Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài Giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài Giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Đức Giáo hòang Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua vào ngày 11.12.1925 trong bầu khí tạ ơn và hân hoan của Năm thánh 1925.

Ngài thiết lập lễ này vì vào những thập niên đầu thế kỷ 20, thế giới phải đối diện với trào lưu tục hóa và các chủ thuyết khác.

Về phía Giáo Hội, qua việc mừng kính tước hiệu là Vua của Chúa Kitô, Giáo Hội khẳng định niềm tin trước sau như một của mình là tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô trên mọi con người, mọi gia đình, mọi xã hội và trật tự nhân loại, đồng thời Giáo Hội cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta chuẩn bị tâm hồn chờ đợi Chúa đến trong ngày tận thế với tư cách là vị Vua Thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

Chính vì vậy, bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân chia mọi người trên trần gian thành hai loại: Một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin.

Để ám chỉ hai loại người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh chiên và dê, là hình ảnh mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng (x. Ed 34, 17-24). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại.

Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau – không phân biệt được – trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới được phân rẽ: «cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm» (13, 30).

Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt.

Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào? Và đâu là tiêu chuẩn để Thiên Chúa phân loại?

Tin Mừng cho ta thấy:
– Ngày ấy, toàn nhân loại được phân ra thành hai loại: chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa.

– Ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào.

– Ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất: đó là cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.
Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai hành hương nhiều, ai cúng vào nhà thờ nhiều…

Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân.

Như thế, chính hành động của chúng ta – chứ không phải lời nói hay cái gì khác – quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia

Truyện: thánh Martinô thành Tours
Martinô là một quân nhân Rôma và một Kitô hữu. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, khi ông đi vào một thành phố, có người hành khất chặn ông lại xin bố thí, Martinô không có tiền, nhưng ông thấy người hành khất xanh xao và run rẩy vì lạnh, ông cởi chiếc áo khoác đã sờn rách và xé một nửa cho người hành khất. Tối hôm ấy ông nằm mơ thấy thiên đàng có các thiên sứ đang bao quanh Chúa Giêsu và Ngài đang mặc nửa chiếc áo lạnh của ông.

Một thiên sứ hỏi Chúa Giêsu: ”Tại sao Ngài mặc chiếc áo sờn rách đó? Ai đã cho Ngài áo đó”? Chúa Giêsu trả lời: ”Martinô, tôi tớ của Ta đã cho Ta”.

Quả thật, như bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã xác quyết:

Ta bảo các ngươi: “những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40)

Và Chúa nói tiếp: “Hãy đến, hỡi những kẻ cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo thành vũ trụ.

Vì khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống,

Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc,

Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm, Ta bị tù đầy, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-36).

Thật là hạnh phúc cho chúng ta, nếu được Chúa nói với chúng ta như vậy trong ngày tận thế với tư cách là vị Vua Thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

 

 

Xem thêm

CHUYỆN HỆ LỤY

CHUYỆN HỆ LỤY

Dù tam giác hay đa giác, các cạnh và các góc đều có mối liên …