Home / Chia Sẻ / Như Hạc hoài hương

Như Hạc hoài hương

(Đọc lại để tưởng nhớ Cha TôMa Thiện Cẩm nhân kỉ niệm 4 năm ngày về trời).

IMG_0376

Cho đến hôm nay, Linh Mục Thiện Cẩm, một cây tùng bách của Dòng Đa Minh đã lặng gió. Trái tim nhân hậu của một Linh Mục, nhà Thần học, Triết gia Công Giáo uyên bác, lỗi lạc đã ngừng đập. Cây bút hơn 60 năm với tâm nguyện: “Vắt hòn chép nốt trang đời đẹp, khỏi lỗi thề xưa với kiếp sau“ đã nằm yên trên trang viết còn đang dang dở, để lại cho đời, cho biết bao người niềm tiếc thương vô hạn, nỗi nhớ khôn nguôi!      

Cha TôMa Thiện Cẩm đã vào nằm viện năm tháng nay, với nhiều thứ bệnh trong tuổi già. Biết giờ ra đi của mình đã gần kề, nên những ngày trước đó, cha đã gặp gỡ, gửi gấm tâm tình với mọi người thân quen về những ưu tư, mong ước về Giáo hội, về đất nước với hết tâm nguyện. Trên bàn làm việc của Cha, sau khi từ trần, quí Tu sĩ Tu viện cho biết, đã có sẵn bộ Lễ an táng cho chính mình, với di bút những bài Thánh Ca, những lời cầu nguyện. Trong lúc Cha nằm viện, các Linh mục, nữ tu, tu sĩ anh em, tu sinh học trò trong Dòng Đa Minh, Ban Thường trực và các ủy viên trong Ủy Ban Đòan Kết Công Giáo, các môn sinh, thân hữu xa gần và thân nhân vẫn thường xuyên ra vào bệnh viện chăm sóc, cầu nguyện cho Cha luôn được bình an và phó thác Ngài vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Mọi người đều biết đến một lúc nào đó, trong huyền nhiệm cao sâu của Thiên Chúa nào ai biết được, Chúa sẽ đón Cha về nước Người. Trong tâm tình yêu mến, tri ân, chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc đời của cha.

Linh Mục TôMa Thiện Trần Minh Cẩm, quen gọi là Thiện Cẩm, sinh ngày 6.6.1933 tại Đất Vượt – họ nhánh của giáo xứ Quần Phương (xã Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định).

1953 – 1955, tu học tại dòng Đồng Công – Nam Định

1956, tu học tại dòng Đa Minh – Saigon; 1958 – 1967, du học tại Học viện Lyon –Pháp; Khấn Dòng năm 1959 và thụ phong linh mục năm 1964.

1965, nhận học vị cử nhân Thần học

1967, nhận học vị tiến sĩ Triết đại học Sorbonne – Pháp với luận án “Khái niệm Giải thoát trong Phật giáo cũ và quan niệm Cứu độ trong Kitô giáo”.

1967, trở về Việt Nam; 1967 – 1975, giáo sư tại Đại học Đà Lạt, Văn khoa Saigon, Minh Đức, Thành Nhân, An Giang

1975 – 2013, công tác mục vụ tại Tu viện Mai Khôi  

Ngày giờ của Chúa đã đến, 5 giờ sáng ngày 14 tháng 2 năm 2014, qua một đêm chuyển bệnh, Chúa đã đón Cha về nước của Người tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, Quận 5, TPHCM một cách thanh thản, bình yên sau khi đã đón nhận các phép Bí Tích lúc còn tỉnh táo. Quí Cha, quí Tu sĩ trong Dòng, thân nhân đã đưa Ngài trở về lại Tu viện, nguyên là Trung Tâm Phục Hưng của Dòng Đa Minh (O.P) trước đây .      

Một Linh mục sống hết mình với Hội Thánh, hơn 50 năm giảng dạy sinh viên đạo đời, huấn giáo biết bao thế hệ Linh mục, tu sĩ các Dòng tu. Từng được các Giám Mục mời giảng phòng cho các Linh mục, các Hội Dòng. Một nhà tư tưởng lớn của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, với hàng trăm bài viết đã được phổ biến trong và ngòai nước, vừa là tài liệu giảng dạy, vừa là những suy tư về các vấn đề của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam. Là một Linh mục của thời đại hậu Công đồng Vaticanno II, cha ý thức mình phải sống Tin Mừng Đức Kitô giữa đất nước Việt Nam hôm nay: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” Theo Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, nên khi được mời, cha đã sẵn sàng tham gia vào Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Là thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân Tộc Tôn Giáo, cha đóng góp những ý kiến thẳng thắn nhưng chân thành, góp phần vào việc hòa giải dân tộc, Giáo hội cùng đồng hành với dân tộc, với mọi giới đồng bào trên quê hương đất nước.

Với Ủy Ban Đòan Kết Công Giáo Việt Nam và tại Thành Phố HCM, cha được suy cử là Phó Chủ Tịch phụ trách Công tác Tư tưởng Văn hóa nhiều nhiệm kì. Cha đã được tặng thưởng Huân chương Đại đòan kết dân tộc, Huân chương Độc Lập. Nhận được sự kính trọng và yêu mến của các cấp lãnh đạo đất nước, Thành phố, các tôn giáo bạn và các ngành các giới. 

Trong Giáo hội, là một Giáo sư Triết, cha tham gia giảng dạy, dịch Kinh Thánh cùng với nhóm Phụng vụ các giờ kinh, đặc biệt là “Việt Nam hóa” các từ khó dịch trong các Thánh vịnh. Cha cũng còn là một nhạc sĩ âm thầm nhưng tuyệt tác, mà một trong những bài được mọi người tín hữu rất thuộc và sẽ cất lên vào những ngày cuối đời của Cha như một lời chào: ”Xin vĩnh biệt mọi người, tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại. Hẹn nhau trong nước Trời…”.

Tất cả những gì để lại cho đạo, cho đời, Cha tự nhận mình là  “Cỏ dại ven đường“. Ngọn cỏ ấy bây giờ đã biến đi sau một cơn gió thỏang, để trở thành ”Như đàn hạc hòai hương bay thẳng về tổ ấm, trên đỉnh núi vút cao. Nguyện đời con phiêu diêu qua vùng trời thăm thẳm, lên tận cõi thiên đường. Xin dâng Chúa bài ca cuối cùng, đợi chờ ngày về chốn Thiên cung. Con nghe Chúa hát bài ca mới, bài ca muôn thuở muôn đời”  Lời của bài hát Cha để lại. Phải chăng ý của cha đã được tọai nguyện?             

Vĩnh biệt Cha TôMa Thiện kính mến,              

Xin thân xác cha mãi mãi an nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam, vì: ”đất nước này là lòng mẹ đã cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi là con ThiênChúa”.

Xin Chúa đón nhận Linh hồn cha vào nước của Người.

Xin  tiếp tục hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Linh Mục TÔMA THIỆN TRẦN MINH CẨM. R.I.P.

TP HCM ngày 15/2/2014

Fx Đỗ Công Minh

(Phó chủ tịch UBĐKCG/ TPHCM)

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …