Home / Giáo Dục Kito Giáo / Vấn Đề Giáo Dục

Vấn Đề Giáo Dục

 

VanDe GiaoDucTrong tâm tình hiệp thông, Giáo hội muốn chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người trẻ thăng tiến nhờ được giáo dục và có công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Con người cần được giáo dục cả về trí tuệ lẫn tâm linh.

Theo nghĩa chung, giáo dục là hình thức học tập để người ta có thể thu thập hoặc tích lũy kiến thức, kỹ năng và thói quen được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác qua việc giảng dạy, đào tạo, hoặc nghiên cứu. Quá trình giáo dục diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể là tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách người ta suy nghĩ, cảm nhận, hoặc hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục. Giáo dục thường được chia thành các giai đoạn như giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục đại học.

Về từ nguyên, chữ “education” (Anh ngữ) hoặc “éducation” (Pháp ngữ) có gốc Latin là ēducātiō (nuôi dưỡng, nuôi dạy) gồm ēdūcō (tôi giáo dục, tôi đào tạo), liên quan từ đồng âm ēdūcō (tôi tiến tới, tôi lấy ra; tôi đứng dậy). Một ý kiến khác cho rằng từ “giáo dục” (education, éducation) được ghép bởi hai từ là “ex” và “ducere” để thành “ex-ducere”, nghĩa là dẫn (ducere) con người ra khỏi (ex) thực tại để vươn tới tình trạng hoàn thiện hơn, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn. Theo Việt ngữ, “giáo” là dạy, “dục” là nuôi; “giáo dục” là “dạy dỗ và nuôi dưỡng cả trí dục, đức dục, và thể dục”.

Về giáo dục, cổ nhân xác định: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Viên ngọc hoặc đá quý nếu không được mài giũa, đẽo gọt, không thể có được vẻ đẹp để thấy được giá trị của nó. Cũng vậy, con người không được học hành đầy đủ (học ở trường lớp và trường đời), không thể biết lý luận hoặc hiểu biết những điều thâm thúy trong đời sống và xã hội. Benjamin Franklin (1706-1790), một trong những người lập quốc Hoa Kỳ, nhận xét: “Genius without education is like silver in the mine – Thiên tài không có học hành giống như bạc ở trong mỏ”.

Ông John Dewey (1859-1952), triết gia, tâm lý gia và nhà cải cách giáo dục người Mỹ, cho rằng cá nhân con người không bao giờ vượt qua được quy luật của sự chết. Cùng với sự chết, kiến thức và kinh nghiệm của con người cũng sẽ biến mất theo chủ nhân của nó.

Quyền giáo dục được nhiều chính phủ thừa nhận. Ở cấp độ toàn cầu, Điều 13 của Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966) của Liên Hiệp Quốc công nhận quyền giáo dục của tất cả mọi người. Mặc dù ở hầu hết các nước, giáo dục có tính chất bắt buộc cho đến một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên, một số các bậc cha mẹ có thể muốn cho con cái học ở nhà, học trực tuyến, hoặc các hình thức tương tự.

Với tư cách là một ngành khoa học, giáo dục không thể tách rời các truyền thống giáo dục từng tồn tại trước đó. Ở Tây phương, triết học Hy Lạp cổ đại ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên. Triết gia Plato, thời Hy lạp cổ đại, đồng thời là nhà toán học và văn sĩ, đã viết nhiều về các cuộc đối thoại triết học, ông còn lập ra Học viện ở Athens. Đây là cơ sở giáo dục bậc cao đầu tiên ở Tây phương. Được tác động bởi lời răn của thầy mình là triết gia Socrates, trước khi bị xử tử bất công, Plato nói: “Một cuộc đời không được khảo sát là một cuộc đời không đáng sống”. Plato có đệ tử là triết gia kiêm nhà khoa học chính trị Aristotle, hai thầy trò này đã giúp đặt nền móng cho triết học Tây phương và khoa học.

Thành phố Alexandria (Ai Cập), được thiết lập vào năm 330 trước công nguyên, đã trở thành nơi kế tục Athens với tư cách là “cái nôi tri thức” của thế giới Tây phương. Alexandria có nhà toán học Euclid và nhà giải phẫu học Herophilus, có thư viện Alexandria vĩ đại, có nơi dịch Kinh Thánh từ tiếng Híp-ri qua tiếng Hy Lạp. Khi văn minh Hy Lạp bị sáp nhập vào Đế quốc Rôma, Đế quốc Rôma và Kitô giáo tiếp tục tồn tại dưới dạng bị Hy Lạp hóa vào thời Đế quốc Byzantine đóng đô tại Constantinople ở Đông phương, văn minh Tây phương có nguy cơ sụp đổ về tri thức và tổ chức theo sau sự sụp đổ của Rôma vào năm 476.

Tại Đông phương, Khổng Tử (551-479 trước công nguyên, người nước Lỗ) là triết gia cổ đại có ảnh hưởng nhất của Trung Hoa. Cách nhìn về giáo dục của Khổng Tử tiếp tục ảnh hưởng đến xã hội Trung Hoa và các nước láng giềng như Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản. Khổng Tử tập hợp môn đệ và miệt mài tìm kiến một quân vương, người sẽ áp dụng cách trị quốc lý tưởng của mình, nhưng mãi không tìm ra. Thế nhưng sách Luận Ngữ, một tác phẩm của ông được các môn đệ ghi chép lại, vẫn tiếp tục ảnh hưởng nền giáo dục ở Đông phương, kể cả trong thời hiện đại. Tại Ấn Độ cổ đại, nhiều trung tâm học tập bậc cao của Phật giáo đã được thiết lập và phát triển mạnh mẽ như Takṣaśilā, Nālandā, Vikramaśīla và Puspagiri.

Tại Tây Âu, sau sự sụp đổ của Rôma, Giáo hội Công giáo nổi lên như một lực lượng thống nhất. Ban đầu với tư cách là người duy nhất lưu trữ các hoạt động học tập của Tây Âu, Giáo hội mở các trường học trong tiền kỳ Trung Cổ như những trung tâm giáo dục bậc cao. Một số các trường này về sau phát triển thành các viện đại học thời Trung cổ và là “tổ tiên” của các viện đại học Âu châu hiện đại. Các viện đại học của các quốc gia theo Kitô giáo ở Tây phương phát triển tốt khắp Tây Âu, khuyến khích tự do nghiên cứu, đã sản sinh ra nhiều học giả và triết gia khoa tự nhiên danh tiếng. Viện đại học Bologna được xem là viện đại học liên tục hoạt động lâu đời nhất.

Tại các nơi khác trong thời Trung Cổ, khoa học và toán học Hồi giáo phát triển mạnh mẽ dưới chế độ Khalifah, được thiết lập khắp vùng Trung Đông, kéo dài từ bán đảo Iberia ở phía Tây tới sông Ấn ở phía Đông, cho tới triều đại Almoravid và Đế quốc Mali ở phía Nam.

Thời kỳ Phục Hưng ở Âu châu mở ra một thời đại mới theo đuổi tri thức, nghiên cứu khoa học và trân trọng các giá trị văn minh Hy Lạp và Rôma. Vào khoảng năm 1450, Johannes Gutenberg phát triển một xưởng in, giúp các tác phẩm văn chương được phổ biến mau chóng và rộng rãi hơn. Thời các đế quốc Âu châu, các tư tưởng giáo dục của Âu châu trong các lĩnh vực triết học, tôn giáo, nghệ thuật và khoa học lan truyền ra khắp thế giới. Các nhà truyền giáo và các học giả cũng mang về các tư tưởng mới từ các nền văn minh khác. Các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Hoa đã giữ vai trò quan trọng trong việc trao đổi kiến thức, khoa học và văn hóa giữa Trung Hoa và Tây phương, dịch các tác phẩm Tây phương – như dịch cuốn “Cơ Sở của Euclid” cho các học giả Trung Hoa, và dịch các tư tưởng của Khổng Tử cho độc giả Tây phương. Đến Thời kỳ Khai Sáng, ở Tây phương có cách nhìn mang tính thế tục hơn về giáo dục.

Ngày nay, tại hầu hết các quốc gia, giáo dục mang tính chất bắt buộc cho tất cả trẻ em đến một độ tuổi nhất định. Do tính phổ cập của giáo dục, cộng với sự tăng trưởng dân số, UNESCO ước tính rằng trong vòng 50 năm tới, số người được hưởng nền giáo dục chính quy sẽ nhiều hơn tổng số người từng đi học trong toàn bộ lịch sử loài người từ trước tới nay.

Triết gia Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831, người Đức) được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức quốc, nhận định: “Giáo dục là nghệ thuật làm cho con người có đạo đức”. Sự giáo dục có sức biến đổi kỳ diệu. Văn sĩ Hellen Adams Keller (1880-1968, Hoa Kỳ) nói: “Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung”. Chắc chắn người được giáo dục đúng đắn sẽ trở nên người tốt hơn, biết yêu thương, đại lượng và tha thứ cho người khác.

Quả thật, giáo dục về kiến thức là điều thực sự cần thiết. Tuy nhiên, con người có hồn và xác, chắc chắn giáo dục tâm linh còn cần thiết hơn. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Chúa Cha “không muốn một ai phải hư mất” (Mt 18:14). Nghĩa là Ngài muốn chúng ta được giáo dục tốt để được sống đời đời trên Thiên Đàng.

Trình thuật Mt 18:15-18 cho biết về cách sửa lỗi anh em. Sửa lỗi là một dạng giáo dục. Các phạm nhân hoặc tù nhân là những người bị tù để được giáo dục để hoàn lương, trở nên người tốt. Chúng ta đều là các tội nhân, nghĩa là chúng ta cũng rất cần được giáo dục hằng ngày để biến đổi cách sống, để hoàn thiện, để trở nên “chiên ngoan” của Đức Kitô. Được giáo dục nhưng vẫn cần tự giáo dục, và còn cần giáo dục người khác khi họ sai lầm.

Chúa Giêsu đưa ra bí quyết giáo dục theo ba cấp độ: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18:15-17).

Vấn đề ở đây là cấp độ thứ ba: Kể người đó như một người ngoại hay một người thu thuế. Người ngoại và người thu thuế là những người nằm trong “sổ đen” của chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói như vậy không phải là làm ngơ họ, loại trừ họ, mà Ngài bảo chúng ta vẫn phải yêu thương và tiếp tục cầu nguyện cho họ, vì chính họ là đối tượng của Lòng Chúa Thương Xót.

Thật vậy, có lần Chúa Giêsu đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5:32). Và Ngài còn xác nhận: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15:10). Rõ ràng Ngài muốn ai cũng được giáo dục đàng hoàng và “không muốn một ai phải hư mất” (Mt 18:14). Nếu không làm như vậy thì chúng ta “xoàng” lắm, chẳng có chi “khác người” (x. Mt 5:46-47).

Chúa Giêsu nói: “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18:18). Nói vậy không có nghĩa là thích tha thì tha, không thích thì không tha. Đó là cách nói để “nhấn mạnh” việc tha thứ vô điều kiện, là mệnh lệnh tha thứ, tức là phải tha thứ bằng mọi giá. Và như đã nói, người có giáo dục phải là người biết mau mắn tha thứ.

Nghe Thầy Giêsu nói về việc tha thứ, ông Phêrô đã thắc mắc: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Ngài nói rõ: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Chắc chắn không có bất cứ lý do gì để chúng ta có thể tự biện minh cho mình.

Trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo “Gravissimum Educationis”, Chân Phước GH Phaolô VI, 28-10-1965 kết luận: “Thánh Công Ðồng tha thiết khuyên nhủ các thanh niên hãy ý thức nhiệm vụ cao cả của việc giáo dục, hãy sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ này với tâm hồn quảng đại, nhất là tại những miền nào việc giáo dục thanh niên đang bị lâm nguy vì thiếu thầy dạy”.

Hiến chế Tín lý về Mặc khải “Dei Verbum” (Công đồng Vatican II) cho thấy Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho loài người biết ý định của Ngài. Để thực hiện điều này, Ngài đã dùng một phương pháp sư phạm đặc biệt của riêng Ngài để giáo dục nhân loại, bằng cách dùng chính các biến cố và ngôn ngữ của con người để thông truyền ý định của Ngài.

Giáo dục phải coi trọng “chất lượng” hơn “số lượng”. Chỉ coi trọng “số lượng”, chạy đua theo thành tích, nặng hình thức mà tạo “trường điểm”, vì hư danh nên bất lợi, thế nên hậu quả khó lường! Tiền nhân nói chẳng sai: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cứ lo cái “văn” mà khinh suất cái “lễ”, để rồi ngày nay chúng ta đang phải kêu trời và nói rằng: “Đạo đức xuống cấp!”. Vì đâu? Tại sao? Tại ai? Đừng quên rằng giáo dục phải toàn diện, không thể chỉ coi nặng phần kiến thức mà coi nhẹ phần tinh thần. Biết sai là bắt đầu khôn ngoan, dám sửa mới là thực sự khôn ngoan.

Giáo dục là yêu thương, là tha thứ, là thương xót, và đã được Chúa Giêsu đặt là mối phúc thứ năm trong Tám Mối Phúc Thật: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

EUCHARIST

Suy niệm Tin Mừng THÁNH LỄ TIỆC LY, THỨ NĂM TUẦN THÁNH, của Lm Minh Anh

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO “Ngài yêu thương họ đến cùng!”. “Người khôn ngoan không …