Home / Chia Sẻ / CẢM XÚC NGÀY BẾ GIẢNG TẬP HUẤN CARITAS

CẢM XÚC NGÀY BẾ GIẢNG TẬP HUẤN CARITAS

 

“Gặp nhau đây rồi chia tay. Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây…”

          Vâng, đúng như ý nghĩa bài hát. Các anh chị em học viên từ nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận Sài Gòn đã gặp nhau đây, tại giáo xứ Tân Việt, suốt trong sáu ngày thứ bảy, tham gia khóa tập huấn cơ bản Caritas, khai giảng ngày 14 tháng 03. Rồi chia tay nhau trong ngày bế giảng 25 tháng 04. Sáu ngày “vàng” đã vụt qua trong phút giây bồi hồi, lưu luyến…                                              

 Như ngày đầu buổi khai giảng, tôi nôn nao đến sớm, nhìn thấy Sơ Anna Thanh Lan đang đi lại kiểm tra các công việc. Sơ nói sáng nay có nhiều việc phải làm. Vừa nhanh nhẹn, vừa điềm tĩnh, lúc xởi lởi, lúc nghiêm nghị, sơ Thanh Lan đúng là “linh hồn” của khóa tập huấn. Học viên các giáo xứ bắt đầu đến. Sân sau nhà thờ Tân Việt nhộn nhịp hẳn lên. Những tiếng chào rộn ràng. Những cái bắt tay đằm thắm. Những ánh mắt nhìn nhau tươi sáng sau một tuần lễ vắng bóng. Hôm nay là buổi học cuối cùng. Biết chừng nào gặp lại nhau! Một số anh chị đến chào tôi. Anh Vinh Sơn Đoàn Minh Tâm, giáo xứ Tân Lập, giáo hạt Thủ Thiêm, anh có biệt danh là “Tâm cà rem” bởi thường mang các thùng cà rem kèm theo các tặng phẩm khác khi cùng nhóm Mẹ Têrêsa Lái Thiêu đi làm bác ái ở các buôn làng vùng sâu, vùng cao; anh Giuse Nguyễn Khí Khái, chung giáo xứ Nhân Hòa, hạt Tân Sơn Nhì với tôi và cặp vợ chồng Giuse Phạm Quốc Việt+Maria Nguyễn thị Hồng Sương, giáo xứ An Tôn, Cầu Ông Lãnh. Cặp vợ chồng trẻ đẹp này là hai học viên duy nhất được giáo xứ cử đi tập huấn khóa này. Hai người rất nhiệt tình giao lưu trò chuyện với các đồng môn trong  những giờ giải lao. Tôi mời sơ Thanh Lan chụp với anh em vài tấm hình kỷ niệm.

          Khóa tập huấn bao gồm sáu ngày. Thầy tiến sỹ Gioan Baotixita Vũ Nhi Công  “ôm” hết ba ngày cuối. Đứng lớp ngày đầu tiên 11 tháng 04, thầy nói với các học viên đang loay hoay mó máy cuốn tài liệu: “Tài liệu là để đọc tham khảo tại nhà, đến lớp chủ yếu nghe và thực hành”. Mỗi giảng viên có một phương pháp giảng dạy riêng theo đề tài của mình. Thầy Công có lối dạy sinh động, lôi cuốn nhờ sự hóm hỉnh có duyên của thầy. Những câu chuyện và điệu bộ pha trò của thầy làm cả lớp “cười ra nước mắt” không biết bao nhiêu lần! Lớp học được chia lại thành 16 nhóm. Tôi được xếp vào nhóm 14, bao gồm mười học viên, do anh Giuse Trần Văn Dũng, giáo xứ Tân Việt làm nhóm trưởng và chị Maria-Giuse Lê Bích Ngọc, giáo xứ Trung Chánh làm thơ ký. Với các chủ đề:- Công tác Xã hội Thực hành  -Xây dựng tiến trình hoạt động bác ái (trên địa bàn giáo xứ), thầy đưa ra các đề tài thực tế để nhóm thảo luận hoặc các câu hỏi để cá nhân trả lời. Điển hình như câu hỏi:- Để thực hiện các hoạt động Caritas được hiệu quả, người phụ trách hoặc ban điều hành Caritas giáo xứ cần có những đức tính gì? Những câu trả lời trên giấy của các học viên được các anh chị trợ giảng thu gom và  liệt kê một số trên bảng. Kết quả các đức tính: đức ái, khiêm nhường, biết lắng nghe chiếm ưu thế trong các câu trả lời. Thỉnh thoảng để thay đổi không khí, thầy mời ai đó lên giúp vui văn nghệ. Trong buổi học sáng 11 tháng 04, tôi lên hát bài “Ngày nào Chúa biết yêu con”. Đây là bài hát tôi đổi lời từ  ca khúc “Ngày nào biết tương tư” của nhạc sỹ Phạm Duy cách đây hơn 30 năm khi còn tham gia phong trào Hùng Tâm Dũng Chí ở Giáo xứ Tân Bình, giáo hạt Cam Ranh, giáo phận Nha Trang. Một vài anh chị tỏ ra ấn tượng với lời cải biên của bài hát. Họ xin tôi chép tặng sau giờ giải lao cơm trưa.                                             

Buổi học cuối cùng  ồn ào hơn mọi khi. Có lẽ các học viên đang tranh thủ tâm sự riêng tư. Dù gì thì cũng sắp chia tay nhau rồi! Sơ Anna Thanh Lan phải ổn định tình hình, nhắc nhở các học viên giữ im lặng. Những lời kinh “Lời nguyện đầu ngày”: “Lạy Chúa, trong sự thinh lặng của ngày mới này. Con đến với Ngài để van xin bình an, khôn ngoan và sức mạnh…” cùng lời bài hát “Ubi Caritas” bằng tiếng Latinh và tiếng Việt: “Nơi đâu yêu thương đầy…thì này Chúa sẽ ngự đến” sơ Anna Mỹ Duyên khởi xướng, các học viên đồng thanh, làm lắng đọng tâm hồn mọi người, trả lại sự trang nghiêm bên trong ngôi thánh đường. Cả cộng đoàn cùng hiệp thông đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính cầu cho linh hồn Giuse, thân phụ của anh Giuse Phạm Quốc Việt mới qua đời. Thầy Gioan Baotixita Vũ Nhi Công  sáng nay cho ôn bài, gợi ý các câu hỏi rồi yêu cầu các học viên giơ tay trả lời. Đa phần trả lời đúng. Thầy hài lòng thưởng cho mỗi người một đĩa thánh ca, ai sai cũng được thưởng như để khích lệ tinh thần.

          Bữa ăn trưa hôm đó khác với mọi bữa. Có thêm món thịt cầy. Ai muốn lai rai đã có sẵn ly trà đá! Là buổi tập huấn cuối cùng nên bầu không khí giải lao sau cơm trưa nhốn nháo lạ thường! Đã qua sáu ngày thứ bảy gặp nhau nên thân thương như người một nhà. Cứ hớn hở trò chuyện! Cứ níu kéo nhau chụp hình! Cứ xin nhau số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ e.mail. Tôi nói chuyện với học viên lớn tuổi nhất: bác Laurensô Trần Văn Tạo, giáo xứ Đắc Lộ. Nay đã 85 tuổi nhưng trông  bác an khang, minh mẫn hiếm người có được. Bác cho biết đang tham gia các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành như Huynh Đệ, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm ở giáo xứ Đắc Lộ, nhóm Tình Thương Mến Thương ở nhà thờ Huyện Sỹ, tuốt trên quận Một. Ở tuổi này mà bác vẫn ghi tên theo học khóa tập huấn cơ bản Caritas. Tôi thầm cảm phục và tự nghĩ rằng sứ vụ bác ái Chúa trao cho mỗi người không kén chọn tuổi tác.

          Lớp học bế giảng buổi chiều hứa hẹn nhiều bất ngờ, được dời ra sân sau nhà thờ Tân Việt ở khoảng có mái che. Bầu không khí nhộn hẳn lên khi một vài anh chị lên diễn kịch câm, dùng các điệu bộ diễn tả một nghề nghiệp. Thầy Công đố, các học viên trả lời các nghề được ngụ ý qua vở kịch câm là: lượm ve chai, tắm heo và bán hủ tiếu gõ. Thầy kết luận: “Đây là những nghề nghiệp thấp hèn. Biết đâu có một số cha mẹ ngồi đây đang làm các nghề này. Sứ vụ của người Kitô hữu là phải đến với người nghèo. Thà làm một người chăn heo đạo đức còn hơn một ông tiến sỹ tồi bại!”

          Khoảng 3 giờ chiều. Thầy tiến sỹ Gioan Baotixita Vũ Nhi Công tổng kết các buổi học do thầy chủ trì. Một nữ học viên lớn tuổi thuộc giáo xứ Tân Việt đại diện khóa tập huấn lên cầm giấy phát biểu cám ơn qúy cha, quý sơ, quý thầy giảng viên, quý hội đồng mục vụ giáo xứ Tân Việt… Có lẽ do xúc động nên nhiều lần chị đọc hai chữ “học viên” thành “học viện”! Sau phần đánh giá khóa tập huấn của sơ Thanh Lan là tiết mục múa của các “vũ công”  nam nữ học viên Tân Việt dựa trên nền bài hát “Hành khúc Caritas”. Cha Đa Minh Vũ Ngọc Thủ, chánh xứ Tân Việt kịp đến ban huấn từ bế mạc. Cha: “Cám ơn Chúa đã ban thời gian, tạo điều kiện cho các học viên. Cám ơn những học viên lớn tuổi và ở xa…”. Cha nhắn nhủ mọi người cần phải học tập các kỹ năng thực thi bác ái cho dù bác ái là bản chất của con người. Ngài nhấn mạnh thêm: “Bác ái phải khởi đi từ gia đình. Đi đâu cũng phải xây dựng hòa bình và bác ái…” Sơ Anna Thanh Lan cám ơn cha Đa Minh đã tạo điều kiện, cầu nguyện và đồng hành suốt khóa tập huấn.

           Giây phút trang trọng chờ đợi nhất  đã đến. Các học viên, từng người được đọc tên mời lên lãnh giấy Chứng Nhận (tạm thời) từ tay cha Đa Minh. Anh Giuse Nguyễn Minh Tiến, trưởng liên kết viên Caritas giáo hạt Tân Sơn Nhì vổ tay xướng, mọi người hát theo: “Gặp nhau đây rồi chia tay. Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy”

Vâng, gặp nhau đây rồi chia tay… Sau những lời phát biểu cám ơn và xin Chúa chúc lành của ông chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ Tân Việt, mọi người lưu luyến chia tay nhau. Tôi đến bắt tay chào thầy Công. Mời thầy đứng chụp hình chung với sơ Anna Mỹ Duyên và vợ chồng “cặp đôi hoàn hảo” Việt+Sương. Lúc này gần 4 giờ chiều. Bước vào bãi gởi xe, tôi gặp em Têrêsa Trúc Chi, giáo xứ Tân Việt. Em chào tôi, nói: “Có số điện thoại của anh rồi, có dịp em sẽ gọi” Tôi cám ơn em.

Cám ơn quý cha, cám ơn quý sơ, cám ơn quý thầy giảng viên, cám ơn các anh chị trợ giảng, cám ơn các anh chị em học viên cùng khóa đã cho tôi những kỹ niệm đáng nhớ  suốt trong sáu ngày thứ bảy tập huấn Caritas cùng những cảm xúc khó phai trong ngày bế giảng. Và trên hết con xin cảm tạ Chúa đã ban cho con mọi cơ hội giúp con học hỏi những việc phải làm để phục vụ những người cùng khổ đang sống chung quanh con. Amen.

         Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa

           

         

 

 

 

 

 

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …