Home / Giáo Dục Kito Giáo / Những sai phạm và lỗi lầm gắn liền với đời sống hôn nhân

Những sai phạm và lỗi lầm gắn liền với đời sống hôn nhân

Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không; chẳng có ai lương tri, chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không…

Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an, chẳng thấy cần phải kính sợ Thiên Chúa” (Rm 3, 10-17).

Mọi người đều bị tội lỗi thống trị

Vẫn biết rằng thân phận con người vốn mong manh yếu đuối, vẫn vương tội đời.

Mọi tội lỗi đều được Chúa tha thứ nếu thật lòng sám hối ăn năn. Nhưng đối với con người lại là chuyện khác, vì là con người không phải ai cũng có một trí óc sáng suốt và con tim rộng mở để cảm thông và tha thứ.

Chính vì thế ta phải ráng trở nên hoàn thiện như Lời Chúa kêu mời: “Các con hãy nên thánh thiện như Cha các con là Đấng thánh thiện” để bản thân mình đừng rơi vào cạm bẩy tôi lỗi và để có khả năng tha thứ cho bạn đời mình về những xúc phạm của họ đối với bản thân mình

I. Lỗi lầm thường xuyên của người chồng

Phụ nữ thường than phiền về chồng mình với những lý do sau đây:

  • Tứ đổ tường.
  • Độc tài gia trưởng.
  • Vũ phu bạo lực.
  • Biếng nhác không có chí tiến thân.
  • Ăn mặc lôi thôi nhếch nhác.
  • Cầu toàn khó tính.
  1. Tứ đổ tường

Có những người chồng thường xuyên rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, trai gái. Có người mắc một thứ, có người măc nhiều thứ, mắc cả bốn.

Có người mắc từ khi độc thân và hết khi lập gia đình, có người khi lập gia đình rồi vẫn tiếp tục, có người sau khi lâp gia đình mới mắc phải.

Bỏ bê gia đình chỉ lo công việc ăn làm và bạn bè. Gia đình gần như không có chổ trong tim họ. Họ chỉ về nhà để nghỉ ngơi ăn uống, thậm chí còn không về ăn uống. điều này làm cho người vợ cảm thấy tổn thương vì thấy mình như dư thừa, vô nghĩa đối với chồng, và khinh thường chồng mình, chưa nói là ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục con cái vì thiếu sự hiên diện và giáo dục của người cha.

  1. Độc tài gia trưởng

Có những người chồng theo quan niệm “chồng chúa vợ tôi”, coi mình là vua chúa ở nhà, xem vợ con là nô lệ, người hầu kẻ hạ. Mình là người có quyền phán quyết mọi chuyện vợ con chỉ có nhiệm vụ lắng nghe và thi hành. Hoàn toàn không có sự tôn trọng, đối thoại với vợ con.

Người vợ kính phục người chồng ở sự thông minh giỏi dang thể hiện qua ăn nói và xử sự chứ đâu phải thái độ hống hách kẻ cả. Điều này làm cho người vợ cảm thấy hụt hẫng vì cảm thấy mình bị khinh miệt, coi thường như tôi tớ, dụng cụ, không thể nào dành cho chồng mình sự yêu thương kính phục mà chỉ phục dịch cực chẳng đã vì sợ sệt mà thôi.

  1. Vũ phu bạo lực

Có những người chồng trong lời ăn tiếng nói và cách hành xử, lúc nào cũng cộc cằn, thô lỗ, thô bạo, sẵn sàng quát mắng, nạt nộ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay bất cứ lúc nào, không bao giờ dành cho vợ con mình lời dịu dàng trìu mến.

Người vợ mong chờ ở người chồng phái mạnh ở thân thể mạnh khỏe, tinh thần cường tráng, ý chí cương nghị để có thể dựa dẫm nương tựa, được bảo vệ chở che chứ đâu phải để lãnh đòn bầm mình bầm mẩy, cảm thấy bị tổn thương vì không được đối xử như một người phối ngẫu thực sự, tay yếu chân mềm, mà người ta chỉ nâng niu chứ không bao giờ đánh đập dù với một cành hoa, bị khinh rẽ, không được đối xử bình đẳng như một nhân vị.

  1. Biếng nhác không có chí cầu tiến

Có nhiều người nam, nhất là quen được nuông chiều khi còn trẻ, không có ý chí tự lập và vươn lên, quen sống dựa dẫm, khi lập gia đình chỉ thụ động hưởng thụ, biếng nhác, làm ít ăn chơi thì nhiều không có ý chí học hỏi, tiến thân.

Điều này không chỉ biến bản thân người ấy trở nên yếu đuối ương hèn, mất đi nhuệ khí của nam nhi chi chí mà nhất là làm cho người vợ vốn kính phục chồng, tìm đến người chông như một chổ dựa vững chắc, cảm thấy lo lắng hụt hẫng và thâm chí khinh thường chồng mình.

  1. Ăn mặc lôi thôi nhếch nhác

Có nhiều người chồng, có khi là dân trí thức, không phải là do thiếu ăn thiếu mặc nhưng lại rất chểnh mãng trong vệ sinh ăn mặc. Ăn mặc dơ dáy, xốc xết, hôi hám nhất là khi đi làm hay đi chơi với vợ con.

Ngoài chuyện gây khó chịu về mặt thẩm mỹ và vê sinh, người vợ cảm thấy hổ thẹn về chồng mình, vì người nữ vốn là phái đẹp nên cũng muốn chồng mình ít ra bên ngoài không ăn mặc đẹp đẽ cũng phải ít ra là coi được, nhất là cũng muốn hãnh diện với chị em về đức ông chồng của mình và về sự chăm chút, nâng khăn sửa túi của mình đối với chồng.

Chính vì thế, dù không thích ăn thơm mặc đẹp, quý ông cũng phải vì đức bác ái vói vợ mà để ý đến chuyên ăn mặc không đẹp đẽ thì chí ít cũng tươm tất thơm tho.

  1. Cầu toàn khó tính

Có những người chồng hoàn toàn không mắc tứ đổ tường, thậm chí không biết đến cà phê thuốc lá, biết quan tâm đến gia đình nhưng lại rất kỹ tính, khó tính, cầu toàn, lúc nào cũng thấy những điều chướng tai gai mắt trong gia đình, từ người vợ, và sẵn sáng phê phán, góp ý thậm chí can thiệp từ chuyện trong bếp đến đầu ngõ, chiếm chổ của vợ mình.

Thật ra kỹ lưỡng, cố gắng làm moi sự thật hoàn hảo là điều tốt, đáng cổ vũ,nhưng đừng cực đoan thái quá, đừng tính toán chi ly, bắt bẽ, phê bình, chê bai, hay can thiệp vào mọi chuyện lớn nhỏ. Điều làm cho người vợ cảm thấy nặng nề khó chịu vì lúc nào cũng bị quan sát, xét nét cảm thấy không được tôn trọng, nhìn nhận, dư thừa, ngột ngạt vì họ luôn mong chồng mình hào phóng, quãng đại, cao thượng.

II. Lỗi lầm thường xuyên của người vợ

Các đấng mày râu thì thường than trách vợ mình như sau:

  • Lơ là việc nội trợ.
  • Không biết chăm chút sắc đẹp, cau có, gắt gỏng.
  • Không biết chắm sóc chu đáo cho con cái.
  • Chỉ biết đến con cái mà lơ là với chồng.
  • Chi tiêu hoang phí.
  • Ngồi lê đôi mách.
  1. Lơ là việc nội trợ

Nhiều người vợ trẻ, quen được nuông chiều hồi còn con gái, không được dạy dỗ lo việc nội trợ đến khi lấy chồng chỉ biết ăn diện se sua mà không biết quan tâm đến nhà cửa, làm việc nội trợ, nấu nướng, hoặc là làm qua loa chiếu lệ, để nhà cửa lôi thôi, thiếu trật tự và nấu nướng vụng về.

Trong khi mấy ông là “yêu” bằng mắt và bằng bụng. Nhìn nhà cửa lôi thôi bế bối vừa khó coi lại vừa mang tiếng về bà con bè bạn. Làm việc cả ngày mệt nhọc về nhà chỉ mong thấy nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, được vợ lo lắng cho bữa ăn ngon vậy mà thấy nhà cửa lôi thôi bê bối, ăn uống nuốt không vô thì còn đâu hứng thú mà nói đến chuyện chăn gối.

  1. Cau có gắt gỏng, không biết chăm sóc nhan sắc

Có nhiều người nữ thời gian tìm hiểu mặt mày xinh đẹp, vui tươi, mĩm cười, biết chăm sóc dung nhan, để ý trang điểm ăn mặc đến khi lập gia đình và nhất là lúc sinh con đẽ cái không biết chăm chút nhan sắc, cũng như ăn mặc đã vậy ăn nói cau có gắt gỏng.

Người nam vốn yêu bằng mắt, bị thu hút bởi sắc đẹp và sự dịu dàng của phụ nữ, vốn là phái đẹp, phái yếu. Bây giờ hụt hẫng, thấy vợ mình xuống sắc, lại còn cau có, ngắm bên hữu bên tả biết bao nhiêu cô gái trẻ xinh đẹp, dịu dàng hấp dẫn, dễ bị chia trí, hớp hồn. Vì vây chị em phải nhớ chăm chút nhan sắc và nhất là giữ nét mặt vui tươi, ăn nói dịu dàng để tránh cho các ông chồng xiêu lòng vì của ngon vật lạ bên ngoài.

  1. Thiếu quan tâm chăm sóc cho con cái

Nhiều người vợ trẻ thờ ơ lơ là với việc chăm sóc con cái một phần do thiếu tình thương, một phần do không có kinh nghiệm nuôi dưỡng con cái, để cho con cái hoặc thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác và tinh thần của con cái.

Người chồng sẽ bực mình và đau lòng khi thấy con cái mình không được chăm sóc chu đáo, bỏ bê sẽ đánh mất sự tôn trọng và tình yêu với vợ cho dù nhiều khi không nói ra đi nữa. Người cha bình thường nào cũng mong vợ mình là một hiền mẫu cả.

  1. Chỉ biết đến con cái mà lơ là với chồng

Quan tâm đến con cái là điều tốt. Không một người chồng, người cha bình thường nào mà lại không thích vợ mình quan tâm, chăm sóc cho con cái. Nhưng sẽ vô lý và sai lầm nguy hiểm khi người vợ làm như thể trong nhà chỉ có con cái mà thôi chứ  không có chồng mình.

Điều này sẽ làm người chồng hụt hẫng vô cùng vì cảm thấy mình thừa thải và có nguy cơ tìm sự bù đắp bên ngoài

Dồn hết tình yêu, sự quan tâm vào con cái, người vợ vô tình đẩy chồng mình vào cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

  1. Chi tiêu hoang phí

Có nhiều người vợ, đặc biệt vợ trẻ hiện nay trong thời gian tìm hiểu có thói quen dụ dỗ người yêu hào phóng của mình, mua sắm cho mình đủ thứ này nọ. Bình thường mà nói đó cũng là điều chính đáng thôi vì đó là dấu chỉ người nữ nhận ra mình được yêu và là cơ hội để người nam tỏ tình.

Nhưng sẽ quá đáng và sai lầm khi ta không biết chổ dừng, đòi hỏi phi lý quá mức nhất là khi đã bước vào đời sống lứa đôi, lúc cần phải lo vun đắp cho cuộc sống tương lai của không chỉ hai người mà còn cho cao cái nữa. Người chồng sẽ không còn hào phóng như trước đây dù nỗi tiếng hòa phóng, cảm thấy mình bị lợi dụng, không tôn trọng, thậm chí khinh khi vợ mình cho rằng cô ta tham lam ích kỷ, chỉ biết vòi tiền chồng, không biết nghĩ đến tương lai gia đình.

  1. Ngồi lê đôi mách

Có những người vợ thay vì dành thời giờ chăm sóc chồng con, có thói quen lân la hết nhà này đến nhà kia, để tán ngẫu. Nhưng như thánh Giacobê bảo, người ta thường phạm lỗi qua môi miệng. Thường những câu chuyên ngồi lê đôi mách đó không có tính xây dựng mà chủ yêu là phê phán, chỉ trích, soi mói, nói xâu người này, người nọ, nhất là đem chuyện gia đình vợ chồng ra tám. Nghe được điều tích cực thì ít mà điều tiêu cực lại nhiều. Nói tốt thì ít nói xấu thì nhiều. Ích lợi hiếm họa, mà gây bất hòa thì nhiều.

Không có người chồng nào thích vợ mình la cà hết nhà này đến nhà kia tán gẫu, nói hành nói xấu, nghe những chuyện linh tinh nhưng muốn vợ mình dành thời gian trò chuyện với mình và với con cái, lo việc nội trợ nhà cửa tươm tất, và chăm chút cho con cái cái ăn cái mặc.

III. Những lỗi lầm sai phạm của cả hai vợ chồng

Ngoài những lỗi lầm riêng của từng giới, có những lỗi lầm mà cả hai bên đều có thể vấp phải: kiêu căng tự mãn, ích kỷ bo bo, dối trá giả hình, chê bai chỉ trích, so sánh, lạnh nhạt thờ ơ, quan hệ lăng nhăng, bất trung, ngoại tình.

Tất cả những sai phạm trên đây đều gây ra những hậu quả ít nhiều tai hại cho đời sống hôn nhân, có thể dẫn đến sự rạn nứt, chia tay và ly dị đổ vỡ nếu không biết phát hiện kịp thời và sửa sai hay đền bù.

  1. Kiêu căng tự mãn

Kiêu căng tự mãn là biểu hiện sai lạc của sự tự trọng và tự hào, là hậu quả của việc thiếu học thức, thiếu suy nghĩ, không nhận chân được sự thật, phán đoán lệch lạc.

Kiêu căng có nhiều cách thể hiện hoặc thấy được qua sự huênh hoang, khoác lác, tự phụ trong lời nói và thái độ. Người ta thường bảo : “Thùng rỗng kêu to.” . Đó có thể là biểu hiện tự vệ của người thiếu tự tin.

Hoặc sâu hơn trong suy nghĩ lúc nào cũng cho mình là đúng là hay hơn người. Chẳng ai thích kẻ kiêu ngạo, nhưng điều nguy hiểm hơn là họ không có khả năng lãnh hội chân lý chỉ được mạc khải cho kẻ bé mọn. Và nó sẽ chết trong sai lầm mà không ai muốn cứu.

  1. Ích kỷ bo bo

Ích kỷ bo bo, vị kỷ là thái độ đối nghịch với tình yêu vốn là vị tha, là nền tảng của đời sống hôn nhân. Người ích kỷ không thể kết thân với ai và không ai muốn chơi với họ vì điều này phá vỡ mọi tương quan, huống chi là tương quan vợ chồng.

Ích kỷ không thuộc về bản chất cho bằng hậu quả của xã hội, giáo dục và lịch sử bản thân.

Người ích kỷ cần phải được cảm thông và đối xử quãng đại để có thể nhận ra giá trị của chia sẻ trao ban.

  1. Dối trá giả hình

Người ta có thể cảm thông chấp nhận những sa ngã, yếu đuối lỗi lầm của bạn đời mình nhưng không thể tha thứ, chấp nhận một người bạn đời dối trá giả hình. Đó cũng là thói mà Đức Giêsu cực lực lên án và chỉ tên vạch mặt. Đó là thứ tội mà Phúc âm nói không thể tha thứ: tội chống lại sự thật, làm cho con người không có khả năng hoán cải.

Mọi sự thật không buộc phải nói ra, nhưng phải nói sự thật như Phúc Âm dạy: “Có nói có, không nói không…” và hơn nữa phải sống thành thật với chính mình với Thiên Chúa, và với bạn đời của mình.

  1. Lạnh nhạt thờ ơ

Lạnh nhạt thờ ơ là điều không thể chấp nhận trong đời sống vợ chồng, vốn dựa trên nền tảng tình yêu.

Điều này sẽ gây ra hụt hẫng và những nghi ngờ, hiểu lầm đối với bạn đời mình.

Có những lý do hiểu được dẫn đến hậu quả này, như sự phản bội hay bạo lực tạo nên lãnh cảm nơi người nữ. Nếu cần phải có sự can thiệp của tâm lý trị liệu.

Dù bất cứ lý do nào, cần phải tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết vấn đề, thậm chí càn phải to tiếng, nhưng phải tránh mọi giá việc từ chối biểu hiện và đón nhận tình cảm âu yếm đối với bạn đời mình.

  1. Chê bai chỉ trích, so sánh

Một trong những sai lầm mà vợ chồng thường xuyên mắc phải khi gặp những chuyện trái tai gai mắt bạn đời mình gây ra, đó là chê bai chỉ trích, so sánh với một người thứ ba.

Ai ai cũng có tự ái, tự trọng, cũng muốn được người khác tôn trọng, đánh giá cao, việc chê bai chỉ trích, và nhất là so sánh với người thứ ba cho dù là nhỏ nhẹ đùa cợt cũng có nguy cơ tôn thương lòng tự ái, tự trọng của người khác huống gì là đối với người bạn đời mình, vốn quen được ta yêu thương kinh trọng. Người nam lại càng dễ tổn thương hơn người nữ.

Cho dù biết bạn đời mình sai trái cũng phải biết cẩn trọng lời ăn tiếng nói, tránh chê bai chỉ trích. Thay vào đó bằng việc thắc mắc hỏi han, và tốt hơn nữa là khen ngợi khuyến khích để giúp vực dậy bạn đời mình.

  1. Quan hệ lăng nhăng

Việc quan hệ lăng nhăng khi còn độc thân còn bị xã hội lên án huống hồ gì là trong đời sống hôn nhân, khi mình đã cam kết yêu thương tôn trọng và gắn bó với bạn đời mình suốt đời. Tình yêu tự bản chất mang tính độc nhất không thể chia sẻ với người thứ ba. Việc quan hệ bữa bãi càng gây tổn thương trầm trọng hơn khi nó chỉ diễn ra sau hôn nhân.

Người quan hệ bừa bãi như thế chứng tỏ rằng bản thân mình không có yêu ai hết mà chỉ lợi dụng kẻ khác nhằm thỏa mãn ham muốn nhục dục của mình. Điều đó làm tổn thương bạn đời mình cảm thấy hụt hẫng vô cùng vì nghĩ rằng bản thân mình mất giá, bị khinh thường coi rẻ.

  1. Ngoại tình bất trung

Có trường hợp ngoại tình xảy ra như một tai nạn nhất thời, do không làm chủ được bản thân, kiềm chế được ham muốn như trường hợp của vua David. Trường hợp này thường ít xảy ra chỉ trong trường hợp người ta sống và làm việc trong một môi trường không an toàn, không lành mạnh đầy cạm bẩy. Và thường xảy ra với người nam. Trường hợp này xảy ra rất nhanh chóng, có thể để lại những hậu quả tai hại bệnh tật lây nhiểm, hay có con ngoài ý muốn, nhưng xét về mức độ quan hệ thì không trầm trọng, có thể chỉ xảy ra một lần không có tái diễn, có thể dễ cắt đứt.

Có trường hợp ngoại tình đã được chuẩn bị từ lâu, khởi đầu bằng sự quen biết trong giao tiếp ở môi trường làm việc hay sinh hoạt xã hội cộng đồng, dẫn đến tình cảm, sự kết thân tâm giao, và rồi đến việc gặp gỡ riêng tư tâm sự, từ từ đến ước muốn ngoại tình trong tư tưởng và dẫn đến ngoại tình trong thân xác.

Trường hợp này trầm trọng hơn nhiều vì không phải chỉ là vấn đề ham muốn xác thịt mà còn là gắn bó về tình cảm, đã được hình thành dần dần và ngày càng củng cố với thời gian. Người ta có thể không còn gặp nhau vì bị phát hiện ngăn cản nhưng ngọai tình trong tư tưởng lại vẫn tiếp diễn. Điều này thường xảy ra với phái nữ.

  1. Nguyên nhân của việc ngoại tình

Có nhiều nguyên nhân bên ngoài dẫn đến ngoại tình, nhưng điều quan trọng là những nguyên nhân sâu xa từ những xung đột bất hòa thường xuyên, những rạn nứt trong quan hệ, hôn nhân không tình yêu, thiếu nền tảng, bản thân người trong cuộc thiếu trưởng thành tâm lý và tâm linh, thiếu đời sống nội tâm thiêng liêng cầu nguyện, thiếu khiêm tôn, khôn ngoan sáng suốt, dè dặt.

Ngoại tình thực sự khởi đầu từ trong tâm tưởng nếu ta để cho nó xảy ra thì chuyện gì đến cũng sẽ đến. Sự khôn ngoan đòi hỏi ta phải tránh quan hệ tình cảm ngay khi có dấu hiệu khác thường.

  1. Hậu quả của việc ngoại tình

Nếu như trong trường hợp đầu, nạn nhân bị tổn thương một, vì coi như một yếu đuối hay chuyện thuần sinh lý, thì trong trường hợp thứ hai nạn nhân bị tổn thương gấp bội phần vì người ta cảm thấy bản thân mình không còn có ý nghĩa, không còn lý do để tồn tại, mối quan hệ giữa họ không còn ý nghĩa nào nữa.

Về mặt tình dục, một số người nam không còn cương được với vợ mình, trừ ra bí mật mơ tưởng đến người tình của mình. Một số phụ nữ trở nên lạnh cảm, trầm cảm. Nếu là tội nhân sau khi trải nghiệm nỗi đam mê với người tình, một số người nam/nữ không còn muốn tiếp tục quan hệ tình dục với vợ/chồng mình nữa. Nhất là người nữ khi đã “yêu” khó nhận ra tội lỗi của mình dù là mối quan hệ bất chính vì họ vốn sống theo tình cảm.

Hơn nữa, cho dù chỉ là chuyện qua đường, có thể dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn, phá thai hoặc những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mặc cảm tội lỗi có thể đưa đến trầm cảm, thậm chí tự sát. Con cái mất phương hướng, người thứ ba cũng bị tổn thương vì không chỉ mong muốn một mối quan hệ chóng qua.

Hầu hết các cuộc hôn nhân bị rơi vào trường hợp thứ hai đều dẫn đến ly thân, ly dị, đổ vỡ, không còn có thể cứu chữa, hoặc gây ra những vết thương không bao giờ lành lặn, gây ra những khủng hoảng trong đời sống chăn gối, những cú sốc cho người bạn đời và những tâm bệnh. Và đối với bản thân người gây ra là một một cách tội lỗi không thể xóa nhòa.

Hậu quả của việc ngoại tình đối với một cặp vợ chồng tùy thuộc trước hết ở nhân cách của người bạn đời bị phản bội. Một người phối ngẫu nghi ngờ về bản thân mình sẽ «cảm thông» hơn trước một người chồng hay thay đổi. Các thành công tình ái của chồng mình làm người ấy khoái chí và mang lại giá trị mới cho họ. Ngược lại, một người đàn ông không tự tin mấy sẽ cảm thấy mất giá trị và tổn thương bởi sự bất trung của vợ mình, người ấy sẽ lo âu về khả năng nam tính của mình.

Đương nhiên cũng tùy bản lĩnh, tính cách và cung cách xử sự của người trong cuộc mà hậu quả nặng hay nhẹ, sự việc dẫn đến tan vỡ hay hàn gắn được.

Hậu quả của một cuộc phiêu lưu ái tình ngoài hôn nhân cũng tùy thuộc ở tính cách của cuộc phiêu lưu. Nếu chỉ là chuyện qua đường không có ngày mai, dĩ nhiên sẽ bớt trầm trọng và bớt đau khổ hơn đối với cả hai. Nếu vợ chồng có những nền tảng vững chắc, họ có thể nguôi ngoai với thời gian dù không thể quên.

Ngược lại mối quan hệ đe dọa nhất đối với vợ chồng là mối quan hệ vừa thỏa mãn những mong mỏi tình cảm và những nhu cầu tình dục của người phối ngẫu bất trung, và kéo dài. Chấp nhận bạn đời mình có những quan hệ tình dục với một người thứ ba đã là quá khó, huống chi những mối quan hệ này mang đậm dấu âu yếm và đam mê, khi ấy ngay cả nền tảng của đời sống vợ chồng cũng lung lay.

Những biểu hiện đụng độ, giận dữ, trầm cảm, đe dọa, toan tính tự sát, mặc cảm tội lỗi, nhục mạ đan kết với hòa giải, hứa hẹn đền bù, xin lỗi… Sự nghi ngờ làm cho đời sống vợ chồng trở nên ảm đạm.

  1. Cách xử lý

Phải nghĩ ra ba trường hợp của vấn đề: khi người khác không biết sự bất trung, khi người ấy biết và nếu người ấy không bao giờ biết.

Trước khi mối quan hệ bị khám phá, người có tội thỏa mãn mơ tưởng của mình với người tình trong sự hứng thú và không cảm thấy tội lỗi bao nhiêu đồng thời sống trong một sự an toàn giả tạo ngay trong tổ ấm vợ chồng.

Một khi sự việc bị phát hiện, mọi sự thay đổi. Không khí biến thành thảm kịch.

Tùy là người phạm tôi hay nạn nhân ta phải có những cách xử lý thích hợp.

  • Là tội nhân:

Nếu bạn đời bị phản bội không biết mối quan hệ ngoài hôn nhân, thú nhận mọi sự với người ấy chỉ là vô ích thâm chí nguy hại. Điều này có thể gây sốc cho những ai mong muốn sống trong sự thành thật, nhưng kinh nghiệm của các nhà tư vấn hôn nhân và các nhà tâm lý trị liệu cho thấy việc thú nhận chẳng giải quyết được gì, chỉ làm cho tình hình xấu thêm. Nếu người phản bội muốn sống thành thật thì lẽ ra phải sống thành thật trước đây…

Khám phá mình bị phản bội, cho dù là một cuộc phiêu lưu ngắn ngủi cũng phá hủy lòng tin vào người khác và sự tự tin, và phá hoại mọi nền tảng của tổ ấm hòa hợp nhất. Việc thú nhận ngoại tình đã làm tiêu tan biết bao cuộc hôn nhân, vì từ đây lòng tin tưởng, nền tảng của hôn nhân đã biến mất.

Phải dặn lòng mình đừng bao giờ nói với người ấy về tội lỗi mình đã phạm cho dù là nhiều năm sau đó, lấy cớ là bây giờ mọi sự đã qua, cần phải thành thật… Người kia không phải là cái thùng rác, người ấy không phải là linh mục giải tội.

Ta đừng bao giờ ngây thơ nghĩ rằng bạn đời mình khoan dung, cho dù người ấy là người cảm thông nhất đi nữa, cho dù có thấy những lý do chính đáng để biện minh cho mối quan hệ của mình, điều đó cũng không thể nào là tránh được những khó khă, thậm chí đổ vỡ trong quan hệ vợ chồng.

Ngược lại cần phải thật lòng ăn năn, xưng thú tội lỗi của mình với Chúa và với linh mục, đón nhận ơn tha thứ của Chúa và dĩ nhiên là quyết định dứt khoát cắt đứt mối quan hệ bất chính này.

Điều này trong thực tế không dễ dàng và không ai sẵn sàng kết thúc một mối quan hệ bất chính chỉ vì Thánh Kinh nói: « Ngươi không  được ngoại tình ! » Thông thường, người ta chỉ có thể cắt đứt khi stress gây ra do mối quan hệ này (ẩn náu, dối trá, sống một cuộc sống hai mặt) trở nên không thể chịu đựng nỗi.

Tiếp đến cần phải thực hiện một công việc tâm lý và thiêng liêng trên bản thân mình để hiểu do đâu mà mình đi đến việc ấy. Và nên lưu ý tránh xa những người và những nơi quá liên hệ với tội của mình (hãy đổi nơi ở nếu có thể). Tin Mừng bảo: « Nếu mắt phải của ngươi nên cớ vấp phạm cho ngươi, thì hãy móc và quăng đi xa khỏi ngươi. »

Sau cùng người ta cần phải xác tín ta đã được Chúa tha thứ, và nhận được sự tha thứ của bạn đời, tuy điều ấy rất khó.

Cần phải có sự trợ giúp của nhà tư vấn hay linh mục để có thể vượt qua sự cô đơn và mặc cảm tội lỗi.

Cần phải đền bù cho người bạn đời về những đau khổ mà mình đã gây ra bằng cách biểu hiện sự thành tâm hối hận và hoán cải trong cách hành xử và lối sống của mình: cắt đứt không chỉ trong thực tế mà còn trong tư tưởng mọi quan hệ bất chính, tránh mọi quan hệ riêng tư với người khác phái, tỏ ra quan tâm hơn và đáp trả hơn những mong đợi và ý thích của bạn đời một cách kín đáo và tế nhị nhằm khôi phục lại ít nhiều lòng tin, và tình yêu nơi người bạn đời, chấp nhận những “hình phạt” mà bạn đời mình mang đến cho mình như việc đền tội, nổ lực kiên trì nhằm đón nhận sự tha thứ của bạn đời.

. Là nạn nhân:

Khi biết được điều đó, trước tiên cần phải cho mình cái quyền để tuôn ra mọi cảm xúc dữ dội nhất của mình thể hiện (giận dữ, ghen tuông, thất vọng, buồn chán) mà không làm giảm đi cũng không  thăng hoa, vì điều đó là bình thường.

Nhận ra mình bị phản bội cảm thấy đau khổ dữ dội, như một nhát dao đâm vào tim mình. Đó là một trong những chấn thương thử thách nhất. Như thể người ta bỗng dưng tháo gỡ cái băng mà tình yêu hôn nhân đã dán vào các vết thương hiện sinh của mình. Sự phản bội lột trần và làm tái phát hết mọi nỗi đau quá khứ, các nỗi sợ hãi thầm kín bị bỏ rơi, phản bội, nỗi sợ hãi không còn được yêu nữa.

Tiếp theo cần phải cố gắng suy nghĩ một mình hay với sự giúp đỡ của một người tư vấn, nhất là đừng cho con cái, cha mẹ hai bên bạn bè hay biết; điều này thường chỉ gây đến những hậu quả tiêu cực mà thôi, không giải quyết được gì, ngoài sự an ủi ta hy vọng có được.

Đừng thảm kịch hóa đến mức nghĩ rằng hôn nhân của mình không còn ý nghĩa tồn tại. Ngoại tình là một trọng tội và gây ra một nỗi đau khổ dữ dội nhưng ta vẫn có thể tha thứ, vẫn có thể vượt qua. Cần phải nghĩ đến con cái, đến hạnh phúc vợ chồng mà ta đã cố gắng xây dựng cho đến nay, tránh ly dị.

Cần giải quyết vấn đề một cách tích cực thay vì tiêu cực!

Nếu bạn đời mình sa ngã, ta có thể tự hỏi tại sao. Phải chăng người ấy không tìm được ở nhà mình điều người ấy tìm thấy nơi khác? Là người bị phản bội, dù không cảm thấy có tội, ta cũng cần nhận một phần trách nhiệm trong việc xảy ra, đừng xem mình như thể chỉ là nạn nhân, nhưng hãy khôi phục tình hình bằng cách trở nên tác nhân cho tương lai của vợ chồng mình.

Tránh những hình phạt, đặc biệt những hình phạt khắt khe, nhất là trong cách ăn nói nhục mạ, cáo tội, đay nghiến, hất hủi nhất là khi người bạn đời của mình vốn đã có một quan hệ tình cảm mới, và chưa thực sự muốn quay về, hay không đủ ý chí quay về.

Đừng hỏi cung bạn đời của mình hay nói những lời nói dứt khoát mà ta có thể sẽ hối tiếc sau này. (“Tôi chưa bao giờ yêu anh/cô cả”, “Lẽ ra tôi đã không cưới anh/cô”, “tôi sẽ không bao giờ tha cho anh/cô” vì điều này thường chỉ dẫn đến những hậu quả trầm trong hơn, làm cho người đó lấn sâu hơn trong mối quan hệ bất chính, không còn đường quay về.

Nếu người bạn đời bất trung ám ảnh mang mặc cảm tội lỗi, ta phải giúp người ấy vượt qua bằng lời cầu nguyện, sự cảm thông và nếu cần nhờ sự trợ giúp của một linh mục, hay của một nhà tâm lý khôn ngoan.

Điều quan quan trọng cần làm là lượng giá vấn đề. Ta phải tự hỏi xem phải chăng đây là một cuộc phiêu lưu tình cảm không có ngày mai, một kiểu qua đường không có đầu tư tình cảm hay một quan hệ kéo dài và đầu tư tình cảm đàng hoàng.

Tìm những nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng với sự trợ giúp của một nhà tư vấn hôn nhân.

Cú sốc gây ra do việc ngoại tình có thể dẫn đến việc làm sáng tỏ các nhu cầu ẩn giấu của mỗi người (cần âu yếm hơn, đối thoại hơn, một quan hệ tình dục tích cực hơn) và đưa đến một sự tái khởi đầu đời sống vợ chồng. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều chấp nhận, cảm thông, độ lượng.

Tha thứ không bao giờ là chuyện dễ nhưng không phải là không thể làm. Nhưng ta chỉ có thể tha thứ cho người bạn đời bất trung khi ta nhận ra chính bản thân mình cũng có nhiều bất trung, yếu đuối sai sót với Chúa mà ta vẫn được Chúa thứ tha, và khi ta biết đặt mình vào vị trí của người ấy để cảm thông như thái độ của Đức Giêsu đối với người đàn bà phạm tội ngoại tình.

Tha thứ khác với lãng quên (Thiên Chúa ban cho ta trí nhớ, ta không thể quên) là bảo chứng cho một sự tái hòa nhập, nhưng rất cần thiết mặc dù không dễ trao ban. Đó là giải pháp để tránh sự bất bình và thù hận ở lại trong tổ ấm gia đình.

Nhưng người có lỗi cần phải biết mình đã mang lại một nỗi đau khổ kinh khủng cho bạn đời mình và người này cần phải có thời gian rất lâu để tái chứng tỏ sự tin tưởng trọn vẹn đối với mình. “Người ta có thể tha thứ một sự bất trung nhưng người ta sẽ không bao giờ quên nó” (Simone de Beauvoir).

Nhưng dù là tội nhân, hay là nạn nhân, trong trường hợp ngoại tình, điều đầu tiên và quan trọng nhất mà ta cần làm là chạy đến với Thiên Chúa là nguồn tình yêu, nguồn ánh sáng và ủi an trong việc cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa và lãnh nhận Bí tích hòa giải, và/hay Thánh Thể để múc lấy nguồn sức mạnh, ánh sáng và tình thương để có thể vượt qua điều mà gần như không có thể đối với con người, nhưng đối với Thiên Chúa thì không bao giờ là không thể được, để có đủ can đảm cắt đứt, đoạn tuyệt với quan hệ bất chính, để có thể tha thứ, và để có thể làm lại từ đầu.

“Hãy đến với Tôi hết tất cả những ai vất vả, mang gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). “Đối với con người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” (Mc 10, 27).

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

ENCOURAGEMENT

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh, của Lm Minh Anh

  LUÔN KHÍCH LỆ “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. “Hãy tâng bốc …