Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Bài đọc thứ nhất hôm nay kể lại câu chuyện quen thuộc với người Kitô hữu chúng ta, nhưng có vẻ không được bình thường lắm nếu xét theo tâm trạng của con người thời nay bởi vì Thiên Chúa đề nghị Abraham sát tế đứa con duy nhất của mình.

Thiên Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, và ở đó hãy dâng nó làm của lễ thượng hiến trên một quả núi ta sẽ tỏ cho ngươi” (St 22, 2). Tiếp đó là việc thi hành: “Abraham xây tế đàn rồi sắp củi, và trói Isaac con ông mà đặt lên tế đàn, trên đống củi, đoạn Abraham giơ tay cầm lấy dao để tế sát con mình” (St 22, 9-10).

Thực ra, đối với các Kitô hữu chúng ta, hành động của Abraham là tột đỉnh của lòng tin: vì tin tưởng vào Thiên Chúa, Abraham đã không từ chối Chúa một điều gì, ngay cả người con duy nhất của ông. Đức tin của Abraham đã trở nên khuôn vàng thước ngọc cho mọi lòng tin. Đức tin ấy dựa vào chính Thiên Chúa, Đấng hằng trung tín với lời Ngài đã hứa. Abraham tin rằng dù có sát tế đứa con duy nhất theo lệnh Chúa thì lời hứa dòng dõi đông như sao trên trời như cát bãi biển đối với ông vẫn còn nguyên giá trị.

Cuộc thử thách đức tin của Abraham thật khủng khiếp, nhưng “lòng kính sợ Thiên Chúa” lại là thành trì kiên cố bảo vệ đức tin kiên vững của ông trong cơn bão táp. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ân thưởng cho ông. Chúa nói: “Vì ngươi đã không từ chối với ta con một ngươi, thì ta sẽ ban phúc chúc lành cho ngươi, ta sẽ làm cho dòng giống ngươi thêm đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát dưới biển… Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau, bởi vì ngươi đã vâng nghe tiếng Ta” (St 22, 17-18). Dòng giống đông như “sao trời cát biển” đó chính là những người tin Thiên Chúa, đó chính là Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô.

Abraham dâng hiến Isaac chính là hình bóng của một Hy lễ toàn hảo: đó là Hy lễ của chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa. Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô đã quả quyết: “Ngài (Thiên Chúa Cha) đã không tha cho chính Con của Ngài, nhưng đã phó nộp Người vì chúng ta hết thảy” (Rm 8, 32). 

Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật bao la. Chính tình yêu vô bờ bến ấy được thể hiện qua việc Đức Kitô chịu nạn chịu chết trên bàn thờ thập giá, đã khơi nguồn ơn cứu độ và hoàn thành giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và con người.

Việc Đức Kitô chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá, là một mầu nhiệm khó chấp nhận: “là gương xấu, là cớ vấp phạm cho người Do Thái, là điền rồ đối với người ngoại” (1 Cor 1, 23). Bởi đó Thiên Chúa đã chuẩn bị tâm hồn mọi người để có thể hiểu được phần nào mầu nhiệm ấy. Trước tiên là việc Thiên Chúa đòi tổ phụ Abraham phải sát tế đứa con trai yêu quí duy nhất, đứa con của Lời hứa. Abraham không thắc mắc, không phản đối, vì như đã nói, ông hoàn toàn tin tưởng, phó thác cho Thiên Chúa. 

Chúng ta có thể coi Abraham là hình ảnh biểu trưng của Thiên Chúa Cha trên trời: cũng như Issaac vác củi đi theo cha và bằng lòng để cha sát tế, Thiên Chúa Cha không ngại bảo Con Một mình là Đức Giêsu vác thập giá đến núi sọ. Như thế hình ảnh Isaac hướng chúng ta về cuộc thương khó: Chúa Giêsu vác lấy Thập giá và tự hiến mạng sống mình trên Thập giá theo ý Thiên Chúa Cha. Tuy vậy, Isaac vẫn được sống, còn Thiên Chúa đã không dung tha chính người Con Một yêu dấu của mình nghĩa là Đức Giêsu đã phải chết. 

Hình ảnh thập giá vẫn luôn là một cái gì khó chấp nhận. Các môn đệ của Chúa Giêsu cho thấy các Ngườicũng giống như bao nhiêu người Do Thái khác, họ tin rằng Đức Kitô không những phải bất tử mà còn phải vinh hiển, phải luôn toàn thắng và không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Các môn đệ Chúa rất khó chấp nhận hình ảnh: “người tôi tớ Giavê sẽ phải chịu đau khổ” mà Tiên tri Isaia đã tiên báo.

Chúng ta có bằng chứng trong Phúc âm. Trước khi biến hình, Chúa Giêsu đã báo trước về cuộc khổ nạn thập giá của Ngườivà đã gặp sự phản đối quyết liệt của Tông đồ Phêrô. Vì thế, để cho các môn đệ thân tín giữ vững niềm tín thác nơi Người khi thấy Thầy mình chịu đau khổ và chịu chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ lộ phần nào vinh quang của Ngườicho các ông xem thấy qua việc biến hình trên núi (Mc 8, 2-33).

Ngày xưa, khi mang đứa con duy nhất của mình lên núi sát tế, Abraham vẫn tin rằng dòng dõi ông rồi đây vẫn đông đúc “như sao trên trời, như cát dưới biển” thì giờ đây các môn đệ của Đức Kitô cũng vậy, dù chứng kiến Thầy mình chịu đau khổ và chịu chết nhục nhã trên Thập giá, các ông vẫn phải tin vào sự phục sinh khải hoàn chiến thắng của Ngài.

Chúng ta là những môn đệ của Chúa Kitô sau các môn đệ của Chúa Giêsu khoảng 2000 năm. Chúng ta có thể nhận thấy những lầm lẫn của các ông về Đấng Cứu Thế. Chúng ta có dịp học biết nhiều hơn về cuộc đời Chúa Giêsu. Thế nhưng liệu chúng ta có chấp nhận được con đường thập giá hay không? 

Câu trả lời không phải là đơn giản, không thiếu gì người Kitô hữu không chấp nhận điều đó. Chúng ta chỉ có thể hiểu được cuộc lễ tế hy sinh của Đức Kitô trên Thập giá khi mỗi người nhận thức được tính cách trầm trọng của tội lỗi mình đã sai phạm và tình yêu thương vô cùng của Thiên Chúa. Bao lâu người nào chưa nhận thức được những chân lý mầu nhiệm đó, thì họ vẫn còn thắc mắc mãi về mầu nhiệm Thập giá. 

Vì thế, trong Mùa Chay, Giáo hội đặt trước mắt chúng ta những mầu nhiệm có vẻ rất tương phản nhau: một bên là Đức Kitô chịu đau khổ và đóng đinh thập giá, một bên là Đức Kitô vinh quang và phục sinh. Hai mầu nhiệm nầy đưa chúng ta tới việc suy niệm và khám phá ra hai thực tại khác không kém phần tương phản, đó là tội lỗi trầm trọng của con người và lòng yêu thương không bờ bến của Thiên Chúa. Hiểu được phần nào hai thực tại này thì chúng ta sẽ hiểu được phần nào hai mầu nhiệm đau khổ và vinh quang nói trên.

Con đường đức tin Abraham đã đi và cuộc hành trình đức tin của chúng ta trong ngày hôm nay, cũng có những nét giống nhau. Con đường đó sẽ gặp những thử thách chông gai, nhưng cuối cùng lời hứa của Thiên Chúa đối với chúng ta vẫn được thực hiện: đó là chúng ta được cùng hưởng vinh quang với Đức Giêsu.

Xin cho chúng ta biết can đảm đi con đường thập giá để được vinh quang như Đức Kitô.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

CN5PS

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Cành với cây SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B ( Ga 15, …