Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG THÁNH LỄ ĐÊM PHỤC SINH NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG THÁNH LỄ ĐÊM PHỤC SINH NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

Gặp gỡ Đấng Phục Sinh tại Galilê

(Mt 28,1-10)

h3_resizeTrong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thiên thần nói với các bà đi viếng mộ :“Các bà về báo cho các môn đệ: Người đã sống lại và kìa Người đến Galilê trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người”.

Chúng ta có thể nêu lên một thắc mắc: Taị sao Chúa lại hẹn gặp các môn đệ ở Galilê mà lại không ở một nơi nào đó trong xứ Palestine.

Quả thực, Galilê là quê hương của các tông đồ đầu tiên. Mọi sự đều bắt đầu ở đó.

Một ngày kia Chúa Giêsu đến với họ. Người bắt gặp họ đang đánh cá.

Họ hết sức xúc động trước cái nhìn và lời lẽ của Người.

Họ bị đánh động và cảm thấy như thể một niềm hy vọng mãnh liệt vươn dậy trong lòng, đến nỗi họ đã không ngần ngại đi theo Người với niềm hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ và với tất cả niềm hạnh phúc vì đã tìm ra Đấng mà các tiên tri loan báo, Đấng mà mọi người chờ mong.

Galilê, đó là tất cả những nơi chốn mà Đức Giêsu đã để lại dấu vết hiện diện của Người:

Là Cana, nơi Người đã hóa nước thành rượu ngon trong đám cưới, là núi Tabor nơi Người công bố Tám Mối Phúc, là những nẻo đường mà họ rong ruổi đi theo Người, là những bữa ăn cùng nhau chia sẻ, là những phép lạ chữa lành bệnh tật mà họ là những nhân chứng với tất cả niềm kinh ngạc, là những đám đông hứng khởi và ngày một đông đảo hơn. Chỉ một cái tên gọi đó đã đủ gợi lên bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu cảm xúc.[1]

Trở lại với Galilê là cách thức giúp các môn đệ tìm lại con người rất thật và rất gần gũi của Đức Giêsu. Thật vậy biến cố Phục Sinh cần phải được nối lại với những gì xảy ra trước đó ở Galilê, nối lại với những nẻo đường hèn mọn mà Đức Giêsu đã cùng đi với các môn đệ. Gặp lại như thế là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm mà Đức Giêsu sắp khẳng định với họ một cách long trọng về vương quyền của Người, trước khi trở về với Chúa Cha (Mt 28,18).

Các môn đệ cần phải hiểu rằng, không có sự cắt đứt giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu Phục Sinh. Đấng chiến thắng sự chết cũng chính là con người rất gần gũi, rất người, mà họ đã từng biết đến và đã từng sống kề cận. Chỉ khi hiểu được như thế Đấng Phục Sinh mới có thể nói với họ: “Thầy đã được trao vương quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).

Được gặp gỡ Đấng Phục Sinh ở Galilê, nghĩa là ở chính nơi mà họ đã biết đến, đã ngưỡng mộ và yêu mến Người, quả thực là một khoảnh khắc mang tính chất quyết định.

Cuộc gặp gỡ đã nối kết vinh quang của Đấng Phục Sinh với cuộc đời trần thế của Người và do đó tạo nên một ký ức sống động về kinh nghiệm Tin Mừng.

Các môn đệ sống lại kinh nghiệm đó, nhưng lần này là trong ánh sáng Phục Sinh.

Từ nay trong tâm trí họ, Đức Giêsu lịch sử và Đấng Phục Sinh là một.[2]

Thật vậy, có thể nói các Tin Mừng là tiếng vọng của cuộc gặp gỡ ở Galilê, nơi mà các tông đồ nhận ra vị Thầy của mình đúng như con người họ đã từng nhận biết.

Và từ khoảnh khắc gặp gỡ đó mà tất cả kinh nghiệm Tin Mừng họ đã trải qua lại sống dậy trong ánh sáng Phục Sinh.

Người ta chỉ biết rõ một con đường khi đã trải qua kinh nghiệm và đã biết nó dẫn tới đâu.

Cũng thế, dưới ánh sáng Phục Sinh và cùng với Đức Giêsu, các môn đệ từ nay biết rõ con đường mà Người đã đi là con đường dẫn đến sự sống. Chính vì thế mà giờ đây họ như nhận ra rằng, sự sống tỏ hiện trong quyền năng vào buổi sáng Phục Sinh cũng chính là sự sống đã biểu lộ nơi tất cả những gì mà trước kia họ đã trải qua cùng với Thầy của mình.

Quả thật, ở Giêrusalem, trong ngôi nhà mà họ phải đóng kín cửa để ẩn náu vì run sợ trước biến cố Phục Sinh hẳn chỉ làm cho các môn đệ thêm hoảng sợ, bối rối vì là điều hoàn toàn khác với những gì mà họ đã sống với Đức Giêsu thành Nagiaret, và vì thế biến cố Phục Sinh hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng đón nhận của các môn đệ.

Nhưng ở đây, tại quê hương Galilê, bên bờ hồ, dưới bầu trời thênh thang trong vắt, họ gặp lại được vị Thầy trong tất cả nét nhân loại của Người. Biến cố không còn mang dáng vẻ khiếp sợ. Vẫn là một Đức Chúa vinh quang, cao cả, nhưng Người lại hiện diện cách đơn sơ, giản dị như đã hiện diện trong chính cuộc đời của họ. Như vậy, việc trở lại Galilê mang chiều kích của một kinh nghiệm thiêng liêng, chứ không phải chỉ là sự trở về một nơi chốn theo nghĩa địa lý.

Đây chính là một cuộc khám phá mầu nhiệm Đức Kitô trong chiều sâu của nhân tính và thần tính của Người, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy, khi sống lại, Chuá Giêsu muốn gặp các môn đệ ở Galilê. Chúng ta cũng vậy, muốn gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng phải cùng với các môn đệ trở về với Đức Giêsu Nagiaret tại Galilê. “Các bà về báo cho các môn đệ: Người đã sống lại và kìa Người đến Galilê trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người”. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy 

[1] Eloi Leclerc, Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh tại Galilê, nxb Phương Đông, 2009, trg.12

[2] Eloi Leclerc, Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh tại Galilê, nxb Phương Đông, 2009, trg.17

Xem thêm

CN5PS

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Cành với cây SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B ( Ga 15, …