Home / Chia Sẻ / BÃI XAN, một lần ghé thăm

BÃI XAN, một lần ghé thăm

DSC_1083Vào Thu tháng 8, nghe tin Cố Tổng, Linh Mục PhaoLô Nguyễn Văn Thảnh (Thanh Ngã), nguyên Tổng Phụ trách Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam trước năm 1975 chuẩn bị lui về nghỉ, sau 46 năm phục vụ Cộng đoàn Họ đạo Bãi Xan. Cha sẽ chia tay bổn đạo về an dưỡng tại nhà hưu các Linh Mục giáo phận Vĩnh Long, năm anh chị em chúng tôi, những người có mặt với ngài tại 202 Trương Minh Kí, Quận Tân Bình, trụ sở Phong trào TNTT Việt Nam khi mới được dời về Saigon vào cuối năm 1974, hẹn nhau về thăm Cha những ngày cuối trong lúc ngài còn là cha sở họ đạo.

Bãi Xan nơi tôi chưa từng đặt chân đến. Khi biết Cha là tác giả của bộ “Suy Nghĩ và Cầu nguyện” (viết năm 1963) trong lời nói đầu của tập sách có ghi “Viết tại Bãi Xan”, tôi mường tượng ra một vùng đất giáp với biển ở miền Tây, chắc là nhà thờ nhìn ra biển với bãi cát chạy dài như bãi biển vùng Hà Tiên, nên lần này có điều kiện về thời gian, tôi nhất định phải về thăm ngài cũng là khám phá vùng đất trong mơ đó. Thật vui khi có cha con anh Phan Phúc, người bạn thân, tuy không hoạt động trong Phong Trào TNTT nhưng cũng từng biết đến Cố Thảnh khi huynh đệ Giuse mà anh là Trưởng nhóm, từng giúp đỡ Cha và họ đạo những thiết bị về điện như quạt máy, dây điện khi Bãi Xan mới có điện về những năm 90. Anh có xe nhà 7 chỗ vừa đủ để 5 người chúng tôi xuôi một chuyến miền Tây. Đoàn gồm Minh Đỗ, Anh Tôn, Anh Phúc  thủ quĩ AHH, Chị Thu Lãnh, Cô Tiên, tập trung lúc 6 giờ 30 tại ngã ba đền Thánh Phêrô THI, Gx Lộc Hưng để khởi hành.

Chúng tôi, tiếng là thân với nhau từ rất lâu trong Phong trào, nhưng mỗi người mỗi việc, có đến cả năm nay lại mới xum họp đủ. Nghe tin báo có Anh Nguyễn Văn Liêm (tự Tâm) nguyên chủ tịch Phong Trào TNTT trước 75 cũng về từ Hoa Kì, ai cũng rộn niềm vui, tự phác họa khung cảnh gặp nhau của Thầy trò, hẳn là vui và xúc động lắm. Ra khỏi thành phố, xe vào đường cao tốc trực chỉ Tiền Giang. Bao kỉ niệm xưa trở về, mỗi người một câu chuyện về Cố Tổng, về những ngày chuẩn bị đại hội Về Đất hứa I, về trụ sở của Ban tổ chức,về việc chị Lãnh lập gia đình với anh Ninh, Phó chủ tịch đặc trách nghiên huấn, được Cố Tổng tác hợp. Anh Ninh cùng lớp với tôi, là chồng Chị Lãnh, được Chúa gọi về năm 1993 khi mới vào tuổi 43, về Trưởng Võ Văn Sang (Sang mập) cũng ra đi trước anh Ninh ít tháng trước đó. Chả mấy chốc xe đã đến vòng xoay vào Thành phố Mỹ Tho. Mọi người dừng chân điểm tâm sáng gần cả giờ vì những tâm tình thăm hỏi nhau không dứt. Chuyện gia đình, công việc làm ăn, về những người trưởng thân quen chí cốt nay đều thuộc tuổi U 70  nhưng vẫn tràn trề nhiệt huyết: “Cùng đi với các thiếu nhi, cùng đi với Chúa Kitô”. Ngậm ngùi nhớ đến những người Trưởng đã chia tay Phong trào khi còn đôi mươi vì cuộc chiến, Tuấn, Tài… những người trưởng không gặp được sau ngày hòa bình mà không biết tin tức như Vượng, Hùng, Kim, Khoái, Ghi, Tình… những người tha hương như Kim Dung, Trường, Lê, Thuận, Điện, cả anh Liêm, Trung mập ở Mỹ, Thắng, Hoan ở Úc…

8 giờ 30, xe qua cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến tre, đi tiếp xuống huyện Mỏ Cày Nam rồi trực chỉ Cầu Cổ Chiên. Khoảng 9 giờ chưa thấy các đồ đệ xuống, Cố Tổng nóng lòng điện cho Thu Lãnh xem tới đâu rồi, cha chỉ lo không biết con cái mình có trắc trở gì sao chưa thấy đến. Do chưa đi lần nào, cháu Pháp lái xe sợ bắn tốc độ nên chạy từ từ cho chắc ăn, vả lại vừa đi vừa muốn ngắm cảnh nên cũng không vội vã gì. Xe lên cầu, với mọi người lần đầu đi đường này, ngắn hơn đường qua Vĩnh Long nghe đâu cả 50 km, thật thú vị. Cầu bắc ngang con sông Tiền, mùa mưa nước đục ngầu phù sa báo hiệu cho một mùa bội thu của miền Tây sông nước sau những ngày nắng hạn, bị nước biển dâng xâm hại. Từ trên cầu, phía xa xa bên phải thấp thoáng bóng ngọn tháp ngôi nhà thờ. Đúng vậy, nhà thờ kia rồi! cả xe như reo lên. Qua cầu quẹo phải, vòng theo con lộ nhỏ, rẽ trái rồi chạy thẳng, ngôi nhà thờ cuối đường hiện ra. Đúng 9 giờ 30, xe vào sân nhà thờ, một Thầy chủng sinh trẻ ra đón.

Cố Tổng ra tận xe dắt tay cả đám vào với vẻ mặt vui tươi thấy rõ. Có người hơn hai chục năm mới gặp lại như Anh Phúc, còn ít hơn cũng gần chục năm. Chỉ riêng có Thu Lãnh là mới xuống thăm cha năm rồi, khi đi cùng đoàn thăm các cha hưu tại Tòa Giám Mục Vĩnh Long, chiều đi tiếp về Bạc Liêu viếng mộ Cha Trương Bửu Diệp ở Tắc Sậy, rồi vòng về ghé Bãi Xan thăm ông Cố và nghỉ đêm tại đây. Sáng ra đi tiếp về nhà thờ La Mã, Bến Tre viếng Đức Mẹ. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, vẫn dáng người mảnh khảnh, tưởng chừng yếu ớt nhưng dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười vẫn tươi tắn toát lên một sức sống trẻ nơi người già. Cố Tổng hỏi thăm từng người về công việc, về gia đình. Cha giới thiệu nhà thờ, cơ sở nhà xứ, dãy nhà sinh hoạt, khu vệ sinh… Hai chiếc bàn tròn đã kê sẵn với hơn chục chai nước lọc La Vie, vài đĩa bánh qui và đặc biệt 2 đĩa trái nhãn đặc sản còn nguyên cộng với lá vừa hái xuống từ trên cây của vườn nhà xứ. Các chị nữ tu (?) tươi cười qua lại, tíu tít mời chào dùng nước, ăn bánh, trái cây. Một chị thổ lộ: ”Sáng giờ con thấy Ông cố trông mấy bác, mấy cô dữ nha, cứ ra vào, lên xuống  coi bộ chờ lắm đó!”. Thế mới biết tấm lòng của Cố Tổng với anh chị em chúng tôi chí thiết thế nào.

Hai chị trưởng xoắn xít bên ngài làm tôi liên tưởng đến chị em Mattha và Maria với Thầy Giêsu trong Tin Mừng. Phần tôi, hơi thất vọng vì Bãi Xan không như mình nghĩ bấy lâu, nhưng phải công nhận bầu khí của miền quê êm ái, tĩnh lặng quả thật phù hợp với con người của Cố Tổng. Ngôi nhà thờ không hoành tráng nhưng toát lên vẻ trang nghiêm thánh thiện. Từ cổng bước vào, mặt chính diện là tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu giang tay mời gọi với trái tim chiếu những tia sáng mô phỏng theo linh ảnh Lòng Chúa Thương xót. Phía trên ngọn tháp là bảng chủ đề: “Năm Thánh Lòng Chúa thương xót”. Cánh trái gắn bảng với hàng chữ: “Hãy hoán cải và canh tân, tha thứ và cho đi để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa”, bên phải đối xứng là tấm bảng ghi: “Phúc thay ai thương xót người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” với nét chữ chân phương rõ ràng, đủ để mọi bổn đạo ai nấy sống tinh thần Năm Thánh và ghi nhớ trong lòng bổn phận đối với Thiên Chúa và anh em đồng loại, qua những câu trích trong Tin Mừng. Tôi nhớ đến một câu nói của một Cha Già đáng kính trong Hội Thánh“Một Linh mục Thánh Thiện thì giáo dân sốt sắng”. Sân nhà thờ đủ rộng để thiếu nhi, giới trẻ tâp họp. Góc trái là hang đá Đức Mẹ, nơi giáo dân sau giờ lễ mỗi ngày đến dâng mình cầu nguyện với Mẹ. Dường như đây là nét đẹp của các nhà thờ xứ đạo Nam bộ, nhà thờ nào cũng có núi đá Đức Mẹ, biểu lộ lòng yêu mến Đức Maria cách đặc biệt. Góc sân về phía phải là tượng đài Thương khó với Thánh tượng Chúa chịu đóng đinh trên đồi Gôn Gô Tha, có Mẹ Maria cùng môn đệ Người yêu dấu. Ngoại vi nhà thờ, phía trái là nhà các “Bà Phước“, hai từ thân thương để chỉ các nữ tu đang phục vụ xứ đạo. Bên phải, cách một con đường trong khu dân cư là nhà xứ, cộng với các cơ sở phụ thuộc như Nhà sinh hoạt gồm nhiều phòng, nhà ăn, nhà bếp, khu vệ sinh… được sắp xếp ngăn nắp, thoáng đãng dủ để đón khách xa hay các đoàn thể đến giao lưu, tĩnh nguyện. Giáo xứ cũng có ”Hội trường”, nghe cho oai chứ thực ra là một dạng nhà đa năng khung sắt, mái tôn diên tích khoảng 200 m2, vừa dùng để xe cho khách ngày thường. Chúa nhật  là nơi cho Thiếu nhi sinh hoạt, hội họp tránh mưa, tránh nắng. Cũng có khi dành cho các hội đoàn tổ chức hội họp, mừng bổn mạng. Hiện trong “Hội trường” còn gọi là nhà truyền thống của giáo xứ vẫn còn lưu giữ hình ảnh ghi lại ngày mừng 200 năm thành lập giáo xứ, mừng Cha sở tròn 80 tuổi, 50 năm Linh Mục với Phép lành của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Bảng ghi lịch sử hình thành họ đạo từ những năm 80 thế kỷ 19 đến nay đã trên hai trăm tuổi, với 30 vị Linh mục là Cha sở, trong đó có hai vị Giám Mục là Đức ChaGiuse Trần văn Thiện (1956-1958), chánh tòa GP Mỹ Tho và Đức Cha Raphael Nguyễn văn Diệp (1958-1961), Giám Mục Phó Mỹ Tho. Số Linh Mục gốc là bổn đạo Bãi Xan là 8 cha đang phục vụ tại giáo phận hay ở nước ngoài. Đức Giám Mục TôMa Nguyễn Văn Tân, nguyên Chánh tòa Vĩnh Long cũng là người gốc Bãi Xan. Hiện nay có 5 Thầy đang theo học tại Đại chủng viện Cần Thơ. Số Nữ tu gốc Bãi Xan chắc không nơi nào có với trên 100 Dì Phước các Hội Dòng. Hội Dòng MTG Cái Mơn đông nhất, 60 Dì. Còn lại các Hội Dòng MTG Thủ Thiêm, Chợ  Quán và Dòng Thánh Phao Lô Mỹ Tho. Giáo dân hiên nay trên 6000 nhân danh, bao gồm cả hai Họ lẻ Đức Mỹ, trên 1200; Nhị Long xấp xỉ 1000. Nhà thờ giáo xứ hiện nay là ngôi nhà thờ thứ tư, được xây dựng từ năm 1957 đến năm 1963 mới hoàn tất (7 năm). Cha Phaolô NGUYỄN VĂN THẢNH là cha sở thứ 30 tính từ khi Giáo xứ có Linh Mục về coi sóc năm 1825. Năm 2013 vừa qua, giáo xứ kỷ niệm 200 năm thành lập (1813-2013). Ngài đã từng là cha Phó từ năm 1958-1963, sau đó được Đức Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám Mục Đặc trách Công Giáo tiến hành của Hội đồng Giám Mục cử làm Tổng Tuyên Úy Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam đến năm 1974. Tháng 5 năm 1975, Cha nhận bài sai trở lại làm Cha sở Bãi Xan cho đến nay. Một Linh mục với 41 năm coi sóc một giáo xứ lớn nhất giáo phận Vĩnh Long, có bề dày truyền thống trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh Chúa tại Miền Nam. Những điều trên đây được ghi lại trong tập kỷ yếu nhân kỷ niệm 200 năm thành lập. Hình ảnh còn lưu lại nơi nhà Truyền thống (Hội Trường) giáo xứ hiện nay.

Trở lại nhà xứ, các anh chị Huynh trưởng vẫn quây quần bên Cố Tổng như muốn lưu giữ mãi hình ảnh vị Tổng Tuyên úy hơn 41 năm về trước. Nhớ những ngày đại hội Ban Lãnh đạo toàn quốc tại trụ sở Phong trào thuộc Tỉnh Vĩnh Long năm 1971, đại hội năm 1974 tại Bêtania Chí Hòa bắt đầu cho một giai đoạn mới, Cố Tổng đã phải nằm bệnh vì lo lắng cho việc hình thành Ban quản trị toàn quốc khi phải chuyển đổi trụ sở về Saigon hầu đáp ứng cho yêu cầu phát triển Phong trào. Những chuyến đi các trỉnh miền Trung của Cố Tổng để thống nhất đường hướng đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung của danh xưng Tổng Liên đoàn TNTT Việt Nam theo Tân Nội qui. Ông Cố kể lại chuyện khi sang Hoa Kì, nói chuyện với các Linh mục Tuyên úy và các Trưởng về việc gắn bó máu thịt với Thiếu nhi, đó là chuyện về một cầu thủ bóng đá, sau khi hết tuổi cầu thủ, chuyển sang làm Huấn luyện viên với niềm đam mê trái bóng. Cuối đời, khi biết phải giã từ thế giới thể thao mà ông một đời gắn bó, ông để lại di chúc cho con cháu là khi ông chết, hãy chôn ông cùng trái bóng đặt trên ngực với đôi tay giữ chặt. Người Huynh Trưởng TNTT là thế. Đã là Huynh trưởng thì suốt đời là Huynh Trưởng. Chúng mình nghe mà thấm thía người Thầy, người Cha suốt cả đời Linh Mục vẫn đau đáu cho Phong Trào. Ông Cố kể rằng vì thao thức “Cùng đi với các thiếu nhi, cùng đi với Chúa Kitô” mà năm rồi trong một cuộc tĩnh tâm Linh mục Giáo phận Vĩnh Long, Cố ngồi ăn cơm cạnh Đức Cha Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM, Giám Mục GP Mỹ Tho, Mình cũng đánh bạo xin Đức Cha thưa với Hội Đồng Giám Mục nên có một vị Giám Mục đặc trách Thiếu nhi, cụ thể là Thiếu nhi Thánh Thể vì hiện nay chỉ có đoàn thể này trên toàn quốc. Đức Cha Phêrô nói với Cha: Cha làm đơn đi rồi Ngài chuyển cho. Nghe vậy, cha về làm đơn thật nhưng cứ băn khoăn: Mình có tư cách gì mà gửi cho Hội Đồng Giám Mục. Đến nay, nghe nói thư của cha đã được chuyển cho Đức Cha Thiên, Giám Mục đặc trách giới trẻ của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, nhưng từ đó đến nay cha không thấy có hồi đáp gì cả”. Thao thức của Cha anh chị em mình cùng chia sẻ. Ông Cố còn dự định khi về hưu rồi, có điều kiện sẽ ra Hải Phòng trực tiếp thưa điều này với Đức Cha Thiên. Một vị Linh Mục suốt một đời sống với: “Nguồn sống Thánh Thễ chan hòa, là lý tưởng của người (Linh Mục) Thiếu nhi hôm nay”.

Giờ trưa đã điểm, ông Cố nhắc chúng mình dọn bàn để chuẩn bị bữa ăn. Chẳng thấy có nấu nướng ở nhà bếp, Thầy trẻ giúp xứ cũng không thấy lo thức ăn , đồ uống, thế nhưng chỉ ít phút sau các Dì, các cô bên nhà Bà phước mang đồ ăn qua. Hàng chục đĩa bánh xèo Bãi Xan vàng rực thơm ngon. Thì ra Ông Cố đãi bằng một bữa thuần túy Nam bộ. Cũng vừa lúc phái đoàn từ Châu Đốc sang, vợ chồng Anh Liêm, mấy người em, người cháu cùng đi. Thật là một buổi hội ngộ đáng quí. Cũng đến gần chục năm rồi chúng mình mới gặp lại anh Liêm. Lần này bà xã cùng về. Mọi người tay bắt mặt mừng rồi ngồi vào hai bàn ăn đã dọn sẵn. Các ông một bên, các bà một bên. Phía các ông thì có thêm món mực một nắng lai rai trước khi ăn no. Cố Tổng đem chai rượu Lễ (DonBosco) mời mỗi người một ly cho thơm miệng, đúng với truyền thống Cana. Món bánh xèo Nam bộ, nhân bánh thay cho giá đỗ thì được Bà Tám bổn đạo làm bằng dừa nạo khiến ai nấy trầm trồ thưởng thức. Có đến vài chục bánh khiến ai cũng ăn no nê mà cò để lại cả vài ba đĩa. Tò mò hỏi ông Cố về ngày lễ chia tay sáng hôm sau 3/8, Cố cho biết sẽ có Thánh Lễ chia tay quí Cha, bổn đạo Bãi Xan và hai họ lẻ về dự. Sau Thánh Lễ cũng dùng tiệc nhưng là tiệc… phở. Một cách đơn sơ nhưng thắm tình yêu thương. Từng người đến quầy như ăn buffet, lần lượt nhận phần ăn rồi ra các bàn ăn chọn chỗ tùy ý. Ai ăn thêm cứ tùy thích, quí khách mời, quí cha, quí tu sĩ cũng vậy. Vừa gọn, vừa ngon, vừa no nê thay cho tiệc bàn ta thường gặp, lại vui vì được thân mật trò chuyện. Ngon miệng vì cũng vừa đến gần giờ ngọ, cỡ 10 giờ 30 sáng. Ai bận việc có thể về sớm mà không bị ràng buộc bởi phải chờ đợi nhau. Hay lắm! Cách thức này chắc các xứ đạo Thành phố nên học tập, vừa vui vừa tránh lãng phí.

Trở lại chuyên trên bàn ăn, cha con vừa ăn vừa nghe cha kể chuyện về những ngày đầu tiên  sau Giải phóng: “Cha về Bãi Xan tháng 5/1975 khi ấy còn là Ủy Ban quân quản. Chỉ có bài sai của Tòa Giám Mục, cha đến Ủy ban Xã trình giấy nhưng không được thuận vì không có giấy tờ của chính quyền Tỉnh. Trở về Tòa Giám Mục để lên Tỉnh xin giấy giới thiệu. Vị cán bộ phụ trách chỉ ghi mảnh giấy bằng nửa tờ giấy vở học trò nhưng có con dấu đỏ. Cha trở lại trình Xã, Vị đại diện sau khi hội ý cả ban, trả lời: Xã dồng ý cho anh về Ở TẠM. “Ở tạm mà từ đó đến nay nay đã 41 năm”, Ông Cố cười khà khà. Vui thế đấy!

41 năm làm cha sở ở một họ đạo vùng sâu sông nước Cửu Long nhưng lại là một họ đạo lớn của Giáo phận Vĩnh Long. Cha về Bãi Xan nhưng còn phải chăm lo cho các họ lẻ như Nhị Long, Đức Mỹ, Cái Hô. Những năm 80, điện còn chưa về, bà con nhân dân trong huyện còn nghèo chủ yếu trồng lúa, khó nhọc nhưng cũng không đủ ăn, nhà nước phải cứu đói. Cha từng lội ruộng làm nông với mọi người, có lần ngã quị ngay trên ruộng lúa  bổn đạo phải đưa đi cấp cứu. Cha lặn lội tìm cách cải thiện cuộc sống cho bà con lương giáo trong vùng, vận động xin người quen trên Thành phố giúp cho một số máy may về mở lớp dạy may cắt cho thiếu nữ trong xã; vận động xây dựng nhà giữ trẻ do các Dì Phước nuôi dạy giúp cho cha mẹ ra đồng. Các cháu tiểu học thì trường của nhà xứ gần bên được nhà nước tiếp quản dạy con em, nhưng lên cấp II thì phải đi xa, lên xã. Cha vận động giáo dân và những nhà hảo tâm xây trường. Học sinh hết lớp 9 muốn học cấp III phải lên tỉnh, Cha làm lưu xá để học sinh có chỗ trọ học. (lưu xá này khi xã có trường cấp III được dành cho các sinh viên trọ). Những năm sau này cha xin tài trợ mở các lớp Phổ thông Trung học, mời giáo viên về dạy, dần dà đã hình thành trường cấp III hiện nay.

Chúng mình cũng lắng nghe Anh Liêm kể chuyện TNTT Việt Nam tại Hoa Kì, đã có nhiều thay đổi cho thích nghi với môi trường xã hội, với nền văn hóa Tây phương. “Giới trẻ Việt Nam không chỉ đem Chúa cho giới trẻ Việt Nam” như một mệnh lệnh từ câu kết của bài Thiếu nhi Tân Hành Ca, mà còn và phải là đem Chúa cho mọi người mọi nơi. Phong Trào TNTT tại các xứ đạo Việt Nam Hoa Kì được đánh giá là một “Trường Tông đồ cho giới Thiếu nhi Công Giáo Việt Nam”. Đã có nhiều nơi tại các giáo xứ  người Mỹ, Úc, Pháp… Phụ huynh tìm hiểu và mong muốn phổ biến loại hình này cho Thiếu nhi Công Giáo bản địa, nhưng chưa biết phải bắt đầu như thế nào. Chưa có một nghiên cứu, trao đổi, hội thảo nào để liệu Phong trào TNTT của Việt Nam có thể được “Quốc tế hóa“(?). Chị Lãnh, Cô Tiên những người Trưởng lão thành hiện đang cống hiến sức lực còn lại cho Liên đoàn TNTT Giáo phận Saigon cũng cho biết một thực tế  là không dễ có sự thống nhất trong tài liệu, sinh hoạt, huấn luyện tại các giáo xứ chứ chưa nói đến việc thống nhất trong toàn quốc. Nghe được những điều này, Cố Tổng chia sẻ thêm về mong ước cuối đời của cha trong bức thư gửi Hội Đồng Giám Mục của Ngài đến nay chưa nghe có tin tức gì.

Cơm nước xong, Ông Cố chỉ cho anh chị em nơi nghỉ trưa được dọn sẵn là nhà sinh hoạt của giáo xứ được chuẩn bị hôm trước. Chiếu, gối, máy quạt bật sẵn gợi nhớ lại những Sa Mạc huấn luyện ngày xưa. Huấn luyện viên, ban lãnh đạo ngày ấy đi đến đâu cũng có nơi làm việc, nghỉ ngơi là một căn phòng (lớp học), mọi người đều nằm đất với chiếu, gối, có thêm chiếc mùng tập thể 12m2 là đồ dùng mang theo của Ban Huấn luyện, dùng cho cả mươi người khi đêm về, thế là tiện nghi lắm rồi. Anh chị em chẳng ai vào nghỉ trưa, tranh thủ trò chuyện cho bõ những nhung nhớ sau bao ngày không gặp nhau. Thảo luận cũng có, tranh luận cũng nhiều, chọc ghẹo nhau cũng không ít. Ông Cố đi nằm chừng mươi lăm phút trên chiếc võng trong phòng rồi cũng lại mò ra, kéo ghế trò chuyện. Nghe Cha kể về lịch làm việc trong ngày, sáng ra lễ xong nghỉ ngơi chút rồi ăn sáng. Sau điểm tâm đi thăm bổn đạo hay làm công việc trong xứ. Rảnh việc thì đọc sách, viết sách. Trước giờ cơm đọc kinh nhật tụng, 11 giờ cơm trưa rồi nghỉ trưa. 15 giờ cha lên nhà thờ viếng Thánh Thể cùng với bổn đạo (việc này đã thực hiện hơn 40 năm nay). Chiều 17 giờ mở cửa nhà tạm Chầu Thánh Thể. 17 giờ 30 Thánh lễ. Chúng mình thưa với cha: Bãi Xan nên gọi là “Linh địa Thánh Thể “ được không?

Buổi trưa hôm ấy trời không nắng nóng, một cơn mưa nhỏ ào đến mang những cơn gió nhẹ báo hiệu cho buổi chiều tối mát mẻ hơn. Tối nay chắc có sinh hoạt văn nghệ của giới trẻ, thiếu nhi chia tay cha nên thấy quí chức đến dọn sân nhà xứ, cắt cây, tỉa cành những cây nhãn đang trổ lá xum xê khi mùa mưa tới. Xe chở dụng cụ âm thanh phục vụ cho buổi tối và sáng mai ngày lễ cũng vừa đến. Chuyện trò rồi cũng đến lúc phải dừng, anh chị em xin phép cha chia tay về lại Saigon. Cha níu kéo ở lại nghỉ đêm cho biết thế nào là sinh hoạt của giáo xứ những ngày lễ hội, nhưng chúng tôi phải từ chối vì cũng vẫn còn quá đa đoan sự đời? Một món quà bất ngờ cha trao tặng, gọi là “CỦA ĐỂ DÀNH” cho những người trưởng chí cốt: Bộ 5 cuốn VIẾNG CHÚA CHUNG (Tập 1 đến tập 5), mỗi tập gồm 30 bài  Chầu Thánh Thể, mỗi bài một chủ đề. Những bài viết này giáo xứ vẫn sử dụng mỗi ngày, có thể dùng cho cá nhân viếng Chúa Thánh Thể bất kỳ giờ nào trong ngày. Cha viết từ năm 2010. Tập V vừa hoàn tất tháng 01 năm 2016. Hai cuốn” NHỮNG ĐOẠN SÁCH HAY”, bìa in Ốp xét rất đẹp, nội dung là những trích đoạn sách mà cha đã đọc, nay cha ghi lại theo chương trình “Cổ vũ đọc sách” mà chính cha phát động vào năm 2015 cho giáo dân, nhất là giới trung niên, giới trẻ. Những cuốn sách này cha chỉ dành để tặng, không bán và cũng không giữ bản quyền, nghĩa là ai thấy hữu dụng, cứ việc nhân bản phổ biến. Quả là một tấm lòng nhân hậu cho đến những ngày lui về nghỉ, vẫn thao thức để lại chút gì cho thế hệ mai sau.

15g30, chúng tôi lưu luyến chia tay Ông Cố. Chụp với nhau ít tấm hình kỷ niệm. Hai chị Trưởng quyến luyến mãi không dứt, phải đến khi Cháu Pháp lái xe đến kế bên mới chịu dời bước. Xe chuyển bánh, ông Cố vẫn đứng nhìn theo. Không biết rồi sáng mai đây, những giọt lệ chia tay có làm cho người mục tử có kìm nén được cảm xúc của mình, hay phải dùng những thau để hứng như lời nói đùa mà xót của Tôn khi ra về?

Nhớ mãi Cha PhaoLô NGUYỄN VĂN THẢNH, một vị Linh Mục hết lòng phục vụ Giáo hội và quê hương, luôn đồng hành với dân tộc với chọn lựa: ”Đất nước này là lòng Mẹ đã cưu mang chúng ta trong ơn gọi là Con Thiên Chúa” (Thư chung 1980).

Tạm biệt nhé Bãi Xan! Hẹn sẽ gặp lại.

DSC_1114

Ký của Fx Minh Đỗ

(Trưởng Đặc cấp 1971)

Xem thêm

EUCHARIST

Suy niệm Tin Mừng THÁNH LỄ TIỆC LY, THỨ NĂM TUẦN THÁNH, của Lm Minh Anh

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO “Ngài yêu thương họ đến cùng!”. “Người khôn ngoan không …