Home / Tiêu Điểm / “Cha yêu châu Phi, bởi châu Phi đã và đang là nạn nhân của các cường quyền”

“Cha yêu châu Phi, bởi châu Phi đã và đang là nạn nhân của các cường quyền”

 

h2Trong buổi nói chuyện hỏi đáp trên đường bay từ châu Phi về Roma, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời những câu hỏi từ các nhà báo khắp thế giới. Ngài nói về những thời điểm đáng nhớ, và cảm nghiệm của mình về châu Phi

Bernard Namuname, từ Kenya Daily Nation:

Con xin chào Đức Thánh Cha. Ở Kenya, cha đã gặp các gia đình nghèo ở Kangemi, các đã nghe những câu chuyện của họ, những người bị tước đoạt các quyền căn bản của con người, chẳng hạn như không có nước sạch. Cùng ngày, cha đã đến sân vận động Kasarani để gặp giới trẻ, và họ cũng kể với cha những câu chuyện về sự loại trừ do bởi lòng tham ích kỷ và tham nhũng. Khi nghe những chuyện đời này, cha cảm thấy thế nào? Và cần phải làm gì để chấm dứt bất công? Xin cảm ơn cha. 

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Về vấn đề thứ nhất, cha đã nói mạnh mẽ ít nhất là 3 lần. Lần đầu tiên là trong buổi gặp gỡ các phong trào bình dân ở Vatican, lần thứ hai là buổi gặp các phong trào bình dân ở Santa Cruz della Sierra (Bolivia). Rồi còn hai lần nữa, là trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng [Evangelii Gaudium] và rất mạnh nữa trong tông thư Chúc tụng Chúa [Laudato Si]

Cha không nhớ về thống kê. Nhưng theo cha biết thì 80% tài sản thế giới nằm trong tay 17% dân số toàn cầu. Cha không biết chuyện này có thật hay không, nhưng nếu có thật thì … Có một hệ thống kinh tế, nơi đồng tiền bạc nằm ở vị trí trung tâm, thần tài ngự trị. Cha nhớ có một đại sứ Pháp nói với cha thế này, “Nous sommes tombés de l’idolâtrie de l’argent” (Chúng ta đã rơi vào thói thời ngẫu tượng tiền bạc.) Nếu mọi chuyện cứ như thế này, thì thế giới sẽ tiếp tục như thế đó.

Con hỏi về cảm nhận của cha khi nghe lời chứng của các bạn trẻ ở Kangemi. Cha đã nói rõ về quyền con người. Cha thấy đau đớn. Cha nghĩ, làm sao mà người ta lại không thấy. Cha thấy đau đớn lắm. Chẳng hạn như ngày hôm qua, cha đến bệnh viện nhi đồng, bệnh viện nhi duy nhất ở Bangui và có lẽ là trên cả nước Trung Phi, và phòng chăm sóc đặc biệt không có các thiết bị thở oxy. Có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng ở đó, nhiều lắm, và bác sỹ bảo cha là phần đông các em sẽ không qua khỏi vì vừa mắc bệnh sốt rét nặng vừa suy dinh dưỡng trầm trọng.

Cha không muốn làm một bài giảng bây giờ, nhưng Chúa luôn luôn khiển trách dân Israel rằng chúng ta chấp nhận và ái mộ ngẫu tượng này. Thờ ngẫu tượng là khi con người đánh mất căn tính con cái Thiên Chúa, và thích tìm kiếm một thần linh theo ý mình. Đó là bước ban đầu. Nếu nhân loại không thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục có những khốn cùng, bi kịch, chiến tranh, trẻ em bị chết vì đói, vì bất công. Các bạn nghĩ gì về những người nắm 80% của cải thế giới? Đây không phải là chủ nghĩa cộng sản. Mà là sự thật. Nhưng sự thật thì mất lòng. Cha cảm ơn vì câu hỏi của con.

Michael Mumo Makau, từ 98.4 Capital FM Radio (Kenya):

Đâu là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của cha trong chuyến viếng thăm lần đầu đến châu Phi? Cha sẽ trở lại sớm chứ? Và chuyến công du tiếp theo sẽ đến đâu? 

Chúng ta bắt đầu với câu hỏi cuối. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, cha tin chuyến công du tiếp theo sẽ là đến Mễ Tây Cơ. Chi tiết chuyến đi vẫn chưa được quyết định. Thứ hai, Cha sẽ trở lại châu Phi? Cha không biết nữa. Cha đã già và mỗi lần đi là khó khăn.

Và về câu hỏi thứ nhất. Thời khắc mà cha ghi nhớ? Đám đông. Niềm vui. Họ làm lễ hội với cái bụng xẹp lép. Nhưng với cha, châu Phi là một ngạc nhiên. Cha nghĩ, Chúa khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng châu Phi cũng khiến chúng ta kinh ngạc. Có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Như các đám đông, họ cảm nhận mình được viếng thăm. Họ có một tinh thần chào đón tuyệt vời. Cha đã thấy ở 3 nước vừa qua, họ có lòng chào đón bởi họ hạnh phúc khi được viếng thăm. Hơn nữa, mỗi quốc gia đều có đặc tính của mình. Kenya là một nước hiện đại và phát triển hơn một chút. Uganda có đặc tính của các thánh tử đạo. Người dân Uganda, cả Công giáo lẫn Anh giáo, đều tôn kính các thánh tử đạo. Cha đã đến cả 2 đền thánh, của Anh giáo, rồi Công giáo. Ký ức về các thánh tử đạo là ‘chứng minh thư’ của họ, là lòng dũng cảm để trao đi mạng sống vì chính nghĩa. Còn Cộng hòa Trung Phi là khát khao hòa bình, hòa giải, và tha thứ.

Thời điểm cách đây 4 năm, người Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, vẫn sống chung với nhau như anh em. Ngày hôm qua, cha đến thăm phái Phúc âm, họ làm việc rất tích cực. Và họ cũng đi dự thánh lễ vào buổi tối. Còn hôm nay, cha đến đền thờ Hồi giáo. Cha cầu nguyện trong đền thờ. Ngay cả lãnh tụ Hồi giáo cũng lên xe với cha đi một vòng quanh sân vận động. Đây là những hành động nhỏ, là những gì mà người dân Trung Phi mong muốn. Bởi, có một nhóm nhỏ,  cha nghĩ họ là Kitô hữu hoặc tự nhận là Kitô hữu, nhóm này rất bạo lực. Cha thực sự không hiểu nổi. Nhưng đây không phải là ISIS, mà là một chuyện khác. Đây là nhóm Kitô giáo. Người dân muốn hòa bình. Bây giờ, họ đang bỏ phiếu bầu cử. Họ đã chọn ra một nhà nước quá độ. Họ đã chọn ra một tổng thống lâm thời, và bà đang tổ chức cho cuộc bầu cử chính thức. Nhưng, người dân đang tìm kiếm hòa bình, hòa giải, chứ không phải thù hận. Không phải thù hận.

 

Martha Calderon, từ Catholic News Agency:

Thưa Đức Thánh Cha, chúng con biết là cha chuẩn bị đi Mễ Tây Cơ, chúng con muốn biết thêm về chuyến đi và về việc cha có dự định viếng thăm các quốc gia đang có nhiều vấn đề khác hay không? Cha có nghĩ là viếng thăm Colombia hay có thể trong tương lai là một nước Mỹ La tinh khác như Pêru chẳng hạn?

Vâng, đi công du nhiều ở tuổi của cha thì không tốt cho lắm. Có thể làm được, nhưng sẽ để lại di chứng. Cha chuẩn bị đi Mễ Tây Cơ. Trước hết, cha sẽ đến kính viếng Đức Mẹ, bởi Mẹ là Mẹ của châu Mỹ, vì thế mà cha sẽ đến Mexico City. Nếu không có Đức Mẹ Guadalupe, cha sẽ không đến Mexico City vì chiếu theo theo các tiêu chuẩn của một chuyến công du, đó là viếng thăm 3 hay 4 thành phố chưa từng có giáo hoàng đến thăm, nhưng cha sẽ đến Mexico City vì Đức Mẹ.

Rồi cha sẽ đến Chiapas ở miền nam ngay đường biên giới với Guatemala, rồi cha sẽ đi Morelia, và chắc chắn là trên đường về Roma, cha sẽ dành một ngày ở Ciudad Juarez. Về chuyến đi các nước châu Mỹ La tinh thì, Năm 2017, cha đã được mời đến Aparecida, thánh bổn mạng khác của châu Mỹ nói tiếng Bồ Đào Nha. Từ đó, cha có thể đến thăm một nước khác, sẽ cử hành thánh lễ, nhưng cha vẫn chưa chắc. Vẫn chưa có kế hoạch cho chuyện này.

Mark Masai, National Media of Kenya:

Trước hết, con cảm ơn vì cha đã viếng thăm Kenya và châu Phi. Chúng con mong chào đón cha trở lại lần nữa, để nghỉ ngơi, chứ không phải đi công việc đâu. Đây là lần đầu tiên cha đến đây, và tất cả mọi người đều lo lắng về an ninh. Cha muốn nói gì với một thế giới nghĩ rằng châu Phi chỉ là vùng chiến tranh xâu xé và đầy phế tích?

Châu Phi là nạn nhân. Châu Phi đã luôn bị bóc lột bởi các cường quyền. Họ bị bán đến châu Mỹ làm nô lệ. Có những cường quyền chỉ tìm cách trục lợi từ châu Phi, một châu lục có lẽ là phong phú tài nguyên nhất. Nhưng, họ không nghĩ đến chuyện giúp các quốc gia châu Phi phát triển, họ làm thế là để lợi cho họ. Bóc lột. Châu Phi là một tử đạo, tử đạo do bóc lột. Những người nói rằng châu Phi là gốc rễ của mọi dịch bệnh và chiến tranh, có lẽ không hiểu được cho rõ những nguy hại do chính tay họ gây nên cho nhân loại. Vì lý do này, mà cha yêu châu Phi, bởi châu Phi đã và đang là nạn nhân của các cường quyền. 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CNA

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

TỪ BỎ MÌNH

TỪ BỎ MÌNH

Trong Công giáo, ngoài hình phạt và chịu đau khổ, sự khổ hạnh được quan …