Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

 

(Từ ngày 01 tháng 09 đến 06 tháng 09 năm 2014)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

THỨ HAI

LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

( 1 Cr 2, 1-5;Lc 4, 16-30)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu trở về quê hương và Ngài được mời lên để đọc Sách Thánh. Đoạn sách mà Đức Giêsu công bố hôm nay được lấy từ sách Tiên tri Isaia nói về ơn cứu độ của Thiên Chúa cho những người nghèo. Đọc xong, Ngài tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Thấy vậy, mọi người trong Hội Đường hy vọng Đức Giêsu sẽ ưu ái đặc biệt với họ. Tuy nhiên, điều mà họ mong muốn lại không được Đức Giêsu đáp ứng. Thay vào đó, Đức Giêsu muốn cho họ hiểu rằng: ơn gọi, sứ mạng của Ngài là đến với muôn dân, và đối tượng số một là những người nghèo. Nghèo về tinh thần, nghèo về vật chất, những người cô thế cô thân, thấp cổ bé họng… chứ không chỉ dành cho một số người ưu tuyển hoặc đặc quyền thân quen…!

Khi bị Đức Giêsu lật ngược ván cờ, họ sinh ra lòng căm nghét, vì thế, dân chúng đã trục xuất Đức Giêsu ra khỏi Hội Đường.

Khi suy niệm tới đây, hẳn chúng ta xầm xì về những hành vi phũ phàng của người Dothái với Đức Giêsu! Nhưng nếu hồi tâm một chút, hẳn chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa. Thật vậy, đã không biết bao lần chúng ta mang trong mình tâm thức: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Và như một hệ lụy, nhiều người đã vất vả, khó khăn khi phải đối diện với sự chọn lựa theo tinh thần của Đức Giêsu!!!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quý trọng quê hương, gia đình. Vì quê hương là nơi “Chôn nhau cắt rốn”, là nơi cung cấp cho chúng ta những truyền thống tốt đẹp thủa ban đầu. Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên thành người…

Tuy nhiên, quê hương chỉ là nơi cưu mang chúng ta một thời. Gia đình là chỗ ta đi về và thể hiện tình nghĩa. Còn khi chúng ta đã trưởng thành, Chúa mời gọi chúng ta hãy đi và phải vươn xa tầm nhìn để mở rộng trái tim, để ôm ấp những người bé mọn, ốm đau, bị áp bức, bất công…

Cần phải vượt ra khỏi những kỳ thị vùng miền, giai cấp địa vị để đến với muôn dân, mọi nơi.

Được như thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Đức Giêsu và trở thành người mang Tin Mừng của Ngài đến cho người nghèo…

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sẵn sàng ra đi bất cứ nơi đâu Chúa cần chúng con hiện diện. Xin cũng ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con vượt qua mọi ranh giới, ngõ hầu đến được với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

THỨ BA

SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG CHÚNG TA

(1 Cr 2, 10b-16; Lc 4, 31-37)

Trong xã hội hôm nay, nạn nói dối đã trở thành “đại dịch” và không ít người đang trong tình trạng “nan y”. Trước tình trạng đó, nhiều người đã phải gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh tới mọi thành phần trong xã hội… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã “bó tay”, bởi vì nạn thành tích, hối lộ, gian tham đã trở thành “ung thư” đang dần gặm nhấm làm sói mòn lương tâm con người.

Vì thế, không lạ gì khi người ta chẳng còn tin tưởng lẫn nhau, bởi những món ăn người ta thiết đãi nhau lại toàn là: Bánh vẽ” lẫn “thịt lừa”. Vì thế, như một hệ lụy, bây giờ tìm được một người tử tế thật thì quả là: “Mò kim đáy biển”.

Hôm nay, Đức Giêsu đã làm cho mọi người bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền.  Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Ngài giảng dạy không giống các Kinh sư và Pharisêu. Mọi lời Ngài phát ra đều chân thật. Sự thật trong lời nói và hành động của Ngài đã trở thành một thể thống nhất, vì thế, đã làm cho người tiếp nhận phải suy nghĩ và tự cật vấn lương tâm.

Thật vậy, chỉ có sự thật mới giúp chúng ta trở thành người tự do đích thực. Chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta đối xử với nhau chân tình. Chỉ có sự thật mới giải phóng chúng ta cách trọn vẹn. Chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta thành con Chúa đúng nghĩa.

Hôm nay, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa để chỉ cho ma quỷ thấy sự thật của nó là kẻ chuyên gây nên gian dối, đau khổ và chết chóc cho con người. Vì thế, chỉ một lời nói: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”, thì phép lạ liền xảy ra. Đây là sự khác biệt giữa Đức Giêsu và những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ.

Thật vậy, nhờ sự thật trong quyền năng, Đức Giêsu đã giải phóng con người thông qua hình ảnh của những người bị quỷ câm ám. Qua phép lạ này, Đức Giêsu cho thấy, con người luôn bị sự gian dối cầm buộc. Cần phải giải thoát bằng sự thật, nếu không con người vẫn mãi bị cầm tù trong những chuyện gian tham xảo quyệt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: chúng ta thuộc về Thiên Chúa thì phải “ly dị” sự dối trá trong tư tưởng, hành động, lời nói và việc làm. Không được sống tráo trở, dối trá, hai mặt… Nếu cứ an nhiên tự tại để sống trong sự dối trá, thì đương nhiên, chúng ta thuộc về thế giới của những kẻ gian dối, mà thủ lãnh của chúng là ma quỷ. Một sự đối lập với Thiên Chúa hoàn toàn.

Điều mà chúng ta cần nhận ra hệ lụy nhãn tiền cho những ai ưa trò cầu thân nịnh bợ và sống giả tạo là: họ không có uy quyền, sức cảm hóa gì trong lời nói và việc làm. Đôi khi những việc đạo đức, lời nói thánh thiện của họ phát ra lại trở thành gương mù gương xấu và phản tác dụng chẳng khác gì: “gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”; hay như: “ngửa mặt… và nhổ nước miếng???”. Mặt khác, lại là cớ cho người khác vấp phạm, bởi vì họ đang ngu ngơ diễn xuất màn kịch vụng đến nỗi trở nên lố bịch trên một “sân khấu ảo”.

Mỗi khi chúng ta như thế, hẳn chúng ta trở nên vô nghĩa với Thiên Chúa và vô dụng với tha nhân, bởi lẽ đây là hệ quả của con cái ma quỷ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng: chỉ có sự thật mới đem lại cho chúng con hạnh phúc, bình an và có giá trị thực sự, bởi vì sự thật thuộc về Thiên Chúa. Gian dối thuộc về ma quỷ. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để lựa chọn. Amen.

THỨ TƯ

CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH THƯƠNG

(1 Cr 3, 1-9; Lc 4, 38- 44)

“Ông là Con Thiên Chúa”. Đây là lời tuyên xưng của ma quỷ khi bị Đức Giêsu trục xuất khỏi những người mà chúng làm hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà truyền cho chúng phải câm miệng.

Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Đức Giêsu biết rất rõ trong tâm thức thực dụng của các môn đệ và những người Dothái thời bấy giờ là mong muốn và hy vọng về một Đấng Messia theo kiểu trần tục. Họ khát mong Đấng đó phải là người: giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã, đem lại tự do, cơm no áo ấm và vinh quang cho đất nước…

Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu không phải đến để giải phóng theo ý hướng của họ, mà là đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, chữa lành bệnh tật và đem lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự là được ở với Chúa.

Vì thế, Đức Giêsu đã cấm ma quỷ nói về Ngài, vì bây giờ không phải là lúc thuận tiện để mọi người hiểu được cốt lõi sứ mạng nơi Đức Giêsu.

Thật vậy, con đường cứu độ của Đức Giêsu là con đường của vâng lời, hy sinh, phục vụ, tự hủy và chịu chết, chứ không phải là con đường nhung lụa, vũ trang, quyền lực, thống lãnh… theo kiểu nhà binh.

Hôm nay, phụng vụ cũng mừng kính thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng. Thánh nhân được nhiều thế hệ ngưỡng mộ và cảm phục là vì cả cuộc đời của ngài đã hết lòng hăng say phục vụ, thao thức trăn trở cho vận mạng Giáo Hội, nhất là nền thánh nhạc trong phụng vụ. Thánh nhân đã chìm sâu trong cốt lõi của Tin Mừng qua hành động khi ưu tiên, chăm sóc và lo lắng cho người nghèo, bị áp bức, bóc lột… luôn tìm mọi cách để giúp đỡ họ.

Thánh nhân còn được biết đến bởi tính thẳng thắn và sự cương quyết khi thấy những linh mục và giám mục phục vụ không vì mục đích làm vinh danh Chúa và ích lợi cho các linh hồn, thì ngài sẵn sàng cách chức vì sự bất xứng của họ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy sống và chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó trong vai trò và bổn phận của mình cách trung thành. Luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé họng, để bênh đỡ họ, vì chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người như thế. Mặt khác, đây cũng là thước đo lòng yêu mến Chúa của chúng ta. Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng nơi chúng ta.

Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng nơi chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần yêu thương như Chúa khi xưa, hầu nhiều người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa là chúng con biết yêu thương nhau.Amen.

THỨ NĂM

“HÃY THEO THẦY”

(1 Cr 3, 18-23; Lc 5, 1-11)

Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu gọi và chọn bốn môn đệ đầu tiên. Ngài gọi các ông không phải các ông tài cán. Cũng không phải các ông thuộc thành phần vai vế trong xã hội. Lại càng không phải là người tài giỏi… 

Nhưng Ngài gọi các ông vì các ông bình thường, đơn sơ, và biết phó thác. Ngài gọi các ông từ trong công việc đời thường của họ, bởi Đức Giêsu nhận ra “chất tố” môn đệ nơi sâu thẳm tâm hồn các ông.

Thật vậy, sự quảng đại là yếu tố đầu tiên trong quá trình đáp trả lời mời gọi đầy yêu thương. Phêrô đã quảng đại cho Đức Giêsu mượn thuyền của mình. Ông cũng không ngại khó khi sẵn sàng trèo thuyền cho Đức Giêsu giảng dạy dân chúng.

Tiếp theo là sự vâng lời. Đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì! Ấy thế mà, khi được lệnh của Đức Giêsu, các ông sẵn sàng thi hành. Nếu không có sự tùng phục, hẳn không ai lại đi làm chuyện ngược đời như vậy, bởi lẽ ngư dân chuyên nghiệp, hẳn họ biết giờ ấy và chỗ nước đó không thể có cá…!!!

Thứ ba, phải mang trong mình tâm tình khiêm tốn. Khi nhận ra mình yếu đuối và tội lỗi, Phêrô đã phục lạy Đức Giêsu. Khiêm tốn là điều kiện rất quan trọng để trở thành môn đệ. Nếu không khiêm tốn, hẳn chúng ta không có nguồn năng lượng từ Chúa để đủ nghị lực thi hành sứ vụ. Khiêm tốn là thái độ của người thuộc về Đức Giêsu như Ngài thuộc về Thiên Chúa.

Cuối cùng, là khi đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa, các ông sẵn sàng đón nhận và lên đường.

Thật vậy, chính nhờ những đặc điểm đó, mà Đức Giêsu đã chọn Phêrô và các môn đệ khác.

Lần giở lại trong tâm tưởng, lịch sử ơn gọi của chúng ta, dù đi tu hay ơn gọi gia đình, chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy theo Thầy”.

Theo Thầy để đáp lại lời mời gọi làm tông đồ, yêu thương và phục vụ.

Theo Thầy để phản ánh tình yêu của Thầy cho mọi người. Theo Thầy để trở thành chứng nhân cho Thầy.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta giả điếc làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa như:

Đang sống một cuộc sống dễ dãi, hẳn không muốn đi vào con đường của thiếu thốn. Đang sống trong sự an nhàn thư thái, yên thân, hẳn không muốn ra “chỗ nước sâu” là những thử thách, nguy hiểm để tác nghiệp… Hay đang sống trong quyền lực, không dại gì lại trở nên người hiền lành, khiêm tốn… Và, không dại gì lại phải lên đường và đến nơi chẳng muốn…

Tất cả những lý do trên, khiến hồn tông đồ của chúng ta bị héo úa tàn phai, và rất khác với các môn đệ khi xưa, bởi chúng ta vẫn còn ích kỷ theo kiểu được – thua.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa, luôn tin tưởng cậy trông nơi Ngài. Nếu có đức tin, chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng hậu hĩnh, hơn cả sự tưởng tượng của chúng ta. Mẻ cá lớn đã chứng minh cho chúng ta điều đó.

Lạy Chúa, xin cho con biết vâng theo Lời Chúa, biết dựa vào Lời Chúa và thực thi lời Ngài trong cuộc sống. Amen.

THỨ SÁU

TINH THẦN MỚI TRONG LỀ LUẬT MỚI

(1 Cr 4, 1-5;  Lc 5, 33-39)

Trong truyền thống của người Dothái, việc ăn chay luôn mang ý nghĩa là chờ mong Đấng Cứu Thế. Vì vậy, ta thấy các người Biệt phái và Luật sĩ lên tiếng thắc mắc khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay.

Khi được hỏi, Đức Giêsu đã nói: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”.

Tại sao Đức Giêsu lại nói như vậy? Thưa! Vì Đức Giêsu chính là Tân Lang, Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến và hiện diện với các môn đệ rồi, nên không cần phải ăn chay nữa.

Vì thế, tinh thần của người đi dự tiệc cưới là không được rầu rĩ, thiểu não, mà thay vào đó là thái độ hân hoan vui mừng, để cùng hòa vào với những tiếng đàn ca nhẩy múa trong những ngày diễn ra tiệc cưới.

Như vậy, tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Do-thái và người môn đệ. Tiệc cưới cũng làm cho việc ăn chay phải tạm ngưng. Đây là một lựa chọn hợp lý và khôn ngoan. Sự khôn ngoan này lại được cụ thể hóa qua hai ví dụ: vải mới, áo cũ; rượu mới, bầu da cũ.

Ở đời, không bao giờ người ta lại đi lấy vải mới để vá vào áo cũ cả. Cũng không bao giờ người ta rót rượu mới vào bầu da cũ.

Qua những thí dụ này, Đức Giêsu muốn nói đến đặc tính mới của Nước Trời và của Giáo Hội.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình mới là sự hoán cải tận căn chứ không chỉ những thứ bề ngoài. Sẵn sàng biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Dẹp bỏ những cái cũ rích không thể hợp với cái mới trong tinh thần của Thiên Chúa. Đồng thời cần phải có một tinh thần mới, lối sống đạo thực tâm chứ không kiểu hình thức.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết can đảm để bỏ qua những thứ không phù hợp với Tin Mừng. Xin cũng cho chúng con biết thể hiện tinh thần mới là bác ái, yêu thương trong khi thi hành sứ vụ. Amen.

THỨ BẢY

LUẬT VÌ CON NGƯỜI

( 1 Cr 4, 6-15; Lc 6,1-5)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc môn đệ Đức Giêsu bứt lúa và ăn trong ngày Sabát. Thời điểm này vào khoảng tháng tư trong năm và rơi vào cuối mùa hạ.

Câu chuyện những người Biệt phái hôm nay lên tiếng khiển trách thầy trò đã đến mức căng thẳng. Họ cảnh cáo Đức Giêsu và các môn đệ không giữ Luật. Lý do:

1) Một là đi qua đồng lúa, tức vi phạm luật chỉ được đi 100 mét ngoài thành vào ngày hưu lễ;

2) Hai là bứt lúa rồi chà trấu trong tay để ăn, một hành vi tương đương với viêc gặt lúa, vậy là vi phạm luật cấm việc xác.

Khi cảnh cáo như thế, ngầm hiểu rằng họ đã ra “tối hậu thư” cho Thaày trò Đức Giêsu, nếu còn vi phạm thì sự việc sẽ bị coi là cố tình trước mặt các nhân chứng và đáng chịu tử hình, vì coi thường ngày hưu lễ.

Đáp lại, Đức Giêsu đã lật ngược vấn đề và đặt ra cho họ câu hỏi: “Các ông chưa đọc điều Ðavít đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Hay như các tư tế trong đền thờ. Khi hưu lễ trùng với một đại lễ, các tư tế và các phụ tá phục dịch phải giết chiên nhiều hơn, thế mà vẫn không bị buộc tội vi phạm hưu lễ!

Khi nói như thế, Đức Giêsu mặc khải cho họ rằng: Ngài chính là đền thờ mới, là Con Thiên Chúa, có một quyền bính tự Trời ban cho. Vì thế,  Ngài đến để lập lại trật tự nguyên thủy của Lề luật. Lề luật không thể có vai trò tuyệt đối. Nó chỉ được lập ra vì con người, chứ không được trở thành gánh nặng áp bức con người. Ngài đến với tư cách là Chủ của Lề Luật, có quyền ngang với Thiên Chúa, để hoàn chỉnh Lề Luật hoặc sửa đổi nó, một khi không còn thích hợp với ý định của Thiên Chúa là Đấng lập pháp và không còn giúp thăng tiến con người nữa.

Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy giải thoát khỏi tâm trí chúng ta một thứ ý thức hệ vụ hình thức, chuộng cơ cấu, cứng nhắc làm tê liệt tình yêu đối với Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Nếu cứ bán vào Luật thuần túy, hẳn không thể có một trái tim biết yêu thương nhạy bén với ơn Chúa và sứ vụ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống cốt lõi của Luật. Biết dùng Luật như là phương tiện để giúp nhau sống tốt hơn chứ không phải dùng Luật để cưỡng ép nhau. Amen.

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …