Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Lễ Chúa nhật III Phục Sinh, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Lễ Chúa nhật III Phục Sinh, năm B, của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông Đồ: Trước tiên với các phụ nữ (Lc 24,1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24,13-25), và cuối cùng cho các Tông Đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24, 35-48).

Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với những mức độ khác nhau.
Qua các lần hiện ra, Đức Giêsu làm chứng rằng Chúa đã sống lại bằng một phép lạ chưa từng có trên đời này.

Để các Tông Đồ tin, Ngài đã làm hết mọi cách từ tâm lý đến thể lý, từ lịch sử đến việc thực hiện lời hứa trong Thánh Kinh. Bởi vậy, khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông Đồ lúc đêm xuống, thì thánh sử nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài.

Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hay là một hồn ma hiện về.

Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân xác không phải phi vật chất hay linh thiêng, nhưng là một thân xác có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được mai táng trong mồ.

Chính là thân xác vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ mó được.
Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn.
Khi các Tông Đồ đã ổn định về tâm lý và thể lý rồi, Chúa mới hướng dẫn các ông về những bằng chứng lịch sử: ”Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Maisen, các sách tiên tri và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy, đều phải được ứng nghiệm”.
Đức Giêsu nói cho các Tông Đồ biết toàn bộ Kinh Thánh đã ứng nghiệm về Ngài.

Để thấy rõ điều ấy, Ngài đã “dẫn giải cho các ông những điều viết về Ngài trong toàn bộ Thánh Kinh”(Lc 24,27). ([1])

Sau đó, Đức Giêsu Phục Sinh kêu gọi các môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người.

Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng phải trở nên chứng nhân của sự sống mới đó như trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân của công đồng Vatican II:

“Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến.

Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người.

Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa”(.[2] )

Làm chứng nhân bằng đời sống. 

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài “Truyền Giáo”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải xử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo Hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà bình. 

Trong lúc mọi người đang hăng say đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu:

”Tại Phi Châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh, chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo  ([3]). 

Quả thật, trước đây khá lâu, gia đình Albert Schweitzer đã được gởi đến Phi Châu với hoàn cảnh như sau:
Albert Schweitzer, khi còn nhỏ là một cậu bé rất thông minh, lại say mê âm nhạc.

Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và cuối cùng đã trở thành tiến sĩ âm nhạc.

Sau đó, Albert nghiên cứu các chủ đề về tôn giáo, và đã đậu tiến sĩ triết học.

Như thể học chưa đủ, ông từ chức Hiệu Trưởng để theo ngành y khoa, bảy năm sau, trở thành bác sĩ với bằng tiến sĩ y khoa.

Với ba bằng tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành một người giàu có và nổi tiếng.
Thế nhưng, Albert Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài, sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hàng ngàn người phong cùi và những người mắc bệnh buồn ngủ.Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ giúp ông.

Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc trong thành phố lớn, bán vé để trả tiền chi phí mua thuốc men cho bệnh viện của ông ở Lambarene.

Ông tin rằng những người nghèo ở Châu Phi đều là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa.

Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1953.
Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho người Châu Phi nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Cha năm 1965 lúc 90 tuổi.
Câu chuyện của Albert Schweitzer gợi ý giúp chúng ta biết phải làm chứng nhân cho Chúa như thế nào trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Giuse Đinh lập Liễm, CN 3B PS

[2] Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 16 

[3] R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, trg. 208

Xem thêm

PAUL ON THE DAMASCUS ROAD

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, của Lm Minh Anh

LỐC THÁNH THẦN “Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”. Trong một bữa tiệc, Mark Twain …