Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 14 Thường niên, năm B, của Đỗ Công Minh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 14 Thường niên, năm B, của Đỗ Công Minh

 

Bởi đâu ông này được như vậy?

(Mc 6; 1-6)

 

        Bài Tin mừng hôm nay, Thánh Maccô tường thuật chuyến trở về lại quê nhà Nazareth của Chúa Giêsu và các môn đệ người. Chuyến về quê không chỉ là thăm lại chốn quê nhà yêu dấu, nhưng còn là để truyền tải cho bà con, người cùng làng quê xóm cũ với Đức Giêsu tin mừng của Thiên Chúa Cha, về giáo lý của Người với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa (Bài đọc 1). Những tưởng người cùng quê sẽ tôn vinh, cảm mến một đồng hương, đã được thành danh về mặt xã hội, được người đời ca tụng là bậc Thầy trong dân Israel, theo kiểu “Một người vinh quang cả làng được tiếng”. Nhưng không ngờ chính vì “sửng sốt về giáo lý của Người”, nên họ đâm ra đố kỵ, ganh ghét dẫn đến vấp phạm vì Người. Họ bóng gió: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy? Đâu mà ông làm được những sự lạ  thể ấy? Ông này chẳng phải là anh thợ mộc con bà Maria , anh em với Giacôbê, Giuse, Giuda và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”.

 

         Đố kỵ, đóan xét, ghen tương phải chăng là bản tính cố hữu của con người? Thực ra những người có ý kiến trái chiều như vậy là phản ánh một thái độ không trong sáng thường gọi là thói ganh tỵ, hơn thua trong cuộc sống. Người ganh tỵ là người ghen ghét với tất cả với những ai xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, giàu có hơn… Vì thế họ luôn luôn khổ sở vì chung quanh luôn có vô số những người hơn họ, không phương diện này thì phương diện kia. Người ganh tỵ luôn muốn hơn người khác không bằng cách tự vươn lên bằng khả năng, ý chí của mình, mà chỉ muốn kéo người khác xuống cho thấp hơn mình. Vì thế trong lòng luôn chứa đựng những lời gièm pha, những ý đồ đen tối… Sự ganh tỵ sẽ làm biến dạng tâm hồn, khiến ánh mắt thành gay gắt, giọng nói thành cay nghiệt và tâm can tối tăm. Hành vi sai trái đó không khó khăn gì để người chung quanh nhận ra.

 

       Những thái độ ganh ghét, đố kỵ như thế không phải là chuyện mới xảy ra thời Chúa Giêsu, mà đã có từ  thời Cựu ước, hàng ngàn năm trước. Sách Samuel Quyển Thứ Nhất, thuật lại rằng, sau khi những dũng sĩ được tuyển chọn đã thắng được quân Phi-li-tinh nhờ sự can đảm của Đa-vít, những người phụ nữ Israel đã tràn ra đường phố ca hát và nhảy múa, và để gặp vua Sau-lơ. Sau-lơ rất đỗi hạnh phúc nhưng có một điều ông không hài lòng. Nghe những người phụ nữ hát vang ca ngợi Đa-vít, “cay đắng và nỗi buồn” xuất hiện trong trái tim của Sau-lơ. Thái độ ganh ghét của những người cùng quê Nazareth, còn cho thấy một sự coi thường  Đức Giêsu đến mức Người phải lên tiếng “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình, họ hàng mình”. Họ qủa thật đáng chê trách.

       Lạy Chúa,

        Trong cuộc sống hằng ngày, con có hơn gì những người cùng quê với Chúa?  Con vẫn muốn được người khác phải coi trọng mình. Con vẫn muốn tỏ ra hơn người. Con ganh ghét, đố kỵ khi có người khác hơn mình. Dè bỉu, chê bai, không trân trọng tài năng có thật của những người đang sống bên con. Trong đời sống Đạo, con cũng không tránh khỏi thói xấu này; cứng lòng tin, coi thường những giáo huấn của Hội Thánh; sống tách biệt với cộng đồng những người tin . . .

         Xin Chúa cho con trong Năm Phúc Âm hóa này, biết sửa đổi cách sống, cách đối xử với anh chị em con, để nhờ ơn Chúa, con mỗi ngày mỗi cố gắng, rồi dần dần sẽ tốt hơn lên, sẽ hòan thiện hơn lên, xứng đáng là con của Cha trên trời. AMEN.

Fx Đỗ Công Minh 

 

 

Xem thêm

TỪ BỎ MÌNH

TỪ BỎ MÌNH

Trong Công giáo, ngoài hình phạt và chịu đau khổ, sự khổ hạnh được quan …