Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật IV Phục Sinh, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật IV Phục Sinh, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CHÚA CHIÊN LÀNH  

 

Trong cuốn sách Xin Đừng Xa Nhau Nữa, Bemard Haring kể lại câu chuyện như sau:

“Ngày tôi còn bé, mẹ thường hỏi tôi rằng trên thân thể con người phần nào quan trọng nhất.

Tôi đã đánh vật với câu hỏi ấy của mẹ suốt nhiều năm tháng.

Tôi cố suy nghĩ nhưng chẳng bao giờ đưa ra được câu trả lời đúng cho mẹ.

Ban đầu, tôi nghĩ chắc hẳn âm thanh là yếu tố thiết yếu nhất trong cuộc sống con người vì thế tôi nói: “Phần thân thể quan trọng nhất, đó là hai tai của con, phải không mẹ?“

Mẹ bảo: “Ô! không phải đâu. Rất nhiều người xung quanh chúng ta bị điếc, con ạ.

Nhưng con cứ tiếp tục suy nghĩ đi và mai mốt trả lời mẹ nhé”.

Vài năm sau, mẹ lại hỏi tôi: “Phần thân thể nào của con là quan trọng nhất?”

Lần này, tôi trao cho mẹ câu trả lời mà mình đã suy ngẫm khá lâu:

 “Mẹ ơi, thị giác rất quan trọng đối với mọi người.

Vì thế đôi mắt của con chắc chắn là quan trọng nhất!”

Mẹ nhìn tôi, mỉm cười và nói:

“Con tiến bộ rất nhanh đấy. Giỏi lắm. Nhưng câu trả lời của con vẫn chưa đúng”.

Thêm nhiều năm nữa trôi qua, mẹ thỉnh thoảng nhắc lại với tôi câu hỏi ấy, và lần nào cũng vậy, cuối cùng mẹ nói với tôi:

“Không phải, con ạ. Nhưng con của mẹ đã tỏ ra thông minh hơn trước nhiều đó. Tốt lắm”.

Thế rồi năm ngoái, ông nội tôi qua đời. Một bầu khí buồn thảm chưa từng có bao trùm lên cả gia đình tôi. Mọi người đều khóc. Cả bố cũng sụt sùi sa lệ.

Tôi nhớ rất rõ những dòng nước mắt của bố tôi bởi vì đó chỉ là lần thứ hai trong đời mình tôi nhìn thấy bố khóc.

Khi tất cả gia đình đứng quây quần trước thi hài ông nội để nói lời chia tay cuối cùng, mẹ chợt nhìn qua tôi và hỏi: “Này con, giờ đây hẳn con đã nhận ra đâu là phần thân thể quan trọng nhất của mình rồi chứ, con yêu?”

Bất ngờ, tôi không hiểu tại sao mẹ chọn đúng vào lúc này để lập lại với mình câu hỏi ấy.

Bởi tôi vốn cho rằng đây chỉ là một trò chơi giữa mẹ và tôi thôi.

Đọc được vẻ lúng túng trên gương mặt tôi, mẹ bảo:

“Câu hỏi ấy vô cùng quan trọng, con ạ. Bởi vì, tùy vào câu trả lời của con mà con sẽ biết mình đã thực sự sống cuộc đời của mình hay chưa. Tất cả những câu trả lời của con trước đây đều không đúng, và mẹ đã giải thích cho con rõ tại sao. Mẹ nghĩ hôm nay là ngày con cần học lấy bài học quan trọng này cho đời mình. Mẹ cúi xuống nhìn tôi với ánh mắt thẳm sâu, trìu mến, người nói tiếp:

“Này con phần thân thể quan trọng nhất chính là đôi vai của con đó.”

Tôi nhìn mẹ thăm dò: “Vì đôi vai là điểm tựa của đầu con, phải không mẹ?

Mẹ trả lời: “Không phải thế đâu, mà đúng hơn bởi vì vai con sẽ là điểm tựa cho đầu của một người nào đó, khi họ khóc.

Con yêu, trong cuộc đời, ai cũng có lúc cần một chiếc vai để mình được gục đầu và khóc.

Mẹ chỉ mong sao con có đủ bạn hữu và người thân trong đời con, để khi cần, con luôn luôn có một chiếc vai mà tựa đầu vào”.

Bấy giờ tôi hiểu ra rằng điều quan trọng nhất trong đời người không phải là qui hướng về mình, băn khoăn về mình, lo lắng cho mình.

Chính sự đồng cảm với nỗi khổ đau của người khác mới là quan trọng nhất.

Những gì mình nói, người ta sẽ lãng quên.

Những gì mình làm, rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng…

Nhưng không bao giờ người ta quên những cảm xúc mà một ai đó đã đem lại cho mình[1]

Phải, Mẹ chỉ mong sao con có đủ bạn hữu và người thân trong đời con, để khi cần, con luôn luôn có một chiếc vai mà tựa đầu vào.”

Những gì con nói, người ta sẽ lãng quên. Những gì con làm, rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng…

Nhưng không bao giờ người ta quên những cảm xúc mà một ai đó đã đem lại cho mình.

Phải, chúng ta luôn cần đôi vai của một ai đó để tựa vào đó khi cần.

Một đôi vai, làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của con chiên đi lạc.

Chúa Giêsu đã vác nó lên vai để đem nó về chuồng.

Nó đi lạc, bởi vì nó tự rời xa đàn.

Nó muốn được tự do. Nó muốn được tự lập, nhưng suýt nữa nó đã vong mạng.

Đang lúc nguy kịch thì người mục tử nhân lành là Chúa Giêsu đã đến kịp thời.

Ngài không la mắng, ngài không quát tháo, nhưng vác nó lên vai. Nó đã yên tâm khi được nằm gọn trên đôi vai của Chúa.

Một hình ảnh thật sống động về đôi vai mà người mẹ trong câu chuyện muốn diễn ta với đứa con của mình.

Với hình ảnh đó, chúng ta sẽ rất thấm thía khi nhắc lại thánh vịnh 23

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23). Amen.

 

Ngày cầu cho ơn gọi

Câu chuyện “con muốn làm linh mục”

Đức Hồng y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: “tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi”. Cha tôi là một công nhân nghèo. Người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện.

Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp.

Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu.

Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi.

Tôi rụt rè thưa với cha tôi: “Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?”

Cha tôi trả lời:

“Con ơi, ở tuổi con, ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn”.

Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi:

“Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục”.

Bình thường, cha tôi là một người ít để lộ tình cảm.

Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má… Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.

Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: “Ba má đã hy sinh quá nhiều… Nhưng để được một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh”.

Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn trung học, tám ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín báo cha tôi đau nặng.

Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.

Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.

Thiên Chúa muốn gọi ai tuỳ Ngài muốn.

Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc…

Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện.

Có những nơi hạt giống ơn gọi được nẩy mầm, vun xới.

Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹ…

Thiên Chúa kêu gọi ai tuỳ Ngài muốn, nhưng để được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng…

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.

Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở… mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.

Thánh Gioan Bosco đã nói:

Phần thường trọng đại nhất mà Chúa có thể dành cho một gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục.

Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ võ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi.[2]

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Thanh Thanh Huyền, ACI, Niềm vui Kitô hữu, trg. 162-164

[2] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.161-162

 

 

Xem thêm

PAUL ON THE DAMASCUS ROAD

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, của Lm Minh Anh

LỐC THÁNH THẦN “Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”. Trong một bữa tiệc, Mark Twain …