Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Kn 11,22-12,1; 2 Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10)

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”

       

        giakeuTin Mừng Luca 19,1-9:

       1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

            Suy Niệm:

          Thiên Chúa yêu thương con người và muốn cứu độ hết mọi người. Đặc biệt Thiên Chúa yêu thương những người nghèo khổ, những người đau yếu, những người tội lỗi. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu trong bài tin mừng hôm nay là một minh chứng hùng hồn về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

          Để hiểu rõ ý nghĩa bài Tin Mừng, chúng ta nhìn lại bối cảnh của câu chuyện đã xảy ra. Giêricô là một thành phố giàu đẹp và quan trọng nằm trong vùng thung lũng sông Giođan. Người ta gọi Giêricô là “thành phố cây Chà là”. Sử gia Josephus gọi là “khu đất thần tiên, khu đất mầu mỡ nhất của Palestine, Giêricô còn là trung tâm quan thuế lớn nhất của Palestine”. Giakêu là trưởng ty thu thuế đã đạt tới đỉnh cao nhất trong ngành thu thuế tại thành phố Giêricô này. Ông là ngời giàu có, ham mê tiền bạc, tham nhũng hối lộ, bóc lột dân lành, siêu cao thuế nặng để phục vụ đế quốc Rôma và làm giàu cho mình. Thu thuế là nghề bị người Do Thái khinh chê, ghét bỏ và coi những người làm nghề thu thuế là phản bội dân tộc, kẻ tội lỗi.

          Chúa Giêsu trong cuộc hành trình ngang qua Giêricô để tiến về thành Giêrusalem với một mục đích rõ ràng là Ngài chấp nhận khổ hình thập giá để cứu độ muôn người: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Đối tượng của công trình cứu độ là những người tội lỗi. Vì thế, Chúa Giêsu suốt ba năm giảng đạo, Ngài đi tìm những người tội lỗi, gặp gỡ, tiếp xúc, ăn uống với họ, lăn lóc với họ… để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay. Điều này đã làm cho dân chúng ngạc nhiên, ngỡ ngàng, xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Đức Giêsu được mọi người nhìn nhận là một vị đại tiên tri, một hiền nhân, tại sao lại vào nhà ông Giakêu tội lỗi?

          Ông Giakêu muốn gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai? Giakêu đã hy sinh, từ bỏ tất cả danh dự, địa vị để gặp Chúa Giêsu. Ông là trưởng ty thu thuế, có địa vị cao sang trong xã hội, giờ đây ông hạ mình xuống như một đứa con nít trèo lên cây sung để nhìn Chúa đi qua. Chỉ có thế thôi rất đơn giản! Không có gì có thể cản bước ông đến với Chúa Giêsu.

          Vượt qua sự khát mong của Giakêu, Chúa Giêsu nhìn ông và bảo: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông” (Lc 19,5). Những lời mời gọi đầy yêu thương ngọt ngào của Chúa Giêsu đã làm cho ông Giakêu vô cùng sung sướng và ông đã được hạnh phúc đón tiếp Chúa vào nhà mình. Hai người đã gặp nhau thật chân tình và ơn cứu độ đã được thực hiện. Ơn cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ giữa hai phía: Chúa Giêsu và người tội lỗi là Giakêu. Nếu Chúa Giêsu không đi tìm thì chẳng ai được cứu độ. Nhưng dù Chúa đi tìm, mà người tội lỗi không đáp lại thì cũng chẳng có ơn cứu độ: có Chúa và có ta, thì ơn cứu độ mới được thực hiện. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).

          Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Chúa Giêsu và ông Gia kêu đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của người thâu thuế năm xưa:

  • Ông đã quyết định từ nay chấn chỉnh lối làm ăn bất công, tội lỗi.
  • Ông đã ăn năn sám hối những lỗi lầm quá khứ một cách chân thành.
  • Ông thực hiện đức công bằng và bồi thường những thiệt hại mà ông đã gây ra cho anh em: “Nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
  • Từ nay, ông không còn ham mê tiền bạc, của cải vật chất nữa và ông thực hiện công tác từ thiện bác ái, sẵn sàng chia sẻ cho người nghèo: “Thưa Ngài, tôi xin lấy nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo”.
  • Gia kêu đã được đổi mới hoàn toàn! Ông là người khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, là người thực hiện đức công bằng “đền bù những thiệt hại” cho anh em và là con người bác ái, quảng đại: dành nửa phần gia tài của mình cho người nghèo. Tóm lại, bất cứ một cuộc trở lại nào dù lớn dù nhỏ, cũng đòi ta phải từ bỏ hết. Như trường hợp của Giakêu trong bài Tin mừng, hoán cải thực sự là từ bỏ tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và sống một cuộc sống mới lương thiện đạo đức.

          Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng và nhân từ, mà Ngài còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi, nhưng không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi, với ma quỉ.

          Xin Chúa cho chúng con một trái tim khoan dung như Chúa, một tâm hồn quảng đại như Giakêu để cả thế giới này trở nên con cái Abraham và được hưởng nhờ ơn cứu độ.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

18-4-2024 5-59-16 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần III Mùa Phục Sinh 19/04/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN