Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 3 mùa Chay, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 3 mùa Chay, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Thiếu phụ Samaria

(Jn 4,5-42)

h5_resizeChúa Giêsu từ Giuđêa trở về Galilêa băng qua vùng dân ngọai Sychar xứ Samaria.

Trời hè oi bức, Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi nghỉ bên giếng Giacob.

Trong lúc các môn đệ đi mua thức ăn, thì một thiếu phụ trong làng ra giếng múc nước và đã gặp Đức Giêsu bên bờ giếng.

Bắt đầu câu chuyện chỉ là một việc xin nước uống bình thường, nhưng dần dần, đã chuyển hướng từ lãnh vực tự nhiên qua lãnh vực siêu nhiên theo một diễn tiến thật tuyệt vời:

  • Ban đầu Chúa Giêsu mở miệng xin chị cho mình nước uống
  • Tiếp đến Người cho chị biết có một thứ nước hễ uống vào thì không bao giờ khát nữa.
  • Chị tưởng đó là một thứ nước “phép” nên mở miệng xin Người “để hết khát và khỏi đến đây lấy nước nữa”
  • Cuối cùng Chúa Giêsu nói nước ấy chính là Người.

Có thể lúc đầu, thiếu phụ chỉ gặp gỡ vì tò mò và coi Chúa như một người khách như bao người khách khác. Nhưng sau đó nghe giọng nói cũng như cách ăn mặc, thiếu phụ nhận ra đó là một người Do Thái.

Như chúng ta biết người Do Thái và người Samaria có một mối thù truyền kiếp.

Họ cùng là con cháu Abraham, nhưng họ đã cắt đứt liên lạc cả hàng 400 năm rồi.

Người Samaria đã xây một đền thờ riêng tại Garidim đối địch lại với đền thờ Giêrusalem.

Từ đó chúng ta mới hiểu được tại sao người thiếu phụ lại hỏi Chúa Giêsu: “làm sao một người Do Thái như ông mà lại xin nước uống với một người phụ nữ Samaria được”.

Rồi như một sự thách thức chị nói “gầu thì không có, giếng thì lại sâu, làm sao mà có nước được”.

Nhưng rồi nghe lời hứa về một thứ nước kỳ lạ, tuy chưa hiểu nhưng cũng cố xin cho được thứ nước đó. Nước đó chính là Đức Giêsu.

Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì chưa thể làm chuyển biến cuộc đời của người thiếu phụ này. Chúa Giêsu đã đánh thẳng vào tim đen của chị, nên Người nói “về gọi chồng chị tới đây”.

Chính ở điểm này mà chị đã nhận ra Chúa Giêsu không chỉ là một ngôn sứ, nhưng còn là Đấng Messia mà mọi người đang trông đợi.

Thế là chị đã bỏ vò nước lại bên bờ giếng và đi loan báo cho cả dân làng.

Phải, bên bờ giếng, có một khách bộ hành mỏi mệt dừng chân. Cũng bên bờ giếng đó, một thiếu phụ đã để lại cái vò nước của mình, bởi vì từ nay nó chẳng giúp ích gì cho chị nữa. Cái vò nước bị bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận đã từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hàng ngày, trong những quan hệ chẳng đi tới đâu với một lọat đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ Đức Giêsu.

Người ta kể lại rằng một nhà thám hiểm nọ đi trong sa mạc, chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng nay đến hướng khác, ở đâu ông cũng chỉ thấy toàn cát với cát.

Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô.

Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào.

Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được về sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên.

Trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai.

Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận ra được đó là tiếng chảy róc rách của một con suối từ xa vọng ại.

Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp được dòng suối.

Nhà thám hiểm đã gặp được con suối. Chính nước suối này đã cứu ông khỏi chết về phần xác. Nếu không có con suối này ông đã chết trong tuyệt vọng.

Còn người phụ nữ Samaria trong bài Tin Mừng hôm nay sống trong tội lỗi, nhưng đã gặp được nguồn nước là chính Chúa Giêsu.

Tin Mừng không cho chúng ta biết cuộc sống sau đó của chị ra sao, nhưng chúng ta có thể đóan chắc rằng, chị đã dứt khóat bỏ lại tất cả quá khứ cùng với vò nước bên bờ giếng để bắt đầu cho một cuộc sống mới, một cuộc sống được nuôi dưỡng bằng chính nguồn nước không bao giờ cạn, đó chính là Đức Giêsu, Đấng Messia mà mọi người đang trông đợi. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …