Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài suy niệm Tin mừng Lễ Mồng 1, 2 Tết Mậu Tuất, của LM Antôn NGuyễn Văn Độ

Các bài suy niệm Tin mừng Lễ Mồng 1, 2 Tết Mậu Tuất, của LM Antôn NGuyễn Văn Độ

Năm Mậu Tuất – Năm Trung Thành Với Chúa

SUY NIỆM  LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM 2017

(Mt 6, 25-34)

Chúng ta vừa bước sang năm mới, năm Mậu Tuất, năm con chó, năm của những chú cho thông minh và trung thành của cả Phương Đông lẫn Phương Tây. Chó rất được trân trọng và nâng niu được xem như một loài động vật mang lại nhiều may mắn, người ta cũng đặt Các chòm sao được đặt tên chó gồm: Tiểu Khuyển, Đại Khuyển, Lạp Khuyển.

Người Việt Nam ta, chó là là động vật trung thành, nhưng lại là món khoái khẩu của nhiều người. Chó được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với chi Tuất nên vì thế năm nay là Tết Mậu Tuất 2018 và thuộc lục súc, nhưng may mắn “Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang”.

Trong nhà đạo, có lắm chuyện về con chó, từ chuyện vui đến chuyện thật. Chúng ta cùng mở Kinh Thánh để tìm xem chuyện con chó.

Chó trong Kinh Thánh

Thiên Chúa gìn giữ Isreal : “Sẽ không có một con chó nào sủa, dù sủa người hay sủa thú vật” (Xh 11,6).

Ngài răn dạy cách thế gìn giữ sự tinh sạch: “Thịt con vật bị thú dữ xé ngoài đồng, các ngươi đừng ăn, nhưng phải ném cho chó” (Xh 22, 28-30).

Thiên Chúa dạy Ghêđêôn cách chọn người : “Tất cả những ai thè lưỡi tớp nước như chó, ngươi hãy để riêng ra” (Tl 7). Dùng chó làm binh khí : “ông Samson tinh khôn đi bắt ba trăm con chó sói, cột ngược đuôi con này với đuôi con kia và buộc một chiếc đuốc giữa hai đuôi rồi thả chạy vào doanh trại của địch quân gây đám cháy lớn và hàng ngũ địch quân bị rối loạn! (Tl 15, 4)

Chó được dùng để ám chỉ kẻ tồi : “Philitinh nói với Đavít: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao? ” (1Sm 17, 43).

Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con chó để sánh ví dân riêng của Chúa với người dân ngoại: “Của thánh, đừng quăng cho chó” (Mt 7, 6); “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (Mc 7, 27).

Cho trong đời thường

Trong thực tế có con chó buồn cho tới chết sau khi mất chủ. Nhiều con chó bị bắt trộm hay bị bán đi nơi xa, nhưng rồi nó lại trổ chuồng tìm về với chủ cũ.  Đúng là : Chó không chê chủ nghèo

Có câu chuyện người chủ muốn giết con chó để ăn thịt, bèn bắt chó bỏ vào bao bố, rồi đem con vật đi nhận nước, chẳng may gặp phải dòng sông sâu và nước xoáy nên anh ta suýt chết đuối. Con chó vùng vẫy thoát ra được, nó liền lội đến cắn cổ áo người chủ lôi vào bờ cứu thoát anh ta. Con chó biết chủ của nó, bênh vực chủ khi cần. Dù chủ chỉ là người hành khất hay người tàn tật, chó vẫn trung thành và ngoan ngoãn.

Bên cạnh các phần mộ cổ của người Ai Cập, người ta thường dựng hai tượng con chó, tiêu biểu cho đầy tớ trung thành và biết ơn, ngày đêm canh giữ phần mộ. Vì thế có câu tục ngữ  “Nuôi một con chó trung thành quý hơn sinh một bầy con bất hiếu”. Nên mới có câu : “Nào ai buôn bán trăm bề, chẳng bằng nuôi chó huyền đề 4 chân”. Phan Bội Châu đã từng lập mộ cho chó tại Huế.

Và bài học từ con chó

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu : “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”, nhưng có phải vậy hay không, bởi chó có nỗi khổ của chó, may mắn được sinh ra làm chó Âu-Mỹ, ăn sung ngủ sướng, có cả di chúc. Trái lại, bất hạnh cho chó nếu sống ở Phi Luật Tân, Triều Tiên, Trung Hoa, Việt Nam, thì sớm muộn cũng vào miệng người. Vì sống trên đời ăn miếng dồi chó.

Thật bất công khi người ta gán chó vào những kẻ phản phúc lọc lừa, vì trên cõi đời này, cho dù con chó có bị ruồng bỏ hay thuộc loại chó đói, chó ngu… thì thủy chung chó chẳng bao giờ phản chủ như con người. Chỉ vì thấp hèn, nên chó chịu nhiều bất công, chẳng những trong văn chương chữ nghĩa, mà cả đời sống “lên voi xuống chó” bên cạnh con người hằng ngày.

Tuy nhiên, chó có những đặc tính tốt. Chó rất gần với con người và giúp ích cho loài người như giữ nhà, săn bắt mồi, tìm người, truy lùng thuốc phiện, ma túy…

Chó đâu chó sủa chỗ không,

Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.

Chó trung thành, hiểu ý chủ, vâng lời, biết sợ chủ, biết mừng chủ… Con chó chưa một lần nào trách móc chủ một điều gì dù cho có nhiều lần chủ xử tệ, bỏ mặc chó. Chủ đi đâu về là nó vui vẻ đến gần tỏ lộ niềm vui, nếu chủ vui mà vuốt ve nó thì nó đáp ứng, nếu chủ buồn bực điều gì mà đẩy nó ra, thì nó nằm im không quấy rầy. Nó là một gương xóa mình, tha thứ, đón nhận và yên ủi.

Con chó trung thành. Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó. Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối. Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt. Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ. Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về. Chủ giàu hay nghèo, sướng hay khổ, vui hay buồn, thất bại hay thành công, chó vẫn luôn khắng khít bên chủ. Thế mới có câu “khuyển mã chi tình”. Còn con người, người có luôn trung tín hay người chỉ phù thịnh chứ mấy ai phù suy? Khi chủ được tiền, mọi người ai cũng đòi khao; khi chủ mất tiền, chẳng thấy ai sẻ chia giúp đỡ. Khi chủ thành công, làm ăn phát đạt, bạn bè kéo đến chúc mừng, ăn uống đông vui; khi chủ thất bại, mất mát thì chẳng thấy ma nào bén mảng tới cả, chỉ có mình chó vẫn luôn bên chủ.

Con chó thẳng thắn. Người nhà về, chó vui mừng ra đón, vẫy đuôi quấn quýt. Kẻ lạ đến, chó hướng mắt cảnh giác, lao ra gầm gừ, sủa vang. Yêu nói là yêu. Ghét bảo là ghét. Còn người, người có thẳng thắn với nhau? Có dám công khai bày tỏ chính kiến của mình? Cái ma mãnh của con người là trước mặt nói một đằng, sau lưng lại nói một nẻo; trước mặt thì giả vờ ca ngợi, sau lưng lại chê bai thậm tệ. Sao người không thẳng thắn, cởi mở tấm lòng với nhau để cuộc đời thêm tốt, thêm đẹp mà lại cứ phải đi nói xấu nhau với người thứ ba và lấy làm hả lòng hả dạ về điều ấy?

Chó phải sủa. Các Giáo Phụ thường dùng chỉ các bậc cha mẹ hay bề trên không biết răn đe hay nhắc nhủ cho bề dưới của mình bằng câu ngạn ngữ vắn gọn: “Khốn cho những con chó không biết sủa!” Nhiệm vụ canh giữ của chó là sủa mỗi khi có người lạ hay vật cấm mà chó được huấn luyện để truy lùng phát hiện, mà không sủa lên thì làm sao chủ nhân của nó biết được? Chó không sủa thì chẳng còn là chó nữa! Tiếng sủa của chó luôn gây những phản ứng khác nhau: nó làm kẻ trộm tức tối vì việc gian manh của hắn bị bại lộ; nó có thể làm hàng xóm bực mình vì mất giấc ngủ ngon; nhưng chắc chắn nó làm người nhà vui mừng vì chó đã giúp họ tỉnh thức nhận ra được cái ác đang rình rập và ra sức loại trừ nó.

Chó sủa vang, xua đuổi phường gian ác.

Chủ thức dậy, thắp sáng cả đêm đen…

Thôi thì cho dù năm Khỉ, Heo, Mèo, Gà, Chó, Lợn, thì cả tháng nay, mọi người đã sắm Tết, ăn Tết rồi. Hôm nay ngày đầu năm mới, ai cũng có cảm tưởng là có cái gì đó mơi mới, nên dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.

Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, và sẽ còn chúc tết nhau nữa. Thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng, kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo. Ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Muốn lời chúc của chúng ta trở thành hiện thực, hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa, bởi tất cả mọi sự đều do Chúa như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng những giây phút đầu năm cho Thiên Chúa. Người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Lời nguyện nhập lễ chúng ta xin :” Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66, 2-3).  Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

Các con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6,34). Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến hạnh phúc mai hậu của sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai… tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.

Năm Đinh Dậu sắp qua, năm Mậu Tuất sắp đến, kính chúc mọi người một năm mới được mọi sự may lành trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Đáp Nghĩa Đền Ơn

SUY NIỆM LỄ MỒNG HAI TẾT

(Mt 15,1-6)

Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng chén chúc tụng nhau.

Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải ‘kể lại sự khôn ngoan của các ngài’ để noi theo, các ngài đã giữ các Điều Răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15 )

Chúa truyền phải thảo kính mẹ cha

Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa : ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài,  để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa.Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụ dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ : luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào : “truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cấu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ.  Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực ? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy : “Hãy thảo kính mẹ cha”; “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý dân tộc

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.

Vì cha nên mới có mình,

Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

Ơn này sách với trời cao

Trong lòng con dám lúc nào lãng quên

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như: thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông: có cha có me,  có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.

Tôn kính

Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

Phụng dưỡng

Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

                                            (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời

Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

            Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Khi cha mẹ qua đời

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Thực hành chữ hiếu

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Ai mà phụ nghĩa quên công

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

                                                                           (Ca dao)

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

CHUYỆN HỆ LỤY

CHUYỆN HỆ LỤY

Dù tam giác hay đa giác, các cạnh và các góc đều có mối liên …