Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

“Mọi người đều ăn và được no nê”.

(St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)

          Tin Mừng Luca 9,11b-17)

          lc9,11b-17Khi ấy Đức Giêsu tiếp đón dân chúng, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.

          Ngày đã bắt đầu tàn, Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. Đức Giêsu bảo: ”Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “An hem hãy cho họ ngả lưng thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”. Các môn đệ làm y như vậy, và cho mọi người ngả lưng xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

          Suy Niệm:

          Trình thuật Tin Mừng về việc Chúa Giêsu làm phép lạ nhân bánh ra nhiều nuôi 5.000 người trong sa mạc hướng chúng ta “về bánh hằng sống là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu”. Đặc biệt bài tin mừng phép lạ hóa bánh vào ngày mừng lễ Mình Máu Thánh hôm nay, Giáo hội muốn người Kitô hữu nhận thức và xác tín vào quyền năng và lòng thương yêu săn sóc của Thiên Chúa đối với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể.

          Sau đây chúng ta cùng nhau hiểu và suy niệm bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô giáo, vì Bí tích Thánh Thể tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo hội, đó là chính Đức Kitô ! (LG 11; PO 5).

  1. Bí tích Thánh Thể là bữa ăn huynh đệ Agapê.

Bữa ăn đối với người Việt Nam rất quan trọng “Trời đánh tránh bữa ăn”.Ngôn ngữ Việt Nam diễn tả lời chúc mừng bắt đầu bằng chữ “ăn”: Ăn Tết, ăn hội, ăn cưới, ăn mừng… Cùng ăn chung biểu lộ sự chia sẻ với nhau một sự sống và một tình yêu. Đối với Thiên Chúa, bữa ăn vô cùng quan trọng vì nó mang lại sự sống đời này, mà còn sự sống vĩnh cửu đời sau nơi bàn tiệc của vương quốc Thiên Chúa.

Phép lạ nhân bánh ra nhiều nuôi dân chúng là một bữa tiệc Chúa Giêsu đãi dân chúng. Chính Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly, một bữa ăn . Vấn đề ẩm thực là nhu cầu cần thiết cho sự sống: ăn để sống. Ăn uống với nhau còn biểu lộ tính xã hội, sự thân  mật, sự chia sẻ niềm vui với anh em, gắn bó với nhau. Bàn tiệc mà mọi người cùng ăn diễn tả sự hiệp thông, chia sẻ trong yêu thương. Trong tin mừng, đã có lần Đức Giêsu sánh ví Nước Trời giống như bữa tiệc cưới: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử”. (Mt 22,1-14; Lc 14,15-24).

Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn và như một bữa ăn mà chúng ta gọi là bữa tiệc thánh, mọi người tham dự được ăn hai của ăn thiêng liêng là Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Nhờ đó chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa và với anh em: “Vì tất cả ăn cùng một bánh và uống cùng một chén”. Khi tham dự Thánh lễ, tham dự bữa tiệc thánh, được hiệp lễ là rước Mình Máu Thánh Chúa, để chúng ta được nuôi sống bằng chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trở nên lương thần nuôi sống con người, bảo đảm sự sống đời đời “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta sẽ được sống đời đời”. Không bình thường, khi tham dự Thánh lễ mà không hiệp lễ, là chúng ta tham dự Thánh lễ không đầy đủ, không trọn vẹn. Điều này cho thấy tương quan giữa Chúa và chúng ta có trục trặc, không tốt đẹp. Không bình thường, khi tham dự Thánh lễ thiếu vắng tình huynh đệ, thiếu vắng sự hòa hợp và sự vui tươi  “Hãy để của lễ lại về làm hòa với anh  em…” Hiệp thông với Chúa, mới có thể hiệp thông với nhau trong tình thương huynh đệ. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của tình thương.

  1. Thánh lễ là hy tế Thập giá của Chúa Giêsu được hiện tại hóa để ban ơn cứu độ cho nhân loại.

          Thánh Phaolô dạy: “Mỗi lần ăn bánh và uống chén này, anh  em loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”.

          Lời nguyện Thánh lễ hôm nay: “Lạy Chúa, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích huyền diệu để kỷ niệm cuộc tử nạn Chúa…”

          Bí tích Thánh Thể là cuộc tưởng niệm lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Trong Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu phó mình cho ta qua hình bánh và rượu, trước khi phó mình cho nhân loại qua cái chết Thập Giá: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em “. “Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”.

          Như vậy mỗi khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội diễn lại sự chết và phục sinh của Đức Kitô, diễn lại mầu nhiệm cứu độ cho toàn thể nhân loại cho đến ngày tận thế.

          Vì thế, khi tham dự Thánh lễ, chúng ta không chỉ tham dự một bữa tiệc, mà còn liên kết chặt chẽ với hy tế Thập Giá của Chúa Kitô, đồng thời tự hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha.

         Bí tích Thánh Thể là bữa ăn hay hy tế, là bí tích của tình yêu, vì hy lễ thập giá của Đức Kitô chính là cao điểm của tình yêu cứu độ.

         “Không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống vì bạn hữu”.

Chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa Kitô và chia sẻ lương thực với nhau trong tình huynh đệ là ý nghĩa đầy đủ của bàn tiệc Thánh Thể. Qua bàn tiệc Thánh Thể con người kết hiệp  với Thiên Chúa và liên kết với nhau để Thiên Chúa trở thành mọi sự trong mọi người. Vì thế việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể là dấu chỉ của sự loan báo vương quốc tình yêu, bàn tiệc thiên quốc. (Lc 24,16; GLHTCG 1344).

Sống Bí tích Thánh Thể hay sống Thánh lễ là sống mầu nhiệm tình yêu, là phải tiêu diệt  tính ích kỷ, chia rẽ và tất cả những gì đối nghịch với tình yêu của Đức Kitô và của anh em đồng loại.

Sống Thánh lể là thực hiện đòi hỏi của tình yêu, là sống bác ái yêu thương để chúng ta giống như Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể là trở nên tấm bánh cho mọi người.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …