Home / Học Hỏi Linh Đạo / Bài 16: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Bài 16: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Dẫn vào

Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã từng nêu ra một thực trạng nhân sinh:

Có lẽ là hơn hẳn quá khứ, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và xóa bỏ khỏi trái tim con người chính ý tưởng về lòng xót thương.[1]

Còn trong Thư Mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2016, Đức cha Phao-lô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục TGP. Sài Gòn-TP. HCM, đã nhấn mạnh đến “Mùa Chay của Lòng Thương Xót”, với dấu nhấn đặc biệt hơn trong “Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối” như những biểu hiện của “Lòng Thương Xót Nhập Thể”.[2] Sang đến Thư Mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh năm nay (2017), ngài tiếp lời diễn giải đậm đà nguyên chất Thánh kinh:

(1) “Mùa Chay là thời gian cho những người con hoang đàng trở về cùng Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót”;[3]

(2) “Nếu Chúa chấp tội thì nào ai đứng vững được chăng, nhưng vì lòng từ bi thương xót mà Chúa rộng tình thứ tha”;[4]

và rồi, ngài ban thêm lời khuyên dạy:

(3) “Hãy tận tâm thi hành sứ vụ làm chứng cho ‘Lòng Thương Xót bao la vô bờ bến’ của Thiên Chúa, biểu lộ nơi ‘Sự Chết và Sự Sống Lại’ của Chúa Giêsu”.[5]

Vậy phải chăng lúc nào thì Giáo hội cũng cần ra sức tìm được niềm vui ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân; nhưng trong thời đại này, hãy là sự tận tâm thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng Tình Yêu-Xót Thương cho muôn dân? Đúng vậy. Bởi lòng Chúa thương xót là nét đặc thù của Tin mừng Đức Ki-tô Giê-su, là căn cội đích thực mà nhân loại cần đến, là sự truyền dẫn sức sống thần linh một cách thiết yếu cho con người. Sức sống ấy là sự can đảm trong Hành trình Mùa Chay. Sức sống ấy cho con người luôn kiên trì dấn bước trong Mầu nhiệm Vượt Qua. Sức sống ấy tuôn tràn hôm nay trong định hướng tương lai được vui hưởng Chân lý Phục Sinh cách viên mãn.

Năm lần sử dụng từ mercy

  1. APV 10,11
  • The time has come for the Church to take up the joyful call to mercy once more. (APV 10,11)
  • Le temps est venu pour l’Eglise de retrouver la joyeuse annonce du pardon. (APV 10,11)
  • Đã đến lúc Giáo hội phải tìm lại niềm vui loan báo lòng xót thương. (APV 10,11)
  1. APV 10,13
  • Mercy is the force that reawakens us to new life and instils in us the courage to look to the future with hope. (APV 10,13)
  • Le pardon est une force qui ressuscite en vie nouvelle et donne le courage pour regarder l’avenir avec espé-rance. (APV 10,13)
  • Lòng thương xót là lực thức tỉnh chúng ta đối với sự sống mới và truyền dẫn cho ta sự can đảm để nhìn về tương lai với niềm hy vọng. (APV 10,13)
  1. APV 11,3
  • First, Saint John Paul II highlighted the fact that we had forgotten the theme of mercy in today’s cultural milieu: “The present-day mentality, more perhaps than that of people in the past, seems opposed to a God of mercy, and in fact tends to exclude from life and to remove from the human heart the very idea of mercy. (APV 11,3)
  • Tout d’abord le saint Pape remarque l’oubli du thème de la miséricorde dans la culture actuelle: “La menta-lité contemporaine semble s’opposer au Dieu de misé-ricorde, et elle tend à éliminer de la vie et à ôter du cœur humain la notion même de miséricorde. (APV 11,3)
  • Trước hết, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã làm rõ sự kiện là chúng ta đã quên chủ đề lòng thương xót trong môi trường văn hóa ngày nay: “Có lẽ là hơn hẳn quá khứ, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và xóa bỏ khỏi trái tim con người chính ý tưởng về lòng xót thương…’”.  (APV 11,3)

Thực tế mục vụ

Việc tận tâm thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng Tình Yêu-Xót Thương cho muôn dân là sứ vụ mãi mãi; nghĩa là, trong bất kỳ thời khắc nào, trạng huống nào, nơi chốn nào, giới răn “tình yêu-xót thương” là giới răn dành cho mọi Ki-tô hữu để vững tin vào, để cậy trông với, và hy vọng đến. Sứ vụ ấy hiển nhiên cũng đòi buộc sự trải nghiệm của bản thân. Sự trải nghiệm bản thân về giới răn “tình yêu-xót thương” là sống chính giới răn tình yêu ấy bằng những nỗ lực thật sự: sẵn lòng dấn thân cho Mầu nhiệm Vượt Qua, hân hoan tự nguyện vì Chân lý Phục Sinh và ra đi loan báo Tin mừng Tình Yêu-Xót Thương của Chúa dành cho nhân loại.

Nỗ lực này, không đơn thuần chỉ như hoạt động cần cố gắng trong một tổ chức bác ái xã hội, hay một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận… mà còn phải hơn thế bội phần. Nỗ lực này của mọi Ki-tô hữu trong Giáo hội với tư cách là những chi thể trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô – Đấng là biểu hiện tuyệt vời, đồng thời cũng là nguồn mạch thương xót của Thiên Chúa giàu lòng xót thương – góp phần làm nên một Giáo hội đích thực, Giáo hội của Đức Ki-tô Giê-su. Vâng, nỗ lực này thuộc về bản chất của Giáo hội, trong đó mọi người ra đi trong hân hoan để loan báo chính lòng xót thương của Chúa, loan báo Tin mừng Tình Yêu-Xót Thương.

Với định hướng như thế, các hoạt động trong đời, các việc tông đồ bác ái của chúng ta mới đích thực làm thức tỉnh chúng ta hướng tới Chân lý Phục Sinh, cho ta sự can đảm để sống Tinh thần Mùa Chay, sống Mầu nhiệm Vượt Qua mà lòng luôn hướng về tương lai sẽ được sống lại trong niềm hy vọng tràn đầy của Tình Yêu-Xót Thương. Chẳng vậy mà Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã dạy chúng ta đừng sao nhãng sự thật về Thiên Chúa, đừng phạm sai lầm của thời đại khi loại khỏi cuộc sống ý tưởng về lòng xót thương của Thiên Chúa.

Can đảm với hành trình Vượt Qua, Ki-tô hữu vui hưởng Mùa Phục Sinh đích thực. Mùa Phục Sinh đích thực có nơi đến là Thiên Đàng, nhưng tất cả cần phải bắt đầu ngay tại trần gian – và luôn luôn khả dĩ như thế – mỗi khi người ta can đảm sống với hành trình của lòng xót thương. Nói khác đi, hành trình Mùa Chay-Phục Sinh của chúng ta cần theo đúng bước chân can đảm, cần theo sát tấm gương phục vụ của Đức Ki-tô Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.

Thật ra, đã có rất nhiều gương sáng xung quanh ta; các thánh tử vì đạo tại Việt Nam chẳng hạn. Tuy nhiên, câu chuyện về Đức Giám mục Jean Cassaigne (1895-1973) từ chức Giám mục GP. Sài Gòn để đến phục vụ anh chị em Trại phong Di Linh,[6] hay câu chuyện về nữ tu Louise Bannet (+1982), vốn là một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, đã can đảm từ bỏ nghề tiếp viên hàng không nhiều người mơ ước, để có thể đi phục vụ người nghèo, người phong cùi,[7] có thể lại là những minh họa sống động không kém và rất gần gũi đối với chúng ta về thế nào là Tin mừng Tình Yêu-Xót Thương.

Để kết

Không chỉ đợi Mùa Chay, Mùa Phục Sinh… rồi ta mới “thương người có mười bốn mối”, mới “thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối”, nhưng hãy thực hiện theo “Mùa Quanh Năm”, nghĩa là thường xuyên thực hiện.

 Không chỉ sống theo chủ trương: “Mùa Chay là thời gian cho những người con hoang đàng trở về cùng Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót”,[8] “Nếu Chúa chấp tội thì nào ai đứng vững được chăng, nhưng vì lòng từ bi thương xót mà Chúa rộng tình thứ tha”,[9] nhưng (3) “Hãy tận tâm thi hành sứ vụ làm chứng cho ‘Lòng Thương Xót bao la vô bờ bến’ của Thiên Chúa, biểu lộ nơi ‘Sự Chết và Sự Sống Lại’ của Chúa Giêsu”.[10]

Bởi lẽ: (1) “Đã đến lúc Giáo hội phải tìm lại niềm vui loan báo lòng xót thương” (APV 10,11); (2) “Lòng thương xót là lực thức tỉnh chúng ta đối với sự sống mới và truyền dẫn cho ta sự can đảm để nhìn về tương lai với niềm hy vọng” (APV 10,13); (3) “Trước hết, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã làm rõ sự kiện là chúng ta đã quên chủ đề lòng thương xót trong môi trường văn hóa ngày nay: ‘Có lẽ là hơn hẳn quá khứ, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và xóa bỏ khỏi trái tim con người chính ý tưởng về lòng xót thương…’”  (APV 11,3).

LM Giuse Tạ Huy Hoàng

[1] Gio-an Phao-lô II, APV 11,3.

[2] X. Bùi Văn Đọc, Thư Mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2016, ban hành ngày 03-02-2016.

[3] Bùi Văn Đọc và Đỗ Mạnh Hùng, Thư mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2017 (gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh cùng toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo phận Sài Gòn), số 4.

[4] Bùi và Đỗ, Thư mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2017, số 1.

[5] Bùi và Đỗ, Thư mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2017, số 7.

[6] Lịch sử hình thành Giáo phận Đà Lạt luôn gắn liền với tên tuổi của Đức Giám mục Jean Cassaigne, người cha hiền của anh chị em dân tộc và của những người phong cùi

(x. http://www.simonhoadalat.com/diaphan/truyengiao/gmnguoicui.htm)

[7] Sau đó, Louise Bannet gia nhập vào Hội dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam (http://www.simonhoadalat.com/hochoi/– tailoanbaotinmung/38phucsinhvatanpah.htm).

[8] Bùi và Đỗ, Thư mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2017, số 4.

[9] Bùi và Đỗ, Thư mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2017, số 1.

[10] Bùi và Đỗ, Thư mục vụ Mùa Chay-Phục Sinh 2017, số 7.

Xem thêm

images

Bài 40: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Dẫn vào Tiếp theo bài trước – vẫn là số 4 Tông chiếu Dung Nhan …