Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 29 TNA của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 29 TNA của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A

Is 45,1.4-6; 1 Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21

 

 “TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO”

I. HỌC LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Mt 22,15-21

(15) Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mắc bẫy. (16) Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. (17) Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được  phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?” (18) Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình ! (19) Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi !” Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. (20) Và Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” (21) Họ đáp: “Của Xê-da”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

2. Ý CHÍNH:

Một số người Pha-ri-sêu liên kết với nhóm Hê-rô-đê tìm cách gài bẫy Đức Giê-su, để có cớ tố cáo chống lại Người. Nhưng cuối cùng Người không bị mắc bẫy của họ, mà còn giúp họ ý thức bổn phận sống “tốt đạo đẹp đời”, vừa tôn trọng thế quyền lại vừa tôn trọng thần quyền bằng nguyên tắc như sau: “Của Xê-da trả về Xê-da, Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

3. CHÚ THÍCH:

– C 15: + Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mắc bẫy: Những người Pha-ri-sêu được dân Do Thái đánh giá là có lòng ái quốc, chống lại đế quốc Rô-ma bấy giờ đang cai trị nước Do Thái. Các người Pha-ri-sêu rất tôn trọng Thiên Chúa, tuân giữ tỉ mỉ từng điều khoản trong bộ luật Mô-sê, nhất là luật về ngày hưu lễ (Sa-bát) và việc thanh tẩy, nhưng họ lại không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai (Mê-si-a). Vì Đức Giê-su nhiều lần quở trách thói giả đạo đức và kiêu căng, nên họ luôn chống đối Người. Ở đây họ bàn mưu tính kế để tố cáo Người về lời nói.

– C 16: + Những người phe Hê-rô-đê: Đây là một đảng phái chính trị, là tay chân ủng hộ vua Hê-rô-đê và thân với chính quyền Rô-ma. Họ theo văn hóa Hy Lạp và không quan tâm đến luật Mô-sê. Có thể nói phe này đối lập với nhóm Pha-ri-sêu cả về chính trị lẫn tôn giáo. Người Pha-ri-sêu cùng với những người phe Hê-rô-đê: Hai nhóm người đối nghịch nhau giờ đây lại liên kết với nhau để đối phó với Đức Giê-su là kẻ thù chung của họ, như Tin Mừng Lu-ca viết: “Họ rình rập và sai một số người giả bộ làm người công chính, đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giê-su lỡ lời, để nộp Người cho nhà chức trách có thẩm quyền là tổng trấn” (Lc 20,20). + Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật: Đây là một lời khen giả dối với mục đích tránh bị Đức Giê-su nghi ngờ về ý đồ đen tối của họ. Họ chào hỏi Người như là một ông Thầy (Rab-bi), khen Người là người trung thành với lề luật Thiên Chúa và không bị người đời chi phối. Đây là hai đặc tính tiêu biểu của người công chính được Thánh Kinh nhắc đến (x. Cv 10,34 ; Gc 2,1-9 ; Cl 3,25).

– C 17: + Xin Thầy cho ý kiến: Họ xin Đức Giê-su cho ý kiến để giải quyết một vấn đề phức tạp mà nhóm Pha-ri-sêu và nhóm Hê-rô-đê bất đồng ý kiến với nhau. + Xê-da: Tước hiệu ám chỉ hoàng đế đang trị vì đế quốc Rô-ma. Trong Tân Ước, tước hiệu Xê-da ám chỉ 3 vị hoàng đế Rô-ma: Một là AU-GÚT-TÔ: cai trị từ năm 29 trước Công nguyên đến năm 14 sau Công Nguyên, vào thời điểm Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem (x. Lc 2,1). Hai là TI-BÊ-RI-Ô: Cai trị từ năm 14 đến năm 37 sau CN, trong thời gian Đức Giê-su giảng đạo công khai. Tin Mừng nhắc đến tước hiệu này 3 lần: Khi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 3,1), khi Người bị gài bẫy về việc nộp thuế (x. Mt 22,17) và khi Người bị dân Do Thái đòi kết án tử hình thập giá (x. Ga 19,12). Ba là NÊ-RÔNG: cai trị từ năm 54 đến năm 68 sau CN. Sách Công Vụ dùng tước hiệu này để chỉ hoàng đế Nê-rông, khi ông Phao-lô gặp khó khăn với người Do Thái tại Thê-xa-lô-ni-ca (x. Cv 17,7), và khi ông tự biện hộ rồi kháng án lên hoàng đế Xê-da (x. Cv 25,10 ; 28,19). + Nộp thuế: Người Do Thái hằng năm đều phải nộp hai thứ thuế:  Một là thuế tôn giáo hay thuế Đền Thờ (x. Mt 17,24). Hai là thuế nhà nước: Ngoài nhiều loại thuế khác, mỗi năm người Do Thái trong hạn tuổi từ 14 đến 65, đều phải nộp thuế thân cho hoàng đế Rô-ma. Người Do Thái coi việc nộp thuế này là một sự ô nhục, biểu lộ thái độ thần phục hoàng đế Rô-ma. Vì thế Nhóm Quá khích có tinh thần ái quốc đã cấm thành viên của mình đóng thuế cho ngoại bang. + Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?: Câu này có nghĩa là người Do Thái theo lương tâm có được nộp thuế cho hoàng đế Xê-da vừa là dân ngoại, vừa là vua của đế quốc đang thống trị dân Do Thái hay không ? Như vậy vấn đề nộp thuế ở đây được đặt trên bình diện chính trị. Đây chính là một cái bẫy mà theo thâm ý của họ thì Đức Giê-su trả lời đằng nào cũng không ổn: Nếu bảo phải nộp thuế, thì nhóm Pha-ri-sêu sẽ tố cáo Người là kẻ phản quốc và chắc chắn không phải là Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) mà dân Do Thái đang chờ mong mau đến, để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của dân ngoại. Ngược lại, nếu Người bảo không phải nộp thuế, thì phái Hê-rô-đê sẽ dựa vào đó tố cáo với tổng trấn Rô-ma rằng Đức Giê-su là kẻ phản động, đang âm mưu chống lại chính quyền Rô-ma, cụ thể là xúi giục dân không nộp thuế, để tổng trấn ra lệnh bắt bớ giết hại Người.

– C 18: + Đức Giê-su biết họ có ác ý: Những kẻ chất vấn Đức Giê-su đã tỏ ra giả dối trong hai chuyện: Một là họ làm ra vẻ băn khoăn về một vấn đề lương tâm, đang khi thâm ý của họ là muốn gài bẫy làm hại Đức Giê-su. Hai là trong cuộc sống đời thường, họ vẫn phải sử dụng đồng tiền của Xê-da để giao dịch mua bán, tức là họ đã mặc nhiên chấp nhận quyền cai trị của hoàng đế Rô-ma rồi. Thế nhưng họ vẫn làm ra vẻ như không chấp nhận quyền ấy. + Tại sao các người lại thử tôi ?: Qua câu này, Đức Giê-su cho thấy người đã biết rõ ý đồ đen tối của bọn người này là muốn giăng bẫy để làm hại Người. + Hỡi những kẻ giả hình: Giả hình là không trung thực, là giả bộ, thái độ và lời nói bên ngoài trái ý với ý nghĩ trong thâm tâm. Họ đặt câu hỏi không phải vì muốn biết điều đúng để theo, nhưng là muốn đưa Người vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, để hoặc tố cáo làm mất uy tín của Người trước dân chúng, hoặc tố cáo Người với nhà cầm quyền Rô-ma để mượn tay họ giết hại Người.

– C 19: + Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi: Đức Giê-su đòi họ đưa ra đồng tiền nộp thuế là tiền của Rô-ma đang lưu hành ngoài xã hội, trên đó có khắc hình và danh hiệu của Hoàng đế Xê-da. Mười điều răn trong Luật Mô-sê có khoản như sau: “Người không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Trên danh hiệu hoàng đế Rô-ma có chữ thần linh, vì hoàng đế tự coi mình là thần, nên người Do Thái đạo đức không muốn sử dụng đồng tiền này. Dân Do Thái trước khi nộp thuế Đền Thờ hay ủng hộ việc trùng tu Đền Thờ, phải đổi từ tiền Rô-ma dùng ngoài xã hội sang loại tiền riêng dùng trong Đền Thờ tại những bàn đổi tiền (x. Mt 21, 12). + Họ đưa cho Người một đồng bạc: Người Do Thái có lòng yêu nước chân chính sẽ không mang theo đồng tiền của đế quốc Rô-ma. Ở đây khi lấy từ túi áo một đồng tiền để đưa cho Đức Giê-su, tức là những người này đã mặc nhiên thừa nhận quyền cai trị của hoàng đế Xê-da. – C 20-21:  Hình và danh hiệu này là của ai đây ?: Đức Giê-su đã quá biết hình và danh hiệu khắc trên đồng tiền là của Xê-da. Nhưng Người muốn chính miệng họ phải nói ra điều này, trước khi Người trả lời thắc mắc của họ. + Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da: Một khi họ nhận quyền của hoàng đế trên dân tộc mình, thì việc nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma cũng là lẽ đương nhiên (x. Rm 13,5-7). Vì mọi quyền hành đều xuất phát từ Thiên Chúa, như lời Đức Giê-su nói với tổng trấn Phi-la-tô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11), hoặc như thánh Phao-lô viết: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1-4). Thánh Phê-rô cũng dạy tương tự (x. 1 Pr 2,13-14). Nói cách khác, khi người ta tùng phục quyền bính chính đáng của thế quyền, thì cũng là làm theo thánh ý của Thiên Chúa. + Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa: Nhưng khi thế quyền chống lại Thiên Chúa, thì các tín hữu phải chọn đứng về Thiên Chúa, vì Người mới là nguồn gốc mọi quyền bính của loài người, như Tông đồ Phê-rô đã trả lời trước Thượng Hội Đồng Do Thái, khi bị họ ngăn cấm rao giảng danh Đức Giê-su: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Tóm lại, qua câu trên, Đức Giê-su muốn dạy rằng: Nộp thuế thì cứ nộp, vì dù muốn dù không thì ta cũng đang sống dưới quyền cai trị của một đế quốc, thể hiện qua việc phải sử dụng đồng tiền của đế quốc. Nhưng chỉ được tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất, và ngoài Người ra không còn thần linh nào khác. Như vậy theo lời Đức Giê-su, người ta phải chu toàn cả hai bổn phận: Vừa tôn trọng quyền lợi của hoàng đế, lại vừa tôn trọng quyền lợi của Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người Pha-ri-sêu chống đối Đức Giê-su ? 2) Hai nhóm Pha-ri-sêu va Hê-rô-đê đã làm gì để liên kết với nhau chống lại Đức Giê-su ? 3) Trong Tân Ước, Xê-da là tước hiệu ám chỉ ba vị hòang đế nào của đế quốc Rô-ma ? 4) Người Do thái mỗi năm phải nộp những lọai thuế nào ? Ho thường bất đồng ý kiến với nhau về việc nộp loại thuế nào cho Rô-ma ? Tại sao ? 5) Những người Pha-ri-sêu va phái Hê-rô-đê đã gài bẫy Đức Giê-su ra sao về việc nộp thuê ? 6) Tại sao Đức Giê-su lại gọi bọn người này là những kẻ giả hình ? 7) Hãy cho biết hai lọai đồng tiền thời Đức Giê-su khác nhau như thế nào ? Đức Giê-su đã làm gì để hóa giải cái bẫy của những kẻ ác ý kia ? 8) Qua câu “của Xê-da trả cho Xê-da, Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”, Đức Giê-su đã phân định thế nào về bổn phận của các tín hữu đối với thế quyền và với Thiên Chúa ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỰ LỰA CHỌN CỦA THÁNH TỬ ĐẠO TÔ-MÁT MO-RƠ (THOMAS MORE)

Vua HĂNG-RI Thứ Tám (Henry VIII) Nước Anh, muốn Tòa thánh hủy bỏ cuộc hôn nhân chính thức trước đó để tái hôn với cô En-nơ Bô-lơn (Anna Bolen). Nhưng vì không hội đủ lý do tiêu hôn, nên Tòa Thánh đã từ chối giải quyết yêu cầu của vua. Nghe vậy, HĂNG-RI tức giận và tuyên bố thành lập một giáo hội Anh quốc ly khai khỏi Công Giáo. Sau đó, ông tự huỷ bỏ cuộc hôn nhân trước để tái kết hôn theo ý ông muốn. Ông tự phong là giáo chủ của Anh giáo, và ra lệnh cho các chức sắc tôn giáo như hồng Y, Giám Mục và các Quan chức trong triều, các vị tướng lãnh, quý tộc và các thành viên trong nghị viện Anh phải ký tên vào một văn bản công nhận quyền tái hôn của ông, và gia nhập Anh giáo ly khai. Nhiều người phản đối, nhưng vì sợ bị chém đầu, nên đành ký tên vào bản văn ấy. Bấy giờ Tô-mát Mo-rơ đang là một quan chức cao cấp của nhà vua. Ông đã bị giằng co giữa hai bổn phận: một là của người tín hữu phải trung thành với Thiên Chúa và như thế sẽ bị kết tội phản nghịch và bị tử hình. Hai là bổn phận của một bề tôi phải trung thành với nhà vua và được hứa sẽ cho làm Tổng Giám Mục để hưởng nhiều bổng lộc và vinh hoa phú quý. Nhưng Tô-mát Mo-rơ đã chọn trung thành với Thiên Chúa. Sau đó Ngài đã bị bắt giam trong một nhà ngục ở Luân Đôn. Trong phiên tòa xét xử Ngài, sau khi nghe vị quan tòa tuyên án tử hình về tội phản nghịch dám chống lại nhà vua, Tô-mátMo-rơ đã phát biểu như sau: “Tôi biết lý do tại sao tôi bị kết án, chỉ vì tôi đã không ủng hộ cuộc hôn nhân bất chính của nhà vua. Tôi chấp nhận từ bỏ cuộc sống đời tạm này, để bước vào một cuộc sống mới trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn con: Đây vừa là một lời cầu xin mà cũng là niềm hy vọng của tôi. Tôi xin Chúa sớm nhận lời tôi cầu xin cho nhà vua mau sám hối trở về với Chúa”. Sau đó ngài đã anh dũng chết vì đạo vào ngày 06 tháng 07 năm 1525. Cuộc đời của Thánh Tô-mát Mo-rơ đã chấm dứt trong sự đạo đức thánh thiện và vinh quang như thế đó.

Còn bạn, khi gặp hoàn cảnh phải chọn một trong hai: Thiên Chúa hay tiền bạc, địa vị con Thiên Chúa hay chức quyền trần gian. Trong trường hợp đó, bạn sẽ chọn theo điều nào: Chọn theo Chúa và chấp nhận bị coi là kẻ khờ dại và bị loại trừ, hay chọn theo những kẻ gian ác tham nhũng để được an thân và được thăng quan tiến chức ?

2) ĐỒNG BẠC RÔ-MA THỜI ĐỨC GIÊ-SU:

Khi đến viện bảo tàng Men-sét-tơ (Manchester) bên nước Anh, và đi thăm khu vực trưng bày các loại đồng tiền cổ từ thời đế quốc Rô-ma, chúng ta có thể tìm thấy loại đồng tiền De-na-ri-ut (Denarius) bằng bạc, trên đó có đúc niên biểu và hình của hoàng đế Rô-ma. Quan tiền này được lưu hành trong nước Do Thái vào thời Đức Giê-su. Trong lúc cầm quan tiền trên tay và lật qua lật lại, chúng ta có thể liên tưởng đến dụ ngôn người Sa-ma-ri ngoại đạo, đã đưa cho chủ quán hai quan tiền như thế, để nhờ chăm sóc một người Do Thái bị bọn cướp trấn lột và đánh trọng thương (x. Lc 10,35). Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến dụ ngôn các thợ làm vườn nho trong Tin Mừng Mát-thêu. Ông chủ vườn đã trả lương cho mỗi người thợ làm vườn một quan tiền như đồng bạc đó (x. Mt 20,9-10). Nhất là, chúng ta có thể liên tưởng đến quan tiền mà Đức Giê-su đã dùng để trả lời cho hai nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê liên minh với nhau gài bẫy Người. Trên quan tiền này, chúng ta có thể thấy khuôn mặt của một vị Xê-da là TI-BE-RI-UT (Cesar Tiberius) đang cai trị đế quốc Rô-ma thời Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời (x. Lc 3,1). Mặt sau của đồng bạc là hình bà LI-VI-A, mẹ của vua TI-BE-RI-UT. Bà đang ngồi, cầm một cành cây ô-li-va trên tay, tượng trưng cho hòa bình.

3. SUY NIỆM:

1) HAI KHUYNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ ĐỐI LẬP:

Nước Do Thái thời Đức Giêsu đang bị đế quốc Rô-ma cai trị. Dân Do Thái phải đóng thuế cho đế quốc. Trong nước Do thái lúc đó có hai khuynh hướng chính trị đối lập thù nghịch nhau:

– Đảng Hê-rốt thân chính quyền: Gồm những đảng viên của vua Hê-rô-đê, chủ trương theo đế quốc để bảo vệ ngai vàng nhà vua và để được hưởng các đặc quyền đặc lợi do đế quốc ban cho. Họ buộc dân chúng phải đóng thuế cho ngoại bang Rô-ma. Trong tôn giáo phái Sa-đốc gồm hầu hết các tư tế phục vụ Đền thờ Giê-ru-sa-lem đều có lập trường thân chính quyền để được yên thân lo việc tế tự.

– Đảng Zê-lốt chống chính quyền: Gồm những người yêu nước và bất phục đế quốc Rô-ma. Họ thường tổ chức nổi dậy chống lại quân đội Rô-ma và kêu gọi dân chúng không nộp thuế cho Rô-ma. Trong tôn giáo có phái Pha-ri-sêu cũng gọi là Biệt Phái thuộc phe này.

Xã hội Do thái bị phân hóa thành hai phe: Phe thân chính quyền thì bị dân chúng oán ghét tẩy chay. Còn Phe chống chính quyền thì được dân chúng kính nể, nhưng lại bị chính quyền Rô-ma theo dõi và gây khó dễ. Trong bối cảnh này, chủ trương nộp thuế hay không nộp là một vấn đề nhạy cảm đối với dân chúng Do thái.

2) CÁI BẪY ĐƯỢC GIƯƠNG RA:

– Thời Đức Giê-su ra giảng đạo : Dân Do thái ngoài bổn phận nộp thuế Đền Thờ, còn phải chịu ba loại thuế khác nộp cho chính quyền Rô-ma là: thuế ruồng đất; thuế lợi tức và thuế thân.

– Luật thuế thân của Rô-ma qui định công dân cả nam lẫn nữ tuổi từ 14 đến 65 đều phải đóng thuế thân hàng năm tương đương với một ngày công nhật của một thợ.

– “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”: Đây là câu hỏi hóc búa do hai đảng đối lập nhau về chính trị nhưng lại đồng quan điểm chống đối Đức Giê-su là đảng Hê-rô-đê và Biệt Phái. Hai nhóm này cùng nhau đến gặp và đặt ra để đưa Đức Giê-su vào thế bí: Người trả lời theo hướng nào cũng đều bất lợi cho Người: Nếu Đức Giê-su trả lời phải nộp thuế cho đế quốc, thì phái Pha-ri-sêu vốn có lòng ái quốc sẽ rêu rao Đức Giê-su chỉ là hạng bán nước cầu vinh, là tay sai của ngoại bang để bóc lột đồng bào. Như vậy dân Do Thái sẽ không còn tin Người là Đấng Thiên Sai mà họ đang trông mong để giải phóng dân Do thái khỏi ách thống trị của ngoại bang Ro-ma. Còn nếu Đức Giê-su trả lời không được nộp thuế cho Xê-da, thì đảng Hê-rô-đê thân chính quyền sẽ chụp mũ cho Người là phản động, xách động quần chúng đừng nộp thuế cho Rô-ma, để quan Tổng trấn Rô-ma sẽ có cớ bắt bớ kết án phản nghich cho Người.

3) CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Trước hết Đức Giê-su đã vạch trần âm mưu đen tối của họ khi nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình !” Rồi Người đòi họ đưa ra đồng tiền nộp thuế là loại tiền nào. Đây là đồng tiền bằng bạc, trên có khắc hình và tên hiệu của Xê-da tức là Hoàng đế Rô-ma. Khi được Đức Giê-su hỏi hình và tên hiệu là của ai, họ thưa: “Của Xê-da”. Dĩ nhiên, Đức Giê-su đã biết rõ hình đó là của Xê-da, nhưng Người muốn chính miệng họ nói ra điều này, để cho thấy: Một khi họ đã chấp nhận sử dụng đồng tiền của Rô-ma, tức là họ đã mặc nhiên công nhận quyền cai trị của ngoại bang và đã coi Xê-da là hoàng đế của mình rồi. Từ đó, Đức Giê-su tuyên bố hai nguyên tắc quan trọng về cách ứng xử trong lãnh vực chính trị nhậy cảm như sau:

– “Của Xê-da trả về cho Xê-da”: nghĩa là phải trả cho Hoàng đế Rô-ma đồng tiền mang hình và danh hiệu của ông ta. Khi đã chấp nhận quyền cai trị của Xê-da, thì đương nhiên cũng phải chu toàn bổn phận đóng thuế cho Xê-da ! Đây là đáp án cho câu hỏi “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”.

– “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21): Tuy bọn người này không hỏi về bổn phận đối với Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su vẫn đề cập đến điều này: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang dấu ấn của Người. Đây là một bổn phận quan trọng mà những ai muốn trở nên con thảo của Thiên Chúa không thể bỏ qua được.

4) CỦA XÊ-DA, TRẢ VỀ XÊ-DA, CỦA THIÊN CHÚA, TRẢ VỀ THIÊN CHÚA:

– Phục tùng chính quyền: Cần phải xác định rằng: Trước khi được chịu phép rửa tội để trở nên con Thiên Chúa và con Hội thánh, các tín hữu đã là công dân của nước trần thế khi cha mẹ làm giấy khai sinh cho ta. Giữa người công dân trần thế và công dân Nước Trời không có khác biệt mâu thuẫn với nhau, và « Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật ». Mọi người đều có bổn phận và quyền lợi như nhau trong đất nước của mình đã được Hiến Pháp và luật pháp quy định, như quyền: tự do cư trú, tự do tín ngưỡng, quyền được bảo vệ tài sản tính mạng, quyền ứng cử và bầu cử… Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có bổn phận phải thi hành nghĩa vụ công dân như: đóng thuế, bảo vệ an ninh tổ quốc… Như vậy những ai vi phạm các nghĩa vụ công dân vừa có tội với đất nước, lại vừa lỗi giới răn Thiên Chúa, như Tông đồ Phao-lô đã dạy: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1; x. Ga 19,11a).

– Phải vâng lời Thiên Chúa: Trừ phi thế quyền buộc các tín hữu chối bỏ đức tin, thì họ có quyền áp dụng nguyên tắc do Tông đồ Phê-rô nói trước Thượng Hội Đồng Do Thái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

– Sống “Tốt đạo đẹp đời”: Người tín hữu công giáo cần luôn ý thức mình đang sống trong thế gian nhưng không thuộc về trần gian như lời Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho các môn đệ trong đó có các tín hữu chúng ta hôm nay: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian” (Ga 17,11); “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,15-16).

– Chu toàn hai bổn phận với Chúa và với đất nước: Là công dân của Nước Trời, chúng ta cũng được hưởng những quyền lợi thiêng liêng tinh thần là chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa, như tôn trọng các công trình do Người sáng tạo, nhất là tôn trọng tha nhân là tạo vật do Chúa dựng nên giống hình ảnh Người (x. St 1,26), và “bảo vệ sự sống”. Bên cạnh đó, chúng ta còn có bổn phận phải giúp mọi người nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, và chu toàn bổn phận như con cái hiếu thảo của Thiên Chúa. Ngoài ra chúng ta cũng phải tôn trọng và bảo về các tài nguyên môi trường do Thiên Chúa sáng tạo như tránh phá rừng, xả khói vào không trung phá hủy tầng Ô-dôn bảo về sự sống trên trái đất. Chu toàn nhiệm vụ đóng thuế cho đất nước mình là thành viên. Nhất là phải làm lợi gấp đôi những nén vàng Chúa trao như: sức khoẻ, thời giờ, tiền bạc, tài năng… để “làm vinh danh cho Thiên Chúa và phục vụ hạnh phúc cho đồng bào”. Đó là trách nhiệm bác ái mà mọi tín hữu đều phải thực hiện để được vào Nước Trời đời sau (x. Mt 25,41-45).

4. THẢO LUẬN:

1) Phân biệt quyền của nhà nước với quyền của Hội Thánh khác và giống nhau thế nào ? 2) Khi thế quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng thì bạn cần có thái độ nào ?

5. NGUYỆN CẦU:

1) LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA ĐẦY LÒNG NHÂN ÁI. Xin cho chúng con quyết tâm noi gương Đức Giê-su là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha”. Xin cho chúng con có lòng bao dung nhân hậu để đón nhận tha nhân là anh chị em của mình. Xin cho chúng con biết chia sẻ hạnh phúc được làm con Cha cho những người chưa nhận biết và tôn thờ Cha. Xin cho chúng con luôn biết khiêm hạ tôn trọng phục vụ tha nhân noi gương con Cha là Chúa Giê-su. Xin cho chúng con dám yêu đến cùng và cho đi tất cả để xứng đáng được Cha tha thứ lỗi lầm, và ban thưởng Nước Trời đời đời cho chúng con.

2) LẠY CHÚA GIÊ-SU: Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói: “Của Xê-da trả về Xê-da”, Chúa đã dạy chúng con phải biết yêu mến và xây dựng tổ quốc trần gian bằng việc chu toàn các nghĩa vụ công dân. Nhưng Chúa cũng nhắc chúng con phải ý thức chu tòan bổn phận đối với Chúa Cha trên trời khi nói thêm: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: Dù đang sống giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về trần gian như lời Thánh Phao-lô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Do đó, ngay từ bây giờ, Chúa muốn chúng con phải biết chu toàn bổn phận mến Chúa yêu người theo gương Chúa làm và lời Chúa dạy.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

 

 

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …