Home / Tiêu Điểm / Bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô và các bạn trẻ Á châu tại Nam Hàn

Bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô và các bạn trẻ Á châu tại Nam Hàn

1_0_819226Lúc 16 giờ chiều thứ tư 13-8-2014 giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô lấy máy bay đi Seoul, bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Hàn kéo dài cho tới ngày 18-8. Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ Á châu và chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Từ nhiều tháng qua hơn 1.000 nhân viên thiện nguyện và 300 công nhân đã làm việc cật lực chuẩn bị từng chi tiết cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn. Đức Cha Basilio Cho Kyu Man, 59 tuổi, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Seoul, cho biết có sự chờ đợi rất lớn. Trong mọi giáo xứ đều có treo các băng rôn lớn chào mừng Đức Thánh Cha, và đã có các buổi canh thức cầu nguyện cho chuyến viếng thăm mang lại nhiều kết qủa mong muốn.

Nhưng không phải chỉ có các tín hữu công giáo náo nức chờ đợi Đức Thánh Cha, mà đại đa số người dân Nam Hàn cũng thế, vì họ coi ngài là một nhân vật rất nổi tiếng. Mọi người dân Nam Hàn đều biết kiểu làm và nói của ngài, kiểu ngài hành động đối với người nghèo và người bệnh tật. Trong các tháng qua đã có nhiều sách của Đức Giáo Hoàng được dịch ra tiếng Đại Hàn.

Trong bản tin gửi ngày 12-8-2014 phóng viên Faccioli Pintozzi của hãng tin Asianews cho biết trong các đường phố chính của thủ đô Seoul đều có treo hình của Đức Phanxicô với hàng chữ ”Chào mừng Đức Giáo Hoàng”. Bên cạnh đó là quốc kỳ Nam Hàn. Chính quyền Nam Hàn đã chuẩn bị tiếp đón vị thượng khách của quốc gia với rất nhiều cẩn trọng. Dĩ nhiên, vấn đề an ninh rất là quan trọng trong công tác chuẩn bị tiếp đón. Chung quanh khu vực trụ sở Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các Giám Mục Nam Hàn chiều ngày hôm nay 14-8, có nhiều cảnh sát và nhân viên công lực canh giữ. Trong khi tiếng máy bay trực thăng lượn vòng trên bầu trời Seoul làm nhạc nền cho mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày.

Cảnh sát cũng kiểm soát nghiêm ngặt quảng trường Gwanghwamun ”Quang môn” giữa lòng thủ đô Seoul, nơi Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho Linh Mục Phaolô Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo ngày 16 tháng 8. Quảng trường ”Quang Môn” hay ”các cửa của ánh sáng” nằm gần hoàng cung, biểu tượng cho căn tính của Nam Hàn, được trang hoàng bằng các bức tượng của Đô đốc Yi Sun-Schin, là người hồi thế kỷ thứ XV đã nhiều lần đánh bại hạm đội Nhật Bản, và của vua Sejong Cả, người cải cách nổi tiếng thuộc thế kỷ XV.

Đức Cha Basilio cho biết lúc đầu ban tổ chức tính chọn một khu vực rộng lớn hơn gần bờ sông, nhưng sau đó đã quyết đinh chọn quảng trường ”Quang Môn”, vì nó gần trung tâm và nằm trong thành cổ. Các vị tử đạo đã sống tại nơi này, và vài vị đã chịu tử đạo, bị chém đầu tại quảng trường này. Bên cạnh chỗ đặt bàn thờ có một nhà thờ kính nhớ các vị tử đạo. Xưa kia cũng có trạm cảnh sát, trong đó chắc chắn nhiều vị tử đạo đã bị nhốt trước khi bị hành quyết. Nơi này cũng là trung tâm của thành phố, diễn tả lịch sử của Đại Hàn, và trong vùng của các dịch vụ làm ăn buôn bán, là môi trường cũng cần được loan báo Tin Mừng.

Vùng quảng trường có các hàng rào chứa được 200.000 người, nhưng cả quảng trường có chỗ cho nửa triệu người. Đức Cha Basilio cho biết số tín hữu sẽ không đông đến 1 triệu, như hồi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn năm 1984. Lý đo vì trời qúa nóng và chi phí di chuyển cũng qúa mắc đối với nhiều giáo dân.

Như đã nói trên đây, vấn đề an ninh là một trong các ưu tư chính của chính quyền Nam Hàn. Lý do là vì sau khi Đức Thánh Cha ra vạ tuyệt thông cho các thành viên tổ chức tội phạm Mafia bên Italia, người ta sợ các tổ chức này tìm cách trả thù cách gián tiếp. Có tin đồn là có sự giằng co giữa các nhân viên an ninh của chính quyền Seoul muốn Đức Thánh Cha dùng xe có kính chắn đạn và các nhân viên an ninh Vaticăng, muốn để cho ngài được tự do tiếp xúc với dân chúng.

Tại quảng trường Quang Môn hiện cũng đang có một nhóm đông người biểu tình đòi ”sự thật và công lý” sau vụ đắm phà tại Sewol ngày 16 tháng 4 năm nay, khiến cho hơn 300 người chết, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa biết các chi tiết tai nạn xảy ra. Trong số những người ngồi biểu tình cũng có vài linh mục và nữ tu.

Đối với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Daejeon, thì ít có sự chờ đợi hơn. Đã có 4.000 bạn trẻ Nam Hàn và 2.000 bạn trẻ thuộc 23 nước Á châu tham dự Đại hội giới trẻ. Trong số này cũng có một bạn trẻ Bắc Hàn tỵ nạn tại Nam Hàn. Tuy không phải là tín hữu kitô, nhưng anh cho biết bà nội của anh thỉnh thoảng có nói tới Đức Giáo Hoàng, vì thế anh muốn biết ngài là ai, làm gì. Và đây là dịp may hiếm có, nên anh xin ghi danh tham dự. Trong số 2.000 bạn trẻ thuộc các nước Á châu nhóm đông nhất đến từ Philippines, rồi có các bạn trẻ Nhật Bản, Hồng Kông, Mông Cổ, Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã gửi thứ mời các ban trẻ Hoa Lục, nhưng không ai biết họ có được phép tham dự không và sẽ có bao nhiêu người.

Đề tài đai hội là ”Hãy đến và xem”. Trong các ngày đại hội các bạn trẻ sẽ tham dự các cuộc hội thảo, trao đổi và chia sẻ chứng từ về một loạt các đề tài khác nhau, cũng như các buổi trình diễn văn nghệ, ca vũ và hòa nhạc. Ban vũ của Indonesia đặc biệt được chờ đợi. Trọng tâm của đại hội là việc làm chứng tá, tử đạo và ”thức tỉnh” qua sứ điệp của Chúa Kitô. Trong thánh lễ kết thúc đại hội do Đức Thánh Cha chủ sự sáng Chúa Nhật 17-8 sẽ có nghi thức sai các bạn trẻ ra đi rao truyền Tin Mừng.

Một linh mục thuộc ban tổ chức cho biết các bạn trẻ náo nức chờ đươc tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời, do Đức Thánh Cha chủ sự, nhưng họ cũng hân hoan vì cơ may gặp gỡ các bạn trẻ khác đến từ nhiều nước Á châu và chia sẻ với họ các kinh nghiệm chứng tá đức tin và các khó khăn của đời kitô trong thế giới ngày nay.

Thánh lễ khai mạc đã do Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, khai mạc với thánh lễ do ngài chủ sự vào sáng 13-8 tại đền thánh Solmoe, là quê sinh của linh mục Anrê Kim Taegon, đã được Đức Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh cùng với 102 vi tử đạo khác hồi năm 1984.

Đại hội giới trẻ công giáo Á châu cũng mang sắc thái ơn gọi với sự tham dự của 500 đại chủng sinh. Trưa ngày 15-8-2014 sẽ có 20 bạn trẻ dùng bữa với Đức Thánh Cha. Vào ban chiều họ sẽ cùng các bạn trẻ khác đến Solmoe gần đền các thánh tử đạo, nơi diễn ra đại hội. Vào ban tối sẽ có lễ hội văn hóa với sự tham dự tiết mục của các phái đoàn các nước. Hai bạn trẻ sẽ chia sẻ chứng tá cuộc sống của họ với các bạn trẻ và Đức Thánh Cha, trước khi ngài ban huấn từ.

Theo Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, ”trước khi là người Đại Hàn, Trung Quốc hoặc Á châu, người trẻ đến Daejeon đều là anh chị em với nhau và là con cái Thiên Chúa. Quốc tịch, trình độ học vấn hay các khác biệt chính trị không quan trọng: tất cả chúng ta phải cùng nhau luôn luôn gieo vãi tình yêu khắp nơi, để có tình yêu thương giữa chúng ta. Nếu có tình yêu thương giữa chúng ta, thì khi đó chúng ta có thể làm được tất cả mọi sự. Nhưng không có tình yêu thương, thì sẽ không làm được gì cả”.

Để giúp tín hữu và nhân dân Nam Hàn chuẩn bị tinh thần đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicộ, ngày 11-8-2014 đài truyền hình quốc gia đã cho trình chiếu sứ điệp video của ngài, trong đó Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến! Chỉ còn vài ngày nữa, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ ở giữa anh chị em bên Đại Hàn. Ngay từ bây giờ tôi xin cám ơn anh chị em về sự tiếp đón của anh chị em, và tôi mời gọi anh chị em cùng tôi cầu nguyện, để cho chuyến tông du này đem lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội và xã hội Đại Hàn. ”Hãy dứng đậy và hãy bừng sáng” (Is 60,1), với các lời ngôn sứ Isaia đã nói với thành Giêrusalem, tôi xin nói với anh chị em. Chính Chúa mời gọi anh chị em tiếp nhận ánh sáng của Người, tiếp nhận nó trong con tim để suy tư trong một cuộc sống tràn đầy đức tin đức cậy và đức mến, tràn đầy niềm vui của Phúc Âm. Như anh chị em biết, tôi đến nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6. Đặc biệt tôi sẽ đem tới cho ngưới trẻ lời Chúa mời gọi: ”Hỡi giới trẻ Á châu, hãy đứng lên! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các con”. Ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu tỏa như trong một tấm gương nơi chứng tá của cha Phaolô Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tất cả là các chứng nhân của đức tin, mà tôi sẽ tuyên phong chân phước ngày 16 tháng 8 tới đây tại Seoul”. Người trẻ là những người đem theo niềm hy vọng và năng lực cho tương lai; nhưng họ cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần trong thời đại chúng ta. Vì thế tôi ước mong loan báo cho họ và mọi người danh thánh duy nhất, trong đó chúng ta có thể được cứu rỗi: Đức Giêsu là Chúa.”

Đức Thánh Cha nói thêm trong sứ điệp Video gửi tín hữu Đại Hàn: ”Anh chị em Đại Hàn thân mến, niềm tin nơi Chúa Kitô đã đâm rễ sâu trên quê hương của anh chị em và đã đem lại hoa trái dồi dào. Các người cao niên là những người giữ gìn gia tài đó: không có họ giới trẻ sẽ không có ký ức. Sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ bảo đảm cho con đường của dân tộc. Và Giáo Hội là đại gia đình, trong đó tất cả mọi người là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Nhân danh Người tôi đến với anh chị em, trong niềm vui được chia sẻ với anh chị em Tin Mừng tình yêu và niềm hy vọng. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Trinh Nữ Mẹ Người che chở anh chị em”.

Đức Cha You cũng đồng ý với nhận xét của Đức Thánh Cha liên quan tới người trẻ. Đức Cha cho biết thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội Đại Hàn hiện nay là chủ thuyết vô thần thực tiễn của một xã hội dựa trên sự ganh đua và thành công, dậy người ta chỉ nghĩ tới tiền bạc và công việc làm, đến độ mhiều người trẻ xem ra không còn thời giờ để sống đức tin nữa. Vì thế Giáo Hội phải đẩy mạnh mục vụ giới trẻ và chứng tá bác ái, là con đường đúng đắn giúp tới gần các thế hệ trẻ. Đức Cha hy vọng chuyến công du này của Đức Thánh Cha Phanxicô khiến cho tâm tình tôn giáo nở hoa, và giúp nhiều người khám phá ra niềm tin công giáo. Khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn trong các năm 1984 và 1989, số người xin gia nhập Giáo Hội gia tăng mạnh. Là vị chủ chăn đã khẳng định rằng trong Giáo Hội mọi tín hữu đều là các thừa sai, chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thúc đẩy mọi người các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ hăng say rao giảng Chúa Kitô cho các anh chị em khác.

(ASIANEWS 27.28.30-6-2014; 12-8-2014)

Linh Tiến Khải

Xem thêm

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

KHÔNG AI GHEN TỊ VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ

Trong tác phẩm “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến) của Jane Austen, gia …