Home / Giáo Dục Kito Giáo / LIỆU PHÁP IM LẶNG

LIỆU PHÁP IM LẶNG

h1Có thể số 2 là “số đẹp”. Chia vui phải có hai người, chia buồn phải có hai người, đùa giỡn phải có hai người, cãi nhau phải có hai người, tâm sự phải có hai người, khiêu vũ phải có hai người,… Không thể kéo nhau nếu không có hai đầu dây. Cuộc tranh luận cũng phải có ít nhất hai người. Chuyện gia đình cũng vậy, phải có cha hoặc mẹ và một đứa con thì mới xảy ra xung đột.

Ca dao Việt Nam nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tốt cũng cái lưỡi, xấu cũng cái lưỡi. Muốn ngừng xung đột, một người phải dừng lại. Muốn ngừng “kéo co”, một người phải buông dây. Muốn ngừng tranh cãi, một người phải ngừng nói. “Một sự nhịn, chín sự lành”, tục ngữ Việt Nam thật chí lý. Có ai dám “đổ dầu vào lửa” không? Chỉ có người… điên!

Tóm lại, cách xử lý một đứa trẻ hay tranh cãi là không nói gì. Im lặng làm người khác “không thoải mái”, nhất là các thiếu niên. Chúng không quen thấy cha mẹ ở trước mặt mình mà không ai nói gì. Và chúng tìm cách “mở miệng” cha mẹ. Nếu cha mẹ không vững lập trường thì có thể sẽ “phát thanh” ngay!

Hãy thử im lặng xem sao khi chúng nói những lời “không lọt tai”. Nếu cha mẹ không đủ “bản lĩnh” sẽ “nổi xung” ngay. Cứ cố gắng im lặng khi chúng “nói khó nghe”, dọa nghỉ học hoặc bỏ học, nói rằng chúng không được yêu thương, hoặc dùng những lời thô lỗ để “bày binh bố trận” nhằm chứng tỏ “bản lĩnh” của mình để “lấn át” người khác. Khi đó, chúng đang khiêu khích để người lớn cảm thấy phải phản ứng. Lúc này có thể “im lặng là vàng”, nói gì cũng vô ích, chỉ nên nghiêm mặt với ánh mắt cương nghị. “Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn” nên người ta rất “ngại” nhìn vào “cửa sổ” ấy! Thật vậy, “mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng” là với ý đó.

Khi trẻ tranh luận, chúng bị lấn át bởi cảm xúc, đó là phản ứng tất yếu của não, nên chúng ít có khả năng suy xét. Nhưng khi cảm xúc lắng xuống, như thủy triều rút cạn, não sẽ phản ứng để chúng xem lại cách hành xử của mình. Vì thế mà người ta mới biết ăn năn hối lỗi sau khi sai lầm, dù lúc đang nóng ai cũng cho mình là… đúng. Não cũng có phần thu âm và thu hình, sau cơn giận là lúc nó phát lại cho chính người đó “rà soát” lại. Đó là “tiếng nói lương tâm”, là phần phản ứng của não có điều kiện, trẻ sẽ lưu ý và rút kinh nghiệm để sống tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu “cuộn băng” đó thu âm hai giọng nói – của con và của cha/mẹ – và cả hai đều “phát” một lúc, phản ứng não của trẻ sẽ “hiểu” là “mình nói đúng” hoặc “mình làm đúng”. Do đó mà trẻ cố chấp, khó nhận lỗi mình – nếu chúng thực sự hành xử sai trái.

Nếu cha mẹ sai, ít có cha mẹ nào dám nhận lỗi mình và “can đảm” xin lỗi con cái, vì luôn nghĩ mình lớn thì đúng, có sai cũng không phải xin lỗi con cái. Đó là sai lầm quá lớn! Cũng hiếm cha mẹ nghĩ mình sai lầm khi tranh cãi với con cái, muốn lấn lướt con cái. Về điểm này, thiết tưởng các bậc làm cha mẹ phải xem lại chính mình. Nếu cha mẹ sai, con cái thấy cha mẹ nhận lỗi và xin lỗi thì chúng càng đánh giá cao về cha mẹ và chúng cũng học tập để dễ nhận lỗi phần mình.

Đa số các cuộc tranh cãi hoặc xung đột đều do các phản ứng của não “đối kháng” nhau, như kiểu giằng co trong lòng chúng ta. Đó là lý do mà việc tranh cãi, dù ít hay nhiều hoặc bình thường hay căng thẳng, không là chiến lược hiệu quả để giáo dục trẻ thành nhân.

Giáo dục là hoạt động song phương, chỉ có thể xảy ra khi có người chịu lắng nghe. Khi xảy ra xung đột với trẻ, cha mẹ nên có điều gì đó thực tế để giáo dục chúng, nhờ đó chúng mới thực sự tâm phục khẩu phục, sẵn sàng coi cha mẹ là… “thần tượng”.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

23-4-2024 6-52-44 PM

Lời Chúa – Thứ Tư Tuần IV Mùa Phục Sinh 24/04/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN