Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX TN, NĂM C, NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2016, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX TN, NĂM C, NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2016, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

Hội Thánh Truyền giáo,

Chứng nhân của Lòng Thương xót

 

10-18-sudiep-truyengiaoNgày Thế Giới Truyền Giáo năm nay được cử hành vào chúa nhật 23 tháng 10 với chủ đề ”Giáo Hội Thừa Sai, chứng nhân lòng thương xót”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo một ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn việc truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) như là một công trình bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả thiêng liêng và vật chất. Trong ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại. Do mệnh lệnh truyền giáo, Hội Thánh chăm lo cho tất cả những người chưa biết đến Tin Mừng, vì Hội Thánh muốn mọi người được cứu rỗi và trải nghiệm tình thương của Chúa. Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng” (Misericordiae Vultus, 12) và công bố lòng thương xót tại mọi góc cùng của thế giới, đến với hết mọi người, người già cũng như người trẻ.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Giêsu mạc khải khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót; Người “dùng các kiểu so sánh và các dụ ngôn để nói và cắt nghĩa về lòng thương xót, nhưng trên hết chính Người làm cho lòng thương xót trở thành nhập thể và nhân cách hoá” (Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 2). Khi chúng ta tiếp nhận và đi theo Đức Giêsu bằng Tin Mừng và các bí tích, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những con người có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương; chúng ta có thể học biết yêu thương như Người yêu thương chúng ta và biến cuộc đời chúng ta trở thành một món quà cho không, một dấu chỉ lòng nhân ái của Người (x. Misericordiae Vultus, 3)”[1]

Từ ngữ lòng xót thương được rút ra từ tiếng Latinh là pati và cum, gộp chung lại có nghĩa là “cùng chịu đau khổ với”. Lòng xót thương đòi ta đi tới những nơi đang gây khổ đau, bước vào những chỗ đang làm đau đớn, tham dự vào những đổ vỡ, sợ sệt và đau khổ. Lòng xót thương luôn thách thức ta cùng thét lên với những người khốn khổ, cùng ngậm ngùi với những kẻ cô đơn, và cùng khóc với những kẻ đang khóc. Lòng xót thương đòi ta yếu với người yếu, hèn với kẻ hèn và bất lực với kẻ bất lực. Lòng xót thương có nghĩa là dìm mình vào trong điều kiện của con người. Khi ta nhìn vào lòng xót thương theo kiểu này, rõ ràng có một cái gì đó hơn hẳn sự tử tế hay lòng thương hại.[2] Với tâm tình này, chúng ta đi vào Ngày Thế Giới truyền Giáo, ngày Đức Thánh Cha kêu mời chúng ta “đi ra” loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa.

Để loan báo có hiệu quả, chúng ta phải loan báo với tất cả sự xác tín của chúng ta. Để loan báo một cách xác tín, chúng ta phải có cảm nghiệm về lòng thương xót của Chúa. Để có cảm nghiệm về lòng thương xót của Chúa, chúng ta phải học nơi Đức Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự nhập thể và nhập thế của Người. Điều quan trọng là chúng ta phải cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa, chính là nền tảng để “đi ra” “đến với muôn dân”.

Cảm nghiệm như thế nào? Sau đây là cảm nghiệm của một người tân tòng đã cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu kể rằng:

“Người Công Giáo là kẻ có cảm thức được Thiên Chúa yêu thương, được yêu thương một cách sâu thẳm và được mời gọi đáp trả lại tình yêu thương đó.

Có cái gì như một kẻ si tình. Si tình ở đây bắt nguồn từ sự điên rồ của màu nhiệm Khổ Giá (la folie de la croix); và như chữ Thương Khó, Khổ Nạn (passion) không phải không có âm hưởng của cái gì như là đam mê (cũng là passion). Sự so sánh giữa các thánh của Kitô Giáo với các thiền sư, các đạo gia, thì một bên có cái gì da diết, đầy đam mê (passion), một bên thì thanh thản, đầy minh triết (sagesse)”.

Và người tân tòng chia sẻ tiếp:

“Cuộc đời của Đức Giêsu trước hết gợi lên lòng thương của tôi đối với một người vô tội bị oan khiên, sau đó là sự hấp dẫn của một người dịu dàng, đơn sơ, bình dị.

Có thể nói tình cảm đầu tiên đối với Ngài là lòng thương mến hơn là lòng tôn kính đối với một bậc tôn sư: có một cái gì như tình bạn ít nhiều bình đẳng giữa hai người cùng hội cùng thuyền.

Ấn tượng đầu tiên đối với Ngài: có cái gì tương tự như sự an ủi của người mẹ hiền, người bạn quí, hàn gắn thương đau, khuyết điểm, khuyến khích về mặt cảm tính khi chán nản; sưởi ấm cõi lòng khi cô đơn – nhiều hơn là một vị tôn sư dạy một giáo thuyết”.

Ông cho rằng: “sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài, từ việc sinh ra trong máng cỏ, qua 30 năm âm thầm lặng lẽ, ba năm nay đây mai đó, trà trộn với dân chúng, rồi bị giết oan, nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy.

Bởi vì, xét về mặt tâm lý đạo đức thì các bài dạy của Ngài cũng chẳng có gì là cao siêu tuyệt vời, nhưng điều làm cho tôi cảm mến Ngài chính là “con người” và “cuộc sống”của Ngài (sa “personne” et sa “vie”).

Đã có cảm tình với Ngài rồi thì khó quên, khó phai và hình như càng lâu càng thắm thiết hơn… Đối với các bậc thánh hiền khác, thì có thể nhớ bài dạy của Ngài mà quên đi con người và cuộc đời của các ngài.

Đối với Đức Giêsu thì khác hẳn: đôi khi quên lời Người dạy, nhưng chính Ngài thì không thể quên được. Và có lẽ càng hay sống trái lời Ngài dạy, thì hình ảnh Ngài lại càng thêm xoáy vào tâm khảm… nhớ quay nhớ quắt, nhớ quằn quại đến độ không chịu được!…Thông minh, tài trí, dũng cảm…có lẽ nhiều người hơn Đức Giêsu, nhưng đáng yêu nhất thì chỉ duy nhất có một mình Ngài mà thôi!”[3]

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa nơi Đức Giêsu để con “đi ra” loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa “cho muôn dân”. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2016: Hội Thánh truyền giáo, chứng nhân của Lòng Thương Xót

[2] Henri M.Nouwen, Donald P.Mc Neill, Douglas A.Morrison, Compassion,a reflection on the Christian Life (Lòng Thương Xót, một suy tư về đời sống Kitô hữu), trg.13

[3] Vũ Văn An, ”Vũ Khắc Dương: Một người trí thức Việt Nam nhập đạo nói về cảm nghiệm “Đi tìm Giáo Hội”

Xem thêm

18-4-2024 5-59-16 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần III Mùa Phục Sinh 19/04/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN