Home / Chia Sẻ / Kéo và Đẩy

Kéo và Đẩy

 

Keo & DayKéo và đẩy là hai động tác trái ngược nhau. Ở các cửa kính (công ty, bệnh viện, phòng mạch, thẩm mỹ viện, nhà hàng, tiệm bán trang phục,…), chúng ta thường thấy ghi Pull (kéo) và Push (đẩy). Kéo luôn khó hơn đẩy, vì khi kéo phải dùng nhiều sức hơn khi đẩy.

Cũng vậy, xây dựng khó hơn phá đổ, giữ gìn khó hơn xét bỏ, nâng (nhấc) một vật lên mệt hơn đặt một vật xuống,… Cao cấp hơn, yêu thương khó hơn ghen ghét, vào cửa hẹp khó hơn vào cửa rộng,… (x. Lc 13:24). Kéo và đẩy theo nghĩa đen đã là khó thực hiện, theo nghĩa bóng càng khó hơn nhiều. Trong các mối quan hệ, kéo người khác lại gần mình thì khó lắm, nhưng đẩy người khác ra xa thì chẳng có gì khó. Tạo được một mối quan hệ phải mất nhiều thời gian, nhưng “từ nhau” thì chỉ trong thoáng chốc. Trồng rừng tốn công, tốn sức, tốn của, tốn thời gian, đốt thì rất nhanh!

Kéo và đẩy cũng có hướng tích cực và tiêu cực. Nên kéo những cái tốt chứ đừng kéo những cái xấu, và nên đẩy những cái xấu chứ đừng đẩy những cái tốt.

Trong cuộc sống, nhất là đối với các Kitô hữu, chúng ta có tìm cách lôi kéo người khác đến với Chúa, hay chúng ta lại mưu đồ đẩy xô người khác xa Chúa – dù cố ý hay vô tình?

Xô đẩy có nhiều dạng. Người ta có thể ngăn cản, ngăn cấm, xua đuổi, gièm pha, cấu kết bè phái, lập phe cánh, tìm vây cánh, tìm cách trù dập “đối phương”,… khiến người khác phải chịu lép vế hoặc sợ mà phải theo phe mình, làm theo ý mình. Chuyện đời thật lạ: Dốt nát thì bị khinh, thông minh thì bị ghét!

Khi thấy người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Ngài đặt tay mà chúc lành cho chúng, các môn đệ đã “nổi nóng” và la rầy chúng. Vô duyên hết sức! Mà lại là các “đệ tử ruột” của Đại Sư Giêsu chứ “chẳng ai trồng khoai đất này”. Thấy vậy, Ngài bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10:14). Thánh sử Mác-cô nói rõ Chúa Giêsu “bực mình”, còn Mt 19:14 và Lc 18:16 không nói vậy. Có lẽ Thánh sử Mác-cô cũng có tính thẳng thắn và thật thà, có sao nói vậy thôi! Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37).

Một lần khác, khi thấy người ta nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, chàng trai trẻ Gioan nói với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy” (Lc 9:49). Lại hết sức vô duyên! Có lẽ Gioan trẻ người nên háu thắng. Ngựa non háu đá là thế. Nhưng Đức Giêsu bảo: Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9:50).

Rồi một lần nọ, có người đến xin Chúa Giêsu chữa cho đứa con trai bị kinh phong nặng, sùi bọt mép, nghiến răng chặt, nhiều lần nó ngã vào lửa và té xuống nước, rất khổ sở. Chúa Giêsu đã buộc tên quỷ xuất ra khỏi nó ngay lập tức. Lúc đó, cha của đứa bé có lời cầu nguyện rất hay: “Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9:24).

Thấy kỳ quá, các môn đệ thắc mắc: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” (Mc 9:28). Ngài ôn tồn: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9:29). Ăn chay và cầu nguyện là những việc rất cần thiết. Chúa Giêsu đã trách các môn đệ: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’, nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20).

Người Pharisêu bảo Chúa Giêsu “dựa hơi” uy thế của quỷ vương Bê-en-dê-bun. Ngài điềm đạm phân tích đầu đuôi, rồi thản nhiên nói: “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Mt 12:30; Lc 11:23). Và Ngài kết luận: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây” (Mt 12:33; x. Mt 7:17).

Chúa Giêsu nói điều rất thực tế và tự nhiên: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12:34; Lc 6:43). Đầy cái xấu mà nói ra thì khác chi mãng xà phun nọc độc, nhưng đầy cái tốt mà nói ra thì đúng là “phun châu, nhả ngọc”. Dám nói thẳng nói thật là thể hiện thiên chức “tiên tri” (ngôn sứ), một trong ba thiên chức mà mỗi Kitô hữu được trao ban từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, đồng thời cũng được trở nên “Kitô khác” (Alter Christus). Giáo hội Công giáo ngày nay đã có “tầm nhìn” khá hơn trước, không thủ cựu mà thần tượng hóa bất cứ một giai cấp nào. Tất cả đều bình đẳng trước Tôn Nhan Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót!

Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở: “Anh em hãy khao khát ơn nói tiên triđừng ngăn cấm nói các tiếng lạ. Nhưng hãy làm mọi sự cách trang nghiêm và có trật tự” (1 Cr 14:39-40). Đó là Thần Khí và là mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Ai không nhận biết điều ấy thì cũng không được Chúa biết đến” (1 Cr 14:38).

Tiếng lạ ở đây không phải là khả năng sử dụng ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Nga, Bỉ, Hy-lạp, Latin,…), mà là những điều hay, lẽ thật, những điều liên quan Chân-Thiện-Mỹ, những lời xây dựng chân thành, những đề nghị phát xuất từ tình yêu thương,… để bảo vệ Sự Thật và Công Lý. Hãy tự nhủ thật lòng: “Tôi có dám hành động như vậy?”.

Đừng quên rằng Thiên Chúa đã nhiều lần căn dặn và động viên: “Đừng sợ!” (Đnl 31:6; Is 43:1; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Kh 1:17-18). Vì chỉ có Sự Thật mới khả dĩ giải phóng chúng ta (x. Ga 8:32).

Một lần nọ, khi vào Đền Thờ Giêrusalem, Đức Giêsu thấy người ta biến Nhà Chúa thành “sào huyệt của trộm cướp”, Ngài thẳng thắn xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ (Mt 21:12-17; Mc 11:15-19; Lc 19:45-48; Ga 2:13-22). Đó là bảo vệ Sự Thật, là bảo vệ Công Lý.

Vào một ngày sa-bát, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” (Lc 13:12). Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Thấy vậy, ông trưởng hội đường tức tối – như người Việt nói là “ghen ăn, tức ở” – vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!” (Lc 13:14). Đúng là “chảnh” hết sức! Chúa nghiêm giọng: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13:15-16). Thật là “đã” quá chừng! Do đó, khi nghe Ngài nói thế, tất cả những kẻ chống đối Ngài lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Ngài đã thực hiện (Lc 13:14-17).

Có lần có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!”. Nói thế mà không phải thế. Miệng ngọt sớt mà âm mưu thâm độc. Ngài biết “tỏng”, thế nên Ngài bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất’. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13:32-33). Chúa Giêsu thật thẳng thắn nên đã gọi vua Hê-rô-đê là “con cáo”, một loài ranh mãnh và quỷ quyệt.

Thánh Phaolô nói rõ: “Trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5:6). Thiên Chúa chẳng phân biệt gì hết. Đừng ỷ mình thế này hay thế nọ, có công, có sức, có tài, có chức, có quyền,… Tiếng Việt có lối “kết hợp” độc đáo lắm: Chức vụ, chức quyền, quyền lợi, quyền hành. Có CHỨC thì phải có nhiệm VỤ – nhưng người ta không mấy ưa chức vụ theo “kiểu” này; và rồi có CHỨC thì có QUYỀN, có QUYỀN thì có LỢI, có QUYỀN để HÀNH người khác – “kiểu” này được người ta ưa chuộng lắm! Còn cụ Nguyễn Du ví von: “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần”. Dù có là gì thì cũng chỉ là “con số không” khi nhắm mắt buông xuôi với hai-bàn-tay-trắng mà thôi! Còn KÉO được gì hoặc ĐẨY được gì?

Xin được lặp lại câu nghi vấn này một lần nữa:

Trong cuộc sống, nhất là đối với các Kitô hữu, chúng ta có tìm cách lôi kéo người khác đến với Chúa, hay chúng ta lại mưu đồ đẩy xô người khác xa Chúa – dù cố ý hay vô tình?

Để tạm kết, xin mượn câu hỏi của Thánh Phaolô: “Anh em đang chạy ngon trớn như thế mà ai đã ngăn cản anh em vâng phục chân lý?” (Gl 5:8).

Chúa Giêsu phân tích rạch ròi: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Mt 12:30). Đó là Ngài nói về tình đoàn kết. Cả xã hội và tôn giáo đều cần tình đoàn kết để sinh tồn, đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Đoàn kết là SỐNG, chia rẽ là CHẾT”. Vả lại, Chúa Giêsu còn muốn chúng ta tiến tới tình đoàn kết “cao cấp” hơn là “nên một” (Ga 17:21-23), tức là “hiệp nhất” vậy.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …