Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON CHÚA

NGƯỜI CON CHÚA

AHôm nay Giáo hội mừng kính việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của thánh Gioan Tiền hô tại sông Jordan kết thúc mùa Giáng Sinh và hướng chúng ta về đời sống công khai của Chúa Giêsu.  Đây cũng là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa nói chung và của Chúa Giêsu nói riêng, vì trong biến cố này Thiên Chúa muốn loan báo và mạc khải cho mọi người biết về Thiên Chúa và một số chân lý khác.­­­

Trước hết, mạc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Đây là một lần mạc khải công khai có cả Ba Ngôi cùng hiện diện: Ngôi Cha chỉ xuất hiện qua tiếng nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”  Ngôi Con là Chúa Giêsu, Đấng nhận phép rửa, đang hiện diện cụ thể ở sông Jordan.  Ngôi Ba Thánh Thần, xuất hiện qua hình ảnh chim bồ câu.

Thứ hai, mạc khải Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.  Chính Thiên Chúa Cha đã xác nhận và giới thiệu điều này và kêu gọi mọi người hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu, hãy đến với Ngài để đón nhận nguồn hồng phúc vô biên của Thiên Chúa.

Thứ ba, mạc khải ý nghĩa và giá trị phép rửa của Chúa Giêsu.  Chính thánh Gioan đã khẳng định điều này: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.  Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

Xin chia sẻ một điều về ý nghĩa và giá trị cao quí của Bí tích Rửa tội.  Chúng ta biết phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.  Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh.  Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như thánh Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến đổi con người tội lụy nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nước trời.

Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài.  Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội.  Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được sinh lại làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo Hội.  Vì thế, Giáo Hội coi bí tích tửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới.  Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép rửa tội.  Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu.  Hai năm sau, cụ hấp hối.  Có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi.  Cụ dõng dạc trả lời: “Tôi mới có hai tuổi.  Tám mươi năm trước khi rửa tội là những năm chết.  Tôi mới bắt đầu sống thật khi tôi chịu phép rửa tội.”  Thật là chí lý.

Bí tích Rửa tội quí trọng vô cùng, là cửa đưa chúng ta vào đoàn chiên của Chúa là Giáo Hội, vào hàng ngũ con cái Chúa, đồng thời từ đây chúng ta được gọi là Kitô hữu.  Kitô hữu là người có Chúa Kitô.  Mỗi Kitô hữu là một Đức Kitô thứ hai.  Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô.  Đó là tước hiệu cao quí của chúng ta.  Tước hiệu ấy không mua bằng tiền bạc.  Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè, mà phải luôn chiếu tỏa trong từng giây phút của cuộc sống.

Nhưng phải chăng nhiều người trong chúng ta đã là Kitô hữu một cách miễn cưỡng?  Đức tin chưa phải là niềm vui sống mà chỉ là một mớ những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy nặng nề, khó khăn?  Ngoài những ràng buộc của luân lý Kitô giáo và gánh nặng của những sinh hoạt đạo giáo, biết đâu nhãn hiệu Kitô hữu lại không là đầu mối của biết bao kỳ thị, thiệt thòi trong cuộc sống của chúng ta?  Chúa Kitô đã mang lại cho chúng ta cuộc sống mới của những người con Thiên Chúa, cho dầu cuộc sống ấy có thể tạo ra nhiều ràng buộc, có thể đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu, có thể gây nên những phiền toái, thua thiệt… nhưng đó là giá để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.

Đàng khác, chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa.  Nhưng chúng ta đã sống ơn cao quí này như thế nào?  Cha trên trời có hài lòng về chúng ta không?  Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha.  Cha hài lòng về Con.”  Còn chúng ta thì sao?  Nếu như bây giờ, nhận định về chúng ta, Chúa Cha sẽ nói thế nào?  Chúa hài lòng hay Chúa phải buồn rầu, đau lòng và than phiền?

Chúng ta hãy nhớ: ơn cao trọng và cao quí nhất khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội là ơn được làm con Chúa.  Vậy chúng ta phải luôn cố gắng sống xứng đáng là những người con mà Chúa hài lòng về chúng ta.

Sưu tầm

Xem thêm

ĐÓN NHẬN CHÚA KITÔ THÁNH THỂ

ĐÓN NHẬN CHÚA KITÔ THÁNH THỂ

Khi rước lễ, chúng ta chạm và nếm được Chúa và Thiên Chúa của chúng …