Home / Chia Sẻ / Năm nguyên tắc để một tín hữu kitô tốt chịu đựng được người không thể chịu đựng

Năm nguyên tắc để một tín hữu kitô tốt chịu đựng được người không thể chịu đựng

fr.aleteia.org, Nữ tu Theresa Aletheia Noble, 2016-09-17

Lớn lên một cách thánh thiện theo Chúa Giêsu là học cách để chấp nhận người và hoàn cảnh làm chúng ta bực mình

Làm sao cải thiện được quan hệ với những người “khó tính”?

Trong cuộc sống luôn có những người khó tính, đơn giản vì họ khó tính hoặc họ khác biệt. Khi sống chung, sự gần gũi khuyếch đại lên các tính khí kỳ quặc, đôi khi làm chúng ta bực mình. Dù lý do nào, để lớn lên trong thánh thiện, chúng ta phải học để chấp nhận những người và những hoàn cảnh làm mình bực mình, tức tối, gần như không đúng lúc đúng nơi. Để chấp nhận họ, không những là một điều tốt cần phải làm, mà đôi khi là cả một ơn. Nhà khảo luận người Mỹ Heather King đã nói như sau: “Khi chúng ta cởi mở và tiếp nhận tất cả những gì mọi người mang đến cho mình, thì lúc đó mọi sự sáng tỏ trong chúng ta. Chúng ta thấy rằng, tất cả hoặc gần như tất cả liên hệ đến việc chúng ta đi tìm cái đẹp và thứ trật”. Nhìn những người khó chịu dưới một góc cạnh khác, dưới khía cạnh tích cực không phải là chuyện dễ. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu học những gì người khác mang đến cho mình theo cách Chúa Giêsu đã làm.

Kinh Thánh dạy cho chúng ta cách Chúa Giêsu đối đầu với những người này:

Chúa Giêsu đặt câu hỏi

Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đặt nhiều câu hỏi; những câu hỏi đôi khi có tính cách hùng biện và cưỡng bức, nhưng cũng có khi Ngài đặt ra để có thêm chỉ dẫn. Như trong chương 12 Phúc Âm Thánh Luca, khi dân chúng hỏi Ngài làm sao giải quyết cãi vả trong gia đình. “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Chúa Giêsu đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Khi đặt câu hỏi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cởi mở của mình đối với người khác.

Còn loài người chúng ta, ngược lại, chúng ta lại ít đặt câu hỏi. Chúng ta giữ quan điểm, chúng ta lên mặt, chúng ta nói, chúng ta quan sát, chúng ta cắt lời, chúng ta phê phán nhưng chúng ta rất hiếm khi đặt câu hỏi cho người anh em. Khi dùng “câu hỏi” như một cách để tiếp xúc, Chúa Giêsu cho thấy mình là người giao tiếp giỏi, một người đủ gần người khác để thách thức và tương tác với họ.

Chúa Giêsu không bao giờ để bị xúc động

Ở chương 6 Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi qua một cánh đồng lúa, các môn đệ bứt lúa. Người Pharisêu đến và kết tội các môn đệ không giữ ngày sa-bát, nhưng Chúa Giêsu không nao núng trước lời trách cứ này. Ngài không bao giờ sợ người khác giăng bẫy hay nghĩ xấu về mình. Đơn giản vì quan tâm chính của Ngài không phải là những gì người khác nghĩ.

Có những người làm áp lực trên chúng ta bằng ý tưởng, bằng phê phán, khi đó chúng ta bắt đầu tự hỏi, liệu cái nhìn của họ trên chúng ta có khách quan hơn cái nhìn của chúng ta không. Đương nhiên, đôi khi cũng khó chấp nhận người khác không hiểu mình hoặc họ không bỏ thì giờ ra để tìm hiểu mình. Nhưng, chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu, tránh nhìn mình như người khác nhìn mình. Căn tính chúng ta ở nơi Chúa, chứ không phải nơi người khác tìm cách để chúng ta thuộc về họ.

Chúa Giêsu biết khi nào mình phải bỏ qua

Các bạn còn nhớ ngày Chúa Giêsu giận các người láng giềng và bạn cũ của mình ở làng Nadarét không? Họ giận dữ muốn ném Ngài xuống vực. Còn Ngài, thì Ngài thấy mình không có cách nào để lý luận với những người này nên Ngài tiếp tục đi con đường của mình.

Đôi khi những người khó tính lên cơn giận, họ nói năng gay gắt với người khác hoặc đối xử không tốt (chúng ta thấy đầy dẫy trên mạng). Đó là dấu hiệu chúng ta phải đi lui và bỏ qua. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta phải biết đi lui. Dĩ nhiên chúng ta phải biết cách đương đầu với một ai đó, một diện-đối-diện có thể giúp đỡ. Nhưng sau đó thì…

Chúa Giêsu không bao giờ ở thế phòng vệ

Trong chương 10 Phúc Âm Thánh Máccô, Thánh Giacôbê và Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Chúa Giêsu không sợ vượt quá các giới hạn. Ngài biết Ngài phải nói có hay nói không và không phiền gì nếu mình không làm vừa lòng người khác.

Có những người đòi hỏi chúng ta thêm những gì chúng ta có thể cho họ. Họ thử để thuyết phục bằng cách gợi lên mặc cảm tội lỗi nơi chúng ta. Ngay cả trước khi thực hiện, chúng ta thường cố gắng làm vui lòng nhu cầu của người hung hăng, người mà thật sự khó mà làm cho họ thỏa mãn. Chúa Giêsu không tìm cách làm hài lòng ai. Ngài cũng không cần ở trên thế phòng vệ; ý của Chúa làm cho Ngài tin chắc vào Ngài. Như vậy không có lý do gì để Ngài ở trên thế phòng vệ.

Chúa Giêsu uyển chuyển

Ở chương 15 của Phúc Âm thánh Matthêu, một phụ nữ ở Canna xin Chúa chữa lành cho con gái của bà. Mới đầu Chúa Giêsu từ chối, nhưng sau đó Ngài xúc động vì câu trả lời của bà, Ngài đổi ý và chữa lành cho cô gái.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có một tinh thần cởi mở. Ngài để Thần Khí tác động để chiến đấu với các bản năng của mình.

Cũng một cách đó, khi một người khó tính đến gần chúng ta, chúng ta có thể nghĩ «Vậy là cũng như vậy!», hoặc «Tôi biết thế nào cũng kết thúc như vậy». Tuy nhiên chúng ta đừng quên Thần Khí có thể tác động trên chúng ta để lay tỉnh chúng ta. Khép lòng với người khác làm cho chúng ta điếc không nghe tiếng Thần Khí, mà Thần Khí thì làm việc trên chúng ta và trên người khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

CN5PS

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Cành với cây SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B ( Ga 15, …