Home / Giáo Dục Kito Giáo / Hôn nhân gia đình, ơn gọi nên thánh

Hôn nhân gia đình, ơn gọi nên thánh

Vừa qua 18-10-2015, đầu thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô vào dịp Thượng Hội Đồng giám mục thế giới, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phong hiển thánh cho thân phụ và thân mẫu của thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: ông Louis Martin (1823 – 1894), thợ đồng hồ và bà Zélie Guérin (1831 – 1877), thợ làm ren, song thân của năm nữ tu chiêm niệm, trong đó có Têrêsa thành Lisieux. Cặp vợ chồng này đã được phong chân phước tại Lisieux vào ngày 19 tháng Mười năm 2008… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một đôi vợ chồng không tử đạo, được phong hiển thánh cùng nhau. Thật là một ý nghĩa lớn khi ĐTC phong hiển thánh cho hai vị trong khuôn khổ Thượng HĐGM về gia đình. 

Cha Sangalli nói: ”Ông bà Louis và Zélie đã chứng tỏ bằng cuộc sống rằng tình yêu vợ chồng là một dụng cụ nên thánh, là con đường dẫn đến sự thánh thiện được hai người cùng nhau thực hiện. Theo tôi, đây là yếu tố quan trọng nhất để lượng định gia đình ngày nay. Có một nhu cầu rất lớn về một linh đạo đơn sơ được thực hiện trong đời sống thường nhật”.

Rất nhiều tín hữu Kitô ngày nay vẫn còn nghĩ rằng sống thánh thiện không chỉ là việc khó khăn, mà còn là điều bất khả thi đối với những người sống trong bậc hôn nhân, cho rằng chỉ có những ai sống đời linh mục, tu trì mới có thể nghĩ đến việc nên thánh. Thật sự điều này cũng là hậu quả cái nhìn giới hạn của Giáo hội trước Công đồng Vatican II về bậc sống hôn nhân và gia đình tuy rằng từ đầu gh vẫn nhìn nhận Bí tích Hôn phối. Thuật ngữ giáo dân “laicus” cũng chỉ người thế tục ngoại giáo. Những người sống đời gia đình bị coi như thể công dân hạng hai, cần phải canh chừng. Cha mẹ có con chỉ mong nó làm linh mục, tu sĩ, không làm được thì chẳng đặng đừng phải cưới vợ gả chồng cho nó mà thôi. Chính vì thế ai lập gia đình được coi là sống đời phàm tục. Chính vì thế những người sống đời hôn nhân tự coi mình là những người phàm tục, thì chỉ sống theo phàm tục, thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện nên thánh. Việc nên thánh, lời kêu gọi nên thánh chỉ là dành cho ai đó, một số người ưu tuyển nào đó trong hàng linh mục, tu sĩ chứ không phải là dành cho mình. Họ chỉ mong sao có một gia đình hạnh phúc, ấm êm là đủ rồi. Nhưng thử hỏi gia đình có thể sống hạnh phúc thực sự khi mỗi thành viên không sống thánh thiện tốt lành?

Đức Giêsu kêu mời: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là hoàn thiện” (Mt 5, 48). Vậy hoàn thiện là gì? Có cần thiết phải trở nên hoàn thiện trong đời sống hôn nhân không? Ơn gọi hôn nhân có thể là con đường dẫn đến sự hoàn thiện không? Nếu có, thì bằng cách nào?

 “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người – Đấng đã mời gọi anh em ra khỏi miền u tối và đưa vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2, 9).

  1. Thánh thiện là gì?

Thánh thiện hay hoàn thiện là trở nên giống Thiên Chúa như lời mời gọi “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em em Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 48) là chia sẻ phẩm tính của Thiên Chúa, như Người đã mạc khải: nghĩa là Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và bao gồm hết mọi thiện hảo: tốt lành, nhân hậu, khoan dung, công minh, chính trực, đáng được mến yêu, tôn thờ. Tất cả sự thánh thiện đều phát xuất từ Người như lời chúc tụng mà ta đọc trong thánh lễ hằng ngày: Thánh, Thánh, Thánh (Santus, santus, santus). Tât cả các vị thánh đều là những dấu chỉ giới hạn phản ánh một nét thánh thiện nào đó về sự thánh thiện phong phú, vô ngần, tuyệt đối của Người. Ở mỗi thời, và nơi mỗi người, quan niệm về sự thánh thiện có ít nhiều khác biệt, vậy đâu là quy chiếu của sự thánh thiện nếu không phải là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng thánh của Thiên Chua, chính là sự thánh thiện mang lấy xác phàm, được cụ thể thể hóa nơi lời nói, cử chỉ hành động và cuộc sống của Người với tư cách là con trong một gia đình, Thánh gia, với tư cách là một người trong tương quan với thân nhân, láng giềng, bạn bè, với tư cách là thầy trong tương quan thầy trò, và đặc biệt hơn hết với tư cách là Đấng Cứu thế. Vậy một cách đơn giản, sống thánh thiện là sống như Đức Giêsu, là trở nên môn đệ của Người, là sống lời Người dạy được tóm kết trong giới luật yêu thương như Người nói: “Bởi chưng do ở điểm này mà người đời nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêy thương nhau” (Ga 13, 35).

Đó không phải là một điều gì đó trừu tượng nhưng rất cụ thể được quảng diễn trong Bài ca đức ái (1 Cor 13, 1-8 ):

(1) Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. (2) Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì. (3) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. (4) Ðức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, (5) không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, (6) không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. (7) Ðức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. (8) Ðức ái không bao giờ mất được.

Thánh thiện trong đời thường có nghĩa là làm mọi việc để tôn vinh Chúa như lời dạy sau đây của thánh Phao-lô:

“Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31).

  1. Tại sao người Kitô hữu phải trở nên thánh thiện?

Vì Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Người, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27). Và khi lãnh Bí tích Thánh tẩy, ta được thông hiệp vào sự sống mới, trở nên thụ tạo mới, được tái sinh trong ân sủng, được chia sẻ sự sống thánh thiện của Thiên Chúa. Trong các thơ gửi các tín hữu, Thánh Phaolô đều gọi những cộng đoàn mà ngài ngỏ lời là các thánh “Người ban cho chúng ta Thánh Thần, để từ bên trong, Ngài thôi thúc ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương ta… Người ban cho ta bí tích Thánh Tẩy để ta thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Người, và do đó, thực sự đã trở nên thánh…” ( x. LG 40).

Hơn nữa đây là lệnh truyền, là lời kêu gọi của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi thánh thiện” (Lv 19, 2), hay “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em em Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 48).

Và bản thân chúng ta đã được ban đầy đủ ơn để trở nên thánh thiện như Người “Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những người phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng mạnh mẽ và kiên cường” (1 Pr 5, 10).

  1. Hôn nhân có phải là một ơn gọi, một con đường nên thánh không?

Hôn nhân thuộc về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa như Đức Giêsu đã nói: “Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người là nam và là nữ, và người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà quyến luyến với vợ mình” (Mt 19, 4-6) và đã thánh hóa bằng bí tích Hôn phối, nên hôn nhân Kitô giáo thực sự là một ơn gọi và một con đường nên thánh riêng cho những ai sống bậc vợ chồng. “… Chúa Kitô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu đa dạng ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội… Ngày nay Đấng Cứu Thế cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Người đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội. Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu độ của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và thông ban sức mạnh trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như thể được thánh hiến bằng một Bí Tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của Bí Tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự thánh thiện riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau, và bởi đó, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa…” (GS 48).

Hơn nữa, các gia đình Kitô tiến tới hoàn thiện bằng cách “bám rễ sâu trong đức tin và đức cậy chung của mọi người và được sinh động nhờ đức ái, sự hiệp thông tinh thần của họ kết thành một năng lực bên trong, từ đó sự công bình, hòa giải, huynh đệ và hòa bình giữa mọi người được phát sinh, lan rộng và tăng trưởng. Như một “Giáo Hội nhỏ”, gia đình Kitô hữu được mời gọi theo hình ảnh của “Giáo Hội lớn”, để làm một dấu chỉ hiệp nhất cho thế giới, và để theo chiều hướng ấy mà thực hiện sứ mệnh ngôn sứ – làm chứng cho vương quốc và cho hòa bình của Đức Kitô mà cả thế giới đang tiến tới (x. FC 47).

4. Đôi bạn được ban cho những ân sủng nào để có thể nên thánh?

Tông Huấn Gia Đình khẳng định: Bí tích Hôn Phối “là nguồn mạch đặc biệt và phương tiện độc đáo cho đôi bạn và gia đình kitô hữu được thánh hóa… Qua việc trao ban đặc biệt ân sủng và tình yêu, Thiên Chúa đã đoái thương chữa lành, hoàn thiện và nâng cao tình yêu của đôi vợ chồng. Ơn Đức Giêsu Kitô ban khi cử hành bí tích Hôn Phối vẫn luôn đồng hành với đôi bạn trong suốt cả cuộc đời, để họ mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau… họ được củng cố và như thể được thánh hiến bằng một bí tích riêng, để chu toàn xứng đáng các bổn phận trong bậc sống của họ, họ được đổ tràn tinh thần của Đức Kitô, nhờ đó tất cả đời sống họ thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và ngày càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau, cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa.” (x. FC 56).

  1. Đâu là những đặc trưng và những biểu hiện cụ thể của sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân?

– Sống tròn bổn phận trong gia đình với tư cách là chồng là vợ, là cha là mẹ.

 “Vì lòng kính sợ Ðức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau.“Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.” (Cl 3, 18)

“Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Vợ hãy kính sợ chồng.” (Ep 5, 22-24)

“Chị em là những người vợ, hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em.” (1Pr 3, 1-2)

“Người làm chồng hãy yêu thương vợ đừng cay nghiệt với vợ.” (Cl 3, 19)

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh” (Ep 5, 25-29).

“Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4)

Chết đi cho con người cũ của mình: “Anh em hãy diệt trừ tất cả những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu xa và tham lam… Hãy từ bỏ tất cả những cái đó: giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thóa mạ, ăn nói thô tục” (Cl 3, 5, 8)

Mặc lấy tâm tình của Chúa (từ bi, nhân hậu, khiêm nhường, ôn hòa, nhẫn nại, khoan dung, hiệp nhất, cảm thông với nhau và cảm hóa lẫn nhau, hy sinh cho nhau):

“Như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người thánh và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhường, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải trách cứ người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết những điều ấy, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây liên kết điều toàn thiện… Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy dạy dỗ và chỉ bảo lẫn nhau. Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 12-17).

 “Hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại hãy chúc phúc vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (Pr 3, 8-9).

 “Nếu có ai vướng mắc tội nào, anh em những người được Thần Khí thúc đẩy hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 1-3).

“Nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em ãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5, 19-20).

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

“Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi đời sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Tin Mừng. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về tình yêu bền vững và quảng đại, xây dựng tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu của Chúa Giêsu đối với Hiền Thê Người : bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê” (LG 41).

  1. Cần có những điều kiện và phương thế nào để đạt đến sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân?

– Thực hành những cam kết liên quan đến Bí tích Hôn phối, hoàn thành bổn phận của mình trong đời sống hôn nhân.

– Kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cách thường xuyên lắng nghe, học hỏi Lời Chúa, đọc sách thiêng liêng, cầu nguyện sốt sắng, và thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Hòa giải.

– Sống theo tác động của Thánh Thần.

– Tham gia sinh hoạt đoàn thể để được nâng đỡ, và động viên thường xuyên có điều kiện thuận lợi học hỏi và sống Lời Chúa.

  1. Trong đời sống hôn nhân, thánh thiện và hạnh phúc có liên hệ gì với nhau?

Hạnh phúc là mục tiêu của hôn nhân. Nhưng hạnh phúc thực sự không thể tồn tại nếu không có sự thánh thiện. Thực là sai lầm khi có ai nghĩ rằng: cứ tìm hạnh phúc cho gia đình đã, còn việc nên thánh thì tính sau cũng được. Thực ra, là ngược lại hoàn toàn! Muốn hạnh phúc, tiên vàn và ít nhất cũng phải khởi sự nên thánh đã. Hạnh phúc là gì nếu không phải là sự bình an, hân hoan trong tâm hồn và trong tương quan giữa mình với Thiên Chúa và với mọi người? Liệu có thể có được sự bình an, hân hoan đó mà không cần có chút nỗ lực hoàn thiện không? Hiến Chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng) khẳng định chính khi trở nên hoàn thiện mà có được hạnh phúc đích thực trong bậc sống hôn nhân – gia đình.

Như thế, chính sự thánh thiện dẫn đến hạnh phúc và là điều kiện của hạnh phúc cũng như Thiên Chúa chính là sự thánh thiện và cũng chính là hạnh phúc.

Đôi vợ chồng chỉ có thể kinh nghiệm được trật tự, hài hòa, và bình an trong gia đình và từ đó đạt đến sự hạnh phúc, sự viên mãn mà Chúa muốn khi mỗi người giữ nghiêm chỉnh khuôn vàng thước ngọc này: sống trọn vẹn bổn phận với tư cách là vợ, là chồng trong sự kính sợ Chúa, tùng phục lẫn nhau, tôn trọng, cảm thông yêu thương nhau chân thành và tha thiết trong bất cứ mọi hoàn cảnh và điều kiện dù cho phải trải qua nhiều gian truân thử thách.

Như vậy, việc trở nên hoàn thiện và việc mưu cầu hạnh phúc trong hôn nhân là một thực tại hiệp nhất: chính khi đôi bạn ra sức hoàn thiện bản thân và hoàn thiện người phối ngẫu cũng như con cái, làm trọn mọi bổn phận của mình, luôn luôn biết thương yêu nhau như Chúa yêu, thì họ đã hưởng trọn vẹn hạnh phúc của đời sống hôn nhân – gia đình ngay từ đời này rồi.

  1. Mẫu gương Thánh gia của Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse.

Thánh gia quả thật là mẫu mực của sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân gia đình đối với con người của mọi thời đại

Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse đều sống thánh thiện tuyệt vời. Thánh Giuse âm thầm quên mình che chở, bảo vệ cho gia đình. Đức Maria luôn phục tùng thánh Giuse, lo lắng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vâng phục và chăm sóc cho cha mẹ.

Xét về mặt trần thế, Thánh gia là một gia đình bình dân, phải lao động vất vả mưu sinh, từng gặp muôn vàn thử thách gian nan, Nhưng điều đó không ngăn cản Thánh gia trở nên gia đình hạnh phúc nhất của nhân loại: vợ chồng, cha mẹ và con hết mực yêu thương nhau; cả gia đình cùng thực thi ý muốn của Thiên Chúa trong từng chi tiết của cuộc đời, luôn luôn giữ được sự bình an và hy vọng trong mọi hoàn cảnh.

  1. Mẫu gương của gia đình hai thánh Martin, song thân của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu.

Dựa theo Louis et Zélie Martin: Les saints de l’ordinaire, tạm dịch Ông Louis và bà Zélie Martin, thánh nhân của đời thường) của bà Hélène Mongin (Nxb Emmanuel, Paris 2008).

Louis Martin

Louis Martin lớn lên trong bầu khí gia đình êm ả của tình thương cha mẹ và điều kiện sống vật chất. Tính tình Louis rất nhạy cảm trước những cảnh đẹp thiên nhiên, những áng văn hay và những bản nhạc dịu dàng. Vì thế, Louis cảm thấy mình có ơn gọi chiêm niệm, chàng đã đến gõ cửa tu viện Biển Đức, nhưng bị từ chối vì Louis không biết tiếng La tinh…

Cầu nguyện và can đảm đón nhận thánh ý Chúa

Louis suy nghĩ, cầu nguyện và can đảm đón nhận thánh ý Chúa. Chàng xin ba mẹ cho đi học nghề sửa đồng hồ. Khi đi học cũng như lúc ra hành nghề, nếp sống thường ngày của Louis được cha Stéphane-Joseph Piat, tác giả cuốn ‘Histoire d’une Famille’, Paris 1946 đã tóm tắt: Học cần cù, làm việc nghiêm chỉnh, cầu nguyện chuyên cần với niềm tin, dạo chơi nhìn ngắm cảnh thiên nhiên…

Đạo đức và hiếu thảo

Thấy con sống đàng hoàng, đạo đức và hiếu đễ, bà Fanny Martin rất hài lòng, coi như một hồng ân lớn Chúa ban cho bà và gia đình. Tuy nhiên, bà không muốn Louis thành ‘cậu trai già’ (vieux garçon), bà cầu nguyện xin Chúa cho Louis đổi ý, ‘mau tìm thấy người bạn trăm năm đạo hạnh’. Điều bà cầu xin, Chúa đã nhậm lời. Số là cô Marie-Azélie Guérin, sinh năm 1831 tại Saint- Denis-sur-Sarthon, miền Orne, trong một gia đình quân nhân hưu trí, sống tại Alençon.

Zélie Martin

Tuy sinh ra trong gia đình đạo đức, nhưng Zélie không được cha mẹ chiều chuộng. Bà Louise- Jeanne, thân mẫu, thường xử đối nghiêm khắc với Zélie, đôi khi Zélie cảm thấy bất công và bị hất hủi. May là Chúa ban cho Zélie có đức tin vững mạnh để chấp nhận và vui sống trong tuổi trẻ trước những đường cong queo của cuộc đời… Học nghề làm ren vừa xong, Zélie ước muốn vào dòng Nữ Tử Bác Ái (Filles de Charité). Nhưng Zélie không được toại nguyện, vì mẹ bề trên trả lời: ‘Tôi không nghĩ là cô có ơn gọi tu trì’… Zélie lại xin vào dòng Thăm Viếng ở Mans với cô em gái, nhưng không được đón nhận…

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Cô chỉ còn biết cầu nguyện và làm việc, đợi ngày nhận ra con đường Chúa chỉ vẽ cho… Đó là con đường ‘đời sống gia đình’. Vì ba tháng sau khi cô em vào dòng Thăm Viếng, Zélie bất ngờ gặp được Louis Martin vào một ngày đẹp trời tháng 4/1858: Hai người đi dạo củng nhau trên chiếc cầu mới của thành phố Alençon. Họ thương nhau thực tình, cả hai đều xác tín ‘đây là khởi đầu con đường thẳng Thiên Chúa vạch ra cho cả hai.

Quyết định kết hôn

Vì thế, họ mau lẹ quyết định đến xin một linh mục hướng dẫn và chuẩn bị lễ hôn phối vào ngày 13. 07. 1858. thời gian vắn, nhưng là thời gian cầu nguyện nhiều để chuẩn bị cho ngày đẹp nhất của đời sống: ngày lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối. Cả hai cầu nguyện như đôi bạn Tobia và Sara trong Thánh kinh (x.Tb 8, 7tt), chân tình với nhau trong niềm tin và bổn phận như thánh Giuse và Đức Maria.

Quan hệ vợ chồng tốt đẹp

Về sau có dịp viết thư cho Pauline, con gái lớn, bà Zélie đã tâm sự: ‘Từ đầu đời sống chung, ba mẹ đã hiểu nhau, kính trọng nhau, không ai làm phiền lòng nhau… Do đó tình thương ba mẹ dành cho nhau mỗi ngày một dâng cao, một phong phú và chắc chắn là làm đẹp ý Chúa… Mẹ nghiệm rõ thêm đời sống vợ chồng cũng là một ơn gọi… Mẹ không bao giờ hối tiếc vì đã kết hôn với ba’ (xem cuốn Correspondance familiale, tạm dịch Trao đổi thư từ gia đình (1863-1885), ed du Cerf, Paris 2004 thư 192.).

Ngay cả khi đã có con

Đến khi có con, đời sống của Louis và Zélie bước vào một giai đoạn mới: ‘Vì con cái, đời sống của chúng tôi có phần thay đổi một chút. nhưng cốt yếu là sống cho các con, tìm thấy nơi chúng nguồn hạnh phúc, trên đời không gì quý hơn các con’ (CF1). Sau năm năm thành hôn, bà Zélie viết ‘Tôi luôn hạnh phúc với Louis. Anh ấy làm cho đời sống thêm êm ả. Với tôi, anh ấy vừa là chồng vừa là người đàn ông thánh thiện. Tôi mong ước cho mọi người mẹ gia đình có được những người chồng như vậy’ (CF102).

Ý nghĩ tốt về nhau

Và mỗi khi nói về chồng của mình, bà Zélie luôn dùng cụm từ ‘anh Louis tốt lành của tôi’ (mon bon Louis). Ông Louis cũng vậy, ông rất kính trọng và yêu thương bà cũng như các con. Ông thường nói với bà ‘Anh hôn em với cả trái tim của anh… Anh yêu em hơn cả mạng sống mình, hoàn toàn dành cho em… (Je t’embrasse de tout mon coeur , je t’aime plus que ma vie, toute à toi) (CF 47, 208).

Cùng chia sẻ một hướng đi

Càng thương nhau, ông bà Louis và Zélie Martin càng thấy rõ hướng đi và mục đích của đời sống mà chúng ta có thể tóm lại trong cụm từ ‘làm tôi Thiên Chúa trên hết’ (Dieu premier servi). Từ đó cả hai ông bà đều nằm lòng điều họ đã mơ ước và quyết định từ tuổi trẻ và tiếp tục theo đuổi cả đời là ‘sống thánh thiện’. Nếu bà Zélie đã khẳng định ‘Tôi muốn trở nên một vị thánh’ (Je veux devenir une sainte), thì ông Louis đã tâm sự với các con ‘Phải, ba có một mục tiêu, mục tiêu đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng’ (Oui, j’ai un but et mon but c’est d’aimer Dieu de tout mon coeur) (CF 110).

Ước muốn nên thánh

Ông Louis và bà Zélie ước ao nên thánh, quyết tâm nên thánh bằng những công việc căn bản của mọi kitô hữu: chu toàn bổn phận trong gia đình, trong nghề nghiệp, sống đời sống bí tích, trung thành với việc cầu nguyện, tham gia sinh hoạt giáo xứ và góp phần vào những công việc bác ái từ thiện. Sau đây là những lời chứng:

‘Louis và Zélie nhận ra tiếng Chúa gọi ‘muốn gia đình đông con và chung sức nuôi dưỡng con cái bằng việc làm và lòng đạo đức’

Chứng nhân Phúc Âm

 Zélie là người nội trợ tốt của Louis và Louis là người ‘bổ túc tuyệt vời’ của Zélie’. ‘Zélie vừa thông minh vừa giầu nghị lực… còn Louis là người đàn ông làm việc, dịu dàng và bình tĩnh…’ ‘Cả hai tương kính và nhất trí với nhau trong mọi việc, nhất là trong việc giáo dục con cái’. ‘Họ là một đôi bạn gương mẫu sống Phúc Âm…

Gương mẫu trong đời sống đạo đức

Lúc chúng tôi còn ngủ thì vợ chồng Martin đã đóng cửa đi tới nhà thờ’. ‘Hình như họ có thói quen đi dâng lễ nhất, lức 5g30, trước khi đi làm… Dĩ nhiên họ không thiếu lễ chủ nhật, thiếu giờ kinh chiều và chầu Tình Thánh Chúa…’

 ‘Cả hai ông bà Martin lãnh nhận đều đặn Bí Tích Hòa giải, vì họ hiểu sâu xa về lòng thương xót của Thiên Chúa…’

Hăng say làm việc tông đồ

‘Cả hai ông bà Martin rất gắn bó với giáo xứ: họ tham dự tích cực mọi sinh hoạt, từ việc tổ chức tuần đại phú, việc đón tiếp các thừa sai, lạc quyên tài chánh…”Gia đình Martin thân quen với nhiều dòng tu, đặc biệt dòng thánh Clara, dòng thánh Phanxicô…’

Nêu gương cho con cái

Cả sáu cô con gái, Pauline, Léonie, Marie, Hélène, Céline và Thérèse đều làm chứng và thán phục ‘đức nhẫn nại và chịu đựng của thân mẫu, những hy sinh nho nhỏ, kín đáo nhưng cương quyết của thân phụ: không hút thuốc, không ngồi bắt chân lên đầu gối, không uống nước trong bữa ăn, đi tầu vé hạng ba để dành tiền cho kẻ khó, không đòi hỏi tiện nghi… Ông bà ‘phụng sự Chúa trên hết, và nhờ đó có tinh thần xã hội bao la, theo khẩu hiệu ‘Trái tim trong Chúa, đôi chân trên đất’ (Le coeur en Dieu, les pieds sur terre).

Tín thác và vâng theo

Khi nói về những khó khăn, thử thách Chúa gửi đến cho ông bà Martin, P.Piat đã đînh nghĩa linh đạo của ông bà bằng ba nguyên tắc: ‘Quyền tối cao của Thiên chúa, tín thác vào sự Quan phòng của chúa, bỏ mình vâng theo ý Chúa’ . Người ta cũng nghĩ là hai ông bà đã nằm lòng lời thánh Augustin: ‘Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn sao xuyến mãi cho tới khi được an nghỉ trong Chúa’.

Tin tưởng cậy trông nơi Chúa

Chính ông bà đã bộc lộ đức tin và đức cậy qua các thư viết cho các con. Bà Martin viết : ‘Khi nghĩ đến Thiên Chúa nhân lành mà mẹ đã từng ký thác mọi công việc làm của mẹ, và nghĩ đến bao nhiêu điều Chúa đã làm cho ba và cho mẹ, thì mẹ hoàn toàn tin tưởng vào ơn quan phòng Ngài sẽ lo cho các con của mẹ’ (CF3). Bà Zélie thường nói với những người quen biết: ‘Khi gặp sự khó khăn, tôi hoàn toàn vâng theo và trông cậy vào ơn trợ giúp của Thiên Chú nhân lành’ (CF 140).

Chấp nhận đau khổ vì lòng yêu mến Chúa

 ‘Tôi chấp nhận thực tại đau khổ nhờ kết hợp với Thánh Giá của Chúa Kitô,… Tôi chấp nhận mọi đau khổ vì lòng yêu mến Chúa và hy vọng đạt tới Nước Trời’ (Robert Cadéot, ‘Zélie Martin, mère incomparable de Sainte Thérèse de l’Enfant-Jésus, Paris, Guibert, 1966, tr.103). Phải chăng đó là đời sống đức tin, đức cậy và đức mến đã giúp ông bà Martin can đảm đón nhận những biến cố đau buồn xẩy đến cho gia đình.

Bình tĩnh trong thử thách

Năm 1865, lúc bà vừa 34 tuổi, bác sĩ đã cho biết bà ‘có dấu bị ung thư’, và bà âm thầm chịu đựng với lời ‘xin vâng’ của Đức Mẹ. Mười một năm sau, 1876, bệnh tình tái phát và phát triển mau chóng. Bà Zélie luôn tỏ ra bình tĩnh để giữ tinh thần cho chồng, cho các con. Cả gia đình ruột thịt, cả họ hàng và những người thân quen cầu nguyện cho bà … Giữa những cơn đau, bà chỉ nói luôn miệng:

« Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, xin Chúa thương xót con cùng! ». Khi hay tin bà qua đời linh mục giải tội đã thốt lên: « Trên trời lại có thêm một vị thánh nữ ».

Chu toàn trách nhiệm

Vì ít thư từ với các con, nên ông Marin ít bộc lộ những cảm nghĩ về đời sống đạo, về cách nên thánh của ông. Điều chắc chắn ông là tín hữu đầy đức tin và bình tĩnh, can đảm trong mọi biến cố đau buồn của gia đình, nhất là trong cơn bệnh đau đón, lâu dài và cái chết qúa sớm của người vợ hiền, trước năm mặt con còn thơ dại. Với đức tin vững mạnh và lòng phó thác thâm sâu, tinh thần bổn phận cao cả… ông Martin đã chu toàn trọn trách nhiệm ‘gà trống nuôi con’ đẹp lòng Chúa và nên gương cho mọi người.

Bí quyết: Cầu nguyện

Cầu nguyện là nguồn sức mạnh của ông. Thánh Têrêsa đã viết cho chị Pauline : ‘Em chỉ nhìn ngắm ba để biết các thánh cầu nguyện như thế nào… Em thường nghe ba lặp đi lặp lại hai câu ‘Thiên Chúa đầy lòng quảng đại…, Lạy Chúa xin thêm đức tin cho con’. Và người nâng đỡ ông là các con, nhất là khi họ đã khôn lớn và vào dòng tu, nhưng đặc biệt hơn cả chính là bà Zélie quá cố. Chính ông đã tâm sự năm 1885 : ‘Ba luôn nghĩ tưởng về mẹ các con, Mẹ các con vẫn sống gần ba’ (CF 228).

Các nhân đức trổi vượt

Trước tiên, đức tin, đức cậy, đức mến là những ‘bông hoa mẹ’ của mọi người kitô hữu dâng lên Chúa mỗi ngày. Nhờ những ‘bông hoa mẹ’ ông bà Martin có thêm những bông hoa tuơi đẹp khác là những đức tính tự nhiên và siêu nhiên của một người bình thường sống trong gia đình, họ đạo, và xã hội. Người ta nói đến những đức tính bặt thiệp, kín đáo, khiêm nhường, quảng đại, đạo đức của hai người… Người ta đề cao đức tính nhịn nhục, dịu dàng của bà Zélie, đức tính thẳng thắn, chuyên cần, can đảm của ông Louis…

Sản sinh hoa trái tốt đẹp

  • Những bông hoa khác thật xinh, thật đượm hương thơm ông bà Martin ra sức vun trồng để dâng cho Chúa đó là các con Chúa đã trao ban. Mỗi người con đều là kết tinh của ‘mối tình hôn nhân thánh thiện’, là ‘hoa trái của những đức tính siêu nhiên và tự nhiên của cha mẹ’, là ‘công trình giáo dục con cái bằng gương sáng hơn là bằng lời nói’… nói tắt’con cái là hồng ân Chúa ban cho ông bà.

Bí quyết của sứ mạng Phúc Âm hóa: Cầu nguyện

Người mới nói với cô rằng: Mát-ta, chị cứ loay hoay làm gì? Bận tâm lo lắng làm chi. Thật ra chỉ có một điều cần thôi, Mari đã khéo chọn rồi, chọn phần tốt nhất chẳng hề mất đâu. (Lc 10, 41-42). Một cách cụ thể để thực hiện sứ mạng Phúc Âm hóa gia đình, mỗi người trong gia đình được mời gọi hoán cải dưới ánh sáng Lời Chúa, sống triệt để những đòi hỏi của Phúc Âm trong niềm vui sâu xa, và thông truyền niềm vui ấy đến với những người trong chính gia đình mình và môi trường sống xung quanh mình.

Muốn thế, ta cần phải sống kết hiệp với Đấng mà không có Người ta chẳng thể làm gì thực sự có giá trị trước mặt Người cả. Đó là cầu nguyện, lắng nghe chiêm ngắm Lời Chúa, đón nhận thường xuyên và ý thức hơn các Bí tích, duy trì và canh tân việc đọc kinh chung trong gia đình để làm sao việc này không chỉ là một thói quen tốt, một nhiệm vụ phải làm mà như là cơ hội để cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe nhau, cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ tâm tình sống Lời Chúa, cùng nhau tham gia vào các buổi tỉnh tâm, học hỏi chia sẻ Lời Chúa, tham gia vào các hoạt động từ thiện…

Cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những nổ lực nhỏ bé của mỗi người chúng ta, của mỗi gia đình chúng ta và ước mong mỗi chúng ta có thể tái khám phá niềm vui sống Phúc Âm, khơi lại và làm bùng lên nhiệt huyết sống Phúc Âm nơi mỗi gia đình Kitô hữu chúng ta như xưa ngọn lửa ấy đã thiêu đốt các thánh tông đồ, các thánh tử đạo, các thánh tử đạo Việt Nam, đặc biệt trong đó có những giáo đủ mọi thành phần lứa tuổi sống trong đời sống gia đình.

Lời nguyện

“Lạy Chúa là Thiên Chúa chí nhân chí thánh, chúng con cảm tạ Chúa vô cùng vì đã cho chúng con được mang lấy hình ảnh của Chúa, được thông hiệp bản tính của Chúa. được làm con cái Chúa. Người đã dùng Bí Tích Hôn Phối để thánh hiến và vĩnh cửu hóa tình yêu chúng con, làm cho chúng con trở nên cộng tác viên của Chúa trong việc tạo thành và dưỡng dục con cái thành những công dân Nước Tri.

Xin Chúa, nhời lời cầu bầu của vợ chồng thánh Louis và Zélie Martin, giữ gìn gia đình chúng con luôn luôn ở trong tình yêu của Chúa, xin cho cả hai vợ chồng chúng con đều khao khát trở nên hoàn thiện và luôn giúp nhau trở nên hoàn thiện. Xin cho chúng con được tràn đầy ân sủng của Thánh Thần, không ngừng kính mến Chúa và yêu thương nhau, cùng nhau yêu thương và giáo dục cho con cái chúng con cũng được nên hoàn thiện, theo gương Thánh Gia ở Na-gia-rét xưa, hầu chúng con làm vinh danh Chúa, và hưởng hạnh phúc đời này và đời sau vô cùng. Amen”.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

TỪ BỎ MÌNH

TỪ BỎ MÌNH

Trong Công giáo, ngoài hình phạt và chịu đau khổ, sự khổ hạnh được quan …