Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng CN 16 TN, năm A của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng CN 16 TN, năm A của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A

Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43

 

ỨNG XỬ THẾ NÀO VỚI KẺ XẤU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 13,24-43.

(24) Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ? (28) Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó !” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?” (29) Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (31) Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống. Nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất: Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”. (33) Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (34) Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn nói với đám đông, và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: “Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”. (36) bấy giờ Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. (42) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

2. Ý CHÍNH: BA DỤ NGÔN VỀ PHẨM CHẤT NƯỚC TRỜI

Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp tư tưởng của tuần trước, nhằm trình bày về Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập như sau:

Trong Nước Trời có người tốt sống chung với kẻ xấu, giống như trong ruộng lúa tốt lại có cỏ lùng xen lẫn (24-30): Sở dĩ Thiên Chúa chưa loại trừ kẻ xấu ngay vì muốn họ có thời gian để hồi tâm sám hối hầu được sống đời đời (x. 2 Pr 3,15).

Sự tăng trưởng của Nước Trời ví như sự tăng triển của hạt cải (31-32), lúc đầu Nước Trời nhỏ bé nhưng về sau sẽ phát triển to lớn có thể đón nhận được nhiều dân tộc.

Sức mạnh của Nước Trời ví như nắm men được hòa lẫn trong khối bột (33-34): Hội Thánh cũng có sứ mạng biến nhân loại từ tình trạng ích kỷ bất công nên vị tha nhân ái.

3. CHÚ THÍCH:

– C 24-25: + Nước Trời ví như chuyện: Ở đây không cố ý so sánh Nước Trời với người gieo giống, nhưng muốn qua công việc của người nông dân đi cấy lúa để diễn tả ý nghĩa thiêng liêng của mầu nhiệm Nước Trời. Trong Nước Trời hiện nay người lành đang phải sống chung với kẻ ác. Nhưng đến ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ phân thành hai loại chiên với dê, và sẽ thưởng người lành phạt kẻ dữ. + Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình: Những gì Thiên Chúa thực hiện đều tốt đẹp, như tác giả sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (x. St 1, 10.12.18.21.25.31).+ Khi mọi người đang ngủ: Ngủ là lúc người ta dễ mất cảnh giác, và kẻ thù là ma quỷ sẽ thừa cơ gieo cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt. Cỏ lùng là thứ cỏ dại, rất dễ mọc và rễ của nó có thể làm hại cây lúa. Ma quỷ xảo quyệt chuyên đi cám dỗ loài người. Chúng gieo vào đầu óc người ta những tư tưởng hoài nghi và xúi giục họ bất tuân phục Thiên Chúa, như xưa chúng đã cám dỗ nguyên tổ loài người phạm tội (x. St 3, 1-7). + Rồi đi mất: ma quỷ vốn là thiên thần vô hình chuyên làm việc trong âm thầm. Chúng hành động mà không để lại dấu vết nào, khiến nhiều người không phát hiện ra sự hiện diện của chúng để cảnh giác đề phòng.

– C 26-28: + Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện: Trong Hội Thánh người tốt kẻ xấu luôn sống đan xen, nên rất khó phân biệt ai tốt ai xấu. + Đầy tớ: ám chỉ những người thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng. + Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?: Đầy tớ phát hiện ra có cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt, nên thắc mắc tại sao cỏ lùng lại xuất hiện trong ruộng? + “Kẻ thù đã làm đó”: Ông chủ là hình ảnh của Thiên Chúa luôn tỏ ra bình tĩnh trước các hoạt động của ma quỷ chuyên cám dỗ con người hận thù ganh ghét nhau. + “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”: một số người công chính muốn tiêu diệt những kẻ làm ác ngay.

– C 29-30: + Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa: Ông chủ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và muốn cho kẻ ác hồi tâm sám hối (x. Lc 13,8-9). Thực tế đã có nhiều tội nhân nhất thời làm điều ác, nhưng bản chất vốn lương thiện, nên khi có điều kiện đã hồi tâm trở về, như đứa con hoang đàng trong dụ ngôn người cha nhân hậu đã thành tâm trở về xin lỗi để làm hòa với cha mình (x. Lc 15,17-20). + Mùa gặt: Trong Thánh Kinh, mùa gặt là hình ảnh diễn tả ngày tận thế, khi Thiên Chúa sẽ cho các thiên thần thu gom lúa tốt là những người lương thiện vào Thiên Đàng và loại bỏ rơm rạ là các kẻ gian ác phải vào hỏa ngục chịu phạt muôn đời chung với ma quỷ (x. Is 17,5 ; Kh 14,14-20). Ngoài ra, Thiên Chúa để người tốt sống chung với kẻ xấu còn để thử thách đức tin của những người công chính. + Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi: Sở dĩ Thiên Chúa phải đợi đến ngày tận thế mới xét xử là để kẻ dữ có thêm thời gian hồi tâm sám hối.

– C 31-32: + Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải: Hạt cải là một thứ hạt được dùng làm gia vị (moutarde). + loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống: Người Do thái có câu ví von như sau: “nhỏ như hạt cải”. Hạt cải tuy nhỏ, nhưng lại có sức sống dồi dào, và sẽ trở thành cây rau cải to lớn, đến nỗi chim trời có thể bay đến làm tổ trên cành của nó. Dụ ngôn này nhằm nói lên sự tương phản giữa hai tình trạng của Nước Trời: Lúc khởi đầu Nước Trời chỉ là một nhóm nhỏ 12 môn đệ, nhưng đến ngày tận thế sẽ phát triển thành cây cải to lớn vững mạnh. + Chim trời tới làm tổ trên cành được: Cựu Ước thường dùng hình ảnh một cây to lớn có chim trời đến đậu, để chỉ một vương quốc hùng mạnh, có khả năng che chở con dân của mình (x. Ed 31, 5-7; Đn 4,18). Hình ảnh này ám chỉ Hội Thánh sau này sẽ giống như một cây cải to lớn, có thể thu nhận chim trời là các dân ngoại gia nhập.

– C 33: + Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men: Men là một chất bột phụ gia, có sức biến đổi cả khối bột trộn chung với nó. + Ba đấu bột: Một khối lượng khá lớn khoảng trên 39 lít tức khoảng 60-70 kí-lô. Con số ba thúng bột này có lẽ lấy từ câu chuyện của tổ phụ Áp-ra-ham đã dùng ba thùng tinh bột làm bánh để đãi Đức Chúa, khi Người hiện ra với ông tại cụm sồi Mam-rê (x. St 18,6). + cho đến khi tất cả bột dậy men: Dụ ngôn này không so sánh Nước Trời với “Men”, nhưng muốn đề cao sức mạnh thánh hóa của Nước Trời: tuy chỉ có số lượng ít oi như một nắm men, nhưng lại có sức biến đổi cả nhân loại với số lượng lớn lao gấp hằng triệu lần. Tin Mừng được rao giảng đến đâu thì sẽ có sức cảm hóa, biến đổi người ta từ gian ác nên hiền hòa, từ tội lỗi nên thánh thiện. Ngoài ra, dụ ngôn cũng gián tiếp đề cập đến Bữa Tiệc Cánh Chung vào ngày tận thế cúa Đức Chúa (x. Is 25, 6-8).

– C 34-35: + Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn: Thực ra nhiều lần Đức Giê-su đã giảng mà không dùng dụ ngôn. Do đó câu này chỉ nhắm đề cập đến các bài giảng của Đức Giê-su về mầu nhiệm Nước Trời. Vì Đức Giê-su muốn tránh cho người nghe khỏi hiểu sai Nước Trời do Người thiết lập với một Nước mang tính thế tục, do ảnh hưởng của Thiên Sai chủ nghĩa mà dân Do Thái đang trông mong. + Hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Thực ra đây là lời Thánh vịnh do A-saph viết. Sở dĩ Tin Mừng Mát-thêu gọi lời trích dẫn trên là lời ngôn sứ, có lẽ vì ông coi A-saph là ngôn sứ. Thánh vịnh cũng là Lời Chúa và có giá trị ngang hàng với sấm ngôn của các ngôn sứ.

– C 36-43: + Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe: Đức Giê-su đã giải thich ý nghĩa từng câu từng chữ của dụ ngôn cỏ lùng trong bài Tin Mừng. Ở đây, chỉ xin nêu ra mấy điều cần biết thêm như sau: + Con cái Nước Trời… con cái ác thần: Cách phân chia nhân loại thành hai loại người đối lập nhau rất thông dụng trong Do Thái giáo. Người ta thường đọc thấy lời phân chia đó trong các văn bản được khai quật ở Cum-ran (Qumrân). chỉ khác một điều là: đối với Cum-ran thì mọi người lành đều ở trong giáo phái này, phân biệt với những kẻ gian ác ở ngoài giáo phái. Còn trong Tin Mừng hôm nay, cả kẻ lành và người dữ đều sống lẫn lộn chung trong Hội Thánh mà các môn đệ không được tách kẻ xấu ra khỏi người tốt trước thời hạn tân thế. + Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào…: Trong dụ ngôn Cỏ Lùng (24-30), Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự sống chung hiện tại giữa người lành và kẻ dữ, còn trong phần giải nghĩa dụ ngôn (36-43) Đức Giê-su lại nói nhiều đến ngày phán xét và sự thưởng phạt, nghĩa là nói đến tương lai. Có lẽ Mát-thêu khai triển thêm điều này là để nhắn nhủ các tín hữu đương thời đừng tự phụ vì mình đã được vào Hội Thánh. Nhưng họ phải luôn sống tốt để khỏi bị hình phạt hỏa ngục trong ngày tận thế. + Rồi quăng chúng vào lò lửa: Sách Đa-ni-en cho thấy có một sự trừng phạt kẻ ác bằng cách họ sẽ bị ném vào lửa đang cháy phừng phực (x. Đn 3,5-6). Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh “lò lửa”, là nơi các kẻ gian ác sẽ bị trừng trị. + Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng: Đây là hình ảnh sự đau đớn về thể xác ở đời này để qua đó diễn tả hình phạt thiêng liêng trong hỏa ngục muôn đời trong thế giới mai hậu. Kiểu nói “Bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 8,12; 22,13; 24,51; 25,30). “khóc lóc nghiến răng” ám chỉ tình trạng những người bị giam trong hỏa ngục. Họ sẽ chịu đau khổ, thể hiện qua sự khóc lóc, và lòng thù hận Thiên Chúa qua sự nghiến răng. + Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của cha họ: Kiểu so sánh này nhiều lần được dùng trong Thánh kinh. Chẳng hạn: “Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Những ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3; x. 1 Cr 15,42-44).

4. CÂU HỎI:

1) Ba dụ ngôn trình bày về Nước Trời trong Tin Mừng hôm nay là những dụ ngôn nào? 2) Tại sao trong Hội Thánh vẫn luôn có người tốt kẻ xấu sống chung xen lẫn? 3) Ma quỷ làm gì để loài người phạm tội hầu bị phạt giống như chúng? 4) Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ xấu ngay lúc họ phạm tội và đến khi nào Ngài mới trừng phạt họ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy thu gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi. Còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30).

2. CÂU CHUYỆN: Sự ác đang hoành hành và gây đau khổ cho con người:

Mới đây bên Hoa Kỳ, một học sinh 15 tuổi đã mang súng tiểu liên cưa nòng vào nhà trường, bắn bừa bãi vào các thầy cô và các học sinh khác làm chết và bị thương nhiều người. Ở sở thú ĐI-TROI (Detroit) người ta phải thuê thêm 4 nhân viên để bảo vệ các thú vật khỏi bị khách tham quan quậy phá. Một con Kan-gu-ru Úc còn nhỏ bị lạc mất mẹ, đã bị đám con nít trêu chọc và ném đá đến chết. Tại hồ nuôi cá sấu, nhiều người lớn đã ném những mẩu điếu thuốc xì gà còn cháy dở vào những chú cá sấu đang nằm tắm nắng và thích thú reo hò khi thấy tro lửa làm cháy phỏng da khiến loài bò sát này quằn quại đau đớn. Tại gia đình, có những em nhỏ khi thấy con chó hay con mèo đang nằm ngủ trên sàn, đã đá mạnh vào bụng, khiến chúng kêu rú lên và các em cười lên khóai trá… Những điều điên rồ đáng kinh tởm đó khiến chúng ta phải tự hỏi : Tại sao sau hơn hai mưoi thế kỷ rao giảng Tin Mừng mà tội ác vẫn còn hiện diện khắp nơi như vậy? Chúng ta có thể và phải làm gì để loại trừ các tội ác ấy ra khỏi môi trường mình đang sống? Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho các thắc mắc này qua ba dụ ngôn về Nước Trời là cỏ lùng, hạt cải và men trong hũ bột.

3. SUY NIỆM:

1) Dụ ngôn cỏ lùng: Thực trạng kẻ tốt người xấu sống đan xen

Ngày nay trong xã hội vẫn còn nhiều kẻ gian ác sống lẫn lộn với người lương thiện. Trong lòng Hội Thánh cũng có tình trạng tương tự: Trong cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn hay dòng tu, luôn có các người tốt xấu sống chung lẫn lộn và người tốt luôn bị kẻ xấu ức hiếp hãm hại. Ngay trong hàng ngũ các mục tử chăn dắt đoàn chiên, ngoài đại đa số là các mục tử nhân hậu, đã tận hiến cuộc đời để phục vụ đoàn chiên, vẫn không thiếu những kẻ chăn thuê ích kỷ vụ lợi, chỉ lo tìm lợi bằng việc xén lông chiên, uống sữa chiên và ăn thịt chiên nhưng lại không tha thiết đến số phận của đoàn chiên, biểu hiện qua thái độ làm khó con chiên và chạy trốn khi thấy sói rừng, bỏ mặc đoàn chiên cho sói mặc sức cắn xé giết hại… Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy ma quỷ là kẻ thù của Thiên Chúa chính là tác nhân gieo rắc sự gian ác vào lòng con người, cám dỗ họ chống lại Thiên Chúa và gây đau khổ cho tha nhân. Vậy làm thế nào để phân biệt ai là lúa tốt ai là cỏ lùng? Phải đối xử thế nào với những kẻ xấu xa gian ác thành viên của Hội Thánh?

a) Phân biệt xấu tốt theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Thông thường thật khó phân biệt được người tốt và kẻ xấu vì lòng người khó biết được như người xưa đã dạy: “Sông sâu còn có người dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng! ”. Các nhà tu đức cũng diễn tả về thực trạng này như sau: người thánh thiện thực sự thì không có dáng vẻ đạo đức, còn kẻ thánh thiện giả lại luôn mang bộ mặt thánh thiện (“Sanctus est sed non videtur, videtur sed non est”). Chẳng hạn: bọn Pha-ri-sêu giả hình “Làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy… đeo những hộp kinh thật lớn mang những tua áo thật dài… (Mt 23,5) thì được mọi người kính trọng và khen là đạo đức, còn Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” lại có lối sống chan hòa bình dị như người thường, thì lại bị thiên hạ đánh giá là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Tuy nhiên Đức Giê-su đã vạch mặt bọn người Pha-ri-sêu giả hình như sau: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!… bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác !” (Mt 23,27-28). Về việc xét đoán người tốt kẻ xấu, cần nghe theo lời dạy của Đức Chúa với Sa-mu-en: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7).

b) Người đạo đức sẽ tránh thói giả hình và làm mọi việc với lòng mến:  Đức Giê-su đã dạy môn đệ phải tránh thói giả hình khi làm các việc đạo đức: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo, và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,2-4). Thánh Phao-lô còn dạy các tín hữu phải làm mọi việc với lòng mến Chúa yêu người: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).

2) Giá trị của đau khổ ?:

Thiên Chúa cho phép sự ác xuất hiện để thử thách và thanh luyện con người. Trong chuyện ông Gióp, Thiên Chúa đã cho ma quỉ được thử thách đức tin của ông (x. G 1,12; 2,6). Như vậy đau khổ thử thách cũng có giá trị vì những lý do sau:

       a) Đau khổ giúp ta nên hoàn hảo hơn: Chẳng hạn lần đầu dùng dao, ta đã vụng về nên bị đứt tay, từ đó ta sẽ rút kinh nghiệm để ngày càng sử dụng dao thành thạo hơn.

b) Tội lỗi và đau khổ sẽ giúp ta khiêm tốn và thông cảm với tha nhân hơn: Nhờ đã từng bị đau mắt hay đau răng, bị đau khổ vì người yêu phụ bạc… mà chúng ta sẽ dễ cảm thông với những ai bị đau khổ như vậy, nhờ đó lòng đạo đức nơi ta cũng được gia tang.

c) Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành: ngụ ngôn Trung Hoa có câu chuyện sau: Một ông già ở gần biên giới có con ngựa rất quí tự nhiên bị mất tích. Một tuần sau, con ngựa ấy quay về trang trại dẫn theo một con ngựa cái khác cũng xinh đẹp và quí hiếm như nó. Từ khi có hai con ngựa quý, cậu con trai ông chủ ngày ngày cùng chúng bạn chơi đua ngựa. Một hôm anh ta bị té gẫy chân. Năm sau, khi quân địch tấn công vào các làng biên giới, mọi trai tráng trong làng đều bị động viên lên đường chiến đấu nơi tiền tuyến, mười người đi thì bị chết chin người.  Riêng con trai ông lão vì bị què chân không phải nhập ngũ nên còn sống… Câu chuyện này cho thấy điều dữ có thể là khởi đầu cho điều tốt và ngược lại. Nếu người ta có thể biến một điều xấu thành tốt, thì Thiên Chúa quyền năng nhân hậu cũng có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Thánh Phao-lô đã viết như sau: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Bài “Mừng vui lên” (Exultet) hát trong đêm Phục Sinh đã gọi tội nguyên tổ là “tội hồng phúc”, vì nhờ tội này mà Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta.

d) Chấp nhận đau khổ còn là cách chứng tỏ một tình thương thực sự: Trong đời sống thường ngày, đau khổ của người này có thể thành nguyên nhân đem lại hạnh phúc cho người kia. Chẳng hạn: Sự cực khổ của cha mẹ sẽ mang lại hạnh phúc cho con cái. Do đó khi chấp nhận chịu thua thiệt đau khổ để người khác được hạnh phúc là dấu hiệu của một tình yêu thực sự. Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu tột cùng khi chịu thiệt rửa chân cho các môn đệ và sau đó đã lập bí tích Thánh Thể để nên của ăn và ở cùng Hội Thánh luôn mãi.

3) Tình thương của Thiên Chúa đối với kẻ gian ác:

 a) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt: Có lẽ chúng ta sẽ làm như các người làm công trong dụ ngôn khi phát hiện kẻ xấu đã đề nghị với ông chủ: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?” Nhưng ông chủ đã từ chối với lý do: “Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh lại làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Qua đó cho thấy lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân là cho họ có thời gian hồi tâm sám hối. Thực tế có những người hôm nay là tội nhân, nhưng khi được ơn Chúa, đã trở nên thánh thiện, như các thánh: Phê-rô, Phao-lô, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, Au-gút-ti-nô…

b) Dụ ngôn cho thấy ý định của ông chủ là Thiên Chúa như sau: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Như vậy, ngoài một số ít kẻ gian ác bị trừng phạt nhãn tiền để răn đe, còn nói chung, Thiên Chúa luôn tỏ lòng bao dung, kiên nhẫn chờ đợi kẻ gian ác ăn năn sám hối như Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Ta không muốn cho kẻ gian ác phải chết. Nhưng muôn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,28).

c) Về số phận của con người: Số phận mỗi người được quyết định vào giờ chết của mỗi người hay vào ngày tận thế chung cả nhân loại, như Đức Giê-su đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng: “vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ” (Mt 13,40-43).

4) Chúng ta phải làm gì?

a)Trước hết: Phải ghét ma quỷ và mọi tội lỗi gian ác, nhưng phải thương yêu các tội nhân và giúp họ quay về giao hòa với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ. Cần khôn ngoan phân biệt thật giả tốt xấu để làm bạn với người tốt và tránh chơi với kẻ xấu để tránh trở thành kẻ xấu, như người xưa đã dạy: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Nhưng nếu kẻ có tội là người thân của mình, thì hay vì xa lánh, chúng ta cần kiên nhẫn chịu đựng và khôn ngoan nhủ bảo, hy vọng họ sẽ sớm hồi tâm trở về với Chúa. Nhưng nếu kẻ gian ác cố chấp và ngày càng lún sâu vào tội ác, thì chúng ta cần đoàn kết để chế tài, không cho kẻ ác tiếp tục làm hại người lương thiện.

b)Cũng cần ý thức mặt tích cực của tội lỗi và sự ác: Sự xấu hay điều ác tuy có gây cho chúng ta phải khó chịu, nhưng cũng có mặt tích cực là giúp thanh luyện chúng ta. Do đó nếu phải sống chung với chồng hay vợ là kẻ xấu thì ta cần tìm cách sửa lỗi cho họ. Cần nhẫn nhịn chịu đựng họ và coi họ như phương thế giúp ta được thanh luyện để ngày một nên hoàn thiện hơn. Về vấn đề này, tác giả thư Do thái cũng viết: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12,6).

c)Mỗi ngày hãy quyết tâm làm một việc tốt để cộng tác chống lại sự ác: Chẳng hạn: giúp một người mù chữ biết đọc biết viết, gia nhập vào một hội đoàn tông đồ giáo dân… Mỗi ngày làm một việc thiện giúp ích cho một người kèm theo một lời nguyện tắt để xin Chúa cho một tội nhân được ơn trở lại, noi gương thánh Tê-rê-sa làm mọi việc để cầu nguyện cho một tử tội. Cuối cùng chị đã nhìn thấy hắn tỏ dấu ăn năn trước khi bị hành hình…

4. THẢO LUẬN:

1)Trong những việc làm kể trên thì việc nào bạn thấy hợp với khả năng của bạn và quyết tâm làm trong thời gian sắp tới ? 2) Bạn thích lời nào trong các lời nguyện tắt được ghi trong Tin Mừng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”, “Lạy Chúa, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì“?… Tại sao bạn thích?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến đổi con trở nên một người tốt và nên con hiếu thảo của Chúa Cha noi gương Chúa xưa. Xin hãy biến đổi đôi mắt con khi nhìn thấy lỗi lầm của anh em giống như cái nhìn từ bi bao dung của Chúa đối với tông đồ Phê-rô sau khi ông phạm tội. Xin hãy biến đổi tai con để biết lắng nghe những lời kêu cứu của anh em như Chúa đã nghe thấu lời người mù kêu xin và đã chữa cho anh được sáng mắt. Xin biến đổi lòng trí con để nhận ra thánh ý Chúa Cha như xưa Chúa đã vâng theo ý Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Xin biến đổi tình cảm của con để mỗi ngày them lòng mến Chúa yêu người. Mỗi lần rước lễ, xin hãy thánh hóa môi miệng con, biến đổi tâm tư tình cảm và toàn thể con người con, để con trở thành người mang Chúa là tình thương đến chia sẻ với mọi người.

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Thế giới hôm nay không cần những Ki-tô hữu buồn chán thất vọng. Xin Chúa hãy biến đổi khuôn mặt của con nên ngời sáng giống như tổ phụ Mô-sê sau khi được gặp Đức Chúa trên núi. Xin giúp nụ cười của con luôn rạng ngời nét hồn nhiên vui vẻ và hiền hòa của Chúa. Xin cho lời nói của con luôn chân thật, khiêm nhu và dịu dàng dễ thương, nhất là những khi con giúp anh em sửa lỗi. Ước chi người đời khi thấy con là thấy Chúa đang hiện diện trong con. Ước chi con luôn can đảm vác thập giá đời mình mà bước theo chân Chúa. Vì con biết rằng khi con cùng chết, con cũng sẽ cùng được sống lại với Chúa sau này.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …