Home / Chia Sẻ / Cuộc sống này có ý nghĩa gì?

Cuộc sống này có ý nghĩa gì?

Người ta lo toan vất vả, chịu bao nhiêu khó nhọc rồi phải chết? Một câu hỏi hiện sinh của đời người. Trong tuần lễ đầu của tháng 10 có hai người ra đi mà chúng ta phải ngậm ngùi và suy nghĩ.

Hai con người sống đời thánh hiến, đã phục vụ Chúa hết lòng, và giờ đây đang hưởng hạnh phúc bất diệt. Đó là Nữ tu Anna Trần Thị Phượng thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh, sinh năm 1979. Sơ được Chúa gọi một cách bất ngờ vào ngày 4/10/2017. Trên đường đi mua bánh Trung thu về cho các em mồ côi, sơ bị xe bồn đụng tan nát, dẫn đến cái chết. Sơ là đại diện cho những con người yêu mến Chúa, đang hăng say phục vụ đầy tâm huyết, sơ ở vào cái tuổi yêu đời yêu người, sơ thương các em thiếu nhi, đang chăm lo cho các em có một cái Tết Trung Thu. Sơ Anna Phượng ra đi vào tuổi vẫn còn trẻ trung, nếu còn sống, sơ sẽ có nhiều thời gian hơn phục vụ Hội Thánh.

Vị cha chung của giáo phận Thái Bình, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình, được Chúa gọi về sau đó một ngày, tức ngày 5/10/2017. Tuy ngài đã có thời gian đau bệnh nằm một chỗ, nhưng cả cuộc đời ngài suốt 86 năm tuổi đời, 59 năm linh mục, 36 năm Giám mục là cuộc đời phục vụ dâng hiến. Cuộc đời mục tử của Đức cha cũng là tháng năm dài phục vụ Giáo hội, phát triển giáo phận Thái Bình, chăm lo cho các giáo xứ, giáo họ và các tín hữu.

Hai con người, hai cuộc hành trình khác nhau, vị Mục tử có cuộc hành trình khá dài, 86 năm, ngài cũng trải qua bao nhiêu vất vả trên đường theo Chúa. Hành trình cuộc đời của chị nữ tu ngắn hơn, chỉ 39 năm, nhưng chắc cũng không thiếu vất vả gian nan.

Phải chăng cuộc sống chỉ toàn là vất vả, lao tâm khổ tứ, phải nếm trải nỗi khổ niềm đau, rồi lại đi đến cái chết. Dường như cuộc sống con người phi lý như vậy sao? Phải chăng Chúa gọi ta vào đời để ta chịu đau khổ, để đến một ngày nào đó Chúa gọi ta ra đi, từ giã cuộc sống, bỏ lại tất cả…

Đứng trước sự ra đi của một ai đó, chúng ta cảm thấy bàng hoàng xót xa, nhưng mặt khác cũng đánh động ta đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

Bà nội tôi khi còn sống vẫn nói đi nói lại nhiều lần với con cháu: “Sống thì lâu dài, kéo lê hết ngày này sang ngày khác, thuốc thang bệnh tật, chết thì giỏi lắm một tuần là xong”. Những con người dâng hiến cho Chúa như sơ Anna Phượng và Đức cha Phanxicô Xaviê Sang là những người sống đức tin ở đời này giúp ta hiểu được ý nghĩa cuộc sống theo niềm tin Kitô giáo.

Kết thúc hành trình cuộc đời là lúc các ngài ra đi gặp Chúa, Đấng mà cả cuộc đời các ngài luôn tìm kiếm. Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12, 24-26).

Thậy vậy, những con người dâng hiến cho Chúa trọn vẹn cả con người, khi kết thúc cuộc đời, các ngài ra đi trong sự hân hoan vui mừng được về đoàn tụ nhà Cha.

Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Tiền bạc vật chất, nhà cao cửa rộng. Ai trong chúng ta không cần những điều ấy. Đời tu xem ra cũng cần.

Ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga tráng lệ mà Đức cha Sang để lại cho giáo phận Thái Bình. Công trình mà chính Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha đã ghi nhận trong thánh lễ an táng Đức cha Sang. Ngôi nhà thờ chính tòa là dấu chỉ đức tin, công trình đó chắc chắn tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc mà Đức cha Sang và cha sở ở đây phải cất công đi kiếm tiền về xây dựng.

Như vậy, đối với những vị mục tử tốt lành, tiền bạc chỉ để phục vụ cho những điều tốt đẹp và hữu ích. Ngài ra đi nhưng không mang được gì cả, nhà thờ chính tòa còn đó để lại cho đoàn chiên bao thế hệ, hằng ngày quy tụ lại thờ phượng Thiên Chúa.

Khi nhận giáo phận Thái Bình, vào ngày 3.12.1990, Đức cha Sang phải cố gắng tái lập Giáo phận sau những năm cấm cách. Bối cảnh đất nước Việt Nam vào năm 1990, thì ai cũng biết, khó khăn trăm bề từ vật chất đến tinh thần, từ miền Bắc ra miền Nam, các linh mục ở miền Bắc vẫn còn chịu chức chui.

Nên nhớ! Sống cuộc đời này có ý nghĩa là biết dấn thân cho tình yêu, làm rạng rỡ danh Thiên Chúa, mở mang Nước Thiên Chúa, giúp cho mọi người chung quanh nhận biết Thiên Chúa. Có thể nói, sống được như vậy thì phần thưởng cuối cùng các ngài nhận được đến từ Thiên Chúa.

Thời gian tàn phá con người nhanh vô cùng. Thời gian làm cho người ta già đi, người ta đau bệnh, rồi phải ra đi vĩnh viễn, lại có lớp người khác kế thừa tiếp tục.

Có một cha già đang nghỉ ở nhà hưu dưỡng. Thỉnh thoảng có dịp lễ lớn về thăm lại giáo xứ cũ. Mỗi lần thăm lại nhà xứ cũ trước đây ngài đã ở, cha cố ngậm ngùi tâm sự với một vài giáo dân thân thiết: “Các anh thấy không? Cũng tòa nhà này, cách đây mấy chục năm là văn phòng làm việc của cha cố của tôi, rồi đến tôi làm việc trong ngôi nhà này, bây giờ đây cũng là nơi làm việc của cha sở đương nhiệm… Cảnh vật còn đây, nhưng người này người kia nối tiếp nhau, đúng là Hội Thánh Chúa vẫn tồn tại trải qua năm tháng. Chúa vẫn gởi đến những vị chủ chăn chăm lo cho đoàn chiên, ta chẳng là gì, nhưng tất cả chúng ta chỉ là tôi tớ, đến làm việc một thời gian rồi lại đi. Không ai giữ cho mình được điều một cái gì hết”.

Bởi vậy, người ta bảo “cuộc đời này ngắn lắm, bạn hãy sống cho có ý nghĩa”.  Ý nghĩa cuộc sống của ta là Đức Kitô, chỉ có bám lấy Ngài, tìm kiếm hạnh phúc đích thực nơi Ngài mà thôi, chứ không cùng đích của cuộc sống là vật chất.

Ai cũng biết điều đó nhưng nhiều khi ta quên, cứ mải mê chạy theo danh vọng hão huyền, cứ đắm chìm trong lợi lộc vật chất, nhất là luôn đánh bóng “cái tôi” của mình.

Các linh mục cũng là con người nên vẫn bị cám dỗ trước vật chất và danh vọng. Nhiều linh mục được giao coi sóc một giáo xứ cứ phải nghĩ xây dựng công trình này công trình nọ, làm sao để to lớn hơn công trình mà cha xứ trước đã để lại. Thậm chí, nhiều cha xứ mới về được một hai năm, đập bỏ nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới to lớn hơn, dù nhà thờ cũ vẫn còn sử dụng được. Chúng ta biết rằng, có một ngôi thánh đường to lớn nguy nga chưa chắc đã đưa người ta đến với Chúa, điều linh mục cần xây đắp hơn cả là tâm hồn các tín hữu, kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ. Chúng ta đừng chứng mình mình tài giỏi hơn người khác ở điều này điều kia, hay mình là một ông cha xứ giỏi kiếm tiền xây nhà thờ, thành lập ra nhiều đoàn hội. Chỉ một việc ta phải thi thố với nhau là phát triển tình yêu thương, mọi người trong cộng đoàn giáo xứ biết quan tâm chia sẻ, cùng cộng tác trong việc chung, nhất là các gia đình nghèo trong giáo xứ phải được các mục tử lưu tâm đầu tiên.

Lòng đạo đức đích thực chính là lúc người ta thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tình thương, để khi kết thúc hành trình trần thế ra trước Thiên Chúa, chúng ta thấy mình đã làm nảy sinh hóa trái là yêu thương phục vụ.

Người đầy tớ không chiếm hữu bất cứ điều gì, kể cả tiền tài, danh vọng, chức tước và cả thời gian sống của mình nữa. Người đầy tớ được chủ giao cho điều nay điều kia chỉ để làm việc tốt hơn.

Chỉ có Thiên Chúa đấng tạo thành, Đấng ta phụng thờ hết lòng trí là ông chủ tốt lành, Ngài mời gọi ta hãy ra đi làm việc cho vườn nho Thiên Chúa.

Đức cha Sang, sơ Anna và tất cả chúng ta cũng chỉ là những đầy tớ, mỗi người một việc, Chúa giao cho khác nhau, tùy theo khả năng của mỗi người, nhưng tất cả chúng ta được mời gọi phải sinh hoa lợi từ vườn nho Thiên Chúa.

Khi linh cữu Đức cha Sang đang đặt tại nhà thờ Chánh tòa Thái Bình vào ngày Chúa nhật 8.10.2017, Phụng vụ Chúa nhật 27 Thường Niên năm A, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng theo Thánh Mátthêu chương 21, 33-43, qua đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn những người tá điền sát nhân. Những tá điền bất lương chỉ nhắm chiếm lấy đất đai hoa lợi của chủ, có hành vi gian ác đánh đập giết hại những đầy tớ của ông chủ sai tới, giết hại cả người con thừa tự của ông chủ để chiếm lấy gia tài. Đó là hành vi của người tá điền không biết ơn chủ, đối xử với chủ không ra gì. Chúng ta có như thế không, nếu hằng ngày Chúa đã cho chúng ta thời gian làm việc, cống hiến, ban cho chúng ta một gia đình thân yêu, chúng ta quên công ơn của Ngài, chúng ta cảm thấy mất tự do khi có Thiên Chúa hiện diện, chỉ muốn tự tung tự tác hành xử bất lương, gian dối, tham lam và ích kỷ hẹp hỏi với tha nhân.

Xin kết thúc bài viết bằng tâm tình cầu nguyện của Thánh vịnh 90

Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,

Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! “

Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong,

nổi trận lôi đình: thấy mà khủng khiếp!

Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài,

lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ.

Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,

kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,

trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên?

 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90, 3 – 12)

Giuse Nguyễn Bình An

Xem thêm

Ga 10, 11-18a

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Mục tử tốt lành hay người chăn thuê SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH …