Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, năm B, của Trầm Thiên Thu

ĐỔI ĐỜI

ĐỔI ĐỜI 1Sau khi những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng, người ta đến kể lại cho Chúa Giêsu nghe. Nhưng Ngài thản nhiên nói với họ: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ CHẾT HẾT y như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ CHẾT HẾT y như vậy” (Lc 13:2-5).

Mặc dù Chúa Giêsu không hề dùng chữ “đổi đời” nhưng ý Ngài muốn chúng ta đổi đời, tức là Ngài muốn chúng ta biến đổi (thay đổi, canh tân) để nên thánh. Muốn vậy thì phải từ bỏ ý riêng mà chấp nhận theo ý Chúa, nếu không chấp nhận thì không thể vâng lời – tuân phục. Lô-gích lạ lùng quá! Quả thật, tuân phục Thánh Ý Chúa là điều vô cùng quan trọng trong đời sống Kitô hữu, chính Đức Maria đã tiên phong nêu gương nhân đức này qua lời “xin vâng” khi được Sứ thần Gabriel truyền tin (x. Lc 1:38). Quá trình tìm kiếm và nhận biết Ý Chúa là điều không dễ, chấp nhận và hành động theo Ý Chúa lại càng khó hơn. Trong cuộc sống, không ai lại không muốn theo ý mình, thậm chí nhiều khi người ta còn muốn biến Ý Chúa theo ý mình. Thế nên, việc bỏ ý riêng mà hoàn toàn tuân phục Ý Chúa là điều rất quan trọng.

Có nhiều dạng biến đổi – đơn giản nhất là thay chiếc áo, và “cao cấp” hơn là từ bỏ một thói quen, nhưng dạng đặc biệt nhất là Sự Chết. Ngưỡng-Sinh-Tử là “khoảng” thực sự kỳ diệu nên được gọi là “mầu nhiệm sự chết” như Thánh Phaolô xác định: “Không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi” (1 Cr 15:51).

CHÂN THÀNH LẮNG NGHE

Cuộc sống luôn có những hệ lụy hợp lý, tương tự một tam đoạn luận (*). Muốn tìm kiếm và nhận biết Ý Chúa thì trước tiên phải biết lắng nghe, đặc biệt là lắng nghe tiếng Chúa – điều Thiên Chúa mặc khải. Kinh Thánh cho biết: Một đêm nọ, Chúa gọi Samuel, mà cậu cứ tưởng ông Êli gọi nên vội chạy đến bên ông, nhưng ông Êli bảo ông không gọi. Cậu lại đi ngủ. Chúa lại gọi Samuel lần nữa. Samuel lại dậy, đến với ông Êli, nhưng ông Êli xác định là ông không hề gọi cậu. Lúc đó Samuel chưa nhận biết Chúa, vì “lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu” (1 Sm 3:7).

Sau đó, Đức Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu lại dậy và đến với ông Êli. Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi nên nói Samuel cứ đi ngủ, và dặn rằng hễ nghe gọi thì thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3:9). Samuel đi ngủ. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!”. Samuel liền thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3:10). Động thái mau mắn của Samuel là bài học và là điều cần thiết đối với mỗi chúng ta, vì Chúa gọi là việc của Chúa, hợp tác hay không là việc của chúng ta. Samuel đã lắng nghe, đã nhận biết tiếng Chúa và đã tích cực hợp tác, do đó “Đức Chúa ở với Samuel và Ngài không để cho một lời nào của Ngài ra vô hiệu” (1 Sm 3:19). Tuyệt vời!

Tuy là Đấng chí thánh và cao cả, nhưng Thiên Chúa không xa cách mà rất gần gũi chúng ta. Phần chúng ta là phải đáp lại Ngài để có thể vui mừng và hãnh diện nói được như Thánh Vịnh gia: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu” (Tv 40:2). Thiên Chúa thật giản dị và rất bình dân, Ngài không đòi hỏi gì vì Ngài có tất cả: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi” (Tv 40:7). Ngài chỉ muốn chúng ta thành tâm yêu mến Ngài. Và thật lạ, ngay cả khi chúng ta ca tụng Ngài thì cũng chẳng thêm gì cho Ngài mà chỉ thêm ích lợi cho chính chúng ta, và Ngài chỉ cần chúng ta mau mắn đáp lại bằng cách nói ngay: “Này con xin đến! Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40:28-9). Một khi nhận biết Ngài rồi thì chúng ta phải “loan truyền đức công chính của Ngài” và không được “ngậm miệng làm thinh” (x. Tv 40:10). Vô tri bất mộ – không biết thì không mến, nhưng biết rồi thì không thể không hành động.

Cuộc đời có thuận lý và cũng có nghịch lý, cả phương diện xã hội lẫn tinh thần. Những người dám sống theo Ý Chúa thì thường bị ghen ghét. Thánh Phaolô đã từng cảnh báo: “Khi phải xét xử những việc đời này, anh em lại đặt những người mà Hội Thánh coi nhẹ làm quan toà! Tôi nói thế cho anh chị em phải xấu hổ. Anh chị em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước toà những người không có đức tin! Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh chị em rồi” (1 Cr 6:4-7). Người sống theo Ý Chúa thì luôn cố gắng bảo vệ công lý, kiến tạo hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Không thể nói rằng sống theo Ý Chúa mà lại ăn ở bất công, bóc lột, ức hiếp đồng loại, như vậy chỉ là bất chính. Chắc chắn “những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6:9). Tuy nhiên, cũng nên cảnh giác vì cổ nhân nói: “Tâm phẫn xí, tắc bất đắc kỳ chính”. Cơn giận cũng khiến người ta hóa bất chính. Thật lạ lùng và cũng thật đáng sợ!

QUYẾT TÂM HÀNH ĐỘNG

ĐỔI ĐỜI 2Lắng nghe không dễ thực hiện, hành động lại càng khó hơn. Vì chúng ta là “người xấu” (Lc 11:13) nên dễ “nhìn xuống” mà khó “nhìn lên”, bởi vì “tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38). Thật là khốn nạn quá! Thánh Phaolô liệt kê một số “bất chính” điển hình: “Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6:9-10). Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng là tội nhân khốn kiếp, “nhưng chúng ta đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!” (x. 1 Cr 6:11). Đó là niềm hạnh phúc lớn lao lắm!

Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1 Cr 6:12). Tham ăn tham uống là ngoại tại, nhưng lại có hệ lụy với nội tại: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác” (1 Cr 6:13). Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại, chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng mà làm cho chúng ta sống lại, thân xác chúng ta là chi thể của Đức Kitô, vì thế chúng ta phải có trách nhiệm với thân xác của mình. Có sự liên đới giữa ngoại tại và nội tại, giữa thể lý và tinh thần.

Về phần thể lý, Thánh Phaolô nói: “Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình” (1 Cr 6:18). Không chỉ vậy, thân xác còn là “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6:19), Thánh Thần đó là Thánh Thần do chính Thiên Chúa đã ban tặng. Chúng ta không còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy chúng ta (x. 1 Cr 6:20). Vì vậy, chúng ta có bổn phận phải tôn vinh Thiên Chúa ngay nơi thân xác của mình.

Trình thuật Ga 1:35-42 kể rằng khi ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ, ông chợt nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua thì ông liền lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Nghe ông Gioan nói vậy, hai môn đệ của ông Gioan liền đi theo Đức Giêsu, không hề so đo chi ráo trọi. Chắc hẳn họ đã nhận ra Chúa Giêsu là ai nên họ sẵn sàng đi theo Ngài. Động thái “mau mắn theo Chúa” là điều luôn cần thiết trong cuộc sống. Sau đó, Đức Giêsu quay lại và thấy các ông đi theo mình nên Ngài hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Ngài không trả lời rõ ràng mà lại bảo họ: “Đến mà xem!”. Họ cũng không thắc mắc và liền đến xem chỗ Chúa Giêsu cư ngụ, và họ ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Họ nhận biết Chúa nên họ luôn nghe lời Ngài dạy bảo. Đó là hệ lụy tất yếu của động thái nhận biết và tin tưởng.

Một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu đó là ông Anrê, anh của ông Simôn Phêrô. Ông Anrê gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô, Đấng Thiên sai). Rồi ông dẫn em trai đến gặp Đức Giêsu. Lúc đó, Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” – Kêpha tức là Phêrô, nghĩa là Đá.

Cuộc đời có nhiều dạng thay đổi, thậm chí có khi là thay tên đổi họ. Chúa Giêsu đã đặt tên mới cho ông Simôn và biến đổi cuộc đời ông. Cái tên có thể ảnh hưởng cả cuộc đời, thay tên đổi họ cũng có nghĩa là cuộc đời sang trang mới. Những người tuân phục Ý Chúa cũng sẽ sớm trở thành “con người mới”, và có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Khi thực sự nhận biết Chúa, người ta sẽ can đảm theo Ngài và sẵn sàng tuân phục Ngài, tức là luôn làm theo giáo huấn của Ngài.

Đó là hệ lụy tất yếu trong quá trình biến đổi, “thay tên, đổi họ” vì họ không còn thuộc về thế gian mà thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, “Thiên Chúa không thiên vị người nào. Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào cũng đều được Ngài tiếp nhận” (Cv 10:34-35). Được Ngài tiếp nhận tức là được trở nên con cái, tất nhiên con cái cũng có trách nhiệm và bổn phận riêng.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận biết Ngài để có thể lắng nghe và tuân phục Ngài, đồng thời luôn can đảm từ bỏ ý riêng mà hành động theo Thánh Ý Ngài mọi nơi và mọi lúc. Xin biến đổi con theo sự quan phòng và tiền định của Ngài, làm cho con trở nên khí cụ bình an của Ngài để minh chứng Lòng Thương Xót vô biên của Ngài. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Tam đoạn luận [syllogism] là hình thức suy luận diễn dịch gồm 3 mệnh đề: tiền đề lớn, tiền đề nhỏ, và kết luận. Ví dụ: Mọi người đều phải chết, tôi là người, vậy tôi cũng phải chết. Kết luận của tam đoạn luận có giá trị chặt chẽ, vì nó là một kết quả tất yếu, không thể chối bỏ nếu đã thừa nhận tiền đề. Nếu tiền đề đúng, kết luận phải đúng. Nếu tiền đề không đúng, kết luận không thể đúng, nhưng vẫn hợp lý.

Xem thêm

ĐỘC ĐÁO KINH THÁNH

ĐỘC ĐÁO KINH THÁNH

Kinh Thánh không chỉ là mặc khải của Thiên Chúa mà còn là bộ sách …