Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

 

(Từ ngày 15 đến 20 tháng 09 năm 2014)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

THỨ HAI

ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI DÂN NGOẠI

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, lễ nhớ

(1 Cr 11, 17-26; Lc 7, 1-10)

Trong các trung tâm hành hương, chúng ta vẫn thấy đây đó các bảng ghi ơn của những người ngoài Công Giáo như sau: “Con là kẻ ngoại đạo, con xin tạ ơn Chúa … ”; “Tạ ơn Chúa… đã cứu giúp con, mặc dù con là người lương dân”. Điều này được thấy rất rõ ở trung tâm hành hương cha F.x. Trương Bửu Diệp tại Giáo phận Cần Thơ hay đền cha thánh Phêrô Lê Tùy thuộc Giáo phận Hà Nội.

Thật vậy, vẫn còn đó những người lương dân, đôi khi lại có niềm tin mạnh hơn cả những người Công Giáo. Đây là điều chúng ta nên hồi tâm và suy nghĩ lại về đời sống đức tin của mình với Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng khen ngợi đức tin của một viên sĩ quan ngoại giáo ở Rôma.

Khi nghe tin quyền năng và tốt lành của Đức Giêsu, ông đã truyền lệnh cho mấy trưởng tế đến để cầu cứu Đức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của mình đang đau nặng. Khi được tin, Đức Giêsu đã đích thân đến để cứu giúp ông. Tuy nhiên, ông không muốn vì lý do nhận thấy mình không xứng đáng để được Đức Giêsu vào nhà. Ông chỉ dám xin Đức Giêsu phán một lời thôi thì đầy tớ ông sẽ được bình phục. Thấy được đức tin của ông mạnh và sự khiêm nhường thẳm sâu của ông, Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp cho người đầy tớ thân tín của ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Sẵn sàng giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta, mặc cho họ là ai, cùng niềm tin với chúng ta hay không…! Mặt khác, sự xuất hiện và hành động của viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc ta bài học về tình yêu không biên giới, đã thương xót thì không phân biệt chủ – tôi, giai cấp… Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa trong sự khiêm nhường, tín thác.

Sự khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối của viên sĩ quan khi xưa, nay đã trở thành mẫu mực cho mọi người chúng ta, đến nỗi trong phụng vụ thánh lễ đã lấy lại lời này như một tâm tình của con cái Giáo Hội khi chuẩn bị đón nhận Mình Thánh Chúa vào trong tâm hồn của mình: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.

Mong sao lời tuyên tín này mang lại cho chúng ta sự khiêm tốn, tin tưởng, bình an, hạnh phúc đích thực chứ không chỉ là một công thức phải đọc như một thói quen mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin, sự khiêm tốn và lòng bao dung cho chúng con. Amen.

THỨ BA

HÃY SỐNG LIÊN ĐỚI VÀ THƯƠNG XÓT

Thánh Cornelio, giáo hoàng và Thánh Cypriano, giám mục, tử đạo, lễ nhớ

(1 Cr 12, 12-14. 27-31a; Lc 7, 11-17)

Đức Giêsu “chạnh lòng thương” và làm cho con trai bà góa thành Naim đã chết được sống lại. Qua phép lạ này, Đức Giêsu tiên báo về sự phục sinh mai ngày của chính Ngài, đồng thời, Ngài cũng nói lên quyền năng của mình trong vai trò là Con Thiên Chúa, và thể hiện bản chất của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Hãy vững tin vào Chúa, vì không có việc gì mà Chúa không làm được. Hãy học nơi Đức Giêsu bài học về lòng thương xót, để sẵn sàng ra tay cứu giúp người khác. Không bao giờ được phép vô cảm và vô tình trước nỗi khốn cùng của anh chị em.

Sự nhạy bén với nhu cầu của người khác phải là tinh thần sống động nơi tâm hồn chúng ta.

Bên cạnh đó, hình ảnh trỗi dạy của con trai bà góa cho chúng ta một bài học về sự sám hối là: trở về với Chúa thì được sống.

Hôm nay, phụng vụ mừng kính hai thánh Cornêliô Giáo Hoàng và Cyprianô Giám Mục, tử đạo.

Thánh Cornêliô sinh trưởng ở Rôma, còn Cyprianô thì sinh tại Châu Phi. Các ngài dù khác nhau về địa vị, nơi chốn, nhưng cùng gặp nhau ở một điểm chung, đó là: lòng bao dung, hay thương xót và sẵn sàng tha thứ… luôn trung thành trong đức tin, hăng say loan truyền Lời Chúa và sẵn sàng chết để bảo vệ chân lý Tin Mừng cũng như những lựa chọn chân chính của người môn đệ.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ. Một tấm lòng biết “chạnh lòng thương”. Một đôi tay biết mở ra để chia sẻ cho những người bất hạnh. Một đôi chân biết đi tới để đến những nơi cần sự hiện diện của chúng con. Amen.

THỨ TƯ

HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT

( 1 Cr 12, 31 – 13, 13; Lc 7, 31-35)

Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các Biệt Phái và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.

Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các Biệt Phái và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:

“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa”.

“Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”.

Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các Biệt Phái và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.

Hình ảnh của các Biệt Phái và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người “nổ” rất lớn với những lời lẽ “đao to búa lớn”; “rất kêu”, nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ “nói mà không làm”; hay “nói một đàng, làm một nẻo”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các Biệt Phái và Luật Sĩ khi xưa là cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.

THỨ NĂM

YÊU MẾN NHIỀU VÌ ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU

(1 Cr 15, 1-11; Lc 7, 36-50)

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình thuật việc cô Mađalêna xức dầu thơm cho Đức Giêsu và lấy tóc mình mà lau. Sự trở lại của cô đã làm cho nhiều người kinh ngạc và hành động của cô cũng gây nên không ít sự tò mò cho mọi người xung quanh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mađalêna là một cô gái điếm chuyên nghề, nhưng cô đã được Đức Giêsu giải cứu khỏi cái chết trước sự hằm hằm của các người Biệt Phái khi họ dẫn giải cô đến để xin Đức Giêsu xét xử.

Cô đã được quý nhân phù trợ, Đức Giêsu đã giải thoát cô khỏi chết và phục hồi tinh thần cho cô bằng tình thương xót của Ngài.

Vì thế, cuộc đời của Mađalêna đã thay đổi từ đó.

Nếu trước kia đôi mắt của cô là đôi mắt đa tình, thì nay đôi mắt đó đã đẫm lệ ăn năn.

Nếu trước kia mái tóc là vật để trang điểm thân xác và tạo sự chú ý của các chàng trai khát tình, thì giờ đây đã dùng để lau chân Chúa.

Nếu đôi môi là nơi diễn ra những nụ hôn nồng thắm phục vụ cho những cuộc ăn chơi trác táng, thì giờ đây cô đã dùng vào việc hôn chân Chúa.

Nếu trước kia dầu thơm là mồi câu khách làng chơi, thì giờ đây, cô đã dùng vào việc xức chân Chúa.

Tất cả những hành vi đó của cô đã biểu lộ một đức tin tuyệt đối và lòng yêu mến nồng nàn với Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát cô khỏi tội lỗi và khỏi chết.

Thật vậy, cuộc đời của mỗi con người đều có một quá khứ và tương lai, các thánh là những người cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó! Điển hình là Mađalêna, cuộc đời của ngài từ tội nhân trở thành thánh nhân nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Từ lòng bao dung tha thứ của Đức Giêsu, Mađalêna đã được phục hồi giá trị làm người và làm con Thiên  Chúa. Bây giờ cô có quyền ra đi trong cuộc sống với một tâm hồn bình an vì đã yêu nhiều nên được tha nhiều.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa trong tâm tình thống hối ăn năn.

Hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Vì tội chúng ta có đỏ như son, có thẫm tựa vải điều, thì Thiên Chúa cũng tẩy cho trắng như bông, sạch như tuyết.

Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải quay trở về với Chúa trong sự khiêm tốn, ăn năn, tin tưởng. Tất cả được xây dựng trên lòng mến.

Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi tội lỗi, và ban ơn giúp sức để chúng con được ơn trở về với Chúa cách trọn vẹn và trung thành như thánh nữ Mađalêna khi xưa. Amen.

THỨ SÁU

ÂN SỦNG CỦA CHÚA LUÔN Ở VỚI NGƯỜI MÔN ĐỆ

(1 Cr 15, 12-20; Lc 8, 1-3)

Những người được gọi và chọn để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thường hay có những lý giải như: mình còn trẻ, không biết ăn nói; hay tôi là người tội lỗi, thấp cổ bé họng…; hoặc tôi là dân quê mùa, ít học, nghèo nàn, dốt nát…

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng, nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạch đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thủy. Điển hình như Maria Madalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của vua Hêrôđê…

Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách trung thành.   

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm ra đi làm chứng cho Chúa, mặc dù cuộc đời ta có bất hảo. Kém cỏi về tri thức, vụng về trong cách ăn nói, tội lỗi có ngập đầu và vẫn còn những tham sân si…

Nhưng trong sự thống hối, tin tưởng và yêu mến Chúa, chúng ta có quyền tin tưởng Chúa sẽ làm được những chuyện lớn lao do tình thương và ân sủng của Ngài nơi cuộc đời và sứ vụ của chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng ra đi, dấn thân, quảng đại cho sứ vụ Nước Trời hay không mà thôi!

Mặt khác, hình ảnh những phụ nữ đi theo và phục vụ Đức Giêsu trong sứ vụ Thiên Sai của Ngài cho thấy: Đức Giêsu không hề chê bỏ bất cứ ai, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội.

Do đó, không ai có mặc cảm vì mình vô dụng hoặc kém cỏi, nhưng chúng ta phải không ngừng cảm tạ tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta bằng cách mỗi ngày cố gắng sống xứng đáng hơn, mỗi ngày sống yêu thương hơn để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ.

Lạy Chúa, xin thánh hóa chúng con, để chúng con trở thành Tông đồ của Chúa trong môi trường và xã hội hôm nay. Amen.

THỨ BẨY

MỞ RỘNG TÂM HỒN… NHƯ THỬA ĐẤT TỐT

Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang

và Các Bạn Tử Đạo tại Hàn Quốc, lễ nhớ

(1 Cr 15, 35-37. 42-49; Lc 8, 4-15)

Nói đến gieo giống, người ta nghĩ ngay đến ai là người gieo? Gieo gì? Và gieo vào đâu? Hạt gống mọc lên ra sao? Sinh hoa kết quả thế nào…?

Hôm nay Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người gieo giống và mặc khải cho biết: Người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì đều chung một mẫu số chung là bị quên lãng, bỏ ngoài tai hay vô tâm, chỉ ¼ là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ một ¼ số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.

Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời. Những thứ đó là lối sống sa đọa, nhu nhược, vô luân, không có tự trọng… tham nhũng, bóc lột, lừa gạt, dẫn đến tình trạng: “Người ta làm mình cũng làm. Người ta làm bậy mình cũng làm theo”, nên Lời Chúa không sinh ích cho người đón nhận.

Thực vậy, biết bao con người hôm nay cứ trố mắt và lao mình vào những con đường tội lỗi mà không hề có chút ưu tư. Họ sống như không có gì xảy ra vậy.

Nơi giới trẻ ngày nay, tình trạng thượng tôn tình dục, văn hóa đồi trụy đang là mốt rất “hót”. Dẫu vẫn biết rằng văn hóa phẩm đồi trụy là nguyên nhân nguy hiểm, tác hại khôn lường đến đời sống đạo đức gia đình, xã hội và làm băng hoại Lương Tâm, dẫn đến tình trạng mù quáng và đi vào con đường chết!  Nhưng vì đồng tiền và bản năng hạ đẳng của con người, họ vẫn ngang nhiên cung cấp và thỏa sức xử dụng… như loài không có lương tri, không có linh hồn…!

Quả thật, những người đó, và đôi khi có cả chúng ta, là những người có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Lời Chúa đến với họ chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu” hay như “nước đổ đầu vịt, lá khoai”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết lắng nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa, và trung thành với giáo huấn của Chúa, hầu như hạt giống tốt được thửa đất màu mỡ là tâm hồn ngay thẳng đón nhận và trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi. Đồng thời phải biết chọn lọc những điều tốt, tránh những thứ xấu xa làm lu mờ lương tâm chân chính.

Hôm nay phụng vụ mừng kính thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn Tử Đạo tại Hàn Quốc.

Các ngài là những người được ơn Chúa đặc biệt. Tâm hồn các ngài như những thửa đất tốt để khi có dịp tiện là hạt giống Lời Chúa được nảy mầm, lớn lên và phát triển, đem lại mùa gặt bội thu.

Lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc hết sức đặc biệt. Những người tin hữu đầu tiên được gia nhập Giáo Hội không phải qua lời giảng dạy của các linh mục, tu sĩ thừa sai, mà là tự họ tìm ra chân lý và mau mắn đón nhận trong lòng mến.

Khi cơn bách hại đạo đến, các ngài sẵn sàng chịu chết để minh chứng cho đạo mình theo là chân thật. Hạt giống của Lời Chúa đã đâm trồi nẩy lộc và sinh hoa trái dồi dào. Vì thế, chỉ trong vòng 1 thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội, thành muối ướp cho đời và ánh sáng cho trần gian.

Hoa trái đức tin đã đem lại vẻ huy hoàng cho Giáo Hội tại Hàn Quốc khi được điểm tô bởi 103 thánh tử đạo được thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong ngày 6-5-1984 và 124 đáng được tôn phong chân phước do đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 16-8 – 2014 vừa qua.

Trong thánh lễ phong thánh, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Bằng một cách hết sức kỳ diệu, ơn Chúa đã sớm thúc đẩy các học giả cha ông của anh chị em nghiên cứu tìm kiếm sự thật về Lời Chúa trước và rồi dẫn đưa họ đến với một đức tin sống động nơi Đấng Cứu Độ Phục Sinh”. Và trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng  Phanxicô cũng đã nêu cao gương sáng của các ngài khi nói: “Các thánh tử đạo dạy cho chúng ta rằng của cải, uy tín, danh vọng không quan trọng : Đức Kitô là kho báu độc nhất”.  

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con là thửa đất tốt để hạt giống của Lời Chúa luôn triển nở trong tâm hồn chúng con. Amen.

 

 

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …