraffia cho biết những phụ nữ đến với Hồi giáo thông qua tình bạn của họ với các sinh viên Hồi giáo, là những người sống niềm tin tôn giáo của họ. Chứng tá của các sinh viên Hồi Giáo này mạnh đến mức đã khiến các phụ nữ đón nhận việc nghiên cứu Kinh Qur’an, và xem nhẹ những phiền toái phát sinh từ quan điểm của Hồi Giáo về phẩm giá thứ cấp của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Khi chấp nhận lời mời đến với những bữa ăn chay Ramadan, những phụ nữ có cha mẹ ly dị, đặc biệt bị thu hút bởi sự ấm áp của cuộc sống gia đình và lòng hiếu khách. Trong Hồi giáo, những người cải đạo cũng tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ đôi khi khá “đau khổ” về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết.

Những câu chuyện này, Scaraffia viết, là những thực hành đã từng rất phổ biến trong người Công Giáo Pháp, như lòng hiếu khách của các gia đình vào đêm Giáng sinh và việc đọc kinh Mân Côi chung với nhau trong gia đình. Tiếc rằng, những thực hành như thế đã nhanh chóng mai một trong thời hậu hiện đại khi con người quá bận rộn với công ăn việc làm.

Scaraffia nhận xét: “Sự ấm áp của con người, chứ không phải là những kế hoạch mục vụ quan liêu, là rất quan trọng.” Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “tạo ra một cộng đồng ấm áp và chào đón, như một chứng tá sống động cho sự khiêm nhường và sự kiên trì trong đức tin của chúng ta.”

3. Lời khuyên của Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles cho những người hoạt động trong lãnh vực truyền thông Công Giáo

Đức Cha Robert Barron, giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Los Angeles, có hơn 900,000 người theo dõi ngài trên Twitter, và gần 830,000 liên kết trên Facebook. Với những con số thống kê đó, ngài là người Công Giáo nổi bật thứ nhì trên các phương tiện truyền thông xã hội, chỉ sau một người duy nhất là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vì thế, khi Đức Cha Barron đưa ra những lời khuyên về cách thức truyền giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội, người ta không thể xem nhẹ.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên Rome Reports hôm thứ Bẩy 9 tháng Bẩy, 2016, Đức Cha Barron nói:

“Cứ làm đi. Cứ thử đi. Tôi bắt đầu với những bài bình luận về văn hóa, chứ không phải với những điều nặng về ‘nhà thờ’. Chúng ta hãy bắt đầu với một bộ phim, chúng ta hãy bắt đầu với một cuốn sách, chúng ta hãy bắt đầu với những gì mọi người đang bàn tán. Tin tức có chuyện gì đang xảy ra nào? Hãy bắt đầu với những điều đó và sau đó tìm thấy ở đó những gì các nghị phụ trong Giáo Hội gọi là ‘hạt giống của Lời Chúa’, vang vọng từ từ Lời Chúa mà bạn thấy phù hợp.”

Đức Cha Barron gọi những gợi ý liên quan đến Tin Mừng như thế là “đôi mắt Kinh Thánh”, cho phép chúng ta diễn giải các sự kiện trong thế giới sống động này thông qua một quan điểm Công Giáo. Bạn đừng ảo tưởng có được kỹ năng ấy ngay lập tức, nhưng chính ngài đã phải rèn luyện trong nhiều năm.

Đức Cha cho biết ngài tham gia vào các phương tiện truyền thông sau khi bị thách thức bởi một linh mục là hãy làm cho tiếng nói chúng ta được nghe, thay vì phàn nàn về các tình huống hiện nay trong xã hội. Ban đầu, ngài làm đài phát thanh, rồi chuyển qua truyền hình và cuối cùng là một thiết lập trang web tên là “Word on Fire”.

Đức Cha Barron nhận xét rằng với các tài nguyên sẵn có hiện nay, chúng ta không có lý do gì để thoái thác rao giảng Tin Mừng trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Ngài nói:

“Chúng ta tất cả đều có máy ảnh độ phân giải cao trong túi của chúng ta như iPhone, chẳng hạn. Chúng ta tất cả đều có thể truy cập vào những công cụ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Bạn có thể bắt đầu một trang web khá dễ dàng, tung một cái gì đó trên YouTube dễ ợt, vì vậy tôi nghĩ rằng mọi người đều có thể làm điều đó.”

Mặc dù trong những bước đầu, những cố gắng của ngài trên Youtube bị nhiều người cố gắng dập tắt qua những ý kiến tiêu cực, nhưng bây giờ ngài tỏ ra thích thú với những ý kiến đó. Theo Đức Cha, chấp nhận phê bình là cơ hội để mở tung cửa của Giáo Hội Công Giáo. Trong thực tế, nhiều người nói rằng các cuộc thảo luận theo sau một video clip đôi khi còn hấp dẫn người xem hơn là chính cái video đó.

Đức Cha Barron tâm sự,

“Tôi cố gắng làm một cái gì đó, có tính sáng tạo, có tính đột phát. Nếu không được, tôi thử cái gì đó khác. Chúng ta cần một sự linh hoạt và phóng khoáng khi rao giảng Tin Mừng.”

Đức Cha khuyến khích những ai thông minh, với một quan điểm sáng tạo hãy đi sâu vào truyền thông Công Giáo và đừng để mình bị đe dọa bởi những cạnh tranh. Khi ngài bắt đầu làm video, có 300 người xem ngài đã rất vui mừng. Bây giờ, khi đã là một giám mục, 19 triệu người đã từng xem các videos của ngài. Bất cứ điều gì cũng là có thể trong thế giới của các phương tiện truyền thông xã hội!

4. Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gởi người dân Á Căn Đình nhân 200 năm ngày độc lập

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi, liên đới và lời cầu nguyện của ngài với và cho toàn dân Argentina nhân dịp nước này kỷ niêm 200 năm độc lập.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong thư gửi cho Đức Cha José Maria Arancedo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina, nhân kỷ niệm 200 năm độc lập ngày mùng 9 tháng 7 hôm qua. Đức Thánh Cha nói ngài đặc biệt gần gũi những ai đau khổ; người bệnh, người sống trong cảnh nghèo nàn, người bị tù, người cô đơn, người không công ăn việc làm, người chịu mọi loại thiếu thốn, các nạn nhân của nạn buôn người và khai thác bóc lột, các trẻ vị thành niên nạn nhân của lạm dụng và biết bao người trẻ khổ đau vì nạn nghiện ma tuý. Họ là những người con bị đâm thâu nhất của quê hương.

Đức Thánh Cha nhắc lại các bài học trong trường dậy học sinh yêu Mẹ quê hương và tinh thần ái quốc. Đối với người không có lương tri người ta thường nói “Người này có thể bán mẹ mình lắm”. Nhưng chúng ta biết là không thể bán mẹ, kể cả Mẹ quê hương, Lễ kỷ niệm 200 năm con đường cùa một Quê hương trong các ước mong và ngưỡng vọng tình huynh đệ, dự phóng vượt các biên giới để hướng tới một Quê hương vĩ đại mà San Martin và Bolivar đã mơ ước.

Đức Thánh Cha khích lệ mọi người cầu nguyện xin Chúa giữ gìn nó, khiến cho nó mạnh mẽ hơn, huynh đệ hơn và bảo vệ nó khỏi mọi loại thực dân. Ngài cũng xin các thế hệ già, là ký ức của quốc gia và lịch sử, thắng vượt nền văn hóa gạt bỏ, có can đảm mơ mộng. Ngài xin người trẻ đừng sống trong sự bất động bàn giấy, nhưng biết chấp nhận các đề nghị sống anh hùng, có óc sáng tạo và tiên tri những điều cao cả. Khi đó quê hương sẽ tự do. Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa chúc lành cho quê hương Argentina và gìn giữ nó trên lộ trình tiến tới qua lời bầu cử của Đức Bà Luján.

5. Tiến trình hoà bình Colombia tiến triển tốt đẹp

Tiến trình hoà bình giữa chính quyền và tổ chức FARC đang trên đường tiến triển tốt. Nhưng cần phải giải thích cho người dân hiểu các thoả hiệp với một thứ ngôn ngữ đơn sơ rõ ràng.

Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia, đã cho giới báo chí biết như trên hôm mùng 6 tháng 7 vừa qua. Theo Đức Cha chính quyền đã thiếu sót sư phạm trong việc giải thích cho toàn dân biết tất cả mọi sự của tiến trình hoà bình mới ký kết. Liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý chập thuận các thoả hiệp hoà bình Đức Cha nêu bật rằng tốt nhất là tất cả mọi người đều đi bỏ phiếu, không phải chỉ cho sự tin tưởng mà thôi, nhưng với một lá phiếu có ly do và hiểu biết tại sao có tiến trình hòa bình, nghĩa là một lá phiếu có ý thức.

Hôm mùng 8 tháng 7 các Giám Mục Colombia đã có cuộc họp tại thủ đô Bogotà và trong các đề tài thảo luận có việc thiết định Giáo Hội Công Giáo cần làm gì để ủng hộ nền hoà bình trong các vùng sẽ được chính quyền nhường cho các cựu phiến quân FARC sinh sống. Đây không phải là một đề tài dễ, vì đa số dân chúng còn đang sống niềm đau đã mất người thân trong gia đình, nạn nhân của cuộc nội chiến đã kéo dài 52 năm.

6. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ liên đới với Giáo Hội Colombia

Trong những ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bầy tỏ liên đới với Giáo Hội Colombia và khích lệ tiến trình hoà bình, hòa giải và tái thiết tại nước này.

Trong thư gửi cho Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia, Đức Cha Oscar Cantù, chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã bầy tỏ các tâm tình trên đây. Đức Cha bảo đảm sự hỗ trợ và tình thân hữu của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ với Giáo Hội và nhân dân Colombia trong thời điểm hy vọng này của nền hoà bình được vãn hồi sau hơn 50 năm nội chiến. Liên quan đến thoả hiệp đạt được ký kết tại La Habana sau 4 năm thương thuyết giữa chính quyền Colombia và phiến quân FARC, Đức Cha Cantù khẳng định chỉ khi tiếp tục mạnh mẽ làm việc cho hoà giải và đối thoại, loại trừ các vũ khí và dụng cụ bạo lực, hoà bình mới có thể được bảo đảm. Các điểm chính của thoả hiệp là ngưng chiến và giao nộp vũ khí từ phía phiến quân.

Đức Cha Cantù cũng cho biết vào cuối tháng 8 này sẽ có một phái đoàn các Giám Mục Hoa Kỳ viếng thăm Colombia để cùng các Giám Mục sở tại suy tư về những điều cần làm giúp đương đầu với các vấn đề khó khăn hơn trong giai đoạn mới này. Ngài khích lệ các Giám Mục Colombia tiếp tục sứ vụ chủ chăn và là những người xây dựng hòa bình.

Mặt khác Đức Cha Cantù cũng viết thư cho ngoại trưởng John Kerry yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ góp phần vào việc trợ giứp Colombia phát triển, trước hêt bằng cách giảm số vũ khí cung cấp cho Colombia trong thời gian chuyển tiếp hòa bình tế nhị này. Đức Cha khẳng định rằng Hoa Kỳ có một trách nhiệm luân lý đặc biệt trong việc bảo vệ sự sống, phẩm giá và tương lai của tất cả các anh chị em Colombia. Nhân danh Giáo Hội Đức Cha thỉnh cầu chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục thăng tiến hoà bình tại Colombia.

7. Giáo Hội Công Giáo toàn Á châu đau buồn trước các vụ khủng bố giết người xảy ra trong các ngày qua và liên đới với các nạn nhân và gia đình họ.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai bên Ấn Độ kiêm chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu đã tuyên bố như trên, nhân lễ Eid al-Fitr chấm dứt tháng chay tịnh Ramadan của tín hữu Hồi.

Đức Hồng Y đặc biệt nhắc đến các nạn nhân vụ khủng bố tại Dacca bên Bangladesh do các kẻ khủng bố Hồi Giáo chủ mưu. Đức Hồng Y nói trước bạo lực đạt điểm tột đỉnh chúng ta kiếm tìm sức mạnh từ lòng thương xót của Thiên Chúa và được mời gọi đương đầu với các thách đố với tình liên đới hòa bình của mọi ngưòi thiện chí. Như là anh chị em với nhau chúng ta phải thăng tiến tình thần huynh đệ và liên đới. Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy nguy hiểm lớn nhưng cũng đầy cơ may cho nhân loại và thế giới, và cũng là một thời đại đầy trách nhiệm đối với tất cả chúng ta. Thật là điều cần thiết và cấp bách, các vị lãnh đạo tôn giáo, các chính quyền và cộng đoàn cùng nhau làm việc để xây dựng các cây cầu hoà bình và thăng tiến hoà giải.m Đức Hồng Y Gracias khích lệ mọi người đừng nhượng bộ thất vọng và các lực lượng và quyền bính nguy hiểm. Các chiều kích của hiện tượng khủng bố sát hại này khiến cho chúng ta kinh hoàng, nhưng chúng ta phải cầu nguyện và hoạt động cho hoà giải, công lý, hoà bình và phát triển. Giáo Hội muốn tiếp tục xây dựng các cây cầu của tình bằng hữu với tín hữu của mọi tôn giáo khác để kiếm tìm thiện ích đích thật cho mọi người và cho toàn xã hội. Ước chi tình bạn giữa các tín hữu kitô và hồi giáo gợi hứng cho tất cả chúng ta cộng tác với nhau trong việc đối phó với các thách đố này để bảo đảm rằng các tôn giáo có thể là các cây cầu của sự hài hoà cho thiện ích của xã hội và toàn gia đình nhân loại.

8. Tuyên bố của Đức Giám Mục giáo phận Dallas về vụ nổ súng giết các viên chức cảnh sát

Đức Cha Kevin Farrell, Giám mục giáo phận Dallas, Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố sau vụ nổ súng giết chết năm nhân viên cảnh sát và làm bị thương chín người khác trong thành phố. Ngài nói rằng “mức độ bạo lực ở trung tâm thành phố Dallas vào đêm thứ Năm 7 tháng Bẩy là đáng sững sờ.”

Ngài nói thêm, “mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi hướng đến những gia đình đã mất người thân trong vụ tấn công thảm khốc này”. Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Tất cả mạng sống đều có giá trị, dù là người da đen, hay da trắng, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, hay Ấn Độ giáo. Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và tất cả cuộc sống con người đều là quý giá “.

Năm viên chức cảnh sát đã thiệt mạng, bảy nhân viên khác và hai thường dân bị thương trong một loạt các vụ bắn tỉa lúc kết thúc một cuộc diễu hành rất ôn hòa nhằm phản đối vụ giết những người da đen gần đây tại Baton Rouge và Minneapolis.

Theo Đức Cha, “vụ nổ súng này nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm mà các nhân viên công lực, những người bảo vệ chúng ta, phải đối diện.”

“Chúng ta đã bị cuốn vào một vòng xoáy bạo lực không ngừng leo thang mà giờ đây đã chạm đến chúng ta sau khi đã hoành hành trên khắp đất nước này và trên thế giới.”

Đức Cha Kevin Farrell nói thêm:

“Chúng ta không thể đánh mất sự tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo dân sự của chúng ta phải thảo luận với nhau và làm việc cùng nhau để đi đến một giải pháp hợp lý nhằm chấm dứt tình trạng leo thang bạo lực này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa là Cha trên trời soi sáng tâm trí và trái tim của tất cả mọi người để họ biết làm việc cùng nhau cho hòa bình và sự hiểu biết.

Chúng ta hãy nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Xin Thiên Chúa của hòa bình khơi dậy một khát vọng đích thực cho đối thoại và hòa giải. Bạo lực không thể được khắc phục bằng bạo lực. Bạo lực phải được khắc phục bằng hòa bình.”

9. Nhà nước Trung Quốc tịch thu mọi khoản tiền quyên góp của các nhà thờ

Chính quyền tỉnh Chiết Giang, miền duyên hải của Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà thờ phải giao nộp cho chính phủ mọi khoản tiền có được, kể cả tiền dâng cúng của tín hữu. Đây là một phần trong việc áp dụng các chính sách mới của nhà cầm quyền.

Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các nhà thờ phải thực hiện “5 điều cải cách”, bao gồm: “bản địa hóa tôn giáo, tức là áp dụng các phong cách kiến trúc địa phương cho nhà thờ, quản lý nhất quán thần học chắt lọc bằng những bài giảng định hướng, minh bạch tài chính và cải tạo các Kitô hữu, nhằm trói buộc Kitô giáo vào khuôn khổ của một tổ chức đi theo những mục tiêu của Đảng Cộng sản. Kết quả là chính phủ đã thiết lập các văn phòng chiếm không gian ngay trong các nhà thờ và cử cán bộ đến để quản lý chặt chẽ các nhà thờ.

Chính quyền vừa triển khai thực hiện quy định mới này tại các nhà thờ ở huyện Bình Dương, tỉnh Ôn Châu, trong đó, các giáo xứ phải nộp toàn bộ số tiền quyên góp được cho chính quyền.

Một Kitô hữu địa phương nói rằng: “… chính quyền sẽ can thiệp vào các công chuyện của giáo xứ, họ quản lý tiền dâng cúng của chúng tôi và một số dự án quy mô lớn. Khi chúng tôi muốn mua máy móc thiết bị hoặc đồ trang trí cho nhà thờ thì chúng tôi phải được chính phủ chấp thuận. Chúng tôi cũng phải xin phép nếu chi trả bất kỳ khoản tiền nào nhiều hơn một vài ngàn nhân dân tệ”.

Hồi tháng 7 năm 2015, chính quyền địa phương đã bắt đầu cử cán bộ đến nói chuyện tại các nhà thờ và sắp đặt bàn làm việc của cán bộ ngay trong nhà thờ. Ngày 30 tháng 8 cùng năm, chính quyền ra lệnh rằng cán bộ nhà nước sẽ giám sát tất cả các nhà thờ ở Ôn Châu.

Theo một báo cáo chưa được xác nhận, chính quyền địa phương bây giờ còn đòi các nhà thờ phải treo quốc kỳ Trung Quốc trên đỉnh mái, ngay tại chỗ cây Thánh Giá đã bị phá bỏ trong một chiến dịch trước đây, và đặt quốc kỳ ở cả bục giảng lễ nữa.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …